Chúng tôi được sinh ra trong một gia đình trí thức và giàu lòng yêu nước. Thân phụ tôi, ông Bùi Thanh Nhã, sinh năm 1900, dòng dõi gia đình Nho giáo, tiểu quý tộc nông thôn, có đầu óc bài ngoại, tham gia phong trào Đông Dương cộng sản năm 30 ở Cù Lao Giêng, Chợ Mới, Long Điền, Mỹ Luông. Thân mẫu tôi, bà Huỳnh Thị Nhương, sinh năm 1903, thuộc gia đình trung nông ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Cha mẹ tôi có một cửa hiệu mua bán xe đạp và phụ tùng xe đạp tại chợ Mỹ. Sau vài năm làm ăn khá lên, cha tôi mở thêm đại lý bán xăng dầu… Ba anh em tôi ra đời tại chợ Mỹ Luông: anh Hai- Bùi Quang Trinh sinh năm 1923; anh Ba- Bùi Quang Khanh sinh năm 1925; và tôi- Bùi Thị Kim Anh (tự Lộc Anh) sinh năm 1927. Sau này lớn lên, tôi được nghe mẹ và dì Ba kể lại, năm 1929, tại chợ Mỹ Luông, phong trào cách mạng chống thực dân Pháp nổi lên, truyền đơn rải dán khắp chợ. Tình hình không yên, việc mua bán cũng khó khăn, lại thêm có bịnh dịch hạch lây lan, làm chết rất nhiều người. Dượng Ba tôi cũng bị bịnh và mất mấy tháng sau. Cha tôi lo sợ đã dời nhà về xã Long Điền, cách chợ Mỹ Luông 3 cây số. Tại đây, cha tôi xoay qua nghề đi mua bán gỗ quý: cẩm lai, gõ, thao lao… Về đây, mẹ tôi sanh một em trai: Bùi Đức Nhuận vào năm 1930.
Năm 1933, má tôi sanh một em gái tên Bùi Thị Nga. Thế nhưng, không biết vì sao cha mẹ tôi lại rời bỏ quê hương ra đi lúc em Nga được ba háng. Tôi còn nhớ căn nhà ngói đỏ, sàn nhà cao, lát gỗ láng bóng, anh em tôi chơi đùa thỏa thích. Phía trước nhà có lan can, nhiều bậc thang bước xuống sân như bậc tam cấp vậy. Nhà sau rộng thênh thang, muốn ra nhà bếp phải qua một nhà cầu lộ thiên, hai bên có lan can, trên có mái che, lợp ngói, đẹp và rất mát mẻ… Nơi mới dọn nhà đến gần một cái chợ gọi là chợ Mặc Cần Dưng, làng Bình Hòa… Cha tôi mở tiệm hớt tóc. Tiệm hớt tóc của cha tôi khách mỗi ngày một đông. Cha má tôi mở rộng thêm việc làm ăn: sửa xe đạp, mua bán xe đạp, phụ tùng xe đạp nhập từ Pháp… Lúc này, cha má tôi thấy chưa có ai bán thuốc nên mở thêm một mặt hàng (bán rất đắt khách) nữa là đại lý thuốc Tây (cha tôi xin giấy phép hẳn hoi).
Năm 1935, cha mẹ tôi làm ăn phát đạt nên không còn hớt tóc và sửa xe đạp nữa. Năm này tôi có thêm một người em trai ra đời, em khỏe mạnh, đẹp trai, trắng trẻo. Cha mẹ tôi đặt tên em là Bùi Nhơn Ái (sau này đổi thành Bùi Đức Ái - chính là nhà văn Anh Đức). Cha mẹ tôi cưng đứa em này quá đỗi, vì em đẹp và cũng là những năm làm ăn khá.
Tôi nhớ năm em Ái lên 5 tuổi, chị ở giúp việc nhà dẫn em Ái tôi ra đầu lộ cách nhà khoảng 500 mét để đón cha tôi đi Sài Gòn về. Đường xe chạy rất cao, dốc đứng, em Ái tôi chạy giỡn thế nào té bể đầu, rách độ một phân. Về đến nhà, máu chảy tùm lum mặt. Lúc ấy, cha tôi cũng vừa về tới nhà thấy vậy nóng ruột, chưa rõ thế nào đã lấy chiếc áo mưa ông đang cầm quất vào đầu tôi hai ba cái. Không đau, nhưng tôi ấm ức vì bị oan.
Lúc này cha má tôi mở thêm việc kinh doanh buôn bán nữ trang và cầm đồ… Cha tôi chỉ dạy tôi làm sổ sách, cầm đồ, cân vàng…
Năm 1937, tôi có thêm một em gái: Bùi Thị Xuân Mai. Năm 1939, má tôi sinh đứa con thứ tám là Bùi Thị Tuyết.
Sang năm 1940, viện cớ phải lo cho con ăn học, cha má tôi điều đình sang cửa hàng cho chú Sáu Thống (em cô cậu với cha tôi, rồi đưa cả gia đình (vợ và tám đứa con) xuống Cần Thơ. Tôi thắc mắc với má tôi, tại sao cha má bỏ làng ra đi lúc đang làm ăn phát đạt? Má nói: cha con sợ ăn cướp… Nhưng đây là lý do chính thì đúng hơn: Năm 1940, phong trào Bình Dân ở Pháp do Đảng Dân chủ Xã hội khởi xướng việc cai trị bớt hà khắc ở Việt Nam một chút, cho phép người dân tự do phát biểu, tự do báo chí. Tôi thấy cha cùng mấy ông bạn: thầy Ba Đại, ông giáo Lưu lo đăng đàn diễn thuyết đòi giảm tô tức, thuế thân chi đó cho người dân. Mấy tuần sau, dì Ba tôi nói với má tôi: “Thầy Ba và cô Th. đã bị mật thám mời về bót”.
Tại Cần Thơ, cha má tôi mướn một căn phố lầu ngang Dinh Xã Tây, nơi đây thuộc trung tâm thành phố Cần Thơ.
Năm 1941, em tôi Bùi Thị Xuân Lan chào đời. Năm 1942, cha tôi mướn nhà ở đường Cái Khế làm tiệm đóng bàn ghế: Ameublement Trường Xuân. Tiệm mộc ngày càng phát đạt, khách hàng phần đông là người Pháp.
Năm 1942, anh Hai tôi thi đậu bằng Thành Chung. Anh vào học trường Mỹ thuật Gia Định. Khi ra trường, anh lại thi vào làm việc ở Dinh Soái Phủ (Thơ ký Soái Phủ - Secrétaire Gouvernement). Sau lại chuyển đi làm thơ ký cho tỉnh trưởng Hà Tiên đến năm 1944 rồi nghỉ việc trở về nhà. (Năm này, má tôi sanh em thêm trai út: Bùi Đức Cảnh). Anh Hai tôi có liên hệ với tổ chức cách mạng ở tỉnh nhà. Tháng 6-1945, Pháp tái chiếm Cần Thơ, anh Hai bí mật vào Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh. Tôi thấy anh Hai đem súng về cất trên nóc tủ buýp phê…
Anh Ba tôi lúc đầu vào Thanh niên Tiền phong sau rời hàng ngũ này đi xuống Bạc Liêu vào Ban Quân sự tỉnh.
Em Bùi Đức Nhuận, đang học năm thứ hai trường Collège Cần Thơ cũng được cha tôi đồng ý cho vào trường Thiếu sinh quân do anh Đặng Đình Đắc - một thanh niên trẻ tuổi ở tù Côn Đảo mới về giới thiệu đi học.
Tháng 10-1945, gia đình tôi gồm: cha má, dì Ba và các em: Nga, Ái, Mai, Tuyết (Tiếp), Lan, Cảnh tản cư, vì giặc Pháp sắp tràn vào tái chiếm tỉnh Cần Thơ. Cha má tôi nhờ bác giáo Phước gái mướn một căn nhà nhỏ dựa mé sông gần chợ Bình Thủy ở tạm. Tại căn phố nhỏ ở Bình Thủy, tôi chứng kiến cuộc họp mặt của các anh: anh Trần Chiên, anh Lộc (người mà cha mẹ tôi định gả làm chồng), anh Lê Bình, anh Lê Nhựt Tảo và anh Trần Hữu Nghi. Tôi rót nước mời khách của anh Hai uống, không rõ các anh bàn tính việc gì. Không phải việc vui, vì trông các anh rất khẩn trương…
Cuối tháng 10 năm 1945, gia đình lại phải di tản vào kinh rạch nhỏ, ở đậu trong nhà dì Ba tại Rạch Chanh, nhà gần sông rạch để tránh đạn súng của Pháp, bọn Commandos đang ruồng bố, phá xóm làng, cướp bóc heo gà của dân… Vào buổi trưa một ngày cuối tháng 10-1945 (Âm lịch), má tôi nấu chè xôi ăn thôi nôi út Cảnh, thì đột nhiên anh Hai và anh Lộc đi xuồng chèo ghé qua… Không chỉ riêng tôi mà cả nhà đều mừng, nhứt là má tôi. Tôi lăng xăng lo nước uống và dọn chè ra cho hai anh ăn. Anh Hai tôi bồng út Cảnh lên và phun nước miếng vào miệng em, anh Hai nói: “Như vậy nó thương nhớ anh Hai và giống con nhiều!”. Nghe anh Hai nói với cha má và dì Ba như vậy, tôi thấy như có một điềm gì hơi kỳ lạ ở anh Hai. Anh Lộc hiền lành, ngồi ăn chè không nói gì cả, ăn uống xong hai anh đi ngay… Không dè lời chào tạm biệt cả nhà ra đi lại là ngày vĩnh biệt… Các anh đi mãi không về!!!
Rạng sáng ngày mồng 8 tháng 10 (Âm lịch), tiếng súng nổ vang rền từ hướng chợ Cái Răng. Ai cũng tưởng là lính Pháp, bọn Commandos đi ruồng xóm làng kiếm Việt Minh và bắt gà vịt của dân. Không ngờ hôm sau gia đình được tin các anh đã tử trận ở chợ Cái Răng. Đau thương quá lớn cho gia đình tôi, cho gia đình các anh và cho riêng tôi. Có tin chúng chở xác các anh đem ra đổ xuống sông gần cầu Cái Răng… Tới giờ, tôi vẫn còn nhớ câu nói của tên Đại úy Đồn trưởng Rouen khen phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của Việt Minh trên báo của Mặt trận Bình Dân Pháp: “Không sợ súng đạn mà chỉ sợ tinh thần của sinh viên Việt Nam”…
Sau cái chết của anh Hai, cha tôi quyết định di tản về quê ngoại tôi ở rạch Cái Nai, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Sa Đéc bằng chiếc ghe lườn, thân dài, mui lớn hình vòng cung đủ che chắn cho đồ đạc không ướt và đủ chỗ cho gia đình tôi nằm ngủ trong khoang ghe. Ở đây tình hình cũng không thuận lợi, cha tôi bàn bạc với má đi về đất nhà ở Bình Hòa, nơi mà trước kia gia đình tôi đã sống từ năm 1933-1940, làng quê mà anh em tôi đã học từ nhỏ.
Khoảng tháng 3-1946, lúc cha tôi đang ở nhà, một toán lính Pháp, cầm đầu là Trung úy Trưởng đồn, đóng bót gần cầu Mặc Cần Dưng đến bao vây nhà. Chúng bắt cha tôi quỳ trước sân vì cho gia đình tôi là Việt Minh, rồi bắt đầu lục xét, chẳng có gì hết; chúng mở tủ sách của anh Hai tôi ra thấy toàn sách tiếng Pháp, bấy giờ chúng mới bớt hung hăng;… chúng thả cha tôi ra không làm dữ như lúc ban đầu. Tuy vậy, chúng vẫn chở hết sách của gia đình về bót và nói rằng: “Có người báo gia đình này có chứa Việt Minh”.
Tình hình chiến tranh du kích trở nên sôi động, giặc Pháp ruồng bố hằng ngày…, cha tôi bèn mua một chiếc ghe lớn có mui, chở theo đường mía, thuốc rê. Trước ngày đi Bến Tre, cha tôi cho ghe qua đậu trong một rạch nhỏ ở cồn Bà Hòa nghỉ ngơi và cũng là để tránh cảnh Pháp ruồng bố rồi vài ngày sau sẽ đi Bến Tre… Buổi chiều nhà chú Năm Chánh có cho thịt chó khìa cha ăn, không có nước nóng cho cha uống, nửa đêm cha đau bụng đi tiêu chảy nhiều lần… Cuối cùng má tôi mua được chai Lục thần thủy cho cha tôi uống, nhưng không kịp nữa rồi… Má tôi lập tức quyết định quay trở về nhà ở cầu Mương Hội Đồng. Về tới nhà, độ 8 giờ sáng, anh Ba tôi lúc đó ở nhà, xuống cõng cha lên nhà, cha tôi quá mệt, chỉ còn thở hoi hóp… Một giờ sau, cha tôi tắt thở, tức là lúc 9 giờ sáng ngày mùng 3 tháng 3 Đinh Hợi (1947).
Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ không cho phép tôi ngồi yên chịu đựng, tôi liên lạc với thầy giáo Lưu phụ trách Thanh niên Tiền phong trong xã. Tổ tôi có ba người: tôi, chị Sương, chị Ảnh làm việc thường thôi; nắm tin tức Tây ở đồn bóp có bao nhiêu thằng? Hòa Hảo làm gì? Có đi ruồng bố xóm làng?… Muốn có tiền để chi phí mọi hoạt động, tôi và hai bạn mướn một căn phố tại chợ Mặc Cần Dưng mở tiệm may…
Tháng 8 năm 1947, một số đại diện của tổ chức P.G.H.H đến nhà tôi nói anh Ba tôi theo Việt Minh cộng sản nên tịch thu lúa gạo. Má tôi, dì Ba, anh Ba tôi bàn tính không thể về căn nhà cũ ở mương Hội Đồng được nữa. Một lần nữa gia đình tôi lại tản cư… Tuy không ra mặt, anh Ba tôi vẫn cố gắng về Cần Thơ lo liệu tìm cách xin lại căn nhà của cha má tôi ở Cái Khế… Má tôi và dì Ba mua trái cây bày bán trước nhà. Thấy sân nhà còn rộng, má tôi mua một cái bàn pingpong để trước sân cho trẻ em và khách thanh niên chơi để có thu nhập. Em Ái phụ trông coi bàn và thu tiền sau những giờ đi học về.
Tháng 9 năm 1947, nhờ các bạn, tôi bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng.
Sau đó, em Nhuận (lúc đó phụ trách Phó ty Thông tin Rạch Giá) tìm cơ hội đưa các em Ái, Nga vào công tác tạm thời tại ty để chờ vào trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố (sau này đưa luôn Mai, Tuyết, Lan vào để đi học)…
Năm 1952, một trận càn quét lớn của giặc Mỹ đánh vào các cơ sở của tỉnh Cần Thơ… Lúa gạo má và dì Ba góp nhặt bấy lâu nay bị cháy hết… Anh Ba và em Nhuận lo di tản gia đình xuống Cà Mau. Đi đến xứ lạ, chung quanh rừng lá, cây đước… nước kinh đỏ như nước trà, muỗi nhiều không tưởng được. Ăn cơm chiều xong phải chun vô mùng mà nói chuyện hay là un lá cây có khói cho nó bay đi bớt… May mắn nhứt là U Minh có nhiều cá: cá lóc, cá rô, cá trê… Anh Ba, anh Lực, dượng Sáu, em Ái về phép nghỉ ở nhà thường chống xuồng vào U Minh Hạ bắt cá, mỗi lần đi như vậy bắt được rất nhiều cá… Biết tôi rất khéo làm bánh, mỗi lần tôi về phép, em Ái thường “mè nheo”: “Chị Tư về khu có làm bánh gì không chị Tư?”. Lần khác từ cơ quan về chơi, em Ái nói: “Chị Tư ơi chị Tư, chị Tư làm cho em con gà nấu cháo ăn!”. Làm xong con gà sạch sẽ đến khi đặt lên thớt, không biết loay hoay thế nào, em Ái vừa đặt dao lên chặt thì con gà văng xuống mương Kinh Sáu nước đen kịt, em tiếc con gà ngơ ngẩn. Thương em, tôi làm cho em con gà khác. Trong nhà, tôi rất hợp và rất thương em Ái. Từ nhỏ, em đã rất chăm học, học rất giỏi, tính tình lại hiền lành, thương người, giản dị, bình dân nên được nhiều người yêu mến…
Năm 1954, gia đình đi tập kết gồm có: anh Lực (chồng tôi), em Ái, Tuyết, Lan, Cảnh. Anh Lực đi theo đơn vị quân đội, Trung đoàn Tây Đô, các em thì được đi theo tiêu chuẩn của đoàn thể của mình ra Bắc học tập… Em Xuân Mai được đoàn thanh niên phân công làm việc tại thành phố… Khi các con đều đi làm việc ở cơ quan hoặc đi học, thấy sinh kế khá ổn định, má tôi lúc rảnh rỗi tự học, nay đã biết đọc và viết thơ cho con, vẫn thường xuyên sinh hoạt Hội Mẹ chiến sĩ...