Theo dòng Như Ý

Ẩn dưới những hàng cây đủ loại âm u, rậm rạp như tre, bạch đàn, sanh, sung phủ kín những con đường làng quanh co, dòng sông Như Ý như một dải lụa màu xanh ngọc bích trong vắt đầy bí ẩn.

Con sông mang đến hơi gió mát lành cho xóm làng vùng thành phố Huế, huyện Phú Vang và huyện Hương Thủy, êm ả giữa cơn gió Lào trong mùa hạ đổ lửa.

Lần đầu tiên chúng tôi đến với Như Ý khi vùng này còn hoàn toàn hoang sơ. Sau một chuyến đi dài khám phá những di tích từ thành phố Huế về đến cầu ngói Thanh Toàn - huyện Hương Thủy, chúng tôi chọn một quán nhỏ ven sông ở xã Phú Mỹ - huyện Phú Vang làm điểm dừng nghỉ trên đường về. Dù đã mệt nhoài với cảnh dãi nắng dầm mưa, nhưng con sông có cái tên Như Ý dịu hiền và những bến nước cây đa ma mị… đã quyến rũ chúng tôi quyết định ngủ lại thêm một đêm.

Con sông này thật lạ! Đôi bờ nằm giữa đường Nguyễn Công Trứ và Hàn Mặc Tử - thành phố Huế, ngay giữa đất Huế bỏng cháy gió Lào, vậy mà chỉ vài chục bước chân là không khí đã thay đổi hẳn. Không chỉ ngồi dưới tán cây um tùm che bóng mát, ngay cả khi đứng trên Đập Đá hoặc cầu Vỹ Dạ bắc ngang sông, nắng chói chang trên đầu, gió lửa ràn rạt thổi, mà sao cảm thấy mát mẻ dễ chịu, mọi nhọc mệt ban đầu đều tan biến.

Sông Như Ý ở làng nón bài thơ Tây Hồ

Tên chữ của sông Như Ý là Thiên Lộc Giang (sông Lộc Trời). Ngày xưa là nhiều đoạn kênh rạch riêng rẽ. Khoảng thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn cho đào nối các kênh rạch này thành dòng liên tục, nối sông Hương với sông Lợi Nông đổ ra đầm Hà Trung, tạo ra sông Như Ý.

Cái tên này có nghĩa là dòng nước “mọc” lên từ lòng đất, rồi được con người chỉnh trị và cải tạo. Nó bắt nguồn từ hệ thống sông Hương, chảy qua các vùng đất trù phú bậc nhất ở Huế, lại còn hợp lưu nhiều kênh rạch nhỏ “mọc” lên từ ruộng đồng màu mỡ. ven sông có nhiều phủ đệ vào hàng di tích văn hóa lịch sử, cùng vô vàn nhà vườn kiểu Huế, xanh mướt cây trái. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mạng lưới sông nước của Kinh thành Huế là một mạng lưới hoàn hảo, mà đến nay vẫn chưa hiểu ông cha ta xưa đã tính toán theo cách nào.

Dòng Như Ý len lỏi qua thôn Vỹ Dạ, lững lờ chảy trên những bãi bồi Xuân Phú, Thủy Vân..., rồi cuộn xoáy tung bọt gầm gào trên những trạm bơm thủy lợi Phú Mỹ, Phú Hồ. Cuối cùng dòng sông lặn mất hút vào các bờ lau lách chằng chịt, chỉ còn nghe tiếng nước rì rào như vọng lên từ lòng đất. Về sau lại tuôn trào như mọc lên từ một cồn bãi khác!

Cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang sông Như Ý

Trên đường khám phá Như Ý, du khách sẽ lần lượt đi qua những ngôi làng nổi tiếng, như làng phở Vân Dương - nơi sinh thành 11 cô gái sông Hương anh hùng, đã được Bác Hồ tặng thơ. Và những chợ nón Dạ Lê, làng nón bài thơ Tây Hồ, phủ thờ danh tướng Tôn Thất Thuyết…, thi thoảng lại thấy những chiếc rớ cá, chiếc cầu tre nhỏ nhỏ, soi bóng xuống làn nước xanh thẳm.

Dọc theo dòng Như Ý chưa có nhiều hàng quán, chỉ có vài ba căn nhà gỗ lợp ngói ẩn mình giữa vườn cây. Đến đây, thực khác sẽ được thưởng thức những món ăn làm từ cá tươi rói, nướng thơm lừng trên lửa than… Buổi trưa yên ả, du khách thả mình lên chiếc võng mắc ngay trên những thân cây sung già, mơ màng nghe làn gió đồng thì thầm. Cơn gió hiu hiu mang theo mùi lúa chín nồng nàn, thoang thoảng…

Đoàn Vũ