Người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình vừa tuyên bố Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực, mà dùng đàm phán để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ. Ai cũng hiểu đó là “chiêu” mềm, để cuối cùng đạt được mục đích là chiếm trọn biển Đông. Sau khi rút giàn khoan thì Trung Quốc chơi trò bồi đắp bãi đá thành đảo lớn (Gạc Ma, 49km2, lớn nhất ở Trường Sa). Đó gọi là “biến chiêu”. Trung Quốc “trong đánh có đàm”, “trong đàm có đánh”, “trong đánh có kéo”… Họ rất giỏi mưu mẹo từ thời xa xưa. Ta là láng giềng, ta không lạ gì họ. Nhưng trước mắt, do tính toán trên nhiều phương diện, Trung Quốc nói thế thì ta hoan nghênh. Tình hình thế giới, trong ngoài, nhất là trước quyết tâm của nhân dân ta bảo vệ Tổ quốc, họ phải tính toán. Chiến tranh lúc này không giải quyết được gì, cùng lắm thì “ngọc đá đều nát”. Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác…, nhưng Việt Nam cũng biết đấu tranh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước Quốc hội (ngày 19-11-2014) rằng phương châm của ta là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Chỉ mong Trung Quốc quay trở lại chỗ đứng của người quân tử, giải quyết mọi điều theo luật, theo đạo nghĩa, theo sự thật (đừng vì lòng tham mà bịa ra những chuyện vô lý, không ai có lương tri có thể tin), trong nước họ tuyên truyền cho nhân dân, từ trẻ em – học sinh, rằng biển Đông là của họ. Nhưng đó là “lừa dân, dối Trời”...
Nhân dân ta quý trọng biết bao tình cảm của nhân dân Trung Quốc trong chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân ta yêu mến biết bao nền văn minh cổ truyền Trung Quốc… Chúng ta mong muốn mọi việc sẽ trở nên lành mạnh, tích cực, hai nước sống giao hảo, yên vui, hòa bình xây dựng. Chúng ta rất chân tình. Vấn đề là ở phía Trung Quốc.
* * *
Những giải trình của các bộ trưởng và của cả Thủ tướng, với những số liệu cụ thể, đã bày ra trước mắt nhân dân bức tranh của tình hình kinh tế - xã hội… nước ta, mặt mạnh, mặt yếu, hướng đi lên. Đây là một biểu hiện của nền dân chủ còn non trẻ. Nhưng chỉ mới thế thôi, nhân dân đã hài lòng vì biết được nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia: nợ công, nợ xấu, tình trạng hạ tầng giao thông, tình trạng nền công nghiệp phụ trợ… Thành tựu đan xen với khó khăn và thách thức. Phải nói thách thức chủ yếu là thách thức về người: tâm huyết, trình độ, mưu lược, quyết tâm… Đi sang một số nước châu Á, ta thấy họ có nhiều cái vượt trội ta. Vì sao cùng “châu Á da vàng”, phát triển sau, mà họ hơn ta nhiều như thế? Câu trả lời bao giờ cũng là con người. Con người chúng ta dũng cảm, thông minh trong chiến tranh, đến hòa bình thì “tóe” ra nhiều chuyện. Cả các ngành Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Khoa học… đều được ít phiếu tín nhiệm cao (quãng chỉ 20%), điều đó nói lên rằng chung quanh vấn đề Con người Việt Nam còn lắm chuyện. Mà Con người, kết quả của một nền văn hóa, không có đủ, không cao, kể cả nhân lực cấp cao và cấp thấp, cấp quản lý, lãnh đạo và cấp thừa hành…, nếu không được đào tạo từ tấm bé, nếu không được rèn luyện thử thách trong cuộc sống đủ tin tưởng. Công tác tổ chức – nhân sự nói như TBT Nguyễn Văn Linh là đi “bắt ếch”, được con nào thì bỏ giỏ, chứ không có quy hoạch đủ tin cậy (quy hoạch hiện nay vẫn còn là hình thức, vì cái nền, cái cơ bản của nó vẫn còn mong manh quá). Sắp tới đây, Đại hội Đảng 12, nhân dân hy vọng gì ở những người cầm lái đất nước? Có người hỏi: sao ta không có được một nhân vật như Putin, thậm chí như… Tập Cận Bình? Xin thưa: ta đã cắt đứt với hơn 2.000 năm văn hóa truyền thống, quá khứ với những vốn phương Đông đã được Việt hóa để sinh thành Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Nguyễn An Ninh… thì hy vọng thế là khó có cơ sở. Cho nên phải dựng dậy giáo dục, văn hóa…, dựng dậy truyền thống… Có quyết tâm, có thông minh (ở cấp chiến lược) việc đó ắt sẽ làm được. Và Việt Nam ta sẽ ngang hàng các nước một ngày nào đó là điều có thể. Nhưng nói thì dễ mà làm khó, nhưng khó nhất vẫn là nhận thức, là tư duy… Ta chuyển từ quan liêu, tập trung, bao cấp sang thị trường, điều mà trước đó liệu có ai tưởng tượng ra trong tư duy cũ, thế mà nay nhờ nó ta có bao thành tựu (dù cùng chết ở chỗ chữ “tiền”). Cho nên phải nghĩ suy chiến lược, sao cho ra khỏi tình trạng “lùn văn hóa”, “lùn chất xám”, “chảy máu chất xám”… hiện nay.