Thời sự và suy ngẫm

1. Vụ đánh bom trên cuộc chạy đua marathon ở thành phố Boston - Hoa Kỳ gây sốc cho người dân Mỹ, và làm cho dư luận toàn thế giới quan tâm. Nó nói lên rằng, mặc dù đã cố gắng hết sức, Hoa Kỳ vẫn chưa ra khỏi ám ảnh của cuộc chiến khủng bố, kể từ sau vụ khủng bố có quy mô như một trận Trân Châu Cảng ngày 11/9/2001. Hoa Kỳ là một đất nước quá rộng lớn và có rất nhiều sắc dân sinh sống, ra vào, tuy an ninh đã được siết chặt nhưng lọt sổ vụ đánh bom này là một báo động đỏ cho an ninh của Hoa Kỳ.

Boston là một thành phố lớn, một thành phố công nghiệp và đại học, nằm ở gần cực Bắc Hoa Kỳ. Tôi đã đến thành phố này hai lần, lần gần nhất là vào mùa xuân 2007 để tham dự hội thảo châu Á. Thành phố cổ kính và yên bình, có Đại học Harvard nổi tiếng. Mùa xuân, những hoa dại trong vườn nhà lại trổ bông sau những ngày tuyết dày, đem đến một cảm giác thơ mộng và tĩnh lặng. Ở đây có rất nhiều Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam sinh sống, học tập và được gặp gỡ họ nơi xứ người là một niềm vui khó quên…

Ấy thế mà bây giờ nó như một thành phố chiến tranh. Cầu mong cho Boston cũng như những thành phố khác của Hoa Kỳ sẽ tai qua nạn khỏi, và nước Mỹ bằng mọi chính sách, sẽ giải quyết êm thấm các mối quan hệ để cho những vụ tương tự như thế này không bao giờ xảy ra.

2. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch năm nay, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Niềm tự hào của chúng ta là ở chỗ tinh thần kế tục cội nguồn nòi giống, văn hóa… đã được nhân loại tôn vinh. Và điều đó làm chúng ta cảm kích. “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời Bác Hồ nói với bộ đội ở Đền Thượng năm 1954, vang vọng mãi mãi trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước. Và ý nghĩa sâu xa của nó là chúng ta chiến đấu giữ nước bằng sức mạnh có từ quá khứ xa xưa. Và chính chúng ta, bằng cuộc chiến đấu có một không hai của thời đại ngày nay, đã làm rạng rỡ các giá trị yêu nước truyền thống. Ngày nay, đứng trước tình hình mới, chúng ta càng thấm thía sức mạnh của tinh thần dân tộc – tinh thần đoàn kết, cùng một bọc trăm trứng Âu Cơ, tinh thần chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biển đảo của Tổ quốc.

3. Trung Quốc đột ngột mời các nước ASEAN họp để bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Trong khi triển khai việc giành biển Đông với ta và các nước khác trong ASEAN, với những sự việc như cho tàu hải giám, hải quân đi tuần thám biển Đông gọi là để bảo vệ chủ quyền (?), trong khi lãnh đạo Trung Quốc “úy lạo” cư dân Nam Hải để tranh chấp với ta; trong khi bằng hành động thực tế họ vi phạm ngang ngược chủ quyền biển đảo của ta như triển khai cái gọi là thành phố Tam Sa bao gồm Hoàng Sa – Trường Sa để tranh chấp biển đảo… Nghĩa là họ không chỉ “nói”, mà “làm”, giở đủ chiêu trò để mọi người trên thế giới quen nhàm với việc làm của họ, mà “ngơ” đi để họ tóm thâu 3 triệu km2 biển đảo bằng cái đường lưỡi bò quái quỷ… Thế mà họ lại chủ động đàm phán để có COC, thì nó là cái gì? Nước ta là một nước Hán học lâu đời, tiếp xúc, hữu nghị và cả giao chiến nữa với Trung Quốc hằng mấy ngàn năm, chúng ta không lạ gì những chiêu “binh bất yếm trá” (việc quân sự tha hồ dối trá), chiêu “trong đánh có đàm”, “trong đánh có kéo, vừa kéo vừa đánh”… thì chúng ta hãy chờ xem! Nếu Trung Quốc có thiện chí thật (điều hơi khó tin, vì họ đã nói ra mồm hết cả cái âm mưu, tham vọng chiếm cứ biển Đông của họ), thì là may cho thiên hạ cũng là may cho Trung Quốc. Dù sao, vẫn phải đề phòng họ một lúc nào đó thuận lợi sẽ làm căng thẳng hơn nữa tình hình. Nhưng phải đề phòng nhất là cái phương châm “bất chiến nhi khuất” (không đánh mà người phải khuất phục) nghĩa là dùng chính trị, kinh tế… để áp đảo đối phương, bắt đối phương phụ thuộc, hàng phục. Cuộc chiến với Trung Quốc vừa là một cuộc đấu trí của nhiều quốc gia “lương thiện” với một tham vọng kinh hoàng, cuộc chiến ấy chỉ mới bắt đầu. Nhưng ta tin vào Lẽ phải, cái Thiện,Công lý của nhân loại; chứ không tin vào thuyết “thiên hạ đại loạn” để dựa vào đấy mà tự do hành động theo tham vọng.

4. Một đêm biểu diễn múa (16/4) gồm những vở múa đặc sắc – Huy chương vàng, Huy chương bạc… do Hội Nghệ sĩ múa mà NSND Chu Thúy Quỳnh làm Chủ tịch, đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát TP.Hồ Chí Minh. Mười mấy vở múa phong phú về đề tài, về sắc điệu, về phong cách…, lành mạnh, yêu đời, yêu đất nước quê hương… đã được biểu diễn với tất cả nhiệt tình, tài nghệ của các diễn viên. Có cả múa ba lê cổ điển (vở Don Quichotte). Có cả múa dân gian Khmer, Tây Nguyên, Phú Yên… Có những màn diễn của một tài năng đột xuất về múa: Linh Nga (mà trước đây Hồn Việt đã giới thiệu). Người xem nín thở theo dõi, và nhiều màn rạo rực hoan hô, chia sẻ…

Nhưng… NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết lương của các nghệ sĩ này chừng vài ba triệu! Còn các em diễn Don Quichotte là học sinh, chưa được hưởng lương!

Hỡi ôi! Ta phải có chính sách thế nào, chứ đối với văn hóa - văn nghệ, đối với tài năng như thế này, thì thật chết! (NSND Lê Khanh trong phát biểu dịp Tết trước Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cho biết mình được xếp lương hạng 3 (4.06)*.

Trong khi đó thì thị trường thả nổi, có ca sĩ thu hằng chục triệu, trăm triệu (và có người trốn thuế). Phải thu thuế người này, chỗ này bù người kia, chỗ khác; phải như nước Anh dùng cả tiền lãi xổ số tài trợ cho văn hóa - văn nghệ. Ta chi 1,8% tổng ngân sách cho văn hóa cũng không phải là ít (ước tính gần 14.000 tỉ của khoa học). Nhưng tiền ấy làm gì, đi đâu, hiệu quả ra sao, phải rất nên xem lại.

5. Bộ Giáo dục - Đào tạo có kế hoạch cho các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty… mở đại học. Kể cũng không phải vô lý: các nơi này tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình, mà họ lại có tiền!

Nhưng… làm sao quản lý chất lượng? Làm sao có thầy đúng chuẩn giảng dạy? Làm kinh tế là một việc, mà làm giáo dục đại học là một việc rất khác, phải đâu cái gì cũng làm được (thuyết “con dao phay”).

Đem giáo dục giao cho các tập đoàn kinh tế, liệu có phải “đem con bỏ chợ”? GS Krugman, giải Nobel kinh tế Hoa Kỳ, đã nói chí lý: “Giáo dục không phải là cái mà thị trường tự do có thể xử lý tốt, không ai dựa vào thị trường để cung cấp dịch vụ giáo dục”. Nhà nước phải nắm lấy, phải chịu trách nhiệm. Đừng vì thiếu tiền mà giao khoán! Hiện thời đã có hơn 400 đại học, việc tuyển sinh đang gặp khó, nhiều trường chết dở, thế thì việc mở thêm đại học kiểu này có khác chi công thức 1 tỉnh mấy đại học, 1 cảng, 1 sân bay, 1 đài truyền hình… để hoàn chỉnh mỗi tỉnh là 1 vương quốc!

 

--------------------

*Hồn Việt số 67

Mai Quốc Liên