Trung Quốc vừa bế mạc kỳ họp Quốc hội. Trung Quốc giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 7,5% do những tính toán trong tình hình mới của thế giới và trong nước. Các chuyên gia kinh tế thế giới dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng. Nhưng Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng lên tới 106 triệu USD và tuyên bố sẽ chiến thắng trong “chiến tranh cục bộ”.
Đầu tư vào EU 225 triệu USD, và dự trữ ngoại tệ là 3.200 tỉ USD. Hồi đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ, vét sạch dự trữ ngoại tệ cũng còn không đủ chi cho chuyến đi (không dám mua quà!). Thế mà chỉ hơn 40 năm, kinh tế đã lên nhanh như thế (trung bình mỗi năm trong 30 năm qua tăng trưởng 10%, kinh tế hiện đứng hàng thứ hai thế giới, sau Mỹ). Dự kiến chỉ ngoại 10 năm, kinh tế Trung Quốc sẽ ngang Mỹ (về tổng sản lượng, chứ bình quân thu nhập tính theo đầu người thì Mỹ gần 50.000 USD/năm, còn Trung Quốc chỉ trên 3.000 USD/năm).
Còn nhớ vào năm 1990, chúng tôi đi thăm Đài Loan, thì Đài Loan lúc đó có 100 tỉ USD dự trữ, Trung Quốc còn dưới 100 tỉ, dự trữ thua Đài Loan, mà nay như thế. “Chủ nghĩa tư bản nhà nước” về kinh tế của Trung Quốc là một mô hình tăng trưởng mà người ta phải nghiên cứu, nghiên cứu từ truyền thống tư duy Kinh Dịch của họ, từ cái cách họ làm kinh tế, làm chính trị, ứng xử với toàn cầu.
Có thể nói cả thế giới, từ Mỹ, EU, Nga, Ấn Độ, ASEAN đang dõi theo Trung Quốc… (chưa nói châu Phi và châu Mỹ La tinh là hai nơi Trung Quốc đang đầu tư chiến lược để khai thác nguyên liệu - một nước Trung Quốc phát triển như thế thì nguyên liệu, nhất là xăng dầu, là huyết mạch).
|
Tổng thống Mỹ barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào |
Chính sách của Trung Quốc lúc mở cửa là “giấu mình chờ thời” (thao quang dưỡng hối). Nay họ đã mạnh lên, thì “quyết đoán” hơn, nhưng họ cũng đủ khôn ngoan trong tính toán. Họ là những người “mưu lược” từ thời Chiến quốc. Họ “trong đánh có đàm”, “trong cứng có mềm”, có thể là “nói vậy chứ không phải vậy”, cực kỳ biến hóa. Có thể, trước mắt họ sẽ không vội vàng quyết đấu với ai để được ăn cả, ngã về không.
Họ chơi “cờ vây”, uyển chuyển khép dần vòng vây để giành thắng lợi. Họ dùng “ngoại giao toàn phương vị”, dùng kinh tế, dùng cả sức mạnh quân sự… để ứng xử với thế giới.Họ với Mỹ tranh chấp nhau, nhưng cũng là dựa vào nhau, “cộng sinh” mà tồn tại, phát triển. Họ xuất siêu sang Mỹ gần 300 tỉ USD/năm, kềm giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp để xuất khẩu có lời. Mỹ quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương hơi muộn, sau khi thua ở Iraq, Afghanistan…, sau khi suy thoái kinh tế, yếu đi, phải giảm chi quốc phòng.
Những sai lầm của Mỹ là có lợi cho Trung Quốc. Cái “nóng vội”, ỷ vào sức mạnh siêu cường duy nhất - vô địch sau khi Liên Xô đổ của Mỹ, bộc lộ chỗ yếu của Mỹ từ thời G.Bush. Cho nên, dẫu về quân sự, về kinh tế… Trung Quốc còn kém Mỹ, nhưng cuộc tranh đua ngôi bá chủ từ nay chỉ còn là giữa Mỹ và Trung Quốc. EU đang yếu đi, già cỗi, nợ nần như chúa Chổm; Nga đang trên đường hồi phục; cứ đà này mươi mười lăm năm nữa, Trung Quốc vẫn cứ thế mà “trỗi dậy”. Họ nói họ “trỗi dậy hòa bình”, “không vác cờ đi đầu”, nhưng họ lại muốn bá chiếm biển Đông, tăng cường binh bị, vươn ra toàn cầu…
Ở trong nước, họ cũng đang đối đầu với bao khó khăn. Khó khăn đến mức mà ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, nói là nếu không cải cách gấp thì tai họa như Cách mạng văn hóa sẽ xảy ra. Ấy là vì bất công xã hội quá lớn, phân cực phân tầng quá lớn, cách biệt thành thị - nông thôn, cách biệt phía Đông - phía Tây quá lớn … Một nước gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội mà thống kê 70 đại biểu Quốc hội là doanh nhân đã có tài sản 90 tỉ USD (trong khi cả chính phủ Hoa Kỳ, kể cả Tổng thống Barack Obama, chỉ có tài sản hơn 5 tỉ).
Các đại biểu này diện hàng hiệu xịn nhất, đi ô tô ngoại sang nhất đến họp Quốc hội. Hơn 200 triệu nông dân vào thành thị làm thuê dở khóc dở cười bán nông bán thị, hàng mấy trăm triệu khác ở nhà quê tuy “thái bình” đấy nhưng nhiều nơi còn là nhà tranh vách đất. Giữa lâu đài và nhà tranh, nếu như ngày xưa, thì đã xảy ra “cách mạng”. Nay thì Đảng Cộng sản cầm quyền, “điều tiết”, hòa hoãn giai cấp vì ổn định, phát triển; nông dân – công nhân phải chịu đựng. Nhưng như nhận thức của ông Ôn Gia Bảo, tình hình là trầm trọng.
Vụ cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai (薄熙来), một trong những ứng viên hàng đầu vào Thường vụ Bộ Chính trị trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm nay, bên ngoài thì là vì người phó thân cận của ông ta chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô một đêm rồi bị bắt, nhưng đấy chắc chỉ là “giọt nước làm tràn ly”.
Bên trong còn lắm điều hay chưa nói hết. Bạc Hi Lai, con Bạc Nhất Ba (薄一波) – một “công thần khai quốc” bị cách mạng văn hóa xử trí, nhưng lại thành đắc lực cho Đặng Tiểu Bình trong cải cách mở cửa, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Bạc Hi Lai có cảm tình với tư tưởng “bình quân” thời Mao, ra tay trấn áp tội phạm kinh tế, kể cả quan chức, cố thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tổ chức hát “nhạc đỏ” thời Mao. Ông ta bị nhiều người không ưa, cho là “đánh bóng tên tuổi”, “tuyên truyền mị dân”, “tham vọng địa vị”.
Chính trường Trung Quốc trước Đại hội thế là nóng lên một phen. Tập Cận Bình sẽ thay Hồ Cẩm Đào, Laý Khắc Cường thay Ôn Gia Bảo…, đó là phương án nhân sự đã được định sẵn…Nhưng ê kíp mới này sẽ thi hành đối nội đối ngoại khác thời Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo ra sao?
Như vậy, chưa nói vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan…, chưa nói mâu thuẫn và tranh chấp với nhiều nước chung quanh và với Mỹ…, cục diện của Trung Quốc không phải là không ngầm chứa nguy cơ.
Việt Nam ta là láng giềng Trung Quốc. Chính sách của Việt Nam là rõ ràng, nhất quán. Ta “tránh xung đột”, “tránh bị lệ thuộc”, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đó là lợi ích cao nhất. Gia tăng hợp tác, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị lệ thuộc… (đó là lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi làm việc với Bộ Quốc phòng ngày 14/3 vừa qua)… “Hòa hiếu”, “hòa bình” nhưng cương quyết bảo vệ chủ quyền trong khi Trung Quốc chưa bỏ ý đồ chiến lược của họ ở biển Đông, tăng cường hợp tác kinh tế - văn hóa… nhưng không để bị phụ thuộc, nhập siêu…, ta phải làm thế nào mạnh lên, ổn định, phát triển, có nhiều bạn bè, nhưng không "đảo nhất biên" (nghiêng về một bên).
Thế cân bằng chiến lược giữa các cực là điều cần thiết; giữa một láng giềng nước lớn ẩn giấu nhiều tham vọng và một nước Hoa Kỳ luôn chủ trương áp đặt “quyền con người” với “cách mạng màu”, luôn đòi “lãnh đạo thế giới” và hoàn toàn vị kỷ…
|
Ông Putin và những giọt nước mắt trong cuộc mít tinh mừng chiến thắng |
Ông V.Putin sắp lại ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Nga (vào tháng 5), sau khi chiến thắng ngay vòng đầu bầu cử (trên 60% phiếu bầu). Một nước Nga ổn định và phát triển là điều mong mỏi của dân Nga. Xem ra, điều đó cũng có lợi cho cả thế giới.
Nga là nước lớn nhất thế giới, lãnh thổ dài hơn 9.000 km, diện tích hơn 17 triệu km2 (gấp hai Mỹ và 31 lần Pháp). Nga có nguồn khoáng sản và năng lượng lớn, xuất khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm này. Một nền công nghiệp nặng hùng mạnh, thừa hưởng của Liên Xô trước đây, chế tạo vũ khí, hạt nhân và hàng không vũ trụ phát triển mạnh…
Ông Putin dự tính chi 590 tỉ euro cho chương trình tái vũ trang. Ông muốn khôi phục vị thế hàng đầu thế giới (ít ra là một trong 5 nước lớn). Nga hiện có 500 tỉ USD dự trữ ngoại tệ và một nền tài chính công lành mạnh (nợ công chỉ bằng 7,8% GDP và tăng trưởng đạt 4% năm).
Tuy nhiên, “kỷ nguyên dầu mỏ” là vua đã qua. Kinh tế ngầm chiếm tới 40% GDP, thất thoát thuế, công nghiệp không có tính cạnh tranh, tham nhũng (số tiền đút lót lên tới 300 tỉ USD/năm, chiếm 15% GDP - theo nhóm tư vấn Idem của Nga). "Phương Tây đã làm đủ điều để gây mất ổn định nước Nga và đánh quỵ vĩnh viễn nước này, nhưng không được" (L’Expression – Alger - ngày 8/3 - TTXVN). Putin và nước Nga chặn đứng món "xúp" "cách mạng màu" mà Mỹ và phương Tây xuất khẩu sang Nga.
Ngoài kinh tế, quân sự…, cái mà chúng tôi thích thú là trong Cương lĩnh tranh cử, Putin đặt mục tiêu khôi phục vị thế hàng đầu của Nga về văn hóa, giáo dục. Ông trân trọng những tác phẩm Nga cổ điển (“thế kỷ vàng”) và thế kỷ 20 (“thế kỷ bạc”). Ông là người sống thời Xô viết, ông không quay lưng với những giá trị văn hóa, văn học tốt đẹp thời đó.