Bài báo sau đó được rất nhiều báo mạng trong và ngoài Trung Quốc đăng lại.
Tác giả bài báo cảnh báo: “Ngày nay, những sự hối hả, gấp gáp chuẩn bị gây chiến lại đang hiện ra trong tầm mắt chúng ta. Những kẻ lớn tiếng cổ suý cho chiến tranh ấy có tâm thái của kẻ yếu. Lòng tự trọng giả dối và mong manh ấy không thể tạo nên thành công… Chúng ta cần phải thấy rằng, tinh thần hiếu chiến vô vị chỉ đem lại sự sai trái”.
Trước đó, học giả, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hong Kong, Trung Quốc) Tiết Lý Thái cũng cảnh báo, Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn và thách thức từ cộng đồng quốc tế nếu cứ khăng khăng tuyên bố về “đường lưỡi bò”. Học giả Tiết Lý Thái đã chỉ ra 5 điểm sai của “đường lưỡi bò”.
Đầu tiên là việc Trung Quốc mới chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ nước họ, mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng chưa từng có động thái hòng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ “đường 9 đoạn” là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống.
Bắc Kinh không đưa ra một định nghĩa, chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của họ, thì làm sao mà thuyết phục được người khác?
Tiếp theo, nếu như Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn mà chính phủ Trung Quốc đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia không thể xâm phạm, thì thử hỏi tại sao sau khi nước Trung Quốc mới ra đời, để thể hiện “tình cảm” của họ với Việt Nam, Bắc Kinh lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ? Phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia như trò đùa?
Theo học giả này, nếu như Bắc Kinh khẳng định đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia, thì tại sao sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, trong thời gian 30 năm, Việt Nam đã chiếm hữu đến 30 hòn đảo lớn nhỏ, mà Bắc Kinh không hề nêu ra vấn đề này trong các lần phản đối ngoại giao?
Cuối cùng, Biển Đông là tuyến vận tải của hơn 80% hàng hóa chiến lược của khu vực Đông Bắc Á và hơn 40% hàng hóa chiến lược của hầu hết các quốc gia phương Tây và cộng đồng quốc tế khó có thể chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc.
(Theo CAND)