Thời sự và suy ngẫm, số 85

1. Chuyện sau đây được truyền miệng thôi: Trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối năm 2011, khi gần kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã nói: “Đường 9 đoạn là sự nghiệp do Quốc dân đảng để lại, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thực hiện, thì nhân dân Trung Quốc mới ủng hộ Đảng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liền đáp lời: “Các đồng chí nói chưa đúng, vì Quốc dân đảng để lại đường 11 đoạn, các đồng chí đã xóa bỏ 2 đoạn. Mặt khác, Quốc dân đảng để lại Đài Loan, các đồng chí đang xóa bỏ Đài Loan độc lập, có đồng ý cho Đài Loan độc lập đâu, nhưng nhân dân Trung Quốc vẫn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc!”.

Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nói tiếp: “Cần phải kiên trì gác tranh chấp, cùng khai thác, đặc biệt phải chấm dứt các hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển tranh chấp”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp lời: “Vấn đề khai thác dầu khí thì xin thưa với các đồng chí, chúng tôi khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều tham gia ký kết”.

Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào tiếp tục: “Quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc không cần bàn cãi, mong các đồng chí Việt Nam nghiêm túc đối xử đúng như lập trường của Trung Quốc”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáp lời: “Chúng tôi đã có cơ sở pháp lý và lịch sử để tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và đây là vấn đề rất thiêng liêng và hệ trọng với đất nước chúng tôi, đối với dân tộc Việt Nam. Nếu Trung Quốc không đồng ý, chúng tôi và các đồng chí cùng đưa ra tòa án quốc tế, nếu tòa án quốc tế xử như thế nào, chúng tôi chấp nhận như thế”. Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nói: “Thế thì thôi không bàn nữa!”.

2. Chúng tôi kể câu chuyện đó để nói rõ về thái độ và đối sách của Đảng Cộng sản Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Vì gần đây, có một vài vị xướng lên vấn đề Hội nghị Thành Đô (1990) với ám chỉ này nọ. Họ lấy tin đâu trên mạng và cả của báo chí Trung Quốc (báo Trung Quốc mà lại đáng tin ư?).

Theo chỗ chúng tôi biết, năm 1990 do hoàn cảnh quốc tế đặc biệt, Trung Quốc chủ động đề nghị tiếp xúc Trung-Việt. Vì nhiều lý do, trong đó có thể vì Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nội trị của họ không yên, kinh tế Việt Nam đổi mới đã bắt đầu khởi sắc… Lãnh đạo Việt Nam hưởng ứng, nắm lấy cơ hội này đi gặp Trung Quốc. Đoàn gồm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng. Phía Trung Quốc có Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng… Tất nhiên là Trung Quốc có mưu đồ: đánh đã không được thì “lạt mềm buộc chặt”, tính những mối lợi khác về kinh tế, chính trị… Ta không thể không chấp nhận giải pháp “láng giềng, anh em, đồng chí”, dù ta không lạ gì họ. Tình thế lịch sử, ta bị tổn thương nhiều sau 40 năm chiến tranh, công cuộc đổi mới bắt đầu nên cần phải “khép lại quá khứ”. Có thể có những hoan hỉ quá đáng, chưa đủ cảnh giác sâu sắc, nhưng việc làm này là hợp lý trong tình huống lịch sử bấy giờ. Chứ nào có chuyện “xin làm khu tự trị”? Vì muốn làm việc đó, phải có động tác, giấu ai được? Bài học lịch sử của ông cha ta là dù thắng dù thua, Việt Nam vẫn mềm mỏng với Trung Quốc. Đối sách với một nước láng giềng lớn mạnh, dã tâm, không dễ. Nhưng không hề có việc đến Thành Đô để đầu hàng, khuất phục. Cụ Phạm Văn Đồng, một người tham gia hội nghị đó, có lần bảo với chúng tôi: “Trung Quốc bao giờ cũng là Trung Quốc…”. Như thế là cụ hiểu Trung Quốc lắm. Làm sao có thể có một thế hệ học trò Hồ Chí Minh xuất sắc lại đi phản bội thầy! Còn nhớ năm 1946, khi ký với Pháp Tạm ước 6-3, Hồ Chí Minh đã bị những kẻ đi theo giặc vu cáo và đã tuyên bố với quốc dân: “Hồ Chí Minh quyết không bao giờ là người bán nước”. Phải chăng trò vu cáo hèn hạ 1946 được lặp lại?

Dù sao, cơ quan có trách nhiệm nên làm rõ điều đó để an lòng dân. Còn việc khắc phục những khiếm khuyết trong giao dịch với họ về kinh tế là đương nhiên. Nên chấm dứt chuyện cho các xí nghiệp Trung Quốc bỏ thầu rẻ, chất lượng thấp làm ăn ở ta. Nên kéo con số nhập siêu từ Trung Quốc (2 tỉ USD/tháng) bằng mọi cách và nhiều việc khác để tăng cường sức nước, thế nước.

Trung Quốc là nước có truyền thống “mưu cao kế hiểm” từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, chủ yếu là để “tranh đất giết nhau, xác người đầy thành” như Mạnh Tử nói. Khi cần, dầu cùng Hán tộc với nhau, họ rất tàn bạo. Chiếm được thành, già trẻ lớn bé đều giết sạch (đồ thành). Bạch Khởi, tướng Tần, chôn sống 40 vạn hàng binh nước Triệu, trở thành biểu tượng của sự tàn ác đó (một nhà thơ Việt Nam nhắc điển này: “Bạch Khởi có nghe sông núi thét. Bạo tàn không khuất được lòng dân!” khi Ngô Đình Diệm lê máy chém đi giết hại nhân dân ta ở miền Nam).

Cho nên ta không bao giờ mất cảnh giác. Việc rút giàn khoan Hải Dương 981 về Hải Nam trước 1 tháng theo dự kiến do nhiều sức ép, nhưng cầm chắc là họ chưa thôi mưu chiếm biển Đông. Sau Hội nghị ngoại trưởng ở Naypyitaw vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề biển Đông, trong cái gọi là “bảo vệ lãnh thổ” của họ. Tham vọng của họ là chiếm gọn biển Đông (chứ không chỉ là vấn đề khai thác tài nguyên). Tất cả các nước cần đoàn kết lại để chống âm mưu bá quyền hiểm độc này. Một mặt trận phải được hình thành để chống lại việc làm phi pháp (“vô pháp, vô thiên”) ấy. Một số nước hiện đang đứng ngoài, “trung lập” vì những toan tính, lợi ích dính kết với Trung Quốc, nhưng rồi với thời gian, ta tin rằng họ sẽ hiểu sự cần thiết phải ngăn Trung Quốc lại. Nga là một nước có quan hệ hữu nghị truyền thống, quan hệ ở tầm “chiến lược” với Việt Nam, Nga im lặng. Vì trong vụ Ukraina, như ta đã biết, Nga bị Mỹ và EU thúc ép, trừng phạt…, Nga phải quay sang Trung Quốc (trong nhóm BRIC… với Nga), bán cho Trung Quốc 40 tỉ USD dầu hỏa để bù vào cái khoản thiếu hụt ngân sách. Nga là nước có thể nói tồn tại, phát triển trên tài nguyên, khoáng sản dưới lòng đất… Hoàn cảnh buộc họ như vậy, chứ họ đã gắn kết với Việt Nam từ nhiều năm, cùng khai thác dầu với Việt Nam ở biển Đông, bán vũ khí phòng vệ cho Việt Nam và cũng đang có nhiều dự tính tiếp theo ở Việt Nam. Nhưng tinh thần “thực dụng” là tinh thần của thế giới ngày nay. “Không có bạn bè vĩnh cửu, không có kẻ thù vĩnh cửu, chỉ có lợi ích vĩnh cửu”, câu nói đó của một thủ tướng Anh thế kỷ 19 cũng đáng để cho ta suy ngẫm!

Nga là nước có nhiều quan hệ, ân oán với Trung Quốc. Nga nghiên cứu nhiều và quá hiểu Trung Quốc. Hiện nay, người Nga nghi ngại Trung Quốc nhiều. Theo một số thống kê, phần lớn (khoảng 60%) người Nga ghét và cảnh giác với Trung Quốc. Trong quá khứ, Nga (khi ấy là Liên Xô) sau khi tiêu diệt 1 triệu quân Quan Đông ở Mãn Châu, đã giúp vũ khí cho Trung Quốc “nam hạ” diệt Quốc dân đảng, lập nên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Không có thời cơ và sự giúp đỡ ấy, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thể đánh bại Quốc dân đảng. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau đó thôi, Trung Quốc chống Liên Xô, đầu tiên là với cái cớ “xét lại”, sau đó là họ muốn “độc lập”, đứng đầu, không chịu ở dưới Liên Xô. Rồi từ bất hòa, sang đánh nhau. Liên Xô lúc đó vạch trần bản chất chủ nghĩa Mao. Nhưng rồi Liên Xô sụp đổ, trong đó có một phần do sự tráo trở của Trung Quốc, năm 1972. Mỹ - Trung liên kết để chống Liên Xô. Trung Quốc vì lợi ích trước mắt, phế bỏ tinh thần XHCN, đi với kẻ mà trước đó Trung Quốc nguyền rủa. Trung Quốc còn gây chiến với rất nhiều nước chung quanh như Ấn Độ. Ngày nay, Trung Quốc dòm ngó vùng Xibia của Nga, làm đường sắt nối với Trung Á, quanh Nga…, một lúc nào đó, thừa cơ, họ chẳng ngại gì mà không chống Nga.

Sự đời “vật đổi sao dời”, không có gì là không thể diễn ra.

* *

*

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua đã tiếp ông John McCain, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam. Tổng bí thư khẳng định: Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Ông McCain nói Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc gây căng thẳng trên biển Đông, giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982… và tiến tới thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc giữa các bên… Lập trường của nhóm ASEAN ở hội nghị Naypyitaw (Myanmar) cũng là như vậy… Quốc hội Mỹ sẽ thông qua việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 9 này. Đồng thời, xúc tiến hiệp ước xuyên Thái Bình Dương TPP trong đó Việt Nam có nhiều lợi ích, xúc tiến mạnh mẽ nhiều mối quan hệ khác.

Như vậy, Hoa Kỳ đã trở thành một đối tác toàn diện, quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam không tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống nước thứ ba, nhưng Việt Nam hoàn toàn có quyền có quan hệ nhiều mặt, trong đó có quốc phòng, an ninh với bất cứ ai, bất cứ nước nào ủng hộ Việt Nam để tự vệ. Tự vệ là quyền thiêng liêng và chính đáng của các dân tộc. Bên cạnh Hoa Kỳ là Nhật Bản. Nhật Bản là nước cho Việt Nam vay vốn ODA lớn nhất, là nước đang có tiền duyên Hoa Đông – Senkakư đối mặt với sự uy hiếp của Trung Quốc. Từ lâu, hai nước đã có quan hệ, nay càng hiểu nhau hơn. Nhật Bản vừa trao cho Việt Nam 5 tàu tuần tra biển trị giá 500 triệu yen (khoảng 5 triệu USD), giúp kỹ thuật cho việc săn bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu sang Nhật. Đó là những việc làm thiết thực, cụ thể. Bên cạnh đó là Philippines, Australia, New Zealand… là cả khối ASEAN nay đã đoàn kết hơn trước sự chia rẽ, dụ hoặc của Trung Quốc.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa rồi ở Naypyitaw đã tăng cường đoàn kết hơn, thống nhất thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc và hầu như tất cả các nước tham dự (trừ Trung Quốc) đều thống nhất giải quyết vấn đề biển Đông theo luật quốc tế.

* *

*

Trong nước, bên cạnh những hoạt động, những thành tựu phong phú khác làm nên sự ổn định, ta chú ý tới vụ nguyên Chánh Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng điều tra. Theo tin, chủ yếu là từ báo Người Cao Tuổi của tổ chức Hội Người cao tuổi (già gân!) phát hiện, thì ông Truyền xây một ngôi nhà như cung điện ở Bến Tre quê ông và có đến 3, 4 ngôi nhà ở Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền… nghĩa là những nơi có những căn biệt thự, căn hộ cao cấp! Ông cũng ký đâu chừng 60 văn bản thăng chức cho một loạt cán bộ trước khi về hưu (do nhu cầu hay do “có màu”). Ta chờ kết quả thanh tra.

Nhưng đáng buồn là “Bao Công” theo chức trách, ông ta lại biến thành “Bao Tiền”. Thật hết biết! Nhân dân biết còn cậy dựa vào đâu, khi người cầm kiếm Thượng Phương, đứng đầu công lý, mà như thế! Hay chả lẽ trong quá trình làm Thanh tra đó, ông thấy quá nhiều vụ ăn tiền trắng trợn, trị không xiết, thôi thì mình cũng bắt chước họ, “bèo dạt mây trôi” hưởng phú quý!

Chuyện ông Truyền không hề cá biệt. Có tiền là mua nhà, xây nhà, 150 tỉ, 200 tỉ. Phải vội hưởng, chứ già chết đi có mang theo tiền của được đâu. Nên cũng có nhiều cách để lộ ra. Mà tiếc rằng các cơ quan chức năng có trách nhiệm, quyền hạn không chủ động lên phương án điều tra, phá án. Cứ hỏi: Anh làm công chức (cao cấp) lương nhiều lắm là 15 triệu đồng/tháng thì hỏi anh lấy tiền đâu mua nhà 200 tỉ (còn nhiều chi tiêu cho con anh đi học nước ngoài, mỗi tháng cũng 15.000 USD, hay cho con anh, vợ anh ăn chơi phung phí, đi nước ngoài xoành xoạch…). Không dễ trả lời, không dễ chứng minh… Kê khai tự nguyện chỉ là câu chuyện hài hước. Khai rồi để đó, để làm gì?

Trung Quốc dẫu là nước đang nghịch với ta ở biển Đông, ta cũng nên nghiên cứu cách họ làm trong vụ án Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, từ trên cao xuống dưới, hàng loạt cán bộ bị “song quy” vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (tham nhũng).

HỒN VIỆT