Ông Sính, Chủ tịch tỉnh Đông Giang, sống một mình ở nhà công vụ, nổi tiếng liêm khiết, nhưng sau cái chết bất ngờ, cuộc sống thật của ông mới bị lộ diện: tiền, vàng, đô la và đất đai, những thứ mà ai cũng hiểu từ đâu mà có, vì con số ấy vượt quá tầm của đồng lương chủ tịch tỉnh.
Nhưng cách giải quyết của chính quyền tỉnh Đông Giang là khép lại, không truy cứu, và giao toàn bộ tài sản ấy cho gia đình xử lý. Người xem cũng đành chấp nhận cách làm đó dù không ít băn khoăn, đành phải ép lòng vì câu Nghĩa tử, nghĩa tận, truyền thống nghĩa tình của người Việt Nam. Không ai muốn truy cứu tội lỗi của người đã chết, dù biết rõ mười mươi số tài sản này là không chính đáng nếu không muốn nói thẳng ra đó là đồng tiền tham nhũng.
Đây mới chỉ là khúc dạo đầu, một cái cớ để chuẩn bị cho những trường đoạn cao trào nóng bỏng nhất của xã hội. Bởi vì nếu như ông chủ tịch tỉnh không chết, thì mọi xếp đặt theo guồng máy của ông sẽ chạy rất đều theo đúng trình tự đã định sẵn, các dự án sân golf, khu du lịch sinh thái của đôi vợ chồng doanh nghiệp Hằng - Hùng sẽ trôi trót lọt, và dân đen dù có bị cướp đất, có khiếu kiện cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì từ cái hộp vàng và tiền đô la ông cất giấu trong phòng riêng đã là bằng chứng hiển nhiên cho sự bắt tay mật thiết của hai thế lực đang khuynh đảo xã hội hiện tại: quyền chức và đồng tiền.

Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trí Tuệ khảo sát ở xã Tiên Phong
Các nhà đầu tư muốn các dự án của mình đi trơn tru thì phải bôi bằng tiền, nói như cô Hằng, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Đông Giang với 2 dự án béo bở 200ha đất làm sân golf và khu du lịch sinh thái: “Chức quyền cũng là một cái nghề để kinh doanh đấy, mà kinh doanh thì phải có lãi chứ… Họ đề ra bao nhiêu thủ tục lằng nhằng để hành các nhà đầu tư, mục đích cuối cùng là để mình phải ói ra tiền…”.
Và bởi vì đây là cái nghề để kinh doanh, nên người ta sẽ không từ mọi thủ đoạn nào để đạt cho được. Hai nhân vật vợ chồng Chung - Lý là điển hình cho loại người này với mục tiêu rõ ràng “Có quyền, có chức thì lộc tự khắc vào nhà anh ạ…”.
Giải thích cho hiện tượng này, tác giả đặt vào miệng ông Tuyến, Bí thư tỉnh ủy, những lời tâm huyết của chính mình: “Chúng ta đang đứng trước một áp lực, một thử thách rất lớn, đó là nạn chạy chức chạy quyền. Đảng mất uy tín, dân không còn tin vào chính quyền nữa. Chức quyền đem lại bổng lộc rất nhiều. Bao giờ chức quyền chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà không bao hàm lợi ích vật chất do chức quyền đưa lại thì nạn chạy chức sẽ bị triệt tiêu…”.
Vì thế, dù các tác giả không muốn lôi ông Sính ra pháp luật và cũng cố tình thanh minh cho mối tình bất chính của ông với Hồng, người con gái chỉ đáng tuổi con ông, nâng cao mối tình ấy như là một tình yêu có thực. Nhưng dưới mắt người xem, đó là mối tình khiên cưỡng, và không ai tin vào giọt nước mắt “tình yêu” của cô Hồng vì đó là thứ tình được bảo bọc rất nhiều tiền, một cửa hàng đồ gỗ khá hoành tráng và mảnh đất đáng giá mà ông từng hứa hẹn cho cô khi còn sống. Chẳng trách anh lái xe mất người yêu dù cả hai đã có mối tình thanh mai trúc mã từ thuở bé.
Cái chết của ông Sính và cái ghế còn trống của ông đã tạo nên một cơn sóng ngầm về nhân sự ở Ủy ban Nhân dân tỉnh. Mỗi người đều tự xếp đặt ghế cho người và cho mình. Một người lên chức sẽ kéo theo một sợi dây cùng phe phái với mình và sợi dây này sẽ liên minh chặt chẽ với nhau. Do vậy, cái tốt hay xấu sẽ rất rõ ràng bắt nguồn từ người đứng đầu. Nếu cái ghế đứng đầu đen tối thì cái vệt đen này sẽ có sức mạnh lan tỏa từ trên xuống dưới, người chính trực khó lòng đương đầu nổi.
Nhưng phim đã giới hạn tiêu cực trong phạm vi tỉnh, và Bí thư tỉnh ủy là người tốt, vì thế, Nguyễn Trí Tuệ mới được cất nhắc vào cương vị thay ông Sính. Nghĩa là, ngay từ đầu ta đã thấy được cái hậu khá tươi sáng, dù có trải qua bao nhiêu biến động, bao đảo điên của cả một tấn tuồng chạy quyền, chạy chức, chạy dự án nháo nhào từ cấp dưới.
Cái giới hạn này tất nhiên là cần thiết để vấn đề nóng bỏng “không bốc cháy”, để cho phim được dễ dàng thông qua, và cũng để lại niềm tin cho nhân dân, mặc dù có thể trong đời thực có khi không được hồng tươi như thế. Nhưng cái cốt lõi của phim vẫn là vấn đề đất đai và người nông dân, là vấn đề bức xúc nhất của cả nước. Vì thế, hình ảnh nguời nông dân trên phim với những lời lẽ thống thiết của họ với ông Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ giống như là những thước phim tài liệu, bởi vì nó là cuộc đời thật, là nỗi đau mất đất, ly hương, gia đình tan tác khi cầm một mớ tiền bồi thường rẻ mạt cho mảnh đất mà bao nhiêu thế hệ đổ máu và mồ hôi trên đó để gầy dựng nên.
Bởi Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý…, dẫu là đất hoang hóa được khai khẩn từ bàn tay con người thì vẫn không thuộc sở hữu của người đã tạo nên màu xanh cho nó. Sân golf mọc lên như nấm bắt nguồn từ sự lợi dụng vào khe hở này, những thương vụ làm ăn từ liên minh chức quyền và doanh nghiệp đã đẩy nông dân đến bước đường cùng.
Người nông dân sẽ được hưởng lợi gì trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước hay là sẽ trở thành người vô sản, phải lên thành phố đứng chen chân trong chợ người làm thuê kiếm sống?! Cảnh nhân dân ấp 4, xã Tiên Phong đứng cản đường xe ủi cưỡng chế, thà chết trên mảnh đất quê hương chứ không chịu lui như cứa vào tim khán giả.
Ngày xưa, trong chiến tranh chính con em họ đi chiến đấu bảo vệ đất nước, chính họ đã không ngại hy sinh đào hầm nuôi giấu cán bộ, tự dỡ nhà mình lấy cây làm đường cho xe bộ đội đi qua, bây giờ thì cũng chính họ là nạn nhân của những liên minh tiêu cực giữa doanh nghiệp và chính quyền.
Qua thống kê, cả nước có đến 123 sân golf để phục vụ cho khoảng 5.000 người thuộc tầng lớp cao cấp của xã hội, như vậy mỗi sân golf chiếm từ 200- 300ha đất chỉ để dành riêng cho một nhúm nhỏ 40 người?! Và dù quy định đã ghi rõ là đất làm sân golf chỉ được là vùng đồi núi, nhưng thực tế ở các tỉnh, hầu hết sân golf chủ yếu chiếm đất nông nghiệp. Tiền giải tỏa đền bù đất 60.000đ/m2, san lấp mặt bằng xong là doanh nghiệp kêu giá 4000.000đ/m2 trước mắt nông dân, làm sao người ta không bức xúc?
Vì thế, muốn dân khỏi khiếu kiện thì người thực thi đền bù phải công khai, công bằng, minh bạch. Mô hình của nhà máy Nam Hải ở huyện Kỳ Thủy và chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ thực ra nằm trong tầm tay của chính quyền và nhà đầu tư nếu chính quyền ấy thực sự vì dân: Phải có trách nhiệm tạo cho dân chỗ ở mới, phải tăng tiền đền bù đất đai hợp lý. Phải tạo công ăn việc làm cho người dân để người dân chỉ ly nông chứ không ly hương. Muốn vậy, bắt buộc các nhà đầu tư phải có kế hoạch đào tạo con em nông dân để họ có thể làm việc ngay chính quê nhà mình.

NSƯT Phạm Cường trong vai Chủ tịch tỉnh
Cương trực, thẳng thắn, hết lòng vì dân, Chủ tịch tỉnh Trí Tuệ có câu nói cửa miệng: “Trong cái cơ chế hiện nay, không biết thế nào là sai, thế nào là đúng. Bước thêm một bước có thể là sai, mà không bước thêm thì có thể lại có tội với dân”.
Câu nói đó thực sự cũng làm giật mình rất nhiều người, bởi thực tế cho thấy không thiếu những tấm gương đột phá Anh hùng Lao động mà cả nước đến học tập bỗng chốc phải ra tòa như vụ chị Ba Sương ở Nông trường Sông Hậu?! Nhưng ông xác định, cái gì có lợi cho dân, làm cho dân được sung sướng thì mình cứ làm.
Có lẽ đây là hình mẫu lý tưởng của một quan chức mà tác giả và nhân dân đang hướng đến và mong chờ. Nhưng Trí Tuệ dù tốt mấy cũng là một con người, nên không phải lúc nào ông cũng đúng. Và cái rắc rối nhất chính là hậu quả mối tình sinh viên của ông đã để lại bi kịch lớn cho gia đình khi con trai yêu nhầm chị gái của mình, đứa con mà ông không hề hay biết…
Người nông dân ở xã Tiên Phong may mắn là gặp được ông chủ tịch tỉnh hết lòng vì dân nên sân golf được trả lại vị trí của nó là vùng đồi núi, nhưng thực tế còn biết bao “bờ xôi ruộng mật” bị biến thành sân golf, và biết bao gia đình nông dân phải ly hương, bỏ quê ra thành phố, sống vất vưởng bằng sức lao động qua ngày?!
Vấn đề đau xót này là chuyện thời sự nóng bỏng của cả nước, vì thế, đây là bộ phim thu hút công chúng cực độ. Bài hát Dòng đời của phim rất được giới trẻ hâm mộ, trở thành ca khúc được các diễn đàn mạng truy cập chóng mặt. Điều đó cho thấy những loại phim giải trí rẻ tiền phát sóng trước nay được nhà đài nhân danh phục vụ thị hiếu của khán giả là hoàn toàn vô nghĩa…
Đạo diễn Bùi Huy Thuần: Khán giả màn ảnh nhỏ khá quen thuộc Bùi Huy Thuần qua các phim như Cầu Trầm, Cổ vật, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Đầm lầy bạc. Theo đạo diễn Bùi Huy Thuần, cái khó khăn khi làm phim về các quan chức - đặc biệt là dòng phim chống tham nhũng - là khi đoàn phim đến các địa phương, người ta thấy kịch bản như vậy thường không nơi nào muốn đón nhận. Rất may là đoàn làm phim Chủ tịch tỉnh đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, Thành ủy, UBND thành phố Bắc Ninh nên công việc rất thuận lợi. Đoàn phim được tạo điều kiện cho mượn đúng bối cảnh từ phòng chủ tịch tỉnh đến các phòng khác và đoàn làm phim không phải cải tạo bối cảnh. Tiếp theo Chủ tịch tỉnh, đạo diễn Bùi Huy Thuần sẽ bắt tay vào bộ phim Đàn trời cũng là phim về đề tài chống tham nhũng ở cấp tỉnh: “Rút ruột” dự án đường nông thôn. Phim dự kiến dài 30 tập. Biên kịch Đình Kính: Chủ tịch tỉnh là kịch bản được nhà đài mua với giá cao nhất từ trước đến nay vì tính thời sự nóng bỏng của nó. Nhà văn Đình Kính được biết tới với nhiều tác phẩm liên quan đến biển: Sóng cửa sông (1976), Đảo mùa gió (1981), Người của biển (1985), Lính thủy (1987), Biển có gai (1990), Cỏ lông chông (2006). Năm 2008 anh đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho tác phẩm Sóng chìm - cuốn tiểu thuyết lấy sự kiện tàu không số chở vũ khí vào Vũng Rô trong kháng chiến chống Mỹ làm bối cảnh. |