Thời sự và suy ngẫm

Tâm trạng của nhiều người trong những ngày này vừa vui vừa buồn vừa lo. Thì bao giờ mà chả thế, cứ gì những ngày này! Vui vì có những việc đã rõ là những cố gắng không mệt mỏi, những cố gắng chân thành và trách nhiệm. Hội nghị Trung ương Đảng vừa kết thúc với những quyết sách lớn. Sự đồng thuận tăng lên trong ASEAN trong ứng xử với Trung Quốc trên biển Đông. Chuyến thăm Nga và Belarus của Thủ tướng Chính phủ thắng lợi… Nhưng…, giải bài toán về nền kinh tế đang ở chặng đường suy thoái là một việc khó. Đã tiến hành nhiều biện pháp nhưng kết quả còn chưa rõ. Trong khi cái phức tạp không chỉ ở tình hình trong nước mà còn là cả thế giới, ở những đối tác làm ăn buôn bán với ta. Một “buổi sáng ảm đạm” của nợ nần, thất nghiệp, suy giảm… đang trùm lên châu Âu, Mỹ, Nhật… Ta đã có năm tăng trưởng hơn 8%, nay ráng ở mức trên 5% và kiềm chế được lạm phát, rồi mới “từ từ tính” được.

Nhiều ý kiến rất bi quan. Nhưng theo chúng tôi, tình hình nó đã vậy, thì ráng mà tháo gỡ, chứ bi quan (hay lạc quan dễ dãi) cũng chẳng ích gì.

Tình hình trước mắt liên quan đến cách nghĩ, cách định hướng cho lâu dài. Trung ương kỳ này tăng cường công tác Dân vận. Nghĩa là chú trọng Dân. Không thể khác, đời nào cũng thế, cũng phải chú ý cái sức mạnh “chở thuyền và lật thuyền”. Hãy để cho dân nói lên nguyện vọng, tiếng nói chân thực của mình (qua rất nhiều cách). “Dân chủ là để dân mở miệng”. Mặt khác để cho Quốc hội kỳ này bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn…, đó cũng là một cách tăng cường dân chủ. Mặt trận phải mạnh, chứ không thể như cóông làm mặt trận nói đùa là “giơ mặt chịu trận” và Quốc hội ngày càng giám sát, trách nhiệm, chuyên nghiệp… Rồi các cơ quan khác của Đảng như Tổ chức, Kiểm tra… cũng ngày càng trong sạch, hiệu quả, quyền uy thật sự, thử xem Đảng và chế độ có mạnh lên không. Chúng ta phải tính một mô hình. Một mô hình không đa đảng (tức là không có “đối lập”, không có “triệt hạ” nhau), nhưng thay vào đó phải là một sự giám sát hai lần hiệu quả. Từ xưa đến nay, từ Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc (thời Mao) đã không làm điều này, mô hình hình chóp, tập trung quyền lực vào một số người, rất dễ bị đánh đổ hoặc phạm sai lầm chết người.

Chúng ta hy vọng rằng, giới cầm quyền, giới tinh hoa chính trị có đủ trình độ và quyết tâm để nhận rõ tình hình và có trách nhiệm với tình hình đất nước. Học Hồ Chí Minh nghĩa là tất cả vì dân, vì đất nước, không bợn một chút cá nhân chủ nghĩa nào (khó thay!), nhưng không có cách nào khác để bảo vệ chế độ. Một chế độ đã dựng lên bằng biết bao xương máu của bao thế hệ, anh cá nhân - lợi ích nhóm để phá hỏng nó là điều không ai chấp nhận. Được cầm quyền, được cống hiến cho một đất nước và nhân dân như thế đã là niềm hạnh phúc tối cao. Nếu như còn nghĩ đến tài sản, vợ con, nghĩ đến “vinh thân phì gia”, “không nghĩ đến thiên hạ lớn lao” như Nguyễn Trãi nói, thì sao được? Nhưng vấn đề không phải là thuyết giáo đạo đức, mà là sự giám sát, là luật, là dân thực sự làm chủ và có tiếng nói.

Chúng tôi nghĩ rằng toàn Đảng toàn dân toàn quân trong những ngày Tháng Năm lịch sử này đang mỏi mắt trông chờ ở Trung ương, ở Quốc hội. Một kết quả tích cực trong các công việc quan trọng như sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi Luật Đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm… và các việc khác sẽ làm lòng dân giảm lo lắng, tiến tới một sự đồng thuận cao hơn, tin tưởng hơn. Quy hoạch cán bộ của Trung ương lần này, hướng tới Đại hội 12 sẽ là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Bởi con người quyết định tất cả. Từ trước đến nay, công tác này còn thiếu sót, còn chưa đáp ứng được tình hình, chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa động viên được hết tài năng - tiềm năng quốc gia. Tuy cũng có những ưu điểm, nhưng đừng để trong bộ máy có chuyện “chạy chức, chạy quyền” trắng trợn. Vở kịch - dân ca Đường đua trong bóng tối gần đây diễn ở Tam Kỳ (Quảng Nam) và được truyền hình trực tiếp hôm 18/5, nói về chuyện này, tuy không phải đã hay lắm, nhưng thật sự gợi lên một vấn đề bức xúc của đất nước!

19/5/2013

Hồn Việt