Thời sự và suy ngẫm, số 87

Khi đánh giá tình hình nước ta, ta vừa so với tình hình một số nước, vừa phải chiếu cố hoàn cảnh lịch sử đặc thù của ta (nước nghèo “cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”, mất nước, chiến tranh kéo dài hơn 40 năm). So với nhiều nước Đông Nam Á, ta còn tụt hậu nữa là so với các nước phương Tây. Họ đi vào hiện đại từ thế kỷ 15 đến nay, họ giã từ Trung cổ đi vào cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là thời Phục hưng (Renaissance) từ đó đến nay, còn ta… Nói thế để tư duy dễ cân bằng, tỉnh táo; chứ không phải vì thế mà không nhìn ra yếu kém bên cạnh những thành tựu đã rõ ràng.

Trong cuộc tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiều vấn đề trọng đại, cấp thiết của tình hình đất nước.

Vì sao chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả? Vấn đề thu chi ngân sách theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trước thu 100% chi thường xuyên 50%, nay lên 72%; phải vay mới có tiền trả nợ, nợ công đã lên đến đỉnh giới hạn). Vấn đề giáo dục đầu năm học cũng đang nóng… Rồi xã hội, rồi y tế…

Đó là những vấn đề tồn đọng từ lâu, nhưng không dễ gì gỡ ra được trong một sớm một chiều.

Đảng, Nhà nước không phải không muốn chống tham nhũng, nhưng làm như thế nào, khó quá! Đã nói là nó có tầm quan trọng mất còn (tồn vong) thì là tối quan trọng. Nhưng ngoài mấy vụ đã rõ, đã đem ra xử, thì còn âm u bao nhiêu người, bao nhiêu vụ nữa, đành bỏ quên bỏ qua? “Hổ” đã đành là khó trị, nhưng ruồi – “ruồi bu” cũng chịu thua. Bởi vì tình trạng nhũng nhiễu là phổ biến. Ở nông thôn, nhiều xã thôn nông dân phải nộp hàng chục khoản thu, “phù thu lạm bổ” theo quy định của các ông dưới đó. Trường học, đầu năm thu bao nhiêu khoản, có khoản nói là do phụ huynh “tự nguyện” nhưng không “tự nguyện” mà con em yên à?

Xã hội bây giờ, không việc gì không có tiền “bôi trơn” mà thành.

Có cái việc trọng đại – chết người là việc đào tạo tiến sĩ. Muốn cho nhanh kịp số lượng tiến sĩ so với người ta, chúng ta định hô “biến” để có 20.000 tiến sĩ mà không tính đến cái điều đơn giản: có bao nhiêu thầy để làm được việc này, nghĩa là phải đảm bảo chất lượng. Còn như bây giờ, thì có bao nhiêu GS-PGS phong theo các tiêu chí hình thức ở các hội đồng, làm được việc đào tạo? Ta có thể nói dứt khoát là không, là chất lượng “trời ơi”, là có nhiều “nghè” giấy… Vì sao?

Tôi xin nói điều tôi biết. Một anh bạn tôi, PGS ở một Viện nọ, cho biết bạn anh, cùng PGS-TS đang hướng dẫn 10 luận án tiến sĩ. Trước đây, có quy định là mỗi người (GS, PGS) chỉ được hướng dẫn tối đa là 3 luận án. Nay “xé rào”, từ 3 thành 10! Vấn đề là ông PGS cũng không tài cán lỗi lạc gì, “ốc còn chưa chắc mang nổi mình ốc”, thì làm sao mang thêm 10 tiến sĩ! Thế tất phải đẻ ra làm ẩu, làm bừa, qua loa xong chuyện, cơ sở đào tạo có lợi ích, có thành tích mà người đào tạo cũng “vẻ vang”, cũng được tiếng “ân sư” khoan hòa,... Rồi kèm theo đó là cái giá mà mỗi luận án phải chi, là êm êm vài trăm triệu (không phải thầy hướng dẫn được hưởng cả đâu, mà nó qua nhiều khâu, nhiều thủ tục – nhưng đồng tiền đã chen ngang vào cái bằng, thì khác gì “tam quán sinh đồ” đời Lê!

Nhìn một việc, biết nhiều việc. Cái việc quan hệ đến đời nay, đến đời sau mà như thế thì chuyện khác, không nói cũng đủ rõ.

Nghe lắm, nói nhiều – “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, người ta dễ bực. Vấn đề là phải có cách vực lên, cách sửa sai, chấn chỉnh ngay đi, chứ để thế thì đến lúc hối không kịp… Luồng chống đối lại không phải không nguy hiểm, họ đang chờ thời… Anh tham nhũng, làm mất lòng dân, tích oán… thì có kẻ sẽ nói: “Ta có thể thay thế hắn”. Nghĩ rằng mọi sự sẽ đứng yên là không phải.

* * *

Trung Quốc với ta vừa thỏa thuận thiết lập đường dây nóng quân sự, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đến Bắc Kinh.

Ở Hội nghị Á Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tranh thủ được sự đồng tình của EU, của Đức, Pháp, Italy… với lập trường của ta là giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, bằng Luật pháp Quốc tế, bằng công ước về Luật Biển… Ai ai cũng quan ngại về tình hình biển Đông, nơi mà 50% hàng hóa thế giới đi qua. Nó mà tắc, mà bị xáo trộn, uy hiếp… thì cả thế giới bị ảnh hưởng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì Trung Quốc cũng đồng ý là giải quyết những khó khăn trong quan hệ bằng hòa bình. Nhưng trong khi nói như thế, ta phải lưu ý là Trung Quốc vẫn kiên trì “chủ quyền của ta”, kiên trì bảo vệ “lãnh thổ”, nghĩa là kiên trì độc chiếm biển Đông bằng đường 9 đoạn… Họ đầy mâu thuẫn, biến hóa khôn lường, nhưng rồi vẫn lòi ra cái đuôi như Tôn Ngộ Không biến thành cái miếu nhưng không giấu cái đuôi vào đâu được! Ta tha thiết hòa bình, ổn định phát triển, hữu nghị… nhưng ta cũng phải biết giữ mình, biết tự vệ, biết huy động chính nghĩa…

Trong lúc tình hình thế giới đang xuất hiện những điểm nóng ở Trung Đông. Nhà nước Hồi giáo (IS) đang là mối lo cho Mỹ và châu Âu, cho Iraq và Syria … Nó là sự tiếp tục logic cuộc chiến của Mỹ ở Irắc và Afghanistan, nó là mâu thuẫn giữa “dầu và máu”…

Rồi tình hình ở Ukraina, mâu thuẫn giữa Nga – Mỹ – EU … nếu không khéo dung hòa, giải quyết thì ảnh hưởng của nó đến tình hình thế giới là không nhỏ… Trong những xung đột đó, Trung Quốc là “ngư ông” thủ lợi. Trung Quốc đang tăng cường quân sự, có những mặt vượt Mỹ rồi (số lượng tàu ngầm: tỉ lệ là Mỹ hơn 200 mà Trung Quốc hơn 300 chẳng hạn…). Nhưng tình hình Hồng Kông đang uy hiếp cái thuyết “một nước hai chế độ”, Macao và Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng, còn Tây Tạng, Tân Cương? Kinh tế Trung Quốc phát triển đấy, nhưng cũng đang chững lại và môi trường là tệ hại. Bắc Kinh là thành phố của bụi mù. Tham nhũng, mất dân chủ là bệnh trầm kha gắn với thể chế độc chuyên… Bảy người đứng đầu mà đứng đầu là ông Tập Cận Bình dù giỏi lèo lái, cũng không ai dám chắc con thuyền Trung Quốc sẽ bình yên cập bến “giấc mơ Trung Hoa”…

HỒN VIỆT