Thời sự & suy ngẫm, Hồn Việt 99

Chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt-Trung. Đó là sự “đáp lễ” chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà Trung Quốc đã đón tiếp ở mức cao nhất: bắn 21 loạt đại bác chào mừng. Nên chi, Việt Nam cũng đáp lại trọng thị như thế và hơn thế. Đó là ngoài 21 loạt đại bác đáp lễ, thì Tổng bí thư Tập còn được mời phát biểu trước Quốc hội Việt Nam đang họp.

Nhưng dù sao đó cũng chỉ là “nghi thức”. Đi vào hội đàm thì hai bên đều nhất trí nâng cấp quan hệ, ở tất cả các mặt, từ chính trị, kinh tế, văn hóa… Lời kêu gọi giữ gìn quan hệ hữu nghị Trung-Việt trong truyền thống Cách mạng được nhắc lại, làm cho những ai đã sống qua thời đó đều có chút ngậm ngùi! Hai bên cam kết sẽ cùng nhau kiểm soát tình hình biển Đông, thực hiện DOC và tiến tới COC. Đây là cái nút căng nhất của mối quan hệ hai nước. Việt Nam kiên trì giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển 1982…

Như thế là chuyến thăm đã biểu thị sự chuyển biến, mềm mỏng hơn, hòa dịu hơn của Trung Quốc đối với Việt Nam (và không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nước khác). Đây tất nhiên là kết quả của tình hình trong và ngoài nước của Trung Quốc. Thái độ kiên quyết của Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào vùng 12 hải lý của các “đảo bồi đắp” của Trung Quốc ở Trường Sa; những tuyên bố rõ ràng, không thể xem thường của các quan chức Quốc phòng Mỹ như của Bộ trưởng Ashton Carter…, thể hiện rõ rệt quan điểm của Mỹ trong vấn đề bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, thể hiện chiến lược xoay trục của Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương, nhất là sự hẫng hụt sau cuộc gặp Tập Cận Bình - Obama ở Washington, D.C…, cũng như sự nhất tề bày tỏ “quan ngại” - phản đối hành vi của Trung Quốc của các nước lớn…, làm cho Trung Quốc rõ ràng cảm thấy bị cô lập. Tình hình nội bộ Trung Quốc cũng đang có những vấn đề kinh tế, chính trị đáng quan tâm. Lúc này không dễ triển khai kế hoạch thách thức, căng thẳng với Mỹ…

Sau khi rời Việt Nam, qua Singapore thì Tổng bí thư Tập lập tức tuyên bố “Xin hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa”(!). Đó là luận điểm nhàm chán với cả thế giới rồi. Nhưng ai lọt tai? Ta cũng không nên ngạc nhiên rằng vừa ở Việt Nam nói bao điều tốt đẹp, lý tưởng, “lãng mạn Cách mạng”, ra khỏi cửa lại nói như thế! Đừng hy vọng vấn đề biển Đông sẽ được giải quyết nhanh một sớm một chiều, đơn giản, đừng hy vọng Trung Quốc thay đổi chiến lược của họ. Đây là vấn đề lâu dài, kiên nhẫn, vấn đề không phải chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới.

Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò. Tòa án quốc tế La Hay tuyên bố họ có quyền xét xử và sẽ xử. Trung Quốc dĩ nhiên tức giận, tuyên bố không tham gia, nhưng một khi Tòa tuyên rằng cái đường lưỡi bò ấy vô giá trị thì Trung Quốc cũng ứng phó không đơn giản với công luận. Indonesia rục rịch tuyên bố sẽ có ngày khởi kiện Trung Quốc cũng chính về đường lưỡi bò ấy. Malaysia cũng kiên quyết hơn trong vấn đề này, họ phối hợp chặt hơn với Mỹ về quân sự và họ thấy rõ hơn dù họ có nhẫn nhịn tránh né đến đâu, Trung Quốc cũng sẽ có những hành vi uy hiếp an ninh, chủ quyền của họ. Một số nước trong ASEAN bị Trung Quốc gây sức ép, mua chuộc…, e ngại thế lực Trung Quốc, nhưng họ hiểu rằng đây là một chuyện to, lờ lững đứng giữa thủ lợi thì có ngày cũng không yên.

Trung Quốc dĩ nhiên là một cường quốc quân sự và kinh tế (có học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc là “một người khổng lồ về kinh tế có bệnh tim”), nhưng đường lối ỷ mình nước lớn của họ sai, thì sức mạnh của họ chưa đương nổi với một sức mạnh “liên quân” đông đảo và có chính nghĩa. Trung Quốc tạm thời tỏ ra chưa phản ứng mạnh với tàu USS Lassen của Mỹ, làm như nó “đi qua vô hại”, dẫu có cho tàu “bám đuôi”, kỳ thực họ đang tính toán. Trước mắt, cũng có thể họ cứ tiếp tục bồi đắp đảo, tăng cường quân sự trên các đảo, nhưng lập vùng cấm bay, kiểm soát vùng biển Đông bằng cách ai qua lại cũng phải xin phép thì chắc chưa đủ lực. Ở APEC (ngày 18-11), Tổng thống Obama tiếp tục tuyên bố về vấn đề biển Đông, kêu gọi Trung Quốc ngừng việc xây dựng các đảo tranh chấp và các hành động quân sự hóa ở biển Đông. Việt Nam dĩ nhiên là đang theo dõi và đang kiên định lập trường nguyên tắc của mình, dùng mọi biện pháp ngoại giao đa phương, dùng sự tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh…, đồng thời chân thành tăng cường tình hữu nghị với Trung Quốc, kiên quyết giữ vững chủ quyền.

Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới nơi rồi. Mọi người đang trông đợi. Còn phải chờ Hội nghị Trung ương 13, chắc là trong tháng 12 này và sau đó là Hội nghị Trung ương 14 nữa, ngay trước ngày khai mạc Đại hội. Đây là những hội nghị sẽ xác định nhân sự cấp cao của Đảng, xác định nhân sự “trường hợp đặc biệt” sẽ được giữ lại để làm cầu nối kế thừa, xác định “tứ trụ”. Chúng ta tin rằng trên phương hướng nhân sự, tiêu chuẩn nhân sự đã được nhất trí thông qua, trên tinh thần tất cả vì đại nghiệp, vì dân tộc, vì nhân dân, vì xương máu biết bao anh hùng liệt sĩ, vì những mục tiêu tốt đẹp, lành mạnh, trong sáng, các Hội nghị Trung ương chuẩn bị Đại hội sẽ có những quyết định sáng suốt, phù hợp lòng dân, bảo đảm thành công của Đại hội 12, bảo đảm tiền đồ của đất nước.

Tình hình trong nước, thì như qua kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhất là những phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ta đã thấy rất rõ những mặt mạnh, mặt thuận, mặt cản trở… (bao nhiêu thuận, bấy nhiêu nghịch…) của tình hình từ kinh tế đến chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục. Nguyên nhân sâu xa của tình hình đó là ở đâu? Đâu là những nguyên nhân lịch sử, đâu là những nguyên nhân chủ quan của con người, bộ máy…, và điều quan trọng là sắp tới đây ta làm cách nào để khắc phục một cách hiệu quả tình hình đó? Chẳng hạn vấn đề tham nhũng, cứ nói hoài nhưng chưa chuyển được bao nhiêu. Vậy thì phải thực hành dân chủ ra sao để tăng cường “máy hãm” quyền lực?

TPP sẽ là một cơ hội lớn cho Việt Nam. Trước đây, ta đã vào WTO. WTO là giảm hàng rào quan thuế, tăng thương mại tự do, tách kinh tế và chính trị. Nhưng TPP là miễn thuế quan, tăng thương mại tự do công bằng, nhưng có sự ràng buộc chính trị nhất định, như vấn đề các công đoàn ở các xí nghiệp.

TPP đem các tiêu chuẩn: bảo vệ môi trường, tổ chức lao động, tự do thông tin, giảm thiểu độc quyền của doanh nghiệp nhà nước và sự kiểm soát của chính phủ với doanh nghiệp… vào cơ chế tự do thương mại quốc tế. Nó mở ra một thời đại thương mại giá trị cho nhân loại.

Đó là một khía cạnh mà Việt Nam cần chuẩn bị. Cũng như Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều về nhân lực, về những mặt mình yếu kém, dễ bị thua thiệt như nông sản, thực phẩm… khi gia nhập TPP.

Một khía cạnh nữa mà người ta bàn tán: TPP và Trung Quốc. Trung Quốc không vào TPP vì đây là “luật chơi” của Mỹ. Obama đã phát biểu công khai rằng vấn đề là để Trung Quốc hay Mỹ xác định quy tắc. Vậy TPP rõ ràng có động cơ kiềm chế Trung Quốc. Nhưng tất nhiên đó không phải phần chính. Với Việt Nam, vào TPP thì đương nhiên sẽ có phần bớt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Chẳng hạn, trước nay ta mua nguyên vật liệu Trung Quốc về cho sản xuất và xuất khẩu (dệt may, da giày chẳng hạn), vào TPP thì sẽ có các nước hỗ trợ Việt Nam làm việc đó, giảm bớt nhập khẩu từ Trung Quốc…

Con đường TPP còn dài. Con đường Cộng đồng ASEAN ở trước mắt. Những biến động kinh tế, tăng trưởng kinh tế ngoạn mục sẽ giúp Việt Nam ta giải quyết hàng loạt vấn đề lớn. Chúng ta hãy chờ xem…

HỒN VIỆT