Thời sự và suy ngẫm, số 74

* “Người trong cuộc”

Khi Hồn Việt phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Vân, ông đang mệt vì tim đau, nhưng có nói mấy ý; trong đó, nói về sáng tác thời kháng chiến của mình, ông có nói: “Tôi là người trong cuộc, gia đình tôi cả nhà làm nhà giáo, tôi sáng tác với tính cách người trong cuộc” (và chuẩn mực, nghiêm túc “như một nhà giáo”).

Người trong cuộc! Thời đó nhạc sĩ làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nó là một “chảo lửa” thời sự của đất nước. Và nhạc sĩ đi thực tế, sống hết mình với đất nước và thời cuộc. Thời cuộc chính trị nóng bỏng của đất nước biến thành tâm tình, tâm sự, hóa cho nên những khẩu hiệu chính trị cũng biến thành giai điệu. “Thời đại chúng tôi thật là vẻ vang – Từng cây lúa, từng cây súng” và “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh – Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình – Hai chị em trên hai trận tuyến – Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang…”. Ấy thế mà những câu ca ấy giờ vẫn muốn nghe lại, để nhớ lại một thời đất nước đuổi giặc, giành lại nước!

Ngày hôm qua là xương máu, hy sinh. Dẫu đã 40 năm rồi, ta vẫn không quên ngày ấy bao giờ. Hôm 16-9 vừa qua, ta gặp lại những chiến sĩ còn sống sót sau “Thành cổ Quảng Trị” trong chương trình kỷ niệm trên truyền hình trung ương. Bác sĩ An, người bác sĩ trạm phẫu của chiến dịch, nhấn mạnh là các thế hệ tiếp theo phải nhớ những hy sinh cao cả, vô hạn… của chiến sĩ ta ngày ấy…

Vì ngày nay hòa bình lâu rồi, “thị trường” rồi, chúng ta rất dễ quên. Chúng ta rất dễ quên cái thời ta mất nước, nô lệ, cái thời quân thù nện giày đinh trên các phố phường, cái thời cha anh ta chân đất rét run… đánh giặc. Tình hình ngày nay dĩ nhiên là phức tạp, khó khăn nữa. Nhưng nếu chúng ta nhớ lại, nghĩ lại thời chúng ta tay không áo vá, đói cơm mà làm nên cơ ngơi hoành tráng như ngày nay, thì chúng ta cũng có thể tự hào. Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập vừa qua Việt Nam nói: “Hy Lạp phải mất hơn 150 năm mới được như Việt Nam bây giờ”. Châu Âu đang khủng hoảng, Hy Lạp đang thất nghiệp, vỡ nợ…, ta biết vậy. Ông Lập đã ở Việt Nam thời chiến tranh, thời chân đất đánh Tây, ông thấy Việt Nam là cả một diệu kỳ.

Còn ta, “ở trong chăn biết chăn có rận”, ta biết cái khó khăn kinh tế, biết tham nhũng tuy đã được đẩy lùi một bước (cũng vì tiền của đã chôn vào bất động sản!) nhưng vẫn còn đấy; chúng ta biết giáo dục – văn hóa chưa đạt yêu cầu… Nhưng dù lo lắng, dù chưa vừa ý đến đâu, chúng ta cũng phải nhớ đến cách đánh giá của thế giới. Thế giới, trừ những anh chống đối Việt Nam thâm niên, có cái nhìn bình tĩnh, khích lệ Việt Nam hơn.

Một số ít trí thức bất mãn, sốt ruột với tình hình vội tìm đến công thức xã hội dân chủ, đa nguyên đa đảng của phương Tây. Cũng chẳng có chuyện gì mới, “Diễm xưa” rồi! Từ lâu rồi, ông Nguyễn Khắc Viện có nói: “Nếu ngủ một đêm thức dậy, xã hội ta thành phương Tây, thì tôi tán thành ngay…”. Nhưng ta ở hoàn cảnh lịch sử khác xa họ. Và nay ta đã đổi mới mô hình – tuy chưa đầy đủ – khắc phục được rất nhiều khuyết tật và đi lên. Tuy chưa như mong muốn, và còn phải làm tiếp nhiều việc lớn khó khăn, ta phải có tấm lòng và con mắt “người trong cuộc”… Phải tính chuyện có lợi cho nhân dân và đất nước. Đi theo con đường đa nguyên đa đảng như một vài ông hô hào, liệu có “lợi” chăng? Hay là “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”! Người dân bình thường, không như mấy ông “trí thức” nhiều tâm trạng cá nhân, lo trước hết chuyện mần ăn và nhất là chuyện trị, loạn. Mấy chục năm chiến tranh, nhân dân đã quá khổ, quá đau thương rồi, nay các ông lại muốn dựng đảng tranh quyền, chẳng biết vì tham vọng của các ông hay vì bát cơm manh áo của dân đen. Rồi có thể gây ra biểu tình, lựu đạn nổ hàng đêm ở các góc phố, gây ra tranh luận, vu cáo, kể cả vu cáo cuộc chiến đấu “bên nào thắng thì nhân dân đều bại” sặc mùi dân túy, chẳng qua là để tước đi cái thế đứng chính nghĩa của chế độ! Bây giờ lòng người có chút biến động, thiếu niềm tin vì tham nhũng, phân cực giàu nghèo…, chẳng thà ta chống cái đó để bảo vệ sự an bình, thái bình… nghe còn có lý hơn là la lên đòi “thanh toán” với chế độ! Sự đời có lúc nào mãn ý đâu, nhưng mà hãy nghĩ hãy tính như một người trong cuộc. Đứng ra ngoài, đứng ra bên, thậm chí đứng đối lập… thì sinh lắm chuyện lắm, mà chắc chắn ở Việt Nam ta, cái đó sẽ không giải quyết được chuyện gì! Về phía nhà cầm quyền, Đảng cầm quyền, thì phải nêu gương liêm chính, chí công vô tư như Cụ Hồ, hết lòng ra sức vì việc nước, gác bớt lại gia đình, cá nhân, lòng tham, tăng thêm trình độ, tâm huyết... thì lòng người sẽ yêu, sẽ phục...

Chúng tôi nói thế, không có nghĩa là chúng tôi không tán thành dân chủ. Dân chủ phải là bản chất của chế độ, một chế độ do toàn dân xây đắp nên bằng xương máu. Và Hồ Chí Minh, người đã nói rõ ràng, chân thành đến thế về dân chủ, trong Đảng và ngoài dân, thì có lý gì chúng ta không đi theo con đường dân chủ. Nhưng phải tính một mô hình hợp quy luật, đưa đến lợi ích giải phóng mọi kìm hãm đất nước, kiềm chế được lạm quyền, trấn áp được tham nhũng... để đất nước đi lên nhanh hơn. Chuyện này còn lắm lời bàn, và ta, những nhà văn, nghệ sĩ, trí thức… nên tham gia bàn.

* Bức thư của Putin – Điểm nóng Syria

Điểm nóng Syria có chiều nguội bớt. Một trong những tâm điểm đó là các động thái của Nga, trong đó có bức thư Putin gửi Mỹ. Đó là đỉnh điểm của một chính sách, một quan điểm, một mưu lược. Ông Obama đang mút cái “gân gà”(1) Syria, tiến thoái đều dở, thì Nga đưa ra cái cây sào giải giáp vũ khí hóa học. Thế là Mỹ lập tức đáp ứng và tình hình đang diễn tiến tiếp.

Nhưng Bức thư Putin mà chúng tôi xin đăng lại toàn văn trong số này để bạn đọc thưởng lãm, là một sự cố! Cả thế giới ca ngợi, khích lệ, khoái thích. Việt Nam mình cũng vậy(2). Dân Mỹ ký tên đòi ông Obama trả lại giải Nobel hòa bình mà ông nhận do rút quân Iraq, để trao cho Putin (đáng tiếc là giải này nhận, và xét từ tháng 2, nay đã muộn cho năm nay). Nhưng đó cũng là một áp lực chính trị của lòng người. Nhân loại không muốn Mỹ đánh Syria. Mỹ sa lầy vào đấy thì Syria sẽ còn tệ hại hơn là Iraq, Afghanistan… ấy chứ. Các thế lực Hồi giáo thân Al Qaeda sẽ chẳng bỏ lỡ cơ hội để biến nước này thành cuộc chiến dai dẳng, hút tiền và sức của Mỹ… Việt Nam mình ở xa, không trực tiếp dính líu, nhưng thử hỏi đánh nhau giá dầu mỏ tăng từ 100 lên 150USD một thùng, thì kinh tế chúng ta đang chống chọi bao khó khăn để nhích lên, há chẳng phải chịu ảnh hưởng…?

 

_______

(1) Xin nhớ lại điển trong Tam quốc, Dương Tu nói về Tào Tháo.

(2) “Bài viết quá hay, câu kết luận rất ấn tượng” – (tranquangtin12 – vnexpress); “Một bài viết thể hiện đúng “tính cách Nga” và xứng tầm của một nguyên thủ quốc gia của một nước lớn đáng kính trọng” (Trần Công Luận.Vn. – nt); “Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bản Tuyên ngôn lịch sử với câu trích dẫn trong Tuyên ngôn của nước Mỹ; Tổng thống Putin thì trích dẫn bản Tuyên ngôn của nước Mỹ làm câu kết tuyên bố của mình. Ông xứng đáng là lãnh tụ toàn cầu” (thangtm101 – nt); “Bài viết có ý nghĩa nhân văn rất cao, nhất là đoạn kết” (hoangphong vu – nt); “Ôi hay quá, may mà thế giới vẫn có Nga” (Hà – nt); “Hay tuyệt vời luôn. Lịch sử sẽ cảm ơn ông nếu cuộc chiến tại Syria không xảy ra” (Zin – nt)… Và rất nhiều, rất nhiều ý kiến tương tự.

Hồn Việt