Đây là một tin vui, một tia nắng ấm sau nhiều nỗi buồn đau, sau nhiều ngày trời u ám trong bầu trời quan hệ Việt – Trung. Nó lấy đi căng thẳng, mở ra triển vọng. Nó là tư duy hiện đại, chiến lược trong chính trị, trong quan hệ quốc tế. Và với Việt Nam, nó còn là sự kế thừa tư duy truyền thống tốt đẹp của ông cha: “Sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh”. Và với những nhà văn, những người làm văn hóa như chúng tôi, thì đó chính là “chủ nghĩa nhân văn” trong quan hệ quốc tế, trong quan hệ giữa các dân tộc, giữa con người với con người…
Chủ nghĩa nhân văn tốt đẹp đó chính là truyền thống lâu đời của châu Á, của phương Đông cổ xưa, mà chúng ta học tập và xiết bao trân trọng, phát huy. Kết hợp với tư duy hiện đại, nó sẽ là sức mạnh khôn cùng để tiến lên, chứ không phải là tích lũy vũ khí, tàu chiến, hạt nhân, để làm cho trái đất nhỏ bé và đầy sự sống này bị đe dọa tiêu hủy. Hòa bình, làm ăn, thịnh vượng, ổn định, hạnh phúc… là những mục tiêu mà cả nhân loại, cả hai nước phải bảo vệ như bảo vệ đôi tròng mắt của mình.
Huống chi, đúng là chúng ta là anh em, là láng giềng hữu nghị - một tình hữu nghị vừa là tự nhiên, vừa được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa… Chúng ta đã có những tháng năm tốt đẹp, tuyệt vời biết bao trong tình hữu nghị ấm áp – những năm Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ…
Nhưng rồi chính những sai lầm trong chính trị, chính sách áp đặt, đe dọa có cơ phá hủy tình hữu nghị ấy. Chúng ta ngày nay gác lại một bên để nhìn về tương lai. Tương lai phải là cái tốt đẹp, cái có lợi cho nhân dân hai nước, cho đại cục xây dựng XHCN ở hai nước, ở danh dự và lòng tự trọng của những nước giương cao ngọn cờ XHCN, mặc dù với Trung Quốc là “mang màu sắc Trung Quốc”, còn với Việt Nam là “tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Môi hở thì răng lạnh, trai cò tranh nhau, ngư ông được lợi - cổ ngữ đã nói như thế, chân lý là như thế, làm sao chúng ta không thể giải quyết những bất đồng tranh chấp… theo đúng Luật Quốc tế, theo đúng lịch sử và lương tri bình thường, trước mắt không để xảy ra chiến tranh trên biển Đông, hợp tác quân đội, tuần tra, cứu hộ…, hợp tác kinh tế, giáo dục, văn hóa, rồi tiến tới giải quyết cơ bản, lâu dài, làm sao cho biển Đông trở thành biển của hữu nghị, hòa bình, ít nhất cũng được như biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ.
Chúng ta vui mừng, nhưng chúng ta biết con đường đi tới đó còn phức tạp, khó khăn. Nhưng đây là một tuyên bố lớn, vì đại cục, vì chiến lược, có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình mới, tình hình khu vực và thế giới và chúng ta tin rằng tư duy này, hành động lành mạnh này sẽ thắng.
* Chính sách ngoại giao của Việt Nam là hết sức rõ ràng: Chúng ta hết sức coi trọng quan hệ chiến lược với Trung Quốc, nhưng chúng ta cũng hết sức coi trọng, nể trọng quan hệ với các nước lớn khác trong vùng, trên toàn thế giới, với Mỹ, Nga, EU, Ấn Độ.
Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ, cũng muốn “cộng sinh” với Mỹ (trước hết là về kinh tế). Chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanca của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng vừa kết thúc tốt đẹp. Ấn Độ là nước có hơn một tỉ dân như Trung Quốc, là nước phát triển kinh tế 8% mỗi năm, có tiềm năng quốc phòng, là nước có nền kỹ thuật cao, đặc biệt tin học.
Văn hóa của Ấn Độ từ ngàn xưa nay đã ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa Việt Nam qua đạo Phật và ngày nay ít có ở đâu người ta yêu mến Việt Nam – Hồ Chí Minh như ở Ấn Độ. Ấn Độ ngày nay có nhiều tiềm năng nổi bật, và có những mối quan tâm chung với chúng ta, “Ấn Độ hướng đông”, còn chúng ta cũng nên “hướng Tây”, vì ở đó là bè bạn, là tiềm lực.
Sri Lanca, nước vừa mới tìm lại được hòa bình sau bao nhiêu năm nội chiến, là nước mà trên đường sang Tây phương tìm đường cứu nước Bác Hồ đã ghé qua. Nay Sri Lanca, cái cảng biển, cái cầu hàng không nối liền Nam Á – Trung Đông ấy nồng nhiệt với Việt Nam.
Chúng ta nâng quan hệ kinh tế hai bên lên 1 tỉ USD trong những năm tới, nâng tất cả quan hệ hai nước lên như trong 20 điểm thông cáo chung, chúng ta có thêm một người bạn quý.
* EU là một nền chính trị - kinh tế, văn hóa - khoa học kỹ thuật lớn. Bà Angela Merkel, Thủ tướng nước Đức, đại diện cho nền kinh tế lớn nhất EU, vừa thăm Việt Nam và hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đức là nước đang có những quan hệ tương đối ổn định, ôn hòa với Nga, với Trung Đông, là nước có nhà nước phúc lợi tương đối cân bằng, ổn định, là nước dám tuyên bố sẽ bỏ không dùng điện hạt nhân, đặc biệt về giáo dục – khoa học… là nước phát triển cao, điển hình…
Ta giao lưu với Đức, và với cả EU là điều hết sức hay. Đức lại vừa viện trợ (cho vay) 450 triệu USD để ta phát triển kinh tế, tự thân điều ấy nói lên mối quan hệ. Ta có hàng trăm nghìn người nói được tiếng Đức, đang làm ăn và học tập ở Đức - chính sách đa dạng văn hóa của ta không nên chỉ dừng lại ở mỗi tiếng Anh.
* Hội nghị Trung ương lần thứ 3 vừa qua kết thúc thắng lợi. Trung ương lần này đặt trọng tâm vào chỉ đạo kinh tế, là cái nòng cốt của phát triển đất nước.
Trung ương ra nghị quyết rất cụ thể, bài bản, chiến lược, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính quyền, chính trị thực hiện nhiều mục tiêu, trong đó nổi bật mục tiêu tái cấu trúc một số ngành lớn của kinh tế, sửa chữa những mất cân đối lớn, làm lành mạnh những quan hệ kinh tế - tức cũng là những quan hệ xã hội đang bị những sức ép lớn như lạm phát, trì trệ, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm, phân cực giàu nghèo…
Giáo dục - khoa học - văn hóa là cái tầng ngầm, là “hạ tầng trí tuệ” của tương lai, đang có vấn đề khó giải quyết… Nghị quyết, nghĩa là còn nằm trên giấy, nhưng mong là nó sẽ được thực hiện với tất cả sự quyết tâm của cả nước, trong lúc tình hình kinh tế thế giới cũng đang bị đe dọa và mong manh như ở Mỹ, ở EU… Nếu chúng ta năm nay tăng trưởng được 6% thì đã là thắng lợi.