Thời sự và suy ngẫm, số 89

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thăm Nga. Đây là một chuyến thăm quan trọng, củng cố tình hữu nghị truyền thống Nga-Việt, bàn và quyết định những biện pháp mới để tăng cường tình hữu nghị, sự hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh… có lợi cho cả hai đất nước. Chuyến thăm Nga diễn ra vào lúc Nga đang đối phó với cấm vận kinh tế, với tình hình nóng ở Ukraina.., cho thấy mặc dù tình hình diễn biến, tấm lòng Nga-Việt vẫn là một. Nga cam kết ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông bằng thương lượng hòa bình, không dùng vũ lực, tuân thủ luật quốc tế; Nga và Việt Nam mở rộng hợp tác khai thác dầu, Nga và Belarus - Kazakhstan - Việt Nam ký Hiệp định mậu dịch…; đó là những kết quả quan trọng. Nước Nga trong tâm thức Việt Nam, bao giờ cũng thân yêu, tin cậy…

Nga đang đối mặt với cấm vận về vấn đề Ukraina. Tin mới nhất là Tổng thống Pháp Hollande đã hội đàm với Tổng thống Nga Putin và thống nhất sẽ “phá băng”. Pháp và Đức… có lẽ không muốn làm căng với Nga quá mức. Điều đó không có lợi cho cả Nga và cả EU. Trong khi Mỹ làm rất căng, muốn đẩy mạnh cấm vận, áp sát quân sự vào chung quanh Nga, hỗ trợ quân sự cho Ukraina…

Cấm vận, thì tình hình Nga có khó khăn; nhất định rồi. “Mãnh hổ nan địch quần hồ”, Mỹ và cả phương Tây gây sức ép kinh tế lên Nga. Mà Nga thì sau thời Elsin, kinh tế tư bản hóa, xí nghiệp bán cho tư nhân với giá chỉ bằng 1/10. Các ông chủ mới trở thành tài phiệt cam kết ủng hộ Putin, vì họ được Nhà nước ưu ái, trợ cấp và họ có thể vay vốn làm ăn từ phương Tây. Nga bán dầu, bán khí đốt cho EU, ngân sách của Nga là ở đấy. Bây giờ giá dầu giảm, giá dầu nay chỉ còn dưới 60 USD một thùng so với 100 USD một thùng trước đây và có thể còn hạ nữa, giá đồng rúp hạ theo, thì Nga thiệt quá! Đã thế, mua bán thiết bị máy móc, như máy khoan dầu của EU không còn, các trao đổi hàng hóa bị chậm lại. Nhưng Nga với vũ khí “khí đốt” đã tuyên bố không mở đường ống phương Nam qua Ukraina xuống Đông Âu - Nam Âu làm cho nhiều nước lo lắng. Nga phải quay lại tự túc, tự cường, phát triển quan hệ với các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, chứ chỉ trông vào EU thì bị kẹt.
“Chúng ta nhìn thấy châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhanh nhóng như thế nào trong vài thập kỷ gần đây. Là một cường quốc Thái Bình Dương, Nga sẽ tận dụng đầy đủ tiềm năng to lớn này” (Putin). Tổng thống Nga vừa thăm Ấn Độ, Ấn Độ là một cường quốc châu Á, đã cùng Nga ký kết nhiều hiệp định lớn quan trọng, có lợi cho cả hai bên.

Quyết tâm của Mỹ, NATO mà thành phần chủ chốt cũng là Mỹ, và EU là kềm chế Nga ở sát nách biên giới, gây ra vụ đảo chính tháng 2 vừa qua ở Ukraina. Họ muốn Nga thần phục, cúi đầu. Thế nhưng, trong Thông điệp mới đây (4-12-2014), ông Putin tuyên bố:

“Nếu với một số nước châu Âu, tự hào dân tộc là một khái niệm từ lâu bị lãng quên và chủ quyền là điều xa xỉ, thì với Nga, chủ quyền thực sự là điều kiện cần cho sự phát triển đất nước… Tôi muốn nhấn mạnh hoặc chúng ta có chủ quyền, hoặc tan ra hay mất đi trong thế giới (…). Và sự hiểu biết, tăng cường ý nghĩa và vai trò của luật pháp quốc tế là điều chúng ta nói đến nhiều trong thời gian gần đây, và không phải điều chỉnh nguyên tắc của mình theo những lợi ích chiến lược của ai đó, trái với nguyên tắc cơ bản và ý nghĩa thông thường, coi những người chung quanh là những kẻ ít học, không biết đọc, biết viết… Không phải súng, tên lửa, máy bay chiến đấu, mà chỉ các quy tắc của pháp luật mới bảo vệ thế giới khỏi cuộc xung đột đẫm máu một cách đáng tin cậy. Và khi đó không cần dọa dẫm bất cứ ai bằng sự cô lập tưởng tượng, lừa dối bản thân, hoặc các biện pháp trừng phạt, những biện pháp đương nhiên là có hại, song có hại cho tất cả, kể cả những người khởi xướng ra chúng”.

Mong rằng, cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ, EU và Nga sẽ tìm được lối ra có lợi cho tất cả các bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trong chuyến thăm Hàn Quốc, ký kết thỏa thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, kéo dài Hiệp ước về lao động Việt Nam ở Hàn Quốc. Tất cả mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai nước (Hàn Quốc có hơn 4.000 dự án có tổng vốn đầu tư 36,7 tỉ USD ở Việt Nam), tăng cường trao đổi hàng hóa, đưa kim ngạch buôn bán hai chiều tăng…

Trung Quốc bắt giam và sẽ đem ra xét xử Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Đây là một đột biến. Thường thì ở cấp đó, trước đây “hình bất thượng đại phu” – hình phạt không bao giờ động đến Thường vụ Bộ Chính trị. Nay ông Chu, ngoài tội tham nhũng, kéo con cái, tình nhân, đàn em… vào cuộc khoét đục tiền của Nhà nước của Nhân dân ở khắp các nơi, còn phạm tội lộ bí mật Nhà nước và thông dâm với nhiều phụ nữ (thường là được “cống nạp”)… Dự kiến Chu sẽ bị tử hình, nhưng “đao hạ lưu nhân” trong 2 năm, rồi bị chung thân. Cũng nên lưu ý rằng đến 70% các vụ tham nhũng lớn của các quan chức có liên quan đến nhân tình. Không ngã ở đâu xa, ngã trong mắt mỹ nhân!

Ông Tập Cận Bình và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này đã nói là làm, làm kiên quyết, làm có bài bản, để bảo vệ chế độ. Họ nhận thức rõ ràng là không làm thì sẽ loạn, sẽ đi đến mất chế độ. Tham nhũng đã như một đại dịch lan tràn rồi. Lần này làm, trên dưới đồng tình, các nơi tuyên bố hưởng ứng, trung thành với quyết sách của Trung ương. Ông Tập có chỗ dựa mạnh mẽ. Ông là người duy nhất trong số các Tổng bí thư Trung Quốc trước đây làm được việc này. Đây có lẽ cũng là việc ngoạn mục trên toàn thế giới. Trên thế giới, tham nhũng đâu đâu cũng có, nhưng ở một nước lớn như Trung Quốc, trị được tham nhũng là không dễ. Lòng tin của nhân dân Trung Quốc và cả nhân dân thế giới đối với Trung Quốc, qua chuyện này, có được nâng lên; lòng tin vào chủ nghĩa xã hội cũng được nâng lên. Đây đúng là vấn đề phẩm giá dân tộc, phẩm giá xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh việc này, việc đột phá trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó có vấn đề biển Đông của ta, sẽ là một tín hiệu tốt cho ổn định, phát triển… của khu vực. Tất cả các nước, kể cả Trung Quốc trong tuyên bố của mình, cũng đều cam kết hướng đến một COC - một bộ quy tắc có tính ràng buộc về ứng xử trên biển Đông. Ông Tập Cận Bình cũng từng tuyên bố không dùng vũ lực.

Đáng tiếc Trung Quốc vẫn khư khư giữ lập trường về “lãnh thổ” qua đường 9 đoạn. Mới đây, qua việc Trung Quốc kiện trọng tài biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của ta lại một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Hòa bình, ổn định, phát triển, cùng có lợi… là những lợi ích, những nguyện vọng lớn của tất cả các dân tộc.

Tuy vẫn còn bao khó khăn, thách thức trước mắt - mà những khó khăn thách thức này chủ yếu và trước hết là ở về phía chủ quan của ta, trình độ quản lý, hiệu lực quản lý của chúng ta, sự minh bạch - sáng rõ của chúng ta… tình hình cuối năm 2014 và năm 2015 đang đứng trước những triển vọng tốt hơn lên. Tăng GDP bình quân 2011-2013 là 5,6%, năm 2014 là gần 6%, thu hút đầu tư trong 25 năm là 250 tỉ USD (vốn đăng ký). Đó là do sự cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía mà chúng ta quan sát thấy rất rõ. Tất cả mọi cái đều có nhích lên: từ thu chi ngân sách, kiềm chế lạm phát, ổn định ngân hàng, thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP…

Nhưng đời sống người dân thường ở một số nơi vẫn còn muôn ngàn khó khăn, ảm đạm. Không phải một lúc, không phải “tài thánh” mà giải quyết ngay được. Mùa đông rét đậm này, nhiều cư dân thủ đô phải đắp chiếu nằm trên hè phố thủ đô (Hoàn Kiếm, Nguyễn Thái Học…) (VTV1). Mong rằng đừng để ai bị chết cóng. Cả xã hội và chính quyền phải lo cho việc này. Đừng để tái diễn cảnh “Cửa son rượu thịt ôi. Dân nằm lề đường chết rét” (Đỗ Phủ). Nhưng chúng ta còn tụt hậu rất xa về nhiều mặt. Chúng ta phải ra sức vươn lên. Trong đó, phải coi trọng giáo dục, văn hóa… cái gốc của con người. Về lâu dài cũng như cả trước mắt, sức mạnh dân tộc là ở đó. Rất khó, nhưng nếu quyết tâm và thông minh, học ở các nền giáo dục đi trước, học ở quá khứ, ở cha ông… chúng ta nhất định sẽ làm được, sẽ chuyển biến. Quý hồ là Đảng, Nhà nước tập trung sự lãnh đạo, tập trung sự chú ý, tập trung nguồn lực, giải phóng tư duy… về việc này.

Mỹ và Cuba vừa cùng tuyên bố là khôi phục quan hệ ngoại giao bình thường.

HỒN VIỆT