Thời sự và suy ngẫm (Tháng 11/2012)

1.Tháng rồi, tiêu điểm của thời sự là Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6. Chi tiết của cuộc họp, các bài diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thông báo của Hội nghị… ta đều đã đọc trên các báo. Bình luận cũng đa chiều. Dù sao, đây là một bước khởi đầu tích cực trên “hành trình qua thống khổ”(*), khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm “chết người” của cơ chế quản lý, điều hành đất nước. Nếu không kịp thời dừng lại, khắc phục đi lên… thì trong tình hình kinh tế thế giới ảm đạm kéo dài, tình hình quốc tế diễn biến khó lường hết, thì sẽ ra sao. Trách nhiệm chính trị lớn, gánh trên vai đất nước và nhân dân – một đất nước và nhân dân hy sinh hết thảy cho sự nghiệp – đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải tự nhìn lại, cố gắng tối đa.

Thất vọng và hy vọng, trăn trở lo toan và bi quan lạc quan,… tất cả các âm điệu đều có cả. Nhưng tìm đến cái gốc của vấn đề để mà “lập trình” cho một sự khắc phục, rũ bỏ những cái hủ bại, khích lệ những cái tốt tươi, đi lên trên con đường khoa học, hiện đại, tiến kịp thời đại… là những mục tiêu chắc chắn ai cũng đồng tình. Do đó, cần có một quan niệm, một cái nhìn toàn cục, cái nhìn thấu suốt vấn đề, không dừng lại ở những chi tiết cụ thể.

pic

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần 6

Đảng phải là trí tuệ (đồng thời là lương tâm) của dân tộc là vì vậy. Ở đây, thấy rõ vai trò của lý luận. Lý luận biện chứng và lý luận “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh. Ý chúng tôi là làm sao huy động được sức mạnh toàn dân trong cơ chế Đảng độc quyền lãnh đạo; trước hết “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi” (Hồ Chí Minh – Di chúc), tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bên cạnh việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, có bộ máy quyền lực thì phải có bộ máy “hãm” quyền lực mạnh, thực sự hiệu quả (như Quốc hội, Mặt trận, Ban kiểm tra trung ương, Tòa án, Công an, Quân đội…). Đó mới là nghĩ qua qua. Lĩnh vực nghiên cứu lý luận chính trị này còn khá im ắng.

2. Ngày 8/11/2012 này, Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc. Cả thế giới theo dõi Đại hội lần này, Đại hội đánh dấu 10 năm một lần thay đổi nhân sự chủ chốt. Khác với ta, Trung Quốc dự liệu việc này từ rất sớm. Lần này, Tập Cận Bình sẽ thay Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư, và sau đó sẽ kiêm Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương. Lý Khắc Cường sẽ thay Ôn Gia Bảo làm Thủ tướng (10 năm sau nữa, Lý Khắc Cường sẽ thay Tập Cận Bình?). Một loạt Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, những người nắm quyền lực cao nhất cùng với Tổng Bí thư và Thủ tướng, sẽ là ai trong số các “thủ lĩnh” địa phương và các ngành (Uông Dương, Trương Đức Giang, Vương Kỳ Sơn, Lý Nguyên Triều…)? Chắc chắn là sẽ không có thay đổi gì lớn, trừ Bạc Hy Lai, một ứng viên vào ghế Thường vụ, bị gạt bỏ, như ta đã biết.

Tập Cận Bình là con Tập Trọng Huân, một công thần thời Mao (làm đến Phó Thủ tướng), có bị xử trí trong cách mạng văn hóa. Tập Cận Bình cũng bị đưa về địa phương lao động. Nhưng ông ta tranh thủ học tập lý luận chủ nghĩa Mác. Ông ta là một người cẩn trọng, kín đáo, từng làm Bí thư ở các địa phương lớn như Triết Giang, Thượng Hải. Vợ ông ta, Bành Lệ Viên, một cán bộ Văn công Quân giải phóng, có chức vụ tương đương Thiếu tướng, rất nổi tiếng.

pic

Hội nghị các nước ASEAN

Khi làm Tổng Bí thư, Giang Trạch Dân xướng lên thuyết “ba đại diện”, Hồ Cẩm Đào xướng lên thuyết “hài hòa”. Liệu Tập Cận Bình sẽ đưa ra quyết sách gì của Trung Quốc trong tình hình mới: tình hình Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế rất nhanh (chỉ sau 30 năm, từ khi Đặng Tiểu Bình đi Mỹ không có đủ đô-la thuê khách sạn, đến nay ở vào vị trí nền kinh tế thứ 2 của thế giới, chủ nợ của Mỹ, Tây Âu, đầu tư vào châu Phi, Mỹ La tinh). Nhưng Trung Quốc cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức gay gắt ở trong nước (tham nhũng, phân cực giàu nghèo, mất cân đối giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, vấn đề Tây Tạng, vấn đề Đài Loan…). Quan hệ với nhiều nước chủ yếu và với láng giềng đều có những vấn đề lớn.

Ông Tập Cận Bình và Trung ương Đảng mới sẽ xử trí quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế nào? Đó là điều chúng ta trông đợi. Vừa đây, ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, thúc giục các nước ASEAN đi đến một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông với Trung Quốc (COC). Đây là một vấn đề có ý nghĩa trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, ASEAN – Trung Quốc. Chúng ta trước sau đều mong muốn xử lý vấn đề trên lẽ phải, luật pháp, tình hữu nghị…
____________________

(*) Tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của A. Tônxtôi.

Hồn Việt