Thăm nhà Đỗ Phủ

Nguyên Chẩn (779-831), bạn thân của đại thi hào Bạch Cư Dị (772- 846) viết trên văn bia Đỗ Phủ:

“Đỗ Tử Mỹ (Đỗ Phủ) trên làm mờ nhạt Phong Tao (Kinh Thi), dưới bao quát Thẩm Tống, lời đoạt Tô, Lý, khí nuốt Tào, Lưu, che lấp cái cô cao của Nhan, Tạ, hạ bậc cái lưu lệ của Từ, Dữu(1), được hết cái thể thế của cổ kim, gồm hết cái độc chuyên của mọi nhà. Từ có thi nhân đến nay, chưa từng có ai như Đỗ Tử Mỹ”.

(Đỗ Phủ thi tuyển. Hồng Kông 1984 - tr.6)

Còn Nguyễn Du của Việt Nam ta, thì không phải chỉ nói lời ngợi ca, mà còn tỏ rõ tình cảm thắm thiết vô hạn, độc nhất, giữa mình với một tâm hồn thi ca lớn.

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư (si)

Bình sinh bội phục vị thường ly

(Văn chương ngàn đời, bậc thầy ngàn đời

Tôi bình sinh bội phục, chưa từng rời xa)

Hoặc:

Mỗi độc “nho quan đa ngô thân”(2)

Thiên niên nhất khốc Đỗ Lăng nhân

Cộng tiễn thi danh sư bách thế

Độc bi dị vực ký cô phần”

(Mỗi lần đọc câu “chữ nghĩa làm lỡ làng thân”

Là mỗi lần khóc cho người đất Đỗ Lăng nghìn năm trước

… Ai ai cũng khát khao danh vọng thầy muôn thuở của ông

Chỉ có tôi là xót xa cho nấm mồ cô đơn của ông nơi đất khách)

Chẳng là trên đường đi sứ, Nguyễn Du đi qua Lỗi Dương (Hồ Nam) nơi Đỗ Phủ đã mất trên một chiếc thuyền con trên dòng sông Tương mù mịt tên bay chiến trận. Nơi ấy có một nấm mộ (giả) của Đỗ Phủ, chứ thi hài ông 43 năm sau khi mất đã được con cháu đưa về quê an táng và Nguyên Chẩn đã đề văn bia vào dịp ấy.

pic
Nhà lưu niệm Đỗ Phủ đang xây (2006)

*

Lần ấy (năm 2006), chúng tôi những người Việt Nam yêu Đỗ Phủ đã đến viếng quê nhà của đại thi hào. Chẳng là, trên đường từ Trịnh Châu đến hội thảo quốc tế về văn hóa Hoa Hạ ở cố đô Lạc Dương (từng là kinh đô của Hán, Ngụy, Tấn…), chúng tôi đi đường bộ. Khi xe chạy qua một vùng quê, thấy có bia đề 4 chữ “Đỗ Phủ cố lý” (làng quê cũ của Đỗ Phủ). Tôi mừng quá. Đọc trong sách biết quê Đỗ Phủ ở huyện Củng, Hà Nam. Hóa ra là đây! Thế thì cách gì thì mình cũng phải đến thăm nhà đại thi hào mới được. Đây là dịp “thiên tải nhất thì”, không dễ gì có được. Người Việt Nam mình, nhất là các nhà văn, đã có ai đến viếng thăm nơi này đâu! Vì vùng này thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc, ít người Việt Nam mình đến lắm. Phần lớn là đi phía Đông Nam: Quảng Châu – Thượng Hải – Tô Châu – Hàng Châu… rồi lên Bắc Kinh, thế là coi như cũng đã đến Trung Quốc rồi. Đi lên phía Tây Bắc này coi như “trái đường”.

Sau mấy ngày hội thảo diễn ra rất “hoành tráng”: người Trung Quốc thì “lễ - khách” là số 1 thế giới. Họ thi triển văn hóa Hoa Hạ cho anh thấy mà “tri lễ” khi “quan quang thượng quốc”: ăn thì có “văn công” - “nữ nhạc”, ở thì khách sạn 5 sao (của Đài Loan đầu tư), trưởng đoàn xài 4 phòng, đi thì có xe cảnh sát hộ vệ.

Hội thảo kết hợp tham quan nhiều danh thắng: trước hết là những phố cổ cố đô Lạc Dương, những ngôi nhà mái ngói cổ kính đã hàng ngàn năm tuổi; cánh đồng hoa mẫu đơn chỉ có ở nơi này, các chùa Phật, tượng Phật từ thời Đường thịnh trị (trong đó có chùa Long Môn nổi tiếng mà Đỗ Phủ đề thơ, chùa Bạch Mã từ thời Hán, thời mà Phật mới vào Trung Hoa…). Tới ngày cuối, tham quan Thiếu Lâm tự, tôi bàn với các bạn trong đoàn, thôi thì ta đành “hy sinh” cái tour hấp dẫn, rất hấp dẫn này, để đi thăm quê Đỗ Phủ.

pic
Lão nông quê Đỗ Phủ

Thế là chúng tôi thuê tắc xi quay về phía Nam mấy chục cây số, hỏi thăm về quê Đỗ Phủ. Trước hết, chúng tôi đến thăm mộ thi hào. Ngôi mộ nằm trong một trường trung học, đắp bằng đất trồng cỏ xanh tươi tương đối lớn, trước có bia đá đề:“Đường Công bộ Thập di Thiếu lăng Đỗ Văn Trinh công chi mộ”. Không rõ có phải đây là mộ dời từ Lỗi Dương về, và táng luôn ở đây, hay táng ở nơi khác, rồi mới về đây. Băn khoăn muốn hỏi, nhưng biết ai mà hỏi bây giờ? Thăm mộ xong chúng tôi đi về làng ông ở cạnh đó (cách cũng chừng dăm ba cây số). Làng nằm dựa vào vách núi đá (dân vẫn đục núi làm nhà, hay làm nhà dựa vách núi).

pic
Mộ Đỗ Phủ, trên bia đề: "Đường Công bộ Thập di Thiếu lăng Đỗ Văn Trinh công chi mộ”(Công bộ viên ngoại lang và Tả thập di là hai chức quan của Đỗ Phủ, Văn Trinh là tên "thụy" đặt sau khi mất)

Còn lại một cái cổng nhà rất cũ kỹ, bằng gạch, nói là cổng nhà cũ của Đỗ Phủ. Chúng tôi đi vào trong, thì thấy nhiều bác thợ đang xây nhà. Hỏi ra, thì ở đây đang “phục chế” lại ngôi nhà Đỗ Phủ. Nhà cũng không đến nỗi nghèo, mấy gian nhà gỗ, gạch, có sân thoáng rộng. Ông bố Đỗ Phủ (Đỗ Nhàn) tuy không làm quan, nhưng gốc nhà gia thế. Ngược lên thì Đỗ Thẩm Ngôn (ông nội) vốn là thi gia nổi tiếng đương thời, làm quan. Ngược xa nữa thì có Đỗ Dự là tướng quân nổi tiếng đời Tấn.

Vì thế mà Đỗ Phủ được rèn cặp thi thư. Sau khi mẹ Đỗ mất, ông bố lấy bà hai, nên gửi con lên Lạc Dương ở với bà cô học tập. Bà cô nuông chiều Đỗ, giọt máu họ Đỗ của bà, và cũng vì cháu rất thông tuệ… Nhưng dù đi đâu, dù sau này lên Trường An (Tây An) hơn 10 năm, rồi chạy loạn khắp nơi, Đỗ vẫn gắn với quê cũ, lòng luôn nhớ em trai em gái ly loạn tha hương. Mỗi lần về quê, là có mấy ông già cùng làng, xách vò rượu đục nấu bằng gạo nếp quê nhà, cùng uống cùng bàn chuyện thế sự với Đỗ.

Những ông già ấy có lẽ là đây, những ông thợ mộc - nông dân xây nhà cho ông hôm nay! Họ vẫn nghèo vẫn khổ và vẫn rất tốt bụng như tự ngàn xưa, trong thơ Đỗ Phủ, thời Đỗ Phủ. Có chăng, chỉ không phải bị bắt lính nữa thôi. Hôm trước, đi thăm một di chỉ khảo cổ thời Thương - Chu, tôi cũng gặp hàng chục cụ nông dân kéo ra nhìn đoàn “trên tỉnh” về tham quan.

Chúng tôi có nói chuyện với các cụ trong tốp thợ xây nhà ấy, thì họ cho biết, nhà ngày trước vốn ở gần chân núi, nay dời ra đây cho rộng rãi, để du khách tham quan. Chúng tôi trong lòng cảm kích, mến yêu những “nhân vật” trong thơ Đỗ hiện hình. Bèn biếu các cụ mấy trăm đồng nhân dân tệ uống rượu. Nhưng các cụ kiên quyết chối từ, nói: “Các ông ở xa đến tham quan là quý lắm, chúng tôi nào có thể nhận tiền của các ông”. Sự thật là, “lễ bạc lòng thành”, muốn có chút “cảm tình gọi là” với thi nhân đó thôi. Giá thi nhân còn sống, có người ở xa tới thăm, thì thế nào cũng có bữa rượu, và nói:

Có khứng cùng ông hàng xóm uống,

Cách rào gọi đến, chén cho vui”

(Khẳng dữ lân ông tương đối ẩm,

Cách ly hô thủ tận dư bôi)

Giản dị, thân mật quá chừng! Đọc thơ mà rớt nước mắt.

Nguyễn Du nói:

Dị đại tương liên không sái lệ

(Khác thời đại thương nhau chỉ ứa giọt nước mắt suông)

Chúng ta yêu mến Nguyễn Du bao nhiêu, càng yêu quý Đỗ Phủ bấy nhiêu!

12/9/2012

 

pic
Cổng nhà Đỗ Phủ khi xưa

Sau đây là bài thơ viết nhân chuyến viếng thăm quê Đỗ Phủ:

Đỗ Phủ

Người quanh đây giờ bận làm ăn

Ai công đâu đi thăm làng quê ông già họ Đỗ

Nấm mộ đầy cỏ xanh, nấm mộ chơ vơ

Đỗ nằm đấy, tịch mịch ngàn năm trong cổ mộ

Mặc kệ những lời bàn, luận văn, từ điển

Đỗ nằm đây, nhìn nhân loại đến sau mình

Những lâu đài vút cao bên những mái nhà tranh

Giàu với nghèo, sang và hèn còn đầy cách biệt…

Những lão nông xách vò rượu đục mời ông

Áo quần cũ, khăn bịt đầu, ngơ ngác

Đỗ cô đơn trên chính quê mình.

Nhưng làm sao khác? Làm sao khác được?

Cuộc đời là vậy thôi

Chỉ những vần thơ khóc rỏ huyết(3)

Vẫn còn đây, lay động ngàn đời.

20/9/2006


__________________

(1) Trở lên là các nhà thơ trước Đỗ Phủ.

(2) Nho quan: nghĩa đen là “mũ nhà nho”; ở đây ý chỉ người có học thức. Ý câu này cũng gần giống như tên tác phẩm Nỗi khổ vì trí tuệ của nhà văn Nga thế kỷ 19, Gribaêđốp.

(3) Thơ Đỗ Phủ: Thử lão vô thanh lệ thùy huyết (Không tiếng già này khóc rỏ huyết)

Mai Quốc Liên