Thời sự & Suy ngẫm số 78-Tân niên

 

 Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa tại tòa


1) Vụ án Dương Chí Dũng mua ụ nổi đem về bỏ đống rồi chia tiền, “lại quả” hàng chục tỉ đồng… và việc ông ta khai ra Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận của ông ta 510.000 USD và 20 tỉ VNĐ của bà Trương Mỹ Lan (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, TP.HCM) do ông ta chuyển, để được làm Dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn đã làm chấn động dư luận. Đây có lẽ là lần đầu tiên mà dân chúng nghe nói đến một món tiền “lót tay” lớn đến như thế. Ông Phạm Quý Ngọ bị khai ra là người tiết lộ tin mật cho Dũng chạy trốn. Sự việc đang được khởi tố, điều tra. Nên lập một Ban chuyên án như ý kiến đề nghị của ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương và của nhiều người khác.

Thực ra thì từ rất lâu rồi, quan sát tình hình xã hội, mọi người đều thấy rõ sự giàu lên bất thường của một số quan chức có chức có quyền to. Cái ấy khó giấu được ai – làm sao qua khỏi “thiên lý nhãn” của dân. Ai cũng biết là có tham nhũng lớn, dễ “ăn” quá! Từ tiền lót tay, “lại quả” để thầu được những “dự án” to và ngon, ăn lãi đến 30%-40% tiền dự án. Từ việc ăn tiền “cống nộp” như thể chế độ nô lệ - phong kiến… Những khoản tiền khổng lồ. Ta không thể không xây dựng các công trình, không thể không khai thác dầu khí, không thể không có đầu tư công, không thể không kêu gọi đầu tư nước ngoài… Và đặc biệt là đất đai, “sở hữu toàn dân” có khi bị lợi dụng để tước đoạt, mua đi bán lại cho nhà đầu tư, lấy lời… Có ông quan chức vừa làm xong một khóa, đã mua được căn nhà 76 tỉ ở khu làng Quốc tế. Ông làm lâu hơn, khá hơn thì mua những hai căn! – Đó là “chuyện nhỏ” bày ra ai cũng thấy, còn của ngầm, còn tiền tích lũy, gửi ngân hàng, cho con đi học Anh học Mỹ (mỗi năm tốn vài ba chục ngàn đô la, euro…), rồi du lịch ăn xài “quý phái”. Tất cả đã bày ra một cảnh bất công xã hội chưa từng có. Nhưng ai làm được gì họ. Lần này, với vụ án Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Phạm Quý Ngọ… Đảng và Nhà nước ắt sẽ rút ra một bài học đau xót, lớn lao về công tác cán bộ, công tác quản lý nhà nước, công tác chống tham nhũng…

Có chuyện hơi lạ là ông TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chánh văn phòng Quốc hội, trên một bài viết đăng ở Tuổi Trẻ lại băn khoăn về sự mâu thuẫn giữa pháp luật và đạo đức, khi mà ông thấy ông Trọng thương yêu ông anh mình quá đi, tội nghiệp quá đi!.... Ông Trọng không chỉ một mình “giải cứu” ông anh, mà còn dùng cả bộ máy Công an vào việc đó, tội thế là rõ lắm, mà bị 18 năm tù, thế là Tòa đã chiếu cố công trạng quá khứ của ông ta rồi. Mâu thuẫn là ở chính TS Dũng, một quan chức và đồng thời là người có tư tưởng “cấp tiến”, sao lại có ý nghĩ “ngộ” như vậy nhỉ?

2) Nhân nói về tổ chức – cán bộ, thì đây là việc lớn, rất lớn, nhiều khi ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đối với cả tiến trình lịch sử. Đảng, trong chiến tranh chống xâm lược, đã làm rất tốt điều này, nhất là khi còn Bác Hồ. Nhưng sau đó, do nhiều lý do, trong đó có lý do khủng hoảng, thoái trào cách mạng, dẫn đến suy thoái đạo đức, suy thoái tư tưởng… Bên cạnh những thành tựu tích cực đã xuất hiện những nhân tố tiêu cực, nhân tố cá nhân chủ nghĩa (gia trưởng phong kiến, “nhóm lợi ích”, kể cả “chạy”) đã phần nào làm méo mó công tác này. Cần chống lại quyết liệt các tác động tiêu cực này, nếu không sẽ làm hư hỏng Đảng.

Cần phát huy dân chủ, lấy ý kiến, nghe dư luận rộng rãi, để công tác này đóng góp vào sự nghiệp chung. Cần “triệt” những cán bộ làm công tác này mà có dấu hiệu ăn tiền chạy chức. Cần chấm dứt sự “can thiệp” vào công tác tổ chức – cán bộ từ những “nhóm lợi ích”, từ những cá nhân có động cơ không trong sáng, cá nhân vị kỷ.

Làm sao đến Đại hội Đảng, ta có một bộ chỉ huy chiến lược trung thành, sáng suốt, trong sạch, tận tụy quên mình vì nhân dân, Tổ quốc, trí lực, trí tuệ, sống một đời “sáng trong như ngọc” và hơn thế!

3) Tình hình Campuchia có vẻ yên tĩnh trở lại, sau khi các lãnh tụ phe đối lập Sam Rainsy, Kem Sokha ra tòa. Nhưng tình hình Thái Lan thì căng hơn. Vì đã từ lâu nước này tồn tại những lực lượng khác biệt: Đảng Vì Người Thái, Đảng Dân Chủ, Quân đội, Hoàng gia… Các lực lượng này có quần chúng riêng, vùng miền riêng… Nhưng chung quy cũng là vấn đề lợi ích, nhóm lợi ích, tham nhũng. Cả tình hình Campuchia cũng có chuyện này, nên phe đối lập mới lợi dụng. Xem đó thì thấy vấn đề con người – vật chất… ở đâu và bao giờ cũng là mối quan hệ không dễ dàng. Đừng ảo tưởng về con người. Hãy làm mọi cách, từ giáo dục, pháp luật… để tạo ra con người… Việt Nam ta chiến đấu hy sinh, truyền thống đến như vậy mà vẫn thiếu người! “Nhân tài thu diệp, tuấn kiệt thần tinh” (Tuấn kiệt như sao sớm, nhân tài như lá thu) (Nguyễn Trãi), là tại đâu?

4) Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 gồm: tập thơ Những lớp sóng ngôn từ (Mã Giang Lân), tập truyện Bãi vàng, đá quý, trầm

 

Tác phẩm đạt giải thưởng của

Hội Nhà Văn VN 2013

hương (Nguyễn Trí), tập bút ký - tiểu luận văn học của Ma Văn Kháng, bản dịch tiểu thuyết Nông dân (Wladyslaw Reymont, Ba Lan) của Nguyễn Văn Thái.

Riêng về Thơ, thì có bài trên mạng chê tàn tệ: “dở và nhạt”… Bài này là có thiên kiến, động cơ đả kích (có những số liệu sai: Hội Nhà văn Việt Nam chi hàng trăm tỉ đồng/năm!? Lấy đâu ra?). Nhưng về thơ Mã Giang Lân thì thế này: đã đành hay thì chưa hay, chưa say lòng người lắm, nhưng “đọc được”, từ trung bình khá trở lên… Mã Giang Lân là một nhà thơ, cũng là nhà nghiên cứu - giảng dạy thơ, thơ đã in 5 tập, nhưng có gì là tài năng nổi trội thì cũng “vậy vậy” thôi. Thơ hôm nay là thế! Mã Giang Lân đi con đường hiện đại hóa thơ, thơ thiên về suy ngẫm (suy ngẫm quá khứ, suy ngẫm tâm trạng con người hiện thời, có cả những “hồi quang” thời chống Mỹ), nó gần văn xuôi và có cách triển khai tứ thơ hơi đơn điệu. Đó cũng là một thể nghiệm. Nhưng còn thành công được đến đâu thì còn chờ đợi độc giả, thời gian. Khó mà nói là có những bài hay, thật hay, sáng tạo, phát hiện… nhưng cũng không đến nỗi như kiểu nói quá đáng trên kia (phải nói rằng những bài thơ “nhại lại” của tác giả bài báo là thú vị). Chuyện tập thơ cũng là chuyện một nền thơ, rất phức tạp, thong thả ta sẽ bàn.

Cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Trí – Bãi vàng, đá quý, trầm hương, một người đào vàng, tìm trầm hương… chính hiệu, dồi dào chất liệu - “dưới đáy” của đời, nhưng cũng không kém thương cảm, đôi khi đầy nước mắt. Văn ở đây chính là cuộc đời, không cần đến sự hoa mỹ, hào nhoáng gì mà vẫn hay. Nhưng… mong rằng những năm sau Hội sẽ trao giải cho những cuốn có đề tài khác để cho có sự đa dạng.

Cuốn của Ma Văn Kháng là một cuốn tâm sự nghề văn, là bút ký về văn chương, không phải lý luận, cũng không phải phê bình. Cuốn sách đã được trao giải A của Hội đồng lý luận – phê bình Trung ương, đọc rất thích. Nhưng giờ Hội lại trao giải Nhất văn xuôi, thế có hơi dồn dập giải không, kể từ giải Nhà nước, giải Hồ Chí Minh: “ba nghìn giải thưởng chất trên một người!”. Mà trong khi đó thì lý luận - phê bình bao giờ cũng bị kêu, nhưng không chọn ra được cuốn nào trong các cuốn dự giải. Hội phải có biện pháp, phải suy nghĩ thế nào, chứ “kêu” mà không khuyến khích thì còn kêu cả đời!

Còn cuốn dịch (Nông dân) thì muốn đánh giá nó phải biết ngôn ngữ Ba Lan và biết lý thuyết - lịch sử - đặc thù dịch văn xuôi… (điều mà ở ta là khó có). Nhưng trao giải cho thể loại dịch, khuyến khích dịch hẳn là một điều tốt đẹp!

Hồn Việt