Thời sự và suy ngẫm, số 75

* Cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã bàn bạc và quyết định nhiều vấn đề quan trọng: kinh tế - xã hội, cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục, quốc phòng… Về kinh tế, sau biết bao cố gắng bền bỉ để xoay chuyển tình hình, hy vọng đang rạng dần lên phía chân trời. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Lạm phát bình thường, sản xuất vẫn nhích dần lên trong khi nhiều doanh nghiệp bị đình đốn; ngân hàng có bước tiến mới, nhưng thất thu ngân sách đang là rất cao. Nhập siêu giảm mạnh… Mặc dù thế, chưa thể nói là chúng ta đã ra khỏi khó khăn; hơn thế nữa chúng ta còn lâu mới thoát được “cái bẫy thu nhập trung bình”! Nếu không vừa cố gắng vừa có những bước đột phá, sa vào cái “bẫy” ấy có khi đến 30- 40 năm nữa chưa thoát ra được (như Philippines chẳng hạn).

Giáo dục là một vấn đề đã vài chục năm nay bàn thảo, bàn thảo đến mức không còn gì để bàn – nay Trung ương quyết thì phải làm thôi: “Khởi nguồn của mọi sự là hành động” (Goethe), chứ không phải là lời (dù là lời của Chúa)! Phải gỡ dần những cái cụ thể, rồi nhìn chiến lược. Người, tiền, quyết sách… phải đồng bộ. Có lẽ quan trọng nhất là người. Tiền dẫu có, nếu rơi vào tay những người thiếu trách nhiệm rồi cũng hết thôi mà chẳng được việc gì. Con người trong giáo dục, các cấp lãnh đạo quản lý và cả các thầy cô, vẫn cần được “giáo dục” - theo ý của K.Marx: “người đi giáo dục cũng cần được giáo dục”, và đây là cả một vấn đề lớn. “Đất dụng võ” đã có rồi, chỉ thiếu “anh hùng”!

Quốc phòng là chuyện nhân dân quan tâm, vì ai mà không lo giữ nước. Vừa tăng cường đối ngoại, lấy “đa phương” để giữ nước, vừa tăng cường nội lực, sẵn sàng, cảnh giác… Phía đông, phía bắc, phía tây nam…, phía nào mà không phải lo. Nhưng lo cho hòa bình, ổn định, phát triển… phải là cái đích.

Hội nghị Trung ương kỳ này đã bắt đầu lập các tiểu ban để chuẩn bị Đại hội 12. Trong một thể chế như của chúng ta, thì nhân sự cao cấp có ý nghĩa rất quyết định. Khác với Trung Quốc, “lập trình” nhân sự trước cả chục năm, ta phải chờ đến “phút đá bù giờ” (ta hơi giống Mỹ)! Mong rằng Trung ương hết sức để tâm tính kỹ vấn đề liên quan đến vận nước, vận Đảng đó. Chọn cho được người đứng đầu và bộ chỉ huy chiến lược… tràn đầy sức chiến đấu, bản lĩnh, trung kiên, ngời sáng “soi đường”… để cho đất nước vững chắc đi lên.

* Ngoại giao ta nhộn nhịp, hết họp APEC lại họp với ASEAN, rồi tiếp Thủ tướng Trung Quốc, và sắp tới lại tiếp Tổng thống Putin (Nga cũng đang hết sức quan tâm tới châu Á – Thái Bình Dương). Việt Nam trở thành tâm điểm của các “trục”, làm sao “giữ mình” và nắm bắt cơ hội lớn… Năm 2017 lại sẽ có cuộc cấp cao APEC ở ta, đó cũng là một tín hiệu vui…

* Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị, tinh thần của nước ta. Mặc dù đã sống đến tuổi 103, tuổi “trời cho” chứ chẳng ai dám mong, nhưng sự ra đi của Đại tướng đã để lại trong lòng nhân dân một niềm tiếc thương chân thành sâu sắc. Dòng người đi viếng không ngớt đi qua nhà số 30 Hoàng Diệu của Đại tướng nói lên bao điều… Lòng dân không mất bao giờ, lòng dân âm ỉ lửa nồng chỉ chờ có dịp là bùng lên, tỏa sáng. Nhất là của những người lao động, của thanh niên…

Dịp này cũng là dịp ôn lại, nghiên cứu thêm về cuộc đời Đại tướng. Chắc chắn rằng đây chỉ là sự mở đầu. Còn bao nhiêu bí ẩn đang cần khám phá khi đủ tư liệu (kể cả các tư liệu chưa được “giải mật”). Ở Pháp, cho đến nay có 800 cuốn sách viết về tướng Charles de Gaulle, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ còn được nghiên cứu tường tận hơn nữa. Thật thú vị khi cuộc đời đó của Đại tướng được đặt trúng vào những tình huống lịch sử cụ thể, với đủ các tư liệu, bằng chứng lịch sử của người trong cuộc. Cho nên, lập một Bảo tàng Võ Nguyên Giáp không quan trọng bằng lập một ngành “Võ Nguyên Giáp học”… Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng nghiên cứu lịch sử thì phải qua nhiều lần – đó cũng là ý của Đại tướng. Là một người lính, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một ý thức kỷ luật cao. Dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng giữ nguyên tắc, kỷ luật, trung thành. Cuộc đời ông, cũng như cuộc đời bất kỳ ai, cũng là một “kiếp người” trong cõi nhân sinh phiền lụy…, có sóng gió, có thăng trầm. Nhưng vượt lên trên hết là tình yêu Tổ quốc. Vì thế, lòng dân hướng về ông để trút tình cảm yêu nước, yêu dân ấy. Việt Nam đang tụt hậu, cái tụt hậu đó nhiều khi thấy nhục, có phần giống như nỗi nhục thời mất nước, thanh niên muốn tìm đến một con người biểu tượng để nương tựa, để hy vọng. Ngoài ông ra, còn có ai?

Hồn Việt (kể cả chuyên san) từ rất sớm đã đăng nhiều bài viết về Đại tướng, tác phẩm của Đại tướng… Nay xin đăng một số bài có tính độc đáo để bạn đọc thưởng lãm.

* Cuộc khủng hoảng nợ công làm chính phủ Mỹ phải nghỉ việc – đóng cửa, tuy đã tạm thời qua khỏi, vẫn để lại một vết hằn sâu trong lòng nước Mỹ, dân Mỹ (và cả thế giới nữa: Trung Quốc và Nhật, hai nước chủ nợ của Mỹ tỏ ra lo lắng vì “con nợ” Mỹ). Nếu nước Mỹ do không thỏa hiệp được giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ mà vỡ nợ (nợ lên đến 16.700 tỉ USD, nghĩa là tương đương với GDP của Mỹ), thì hậu quả khó lường! Nước Mỹ vẫn là nước giàu mạnh nhất thế giới, nhưng những dấu hiệu suy yếu của nó đã bộc lộ rõ. Còn ở Nga, theo một thống kê, 100 tài phiệt chiếm 45% của cải…, ở Mỹ - 1% người giàu chiếm 40% của cải. Sự phân cực giàu nghèo ở Trung Quốc còn lớn hơn cả ở Mỹ!

Bất công là rất lớn, nhưng người ta vẫn sống được, tầng lớp “trung lưu” vẫn duy trì được trong xã hội nhờ khoa học – kỹ thuật, nhờ quản lý, nhờ thu vét được dưới những hình thức tinh vi và bạo lực (nhảy vào khống chế Trung Đông để khống chế dầu mỏ chẳng hạn).

Nhân loại đang bế tắc về lý tưởng, hướng đi… Tình hình ấy lẽ ra cần đến cách mạng. Nhưng cách mạng không đến, hay chỉ đến dưới hình thức khuynh tả - XHCN ở Mỹ La tinh mà thôi. Trung Quốc không nêu một tấm gương, một hướng đi nào cho nhân loại, chỉ xây dựng “xã hội khá giả” (trung lưu), nghĩa là một mô hình trong hình thức độc chuyên, tập trung cao độ. Kể ra thì cũng chẳng có đường nào khác. Con đường xã hội – dân chủ của Tây Âu cũng không dễ đi, khi đã đi con đường XHCN. Chuyển sang đó có nhiều hệ lụy, loạn ly, sụp đổ như chơi. Nhưng với cách nghĩ của người dân Trung Quốc, thì họ sẽ không loạn, không “tam quốc” như có người nghĩ đâu, mà họ sẽ là một “chủ nghĩa chủng tộc” mới, cùng với Mỹ khống chế, tranh nhau thiên hạ!

Hồn Việt