Thời sự & Suy ngẫm 79

1) Mùa xuân thì vui xuân chứ suy ngẫm gì nhỉ? Cuộc đời vẫn rất đáng yêu nhưng phải rất canh chừng, suy nghĩ, chứ làm một người vô tư, giấu dưới nụ cười dễ dãi là một cái gì vô trách nhiệm thì cũng chẳng phải cách.

Nghe bước chân xuân về, nhân loại trẻ ra một tuổi và những suy nghĩ cũng nhuốm màu tươi xanh, hy vọng, lạc quan lên một chút. Thế thì tình hình thời sự có cái gì đáng lạc quan nào? Cuộc đời thì vẫn vậy, vẫn bao nhiêu khó khăn gian lao chồng chất, nhiều khi dễ mệt mỏi lắm, nhưng vẫn đáng cho ta hy vọng. Hy vọng đất nước ra khỏi khó khăn, đất nước được những bàn tay, trí tuệ, tấm lòng dẫn dắt, chăm lo… “Ôi, Tổ quốc, ta vì ngươi như vì sinh mệnh của ta”(*), ai mà chẳng yêu, chẳng lo cho bà mẹ hiền Tổ quốc?

Những khó khăn thì ta đã nghe quá nhiều, đã thấm sâu vào đời sống hằng ngày của từng anh xe ôm trên hè phố, của những người bán hàng lẻ, của người chăn nuôi, người trồng lúa, người đúc thép… Nợ xấu các doanh nghiệp lên đến con số 1,3 triệu tỉ đồng, nợ nước ngoài hàng năm phải trả lãi độ 3 tỉ USD (con số chấp nhận được, nhưng không phải thấp), các doanh nghiệp – nhất là doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, khó khăn, đang được cấu trúc lại, chỉnh đốn lại bằng cách cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước… tổ chức lại sản xuất hiệu quả… Kinh tế đang chựng lại, nhưng cũng đang trụ lại với mức tăng trưởng 5% GDP, tài chính ngân hàng ổn định, lạm phát giảm… thế là trong khó khăn cũng đang ló mòi tăng trưởng, phát triển cho những năm tới. Cho tới 2016-2017, may ra ta mới lấy lại đà tăng trưởng 7%/năm.

Tuy nhiên, xã hội – văn hóa một phần do ảnh hưởng của kinh tế (thất nghiệp, đói nghèo…), nhưng chủ yếu là do sự tồn đọng của điều hành, chính sách, tầm nhìn, khó khăn của bao năm rồi dồn lại, nên đang có nhiều biểu hiện xấu.

Đơn cử một vài điều: lễ hội, 8.000 lễ hội ở miền Bắc thôi, trong mùa xuân này, là điều đáng nghĩ! Trước kia, trong kháng chiến - cách mạng, những mê tín - dị đoan, hủ tục bị phê phán gay gắt, mà nó cũng trái chiều với không khí đánh giặc, cứu nước. Nay hòa bình rồi, giàu có hơn rồi, bỗng nhiên nảy ra cái nhu cầu gọi là “tâm linh”. Chính đáng thôi, tốt đẹp thôi, nếu như đó chỉ là những lễ hội thuần túy chất văn hóa. Đằng này cầu lợi cầu danh, buôn thần bán thánh (bán cả thịt thú rừng phạm pháp), nhét tiền trong tay Phật, cầu cho sự ích kỷ phì gia… Nhất là các cán bộ cao cấp (cả vợ con) rùng rùng đi xe công đến lễ, thật chướng tai gai mắt! Một thế giới quan suy đồi, một nền văn hóa biến chất, riêng điểm này còn thua cả thời phong kiến trung cổ, lễ hội chủ yếu là để thu lợi lộc, chứ ít chất văn hóa… Quản lý thì dẹp cho được nạn cướp lộc, giật ấn… đã là quá sức, còn cái lõi văn hóa… thì hình như chưa lo đến được.

Chuyện tuy nhỏ nhưng là ẩn chứa những vấn đề xã hội - lòng người. Lòng người bây giờ suy giảm niềm tin, đặt niềm tin vào Trời Phật Thánh Thần, mà đặt sai đặt lệch: Trời Phật Thánh Thần nào phải chỗ cầu xin tước lộc, tiền tài. Cái quý, cái cốt lõi là ở tâm mình thôi! Chẳng đã có câu: “nhi cầu Phật, hoặc nhi cầu Thiền” (u mê mà đi cầu Phật, huyễn hoặc mà đi cầu Thiền) đó sao?

Lòng người bây giờ còn bị phân tâm vì nạn tham nhũng, nạn bất công trong phân cực giàu nghèo… và bao tệ nạn như mua quan bán chức, hoạnh họe cửa quyền, lợi dụng kẽ hở luật pháp để lấy ruộng, lấy đất của dân (rồi có nơi “treo” đấy, bỏ đấy hàng chục năm không làm gì, mà dân thì đói!). Những tưởng dưới chế độ chúng ta, có Đảng lãnh đạo, những tệ nạn ấy sẽ hết, sẽ bị chặn lại, tiêu trừ, nào ngờ có nơi có lúc nó phát sinh ồ ạt làm đau lòng người!

Bên cạnh đó, giáo dục - khoa học - kỹ thuật… cái chân đế để phát triển cũng đang gặp khó khăn trên bước đường tìm tới sự cải cách toàn diện, triệt để. Sức mạnh mềm đó làm ảnh hưởng đến con người, chất lượng con người, vốn quý giá cần thiết biết bao cho xây dựng đất nước…
Nhưng dù sao, ta có quyền hy vọng vào lòng dân, sức dân, vào truyền thống của đất nước ta, của cách mạng: bao nhiêu khó khăn cũng vượt qua được. Rồi sẽ quét sạch dần dần những rác rưởi trên đường đi tới, rồi sẽ học người những cái tinh hoa để đổi mới liên tục, rồi sẽ có những con người chân chính, yêu nước, yêu dân, hiến mình cho đại nghiệp này, Tổ quốc này với trí tuệ, tài năng, lòng trong sạch…

Rồi sẽ đến ngày mai tươi sáng đó. Nhưng cần nhất là lúc này, ta hãy làm người trong cuộc, người phản biện mà không đối lập, người dựng xây quyết liệt với tấm lòng vì sự nghiệp chung đã xây nên bằng xương máu, gian lao hàng thế kỷ…

2) Lúc này mọi ý kiến đều nên được lắng nghe, được tôn trọng. “Dân chủ là để cho dân mở miệng”. Hồ Chí Minh đã từng nói như thế; Cụ cho dân chủ đơn giản là như thế! Người lãnh đạo lắng nghe, nhưng người phát biểu nên có trách nhiệm, thì hai bên mới gặp nhau được.

Còn những ý kiến chỉ vụ một chiều đả kích, nhằm làm “cách mạng màu” ở nước ta, che giấu dưới những ý kiến ấy những động cơ không lành mạnh, thì nên được phân tích thấu tình đạt lý. Chẳng hạn chủ trương đưa xã hội ta vào con đường xã hội - dân chủ kiểu phương Tây, nghe thì có vẻ hay, nhưng thật ra là trái chiều, khó thực hiện vì hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay tuy đi vào kinh tế thị trường, vào toàn cầu hóa (theo cách tư bản chủ nghĩa), nhưng cái phần cốt lõi vẫn là và phải là đi theo con đường của riêng mình. “Các chính phủ không học được điều gì của quá khứ, vì mỗi hoàn cảnh lịch sử là quá đặc thù” – Hegel đã từng nói thế. Một hoàn cảnh lịch sử quá đặc thù như ta mà bê nguyên xi công thức đa đảng của phương Tây đã phát triển trước ta từ 6 thế kỷ là ít, thì sẽ gây xáo trộn, động loạn (như ta thấy nhỡn tiền ở một số nước), thì rồi nó sẽ kéo theo sự tụt dài, hỗn loạn hàng mấy chục năm. Vả lại, phương Tây cũng đang khủng hoảng sâu sắc, khủng hoảng cả mô hình, lý tưởng, thực tế, chưa biết rồi sẽ đến đâu (cái gì hay của họ nên học, nhưng xin lưu ý là họ học được ở mô hình xã hội chủ nghĩa cũng nhiều). Lòng dân không muốn thế. Vậy nên phải tiếp tục đổi mới, nhất là đổi mới trong tư duy điều hành đất nước, nới rộng dân chủ, lắng nghe phản biện (hôm nay sự phản biện của các nhà khoa học trong Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật ở Nha Trang về một dự án “phá” môi trường ở đó, làm chúng ta tin rằng nếu mở rộng dân chủ theo nhiều kênh, nhiều chiều nữa, sâu hơn nữa, thật hơn nữa… thì nó sẽ có hiệu quả hết sức to lớn).

Cho đến giờ, hình như trên chỉ mới thiên về nói chứ chưa chịu nghe, chưa dành thời gian nghe, mới chăm lo “chỉ đạo” mà chưa chịu sự giám sát, “chỉ đạo” của nhân dân như Hiến pháp quy định… Hãy đi xuống và nghe dân, rồi sẽ thấy như Hồ Chí Minh: “Các chú cứ hỏi dân, dân thuận thì làm” và “bao nhiêu quyền lực là ở dân”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu…”. Ý dân là ý trời. Dân là gốc. Điều đơn giản đó, chân lý nghìn đời đó, sao ta không thấm nhuần, mà để đến lúc bức bách thì mới nhớ?

18-2-2014

_____
(*) Thơ Madam Mikiêvich (Ba Lan)

Hồn Việt