Vấn đề sôi động nhất trong thời sự hiện nay là vấn đề Luật đặc khu kinh tế. Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu kinh tế, các trí thức, các văn nghệ sĩ… góp ý về đạo luật này. Trong nhân dân, từ những người bình thường nhất đều có chung tâm trạng lo lắng và bàn tán. Các thế lực chống đối cũng lợi dụng dịp này để tung hỏa mù kích động biểu tình chống đối, thậm chí có nơi như ở Bình Thuận đã diễn ra vụ đập phá trụ sở Ủy ban nhân dân, đốt xe công vụ, uy hiếp an ninh công cộng. Một số kẻ cầm đầu đã bị bắt và nhiều người tham gia đã thú nhận bị kích động, mua chuộc, lôi kéo…
Vậy thực chất vấn đề là như thế nào?
Một đạo luật lớn, phức tạp, có nhiều điểm nhạy cảm như vậy nhưng các cơ quan chức năng thông tin chưa rõ đến nhân dân, khiến cho những kẻ rắp tâm chống phá lợi dụng để kích động vào lòng yêu nước và sự cảnh giác của dân. Như xuyên tạc từ việc cho thuê đất (đặc biệt 99 năm) đến bán đất. Cho thuê đất dù 99 năm hay 70 năm cũng phải kèm theo những điều kiện cần và đủ về an ninh, quốc phòng. Những điều này trong Luật hình như chưa quy định rõ ràng. Nếu các thế lực ngoại bang có manh tâm thuê đất, rồi làm những điều sai trái, có hại cho ta, ta phải chế tài, trừng trị. Cảnh giác của nhân dân là không thừa, nhưng từ cảnh giác đến chống phá… lại là việc khác.
Tiếc rằng, từ sơ hở trong thông tin (có vẻ coi thường công luận, coi như là việc đã được “quyết” thì ắt “thuận”) dẫn đến những việc đáng tiếc. Nay thì bên cạnh thông tin chính thống, cũng cần thận trọng hết sức trong việc xem xét lại một số điều, sao cho bảo đảm được an ninh quốc gia là vấn đề tối thượng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố. Đến khi đó, nếu vấn đề an ninh được đảm bảo chắc chắn, mà vấn đề lợi ích kinh tế đã khá rõ ràng, thì chắc Luật sẽ được dễ thông qua mà lòng dân cũng yên. Nhân dân lo lắng là quyền của nhân dân và là điều tốt, vì địa điểm các đặc khu là quá nhạy cảm về an ninh - quốc phòng, lợi ích kinh tế chưa thấy đâu, mà dù lợi ích có lớn mà an ninh quốc gia bị uy hiếp, bị lợi dụng thì cũng chẳng bõ. “Thà ăn muối suốt đời, còn hơn là có giặc” - lời bà mẹ ở Nam Hoành trong thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ, gần đây Nguyễn Quang Thiều trích lại, nói rõ lòng dân.
Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua là cần thiết cho an ninh quốc gia, và không hạn chế quyền tự do của dân, vì nếu không phạm vào các điều quy định cấm sự chống phá, thì sẽ không bị hạn chế. Nhiều nước trên thế giới đều làm như vậy.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận lời mời của Thủ tướng Justin Trudeau tham dự Hội nghị các nước G7 và thăm Canada. Canada là một nước có vị trí quan trọng hàng đầu trên thế giới, họ cùng Việt Nam rất tích cực trong việc ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tại Québec (Canada), Thủ tướng đã làm việc với các nhà lãnh đạo Canada về quan hệ hai nước và những vấn đề quốc tế liên quan. Đồng thời, trong Hội nghị G7, Thủ tướng cũng đề ra những sáng kiến của Việt Nam về biến đổi khí hậu, được hoan nghênh. Việc được mời tham dự Hội nghị và những hoạt động của Thủ tướng ở đấy nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế đối với nhiều quyết sách quan trọng của ta. Trong chuyến đi, Thủ tướng đã đến thăm tượng Nguyễn Trãi được dựng ở công viên Nghệ thuật thành phố Québec, Canada, và nói với bà con kiều bào những lời tâm huyết về văn hóa, về lòng yêu nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong Hội nghị G7
Trước đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nhật cũng thu được kết quả mỹ mãn. Nhật - Việt hiện là đối tác chiến lược thực chất, ủng hộ nhau sâu sắc trên tất cả các mặt từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, anh ninh quốc phòng. Mối quan hệ đó đang ở đỉnh cao.
Ngày 12-6 được chờ đợi trên toàn thế giới về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến và đã được ghi nhận như là một trang sử mới cho hòa bình. Thông cáo chung của cuộc gặp nêu rõ Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa, còn phía Mỹ thì cam kết bảo đảm an ninh cho Triều Tiên. Tuyên bố chung có đoạn:
“…Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã trao đổi một cách toàn diện, sâu sắc và chân thành quan điểm về những vấn đề liên quan tới việc thiết lập một mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như kiến tạo một nền hòa bình lâu dài và mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, và Chủ tịch Kim Jong Un đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và vững chắc đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
1. Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập một mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước về một nền hòa bình và thịnh vượng.
2. Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực kiến tạo một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
3. Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ký kết ngày 27-4-2018, trong đó Triều Tiên cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
4. Mỹ và Triều Tiên cam kết trao trả hài cốt các tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), trong đó cam kết hồi hương ngay lập tức các trường hợp đã xác định rõ danh tính.
Nhận thức rõ rằng thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp lần đầu tiên trong lịch sử, là một sự kiện mang ý nghĩa như một kỷ nguyên mới sau hàng thập kỷ căng thẳng và đối đầu giữa hai quốc gia, có thể mở ra một tương lai mới, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong Un cam kết thực thi các điểm đã được nêu ra trong tuyên bố chung này một cách đầy đủ và khẩn trương…”.
Trong tuyên bố chung này, đã thể hiện những cam kết quan trọng bước đầu để tiến tới một giai đoạn mới trên bán đảo Triều Tiên. Giờ đây, người ta đang náo nức chờ đợi những cuộc gặp tiếp theo, thậm chí, những cuộc thăm viếng cấp cao tiếp theo, để kiến tạo nên một nền hòa bình thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Thông cáo chung vừa mới ký chưa ráo mực thì thiên hạ đã nói đến việc đầu tư vào Triều Tiên - nơi có một trữ lượng to lớn về khoáng sản trong lòng đất, nơi có một đội ngũ nhân lực đông đảo… Trung Quốc, Hàn Quốc chắc chắn sẽ là những nước đi đầu trong chuyện này. Trung Quốc hoan nghênh cuộc gặp này, và đương nhiên sau ba lần hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mượn máy bay của Thủ tướng Trung Quốc để đến Singapore, Kim Jong Un đã tỏ rõ sự cam kết trong quan hệ giữa hai nước. Mỹ - Triều Tiên kết thúc chiến tranh và Mỹ thôi đe dọa Triều Tiên, bỏ cấm vận Triều Tiên, thậm chí giúp đỡ kinh tế như ông Trump đã hứa thì Triều Tiên sẽ đi vào một con đường mới có lợi cho cả khu vực, trong đó chắc chắn cũng có lợi cho cả Việt Nam. Nhưng thận trọng một chút cũng không thừa, khi qua tuyên bố chung, chúng ta thấy rằng hai bên mới hứa hẹn với nhau những điều nguyên tắc, có tính biểu tượng.

Cái bắt tay “lịch sử” giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - Triều
Còn những khác biệt thì sao? Mỹ muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa ngay tức khắc bằng cách đưa vũ khí này ra nước ngoài để có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, còn Triều Tiên thì muốn đó là một lộ trình, và có đi có lại. Hai bên chắc còn đang phải tiếp tục thương thảo cụ thể về những việc này. Và trong quá trình đó, chắc chắn mọi việc không phải đều trót lọt; 28 nghìn binh sĩ Mỹ vẫn còn đóng ở Hàn Quốc, và tuy phi hạt nhân hóa, Triều Tiên vẫn còn một lực lượng quân sự rất hùng hậu. Chỉ có 10% người Nhật tin là vấn đề phi hạt nhân hóa sẽ được giải quyết, còn 60% người Hàn Quốc thì tin rằng nó sẽ được giải quyết sau 10 năm. Dầu sao, khi hai lãnh đạo cấp cao nhất của họ ngồi lại với nhau, và thấy rõ làm việc này cả hai bên đều có lợi, thì đó đã là một bước tiến dài trong các mối quan hệ. D. Trump lần này sẽ “lập công” với nước Mỹ, dân Mỹ và với cả thế giới (được đề cử Nobel hòa bình). Nhưng cũng có ý kiến từ Quốc hội Mỹ là Trump đã nhượng bộ Kim quá nhiều. Liệu cả hai người có tính cách dễ thay đổi, mỗi người đều vì lợi ích riêng, có thể đi đến cùng những kỳ vọng tốt đẹp? Kim Jong Un thì đã nâng vị thế của Triều Tiên lên tầm được Tổng thống Mỹ phải ngồi vào bàn cùng đàm phán. Đó chẳng phải là một sự lạ trên đời hay sao? Ông Kim nói rằng nó giống như trong phim khoa học viễn tưởng là đúng.
Ngày 20-6-2018