Thế mà ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, lại cho rằng các công ty đó lỗ. Thế là sao? Ở đây có vấn đề gì? Nếu ông Vương đúng, mà chắc chắn là đúng, vì ông là Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông đã “kiểm toán” rồi mới nói, thì ông Nguyễn và các người khác tại sao lại đi bảo vệ, che chắn cho cái sự lỗ giả, lãi thật?
Có hay không những khuất tất đằng sau? Vì giá xăng dầu đâu chỉ là giá xăng dầu, mà còn là cái ảnh hưởng quyết định đến giá cả hàng loạt các mặt hàng khác.
2. Lương giáo viên Mầm non: Ai cũng xót xa, kinh ngạc khi biết lương của các cô giáo mầm non ở Thanh Hóa (và tất nhiên không chỉ Thanh Hóa) chỉ có 500.000đ/tháng. Có cô phải đi lại mỗi tháng tốn 100.000đ xăng xe, thế là còn 400.000đ!
Chớ nghĩ dại dột rằng, dạy Mầm non là dạy bậc thấp, lương ít! Mà phải nghĩ rằng, dạy Mầm non là dạy bước đi đầu đời, cực kỳ quan trọng. Phải có lòng yêu trẻ, yêu nghề, chịu thương chịu khó, phải có kỹ năng, kiến thức, sư phạm, hiểu tâm lý lứa tuổi… mới dạy tốt được.
Mai này lớn lên, các em thành người là nhờ các cô! Thế mà lương 500.000đ! Có hàng chục vạn cô giáo Mầm non như thế. Thử hỏi làm sao giáo dục không xuống cấp!
3. Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam: Tỉnh Quảng Nam chi 410 tỉ đồng để dựng tượng Bà mẹ Nguyễn Thị Thứ - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Lập tức dấy lên nhiều ý kiến.
Rằng, Quảng Nam là một tỉnh nghèo, nhiều huyện miền núi còn rất khổ, lũ lụt triền miên. Giá như 410 tỉ ấy để mà làm trường học, làm bệnh viện, chi cho bao nhiêu cái cần kíp khác…
Tượng đài thì cũng quý, cũng có tác dụng, nhưng chính những “tượng đài sống” ta còn chăm lo chưa hết, nhiều Mẹ vẫn còn sống nghèo khổ, lam lũ. Vậy thì cái tượng đài hoành tráng ấy còn có ý nghĩa gì?
Thành phố lớn cần một số tượng đài, nhưng cũng nên vừa phải. Đừng nghĩ chỉ có tượng đài mới thể hiện sự tôn vinh, lòng biết ơn, mới tuyên truyền giác ngộ người dân.
Không đâu! Lịch sử ta dài mấy ngàn năm, biết bao anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa… làm sao dựng tượng đài cho xiết! Có nhiều cách để tôn vinh, để tỏa sáng. Cách tốt nhất là làm tốt công việc xây dựng kinh tế, văn hóa, lo cho dân đỡ khổ đỡ nghèo…, tự khắc người ta ân nghĩa với chế độ, với chiến tranh cách mạng, với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhiều nơi cứ “dựng chuyện” để “dựng tượng đài”. Rất tốn tiền! Nhưng nhiều người nghi ngại cái “đằng sau” tượng đài.
Anh Đinh Nguyên Long ở 328B Hai Bà Trưng, Tân Định, Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh với Hồn Việt: “Một thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh mà dám bỏ ra 410 tỉ làm tượng đài, nhân dân còn không đồng tình, chứ đừng nói Quảng Nam còn nghèo như thế”.
Ông bác sĩ Nguyễn Thập, 14 Phan Kế Bính, Đa Kao nói: “Cứ bỏ món tiền ấy vào y tế, giáo dục, sẽ “sinh lợi” khôn cùng! Chữa được một người bệnh, họ khỏe mạnh và trở về làm việc, sản xuất, ích nước lợi nhà, đó sẽ là những “tượng đài sống”…
Có lẽ nên có một quy chế rõ ràng trong cả nước về việc dựng tượng đài. Ngay cả việc dựng tượng đài Bác Hồ! Bởi Bác Hồ cần kiệm, liêm chính, rất ghét xa hoa, phô trương, Bác “lai vô ảnh, khứ vô hình; Không cần ẩn vào các tượng đồng bia đá!”: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (thơ Tố Hữu).
Đừng làm bất cứ việc gì mất lòng dân, đó là tôn vinh Cụ Hồ, tôn vinh kháng chiến, cách mạng, bảo vệ chế độ, nước nhà!
4. Giảm tải giáo dục: Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa cho giảm tải một số môn trong chương trình học phổ thông! Thế cũng là tốt, nhưng còn quá chậm so với sự ì ạch của cỗ máy giáo dục. Dồn các em vào chỗ bị “tra tấn”, bị xóa mất tuổi thơ…, để làm “ngu” các em, đó đâu phải là giáo dục.
Canada, một nước trong G7 tiên tiến, học 9 năm, rồi 2 năm nữa, mà họ đâu có thua ai? Ta trước 10 năm, rồi khối người thành tài, thành danh. Nhồi nhét nhiều, nhân danh kiến thức nhân loại, học trò chán học, lãng phí tiền của thời gian vô kể, mà các vị cứ bình chân như vại sao được?
Đã có nhúc nhích rồi, cần tính tổng thể, “căn bản”, “toàn diện”, chứ giáo dục là của toàn dân, của 22 triệu học trò và 1 triệu thầy cô giáo, chẳng được ai quan tâm khẩn thiết, thực chất, căn bản, chiến lược… thì dân giàu nước mạnh làm sao được?
5. Tỉnh Lào Cai nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh vào 1/10 đã ra yêu cầu tất cả các hộ dân, cơ quan công sở phải treo đèn lồng đỏ, bắt đầu từ ngày 25/9.
Đa số nhân dân đã phản đối chủ trương này vì việc treo lồng đèn đỏ hoàn toàn không hợp với tập quán và văn hóa Việt.
Bên cạnh ấy, việc buộc người dân phải mua với giá 125.000 đồng/1 chiếc và 100.000 tiền công mắc điện, mua bóng đèn là đi ngược chủ trương tiết kiệm của Nhà nước.
Ngày kỷ niệm sao không treo cờ tổ quốc mà lại treo lồng đèn đỏ?