Thời sự và suy ngẫm, số 81

Từ nay đến Đại hội Đảng XII (đầu 2016), coi vậy, mà thời gian không còn nhiều. Bên cạnh đường lối là vấn đề nhân sự, bao giờ cũng được mọi người yêu nước quan tâm thiết tha. Những ai và những ai sẽ là người dẫn dắt quản lý đất nước? Ai sẽ là người chúng ta trao gửi vận mệnh và niềm tin? Ngày nay, khi ta đang tiến sâu vào kinh tế thị trường, vào toàn cầu hóa, bao nhiêu cái thay đổi khác. Con người phải nhìn nhận khác trước, với hoàn cảnh đổi khác chung quanh. Chúng ta mong muốn những điều tốt đẹp, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với mặt trái của thị trường, với bao khó khăn thách thức… Đồng tiền, tài sản, tư hữu, áp lực của ngoại bang…, đó chắc chưa phải là tất cả những điều mà chúng ta phải đối phó. Ngày xưa, khi kháng chiến, có Bác Hồ và các học trò của Người, những người có thể nói là tinh hoa, trí tuệ và lương tâm của dân tộc, nhân dân yên lòng, tin yêu. Bây giờ, khi nghe chỗ này chỗ kia bán chức, chạy chức…, khi nghe cả những người làm tổ chức, làm thanh tra, kiểm tra… cũng lợi dụng quyền hạn chức vụ tham nhũng, khi nghe các tập đoàn kinh tế “góp vốn” để chạy cho vị này vị kia, rồi sau đó “phục vụ”, “lại quả” cho mình…, chúng ta lo lắng, đau lòng.

Làm thế nào để có một Đại hội “tốt”. Đó trước hết là trách nhiệm của Trung ương, của quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, vạch ra các quy chế, quy phạm chặt chẽ của nó. Cũng phải làm cho toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân… được tham gia thực chất vào quá trình này. Bởi con mắt, tấm lòng của nhân dân luôn sáng tỏ. Dù có những kẻ xấu, vì lẽ này lẽ kia lợi dụng dân chủ để chống phá, tai mắt và tấm lòng của nhân dân sẽ góp cho Đảng những phương cách, những sự kiện cụ thể… để Đảng xem xét, quyết định. Còn như chỉ thiên về bên trên, bỏ quên quần chúng (kể cả các đảng viên thường), nhiều khi gặp rắc rối không đường gỡ.

Chúng ta đã thu được những thắng lợi to lớn. Tuy chúng ta đang đối mặt nhiều khó khăn từ kinh tế, văn hóa giáo dục, xã hội… đối mặt với những chống phá ngày càng tăng từ nhiều phía, nhưng nếu chúng ta có được những con người dám xả thân vì Tổ quốc, trọn vẹn trung với nước hiếu với dân…, xứng đáng với truyền thống Cách mạng và Kháng chiến..., thì nhất định chúng ta sẽ tạo được một sự đồng thuận lớn để tiến lên về mọi mặt.

Vụ án Chu Vĩnh Khang, vụ án Cốc Tuấn Sơn - Từ Tài Hậu… tham nhũng, lạm dụng quyền lực đang làm sôi động dư luận Trung Quốc và thế giới. Chu Vĩnh Khang là “đại thần” - Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, nắm trong tay quyền lực mênh mông, dưới một vài người, trên cả tỉ người. Và đúng là quyền lực làm tha hóa con người. Cả nhà tham nhũng, con số cho đến nay được biết là 14 tỉ rưỡi USD. Con cả Chu Bân là doanh nghiệp lớn, tham vọng nắm dầu khí Trung Quốc, tất cả nay đang bị điều tra, quản thúc. Có tin tháng 5 này thì Trung Quốc công bố vụ án.

Cốc Tuấn Sơn là Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần của quân đội Trung Quốc. Ít học, thô lỗ nhưng nhờ cất nhắc, muốn làm gì thì làm, mua quan bán chức, có chức hằng trăm tỉ đồng, dâng gái đẹp cho cấp trên, bất chấp luật pháp, dư luận. Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ, Thượng tướng, tức là một “thái tử” Đảng, có công phát hiện ra vụ việc của y, kiến nghị lên trên từ thời Hồ Cẩm Đào… đến nay Tập Cận Bình lên thì “phá án”. Tịch thu nhà cửa của y, nhiều đồ quý, trong đó có mấy trăm kiện rượu quý Mao Đài!…

Tham ô, hủ hóa, hủ bại như thế ở cái nước Trung Hoa kinh tế thị trường đang phát triển; của cải, tiền bạc nhiều như nước Trường Giang, thời này so với thời xưa bọn hoạn quan, tham nhũng lộng hành… còn gấp mấy! Nguy cơ cho chế độ đất nước là điều thấy rõ. Tập Cận Bình trị cả “ruồi” lẫn “hổ”, chiến dịch chống tham nhũng này, động đến cả cấp cao nhất, gì thì gì chứ không phải chuyện tầm thường ai cũng làm được, ai cũng dám làm đâu!

Vấn đề tha hóa, tham nhũng… gần như là một căn bệnh, một căn bệnh khó trị, khó chữa. Trung Quốc cũng như ta, thấy đó là nguy cơ của sự tồn vong. Vấn đề không phải chỉ là ở chỗ số của cải, tài sản mà họ tiếm đoạt. Vấn đề còn là bản thân con người họ, những người nắm chức quyền, lãnh đạo, chịu trách nhiệm về đất nước đã bị mục ruỗng. Những người như thế thì ở chế độ nào: phong kiến, tư sản, XHCN đều là thuộc loại gian nịnh, làm mất nước, tan rã chế độ.

Trung Quốc xếp loại tiêu cực này vào hàng thứ tư. Lẽ ra, phải xếp vào hàng thứ nhất. Tham nhũng quyền lực, từ quyền lực mà mua quan bán chức, mà tiếm đoạt của dân, của công… thì đó là dạng tham nhũng nghiêm trọng nhất. Nên nhân dân ta mong rằng có sự chỉ đạo nghiêm khắc, sáng suốt, bài bản, đầy trách nhiệm trước Đảng, trước toàn dân tộc về công tác chống tham nhũng quyền lực, công tác nhân sự… Chứ mà chểnh mảng, mất cảnh giác “ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng” thì tai họa sẽ đến bất cứ lúc nào từ trong tường vách nhà mình.

Bài học hai Tổng bí thư của Trung Quốc Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương dao động, M. Gorbachov ở Liên Xô trở cờ, cũng đáng cho ta suy ngẫm vậy.
“Hủ nho lo việc đời” - “Gái góa đi lo việc triều đình”… đúng vậy đấy. Nhưng phàm đã có người “biết chữ”, có đọc sách, có yêu nước thì thường là “nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (người biết chữ thì nhiều lo nghĩ - Nguyễn Trãi). Chia sẻ điều này cũng là một nhu cầu sống của con người.

Tình hình Ukraina vẫn đang nóng. Dân cư miền đông, vốn phần lớn là dân gốc Nga, thân Nga… đang nổi lên chống chính quyền bất hợp hiến ở Kiev. Họ bạo động, chiếm trụ sở chính quyền, Kiev đang đưa quân đàn áp, gọi là “chống khủng bố”. Súng đã nổ và máu đã đổ.

Nước Nga tuyên bố muốn tình hình Ukraina ổn định, muốn Ukraina trung lập, thiết lập một thể chế Liên bang gồm các chủ thể có quyền rộng rãi, trong đó người gốc Nga, người nói tiếng Nga được bảo vệ. Ông Putin sau khi chơi ván cờ cao Crưm (Crimea), chắc biết câu “tri túc tri chỉ” - biết đủ biết dừng. Tới đó là vừa là đủ, Nga chưa đủ sức: “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Cho nên Nga lúc thì tăng giá khí đốt, lúc thì tuyên bố trợ giúp tài chính, chưa bắt Ukraina trả nợ… Chính sách linh hoạt còn tùy thuộc vào hành động của Mỹ, EU…

Dư luận, báo chí hết sức quan tâm đến việc Việt Nam đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019, với dự toán tốn 150 triệu USD. Nhiều người phản biện rất có lý lẽ, tư liệu khoa học về các cuộc thi thể thao như thế thường là tốn kém ít nhất là gấp mười (1,5 tỉ USD).

Chính phủ đã lắng nghe và đã có quyết định cuối cùng vào chiều ngày 17-4-2014: Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18. Một quyết định kịp thời, chính xác, hợp lòng người, phải lẽ. Đó là sự lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân, của dư luận. Đây có lẽ là lần đầu tiên mà ý kiến phản biện của dư luận, của báo chí… được phán xử rạch ròi. Ước mong sao việc này sẽ trở thành một tiền lệ tốt cho dân chủ. Giá mà từ trước đến nay, trên nghe cho kỹ, xét cho kỹ, công tâm, thành tâm… các vấn đề còn hệ trọng gấp trăm của kinh tế, xã hội, văn hóa… thì tốt biết bao!

Quyết định có rồi, mừng rồi, nhưng nhân đó có lẽ hơi “bản vị” một chút, chúng tôi nghĩ rằng:
Giá đem số tiền ấy (150 triệu USD - trên 3.000 tỉ đồng) không làm ASIAD mà đầu tư cho văn hóa văn nghệ!

Trước hết là đầu tư cho Điện ảnh, để vực dậy một nền điện ảnh Việt Nam chiến đấu, nhân văn, một công nghiệp Điện ảnh Việt Nam hoạt động tốt.
Vì sao trước hết là Điện ảnh (rồi sau đó dĩ nhiên là Âm nhạc, là Văn chương, là Sân khấu…). Vì Điện ảnh nghệ thuật quan trọng nhất như Lênin đã nói. Ngày nay, với truyền hình, nhiều phim mỗi tối đi vào hàng chục triệu người (như phim về nông thôn Làng Ma 10 năm sau của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đang chiếu, rất đáng cổ vũ vì một sự quan tâm đến “tam nông”, đất đai lúc này là rất quý). Nhân tài, người tâm huyết, đề tài… là không thiếu, nếu biết vực dậy, chăm sóc, tổ chức.

Sức tác động của phim ảnh là cực kỳ sâu rộng nếu nó là vũ khí tinh thần của ta. Dường như, Điện ảnh đang bị bỏ mặc cho nó đi về đâu thì đi! Về đâu? Về với xã hội hóa - tư nhân hóa, tự bỏ vốn, tự kinh doanh, mà rạp chiếu phim thì do nước ngoài nắm giữ. Mỗi năm, Nhà nước tài trợ cho mấy phim “cúng cụ”, khoảng 10 tỉ đồng mỗi phim. Làm xong, dù có phim hay, phim tốt cũng không có ai xem. Không có rạp, không quảng bá để chìm nghỉm. Làm sao mà thời chiến tranh ta tổ chức công phu cho đoàn chiếu bóng về nông thôn, nông trường, quân đội chiếu phim, mà ngày nay một cái công văn huy động bộ đội, công nhân, sinh viên, cán bộ… đến rạp xem phim cũng không ai làm? Đó là công chúng của ta, là người xem ruột thịt của Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại… Sao lại để mặc cho thị trường trôi nổi? Tất nhiên, đã đầu tư thì phải quản lý rất chặt, từ đề tài, nội dung cho tới tiền nong. Còn ai muốn làm phim cho phương Tây xem, chấm giải, tài trợ… nấp dưới khẩu hiệu “hội nhập quốc tế” với những cảnh sex con heo, xin tùy, nhưng Nhà nước không vì lẽ gì mà vứt tiền vào đấy!

Lần giở lại một Nghị quyết của Bộ Chính trị, số 30 ngày 6-1-1958 do đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Bộ Chính trị ký có nhiều đoạn rất sâu sắc, rất cụ thể về văn nghệ. Có đoạn nói về Tiểu ban Văn nghệ Trung ương: “Sự lãnh đạo của Tiểu ban đã tỏ ra non nớt về chính trị và hữu khuynh, thiếu tính chiến đấu và thiếu cảnh giác, quan liêu và cô độc. Không biết dựa vào lực lượng của số đảng viên tích cực và văn nghệ sĩ tiến bộ ngoài Đảng…”. Thời cuộc dù đổi khác, có những nguyên tắc là bất di bất dịch, vì nếu không thế thì mọi sự đổ sông đổ bể… Ở đây chưa nói đến âm nhạc, một lĩnh vực vô cùng quan trọng khác, nhiều ca khúc dù đã được đài phát thanh, truyền hình duyệt phát, cũng nghe không nổi vì quá tầm thường! Phải làm sao giáo dục lại thị hiếu nghệ thuật cho lớp trẻ, chứ chạy theo họ, chạy theo phương Tây, thì rồi ra sao? Quan tâm tới con người, tư tưởng, tình cảm, tâm hồn con người thì nhất thiết phải quan tâm tới văn học nghệ thuật.

“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa - văn nghệ không phải trò chơi, trò giải trí. Ta thắng giặc là nhờ văn hóa, con người. Ngày nay, nhiệt hứng lớn đang dần cạn. Nhưng Đảng phải tổ chức, tổ chức và tổ chức để vực dậy một nền văn hóa - văn nghệ đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống, của nhân dân. Đó là một công cuộc vĩ đại đòi hỏi nhiều điều, vấn đề là có nhận thức đúng, có quyết tâm rồi sẽ tìm ra người – nghệ sĩ và công chúng.

Hồn Việt