Thân dấn về đâu?

Trước tiên xin nhờ Quí báo chuyển lời trân trọng đến tác giả Thu Tứ Đoàn Thế Phúc. Việc làm của ông vừa qua - Cho đăng bài VỀ TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN trên VN. Tp HCM số 326 và 327 có ý nghĩa rất lớn, tác dụng rất kịp thời đến giới văn bút trong nước giữa tình hình rất phức tạp của đời sống xã hội hiện nay. Tôi rất trân trọng ông Thu Tứ ở hai điều: Đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Như lời Cụ Hồ nói: Điều gì có lợi cho dân cho nước dù nhỏ cũng cố làm. Điều gì có hại cho dân cho nước dù nhỏ cũng cố tránh. Việc làm của ông đã kịp thời ngăn chặn mưu toan lợi dụng văn nghiệp của Võ Phiến để dấy lên không khí phủ nhận cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất dân tộc, làm xói mòn uy tín và lòng tin vào Đảng Cộng sản, vào chế độ, thể chế, lôi kéo người ta vào chiều hướng tư tưởng nguy hại như một nhân vật đổi mới tiên phong cấp tiến đã nói: Chế độ này thể nào cũng sụp đổ. Chỉ chưa biết sụp đổ theo kịch bản nào (Lời Nguyên Ngọc trong Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh). Điều thứ hai, là chân thật, trung thực với thực tiễn lịch sử, với cuộc sống, với chân lý. Và dám nói lên, dù điều đó liên quan trực tiếp đến quyền lợi bản thân, đến gia đình, đến tình nghĩa, lòng hiếu đễ đối với thân phụ. đúng như ông nói: Không ai muốn nói đến cái sai của người đẻ ra mình. Ông đã xử sự như tấm gương của người xưa: Platon là Thầy tôi nhưng chân lí còn cao hơn Thầy (Arixtốt). Ông đã tường giải rõ ràng, có cơ sở, rất thuyết phục về những vấn đề lớn của đất nước mà lâu nay những thế lực chống cộng hay đổi mới cực đoan, cơ hội xu thời... đang ầm ĩ phủ nhận, xuyên tạc: Đó là sự lựa chọn phải đấu tranh để giành lại độc lập dân tộc. Không thể cam chịu thân phận nô lệ, chờ đợi kẻ xâm lược ban cho nền độc lập. Lực lượng lãnh đạo công cuộc đó, chỉ có Đảng Cộng sản mới đủ sức đảm đương, mà thực tế lịch sử đã chứng tỏ. Cuộc CCRĐ dù phạm sai lầm nhưng mục đích là chính đáng, xoá bỏ sự bất công trong xã hội mà kết quả đã được chứng thực.

Tôi càng trân trọng ông điều này: Người ta có thể lựa chọn con đường chính trị khác nhau. Có thể quan niệm khác nhau,... nhưng phải trung thực. Gia đình ông là một điển hình. Thân phụ ông - nhà văn Võ Phiến - dù là chống cộng quyết liệt nhưng trung thực trên cơ sở những hiểu biết, giao tiếp hạn chế của ông về những người cộng sản. Người chú ruột của ông, nhà văn Lê Vĩnh Hoà tức Đoàn Thế Hối, lại là một chiến sĩ cách mạng đã hi sinh trên chiến trường. Và đến ông. Nhờ sự chân thành trung thực đó mà chúng ta, dù điều kiện hoàn cảnh sống có khác nhau, quan niệm về cuộc sống - xã hội có khác nhau, nhưng vẫn trân trọng nhau. Tôi bồi hồi cảm động nhớ lại một kỉ niệm tốt đẹp: Ngày còn làm việc ở Nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng và sau này là Văn học giải phóng đã được góp phần vào việc xuất bản tác phẩm Người tị nạn của cố tác giả - nhà văn chiến sĩ Lê Vĩnh Hoà!

Tôi nghĩ việc làm của ông chính là bảo vệ cho thân phụ ông, ngăn chặn những ý đồ xấu muốn lợi dụng tên tuổi và văn nghiệp của Võ Phiến để làm điều có hại cho nước. Như thế thực sự là người con hiếu đễ, trung với đất nước hiếu với cha mẹ, chân thành, trung thực với cuộc đời. Bài viết của ông đăng trên VN Tp. HCM, sau đó đã được đăng lại trên báo Nhân Dân, trên tạp chí Hồn Việt của Hội Nhà văn Việt Nam và gửi tới tất cả các Hội viên. Xin chúc mừng và cảm ơn ông.

Kính chúc ông mạnh khoẻ và nhờ ông chuyển lời chúc sức khoẻ đến nhà văn Võ Phiến - Mong Cụ được an bình.

Gửi tới ông những lời trân trọng trên bởi còn một việc có liên quan mà tôi nói tiếp đây.

Vừa rồi, nhân giỗ đầu nhà văn Đà Linh, nguyên Phó giám đốc Tổng biên tập NXB Đà Nẵng, một số người thân thiết, bạn bè, qua NXB Hội Nhà văn đã ấn hành cuốn Đà Linh - Trí thức dấn thân. Một số báo và các trang mạng đã hết lời tâng bốc tài năng, dũng cảm dấn thân, sự nghiệp... của Đà Linh...

Tiếc thương người quá cố là tình cảm chính đáng, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Có thể tô đậm lòng tiếc thương, định luận quá mức người quá cố một chút, cũng là thường tình. Nhưng nhân đấy,  mượn chuyện để nhằm một ý đồ khác... là không phải với người quá cố và làm sao qua mắt được người đương thời,  hiện tiền tại thế.

Trước hết xin nói về văn hoá tranh luận.

Lâu nay, chủ đề này được nói nhiều lắm. Có khi nhàm. Nhưng vào thực tế, lại rất đáng buồn, và buồn cười nữa.

Những người muốn bốc Đà Linh lên, ấy là quyền của họ.

Những người không tán thành, phản biện lại, cũng là quyền của họ. Đúng sai hay dở nên dành cho công luận và nếu phản biện lại, trước hết, phải giữ lòng tự trọng, nghĩa là có văn hoá trong tranh luận. Nói năng từ tốn rõ ràng, lập luận có sở cứ, tôn trọng nhau thì sự lợi được cho cả hai bên.

Đáng buồn là khi tác giả Bích Châu có bài "Biến nghịch lí thành chân lí" đăng trên Hồn Việt số 87 tháng 11-2014 thì nhiều người đã đáp trả lại một giọng hùng hổ hằn học, ngoa ngoắt không đáng là lời lẽ của người cầm bút. Họ gán cho Tổng biên tập báo Hồn Việt và tác giả Bích Châu là dốt nát, hỗn hào, ụp mũ lên Trần Dần, thản nhiên đóng vai ác. Kỹ nghệ làm người ác hiện đại, xử tệ quá... giễu cợt, báng bổ người đã khuất v.v... còn bóng gió bỉ báng "Không phải trong đầm gì đẹp bằng sen... là không chấp nhận được". Người Việt yêu nước đều nhớ câu ca dao của Bảo Định Giang: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ"...

Trao đổi học thuật mà dùng lời lẽ như thế, thì tự phản lại mình. Như Đức Phật nói: như kẻ ngửa mặt nhổ nước bọt lên trời xanh. Lại vào mặt mình cả thôi. Và nên nhớ, khi đưa lời nói của mình lên trang báo in hay trang báo mạng, đều có rất nhiều người đọc. Đâu phải tất cả đều như các bạn nghĩ. Bạn Đặng Huy Giang (13/11/2014@ 13h12 12 lượt xem. Viết bởi hothanhngan) triết lý thế này: Nên nhớ, thế giới này luôn tồn tại và phát triển nhờ sự khác biệt. Không hẳn thế đâu. Nhưng để lúc khác. Nếu Hồn Việt, Bích Châu khác với trí thức dấn thân Đà Linh, khác với Ba người khác, Bóng đè, Trần Dần- thơ... thì cũng như các bạn khác với họ, vô vô vàn người khác nữa, cũng khác. Thế thì bạn chỉ nên trình bày, thể hiện phần mình cho rõ ràng khúc chiết, sao vội chửi rủa phỉ báng cái khác mình. Bạn triết lý hay thế. Gậy ông lại gửi cho ông... Và thái độ, lời lẽ như thế đâu phải là văn chương, học thuật.

Cũng lạ là ông Tổng Biên tập Tuần báo Văn Nghệ Việt Nam phụ trách trang mạng vanvn.net  nghĩ gì, biết gì về cái tác phẩm chống Cộng như Bóng đè…,mà xông ra hổ trợ cho các cây bút hung hăng này? Đấy mới là làm điều ác, còn dốt thì thôi không bàn.

Bây giờ, xin nói cụ thể hai trường hợp: Tiến sĩ Trần Thu Dung (Pháp) và Đặng Thân (Font size . Thứ hai. 10 tháng 12- 2014 22:12).

Tiến sĩ Trần Thu Dung phân tích để khẳng định Đà Linh là dấn thân như thế này: Nhà văn Đà Linh qua nước ngoài đều mong tìm những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng và mong Việt kiều tham gia dịch để giới thiệu đến bọn đọc... Khoảng những năm 2000, có mấy NXB Việt Nam dám đi gặp và nói chuyện công khai với giới cầm bút Việt Nam ở hải ngoại. Trong bối cảnh đó, việc Đà Linh dám liên hệ, đề xuất xuất bản cũng là một bằng chứng "dấn thân".

TS. Trần Thu Dung chưa biết hết đâu. Tôi chưa thấy Đà Linh hay báo nào thông tin về hoạt động văn học của anh ở nước ngoài. Còn chuyến đi Pháp dài ngày của anh là một công đôi việc: con anh du học ở Pháp. Phu nhân của Đà Linh nguyên là Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng, có điều kiện. Nếu có gặp, nói chuyện với ai đó, cũng là sự thường thôi. Còn "... đều mong đi tìm những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng và mong Việt kiều tham gia dịch..." Hay quá nhỉ! Vui đáo để! Nếu muốn tìm những tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng, thì không cần phải cất công đi như thế. Thời @ hãy hỏi các chuyên gia văn học nước ngoài đang nghiên cứu, giảng dạy ở trong nước, thì có ngay thôi mà. Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác ở Hoa Kỳ, liên hệ qua email, tác giả gửi ngay về cho NXB Văn học in (2002). Đâu phải lặn lội thân cò nơi đất khách...

Còn đi tìm những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng thì Đà Linh chưa đủ sức. Anh có chút tiếng Pháp, dịch được một cuốn nhưng chưa đến độ là dịch giả đáng kể. Và anh không phải là nhà nghiên cứu văn học hay chuyên gia về một nền văn học nào. Chưa biết, biết gì mà hỏi.

Còn Việt kiều dịch ư? Theo tôi biết thì F.Julien do Hoàng Ngọc Hiến dịch. "Việt kiều" này thường trú ở khu tập thể trường Đại học Văn hoá - Hà Nội. Còn cuốn khác, Biểu tượng văn hoá... cũng do "Việt kiều" Phạm dịch, thường trú ở Hà Nội.

Trần Thị Tiến sĩ xem: "Đà Linh được xem như một hiện tượng "dấn thân" trong nền văn chương Việt Nam thời mở cửa, thời @ chưa định hướng. Cần phải đánh giá đúng về sự dấn thân của Đà Linh trong bước đầu sự cởi mở của Việt Nam với thế giới bên ngoài."

Không phải đâu. Lê Lựu, Phạm Tiến Duật và một số nhà văn khác  mới thực sự là sứ giả văn học Việt Nam với thế giới bên ngoài. Còn trong xuất bản phải nói đến những Nhà xuất bản đã cho in Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Bến không chồng (Dương Hướng), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Đứng trước biển, Cù Lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn) v.v... Đâu phải chờ đến Nhà xuất bản Đà Nẵng với Tổng biên tập Đà Linh mới có văn chương “ phản biện xã hội”( chữ dùng Lê Anh Hoài).

Cái gì đã làm cho Đà Linh trở nên ầm ĩ, thành ra người Trí thức dấn thân? Ấy chính là việc NXB Đà Nẵng đã cho in các cuốn Trần Dần - Thơ, Ba người khác, Bóng đè mà chịu trách nhiệm chính là Đà Linh. Tại sao Giám đốc NXB Đà Nẵng Võ Văn Đáng người ta không nhắc đến. Lẽ ra trách nhiệm cuối cùng là Giám đốc. Nó có lý do hay lắm đấy. Vì Đà Linh mới là người thiết kế chính. Vì thế, Đà Linh được huyền chức, cho chuyển đi. Anh trở ra Hà Nội, ghé tạm vào NXB Lao động. Về nội dung và ảnh hưởng của ba cuốn sách này, những nhận xét và trích dẫn của Bích Châu là xác đáng. Sự bênh vực hay phê phán ở đây thể hiện quan điểm tư tưởng - chính trị về văn học nghệ thuật. Trong báo cáo Đề dẫn một cuộc Hội thảo, ông Viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Hàm lâm khoa học xã hội Việt Nam. (Xem VN Tp. HCM số 320) đã khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng cho hoạt động văn học nghệ thuật trong bối cảnh giao lưu đổi mới. Ba tác phẩm trên là đi ngược lại quan điểm đó. Tiến sĩ Trần và bạn Đặng Thân cố dẫn dụ cả Hoàng Ngọc Hiến, Hữu Thỉnh, Bằng Việt ra để bênh vực cho Trần Dần - Thơ. Xin lưu ý hai trường hợp này.

- TS Trần Thu Dung chưa thấy ra hay thấy mà cố lẩn tránh cái ý tại ngôn ngoại của Bóng đè. Không phải chủ đề giải phóng phụ nữ đâu. Nếu có thế, nhân vật cô dâu phải thét lên mặt anh chồng và đập tan cái bàn thờ: Tôi muốn làm tình với anh chứ không phải với hồn ma của bố anh. Trần Tiến sĩ không để ý chi tiết này: tấm vải đỏ che trước ban thờ. Đêm đêm, hồn ma bố chồng thoát qua tấm vải đỏ ấy mà đè hiếp con dâu. Cái tấm vải đỏ che trước ban thờ. Tiến sĩ hiểu nó là cái gì chứ. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm chứa, tiềm ẩn. Tiến sĩ cũng bỏ qua truyện Vu qui với chi tiết ông chồng nhân vật tên là Kar, đã chết đến 200 năm, vẫn úp cả bộ mặt đầy râu ria vào đám lau lách ướt dượt của cô. Và sáng hôm sau, cô thấy một sợi lông, không phải là sợi lông đàn bà của cô. Là cái sợi râu giống một người lắm râu trong bức hình treo ở cơ quan bố.
Tổng biên tập NXB, một đảng viên có trình độ mà không hiểu ra những tình tiết như thế, thì cũng không đáng giữ cái công việc, cái chức Tổng biên tập làm gì, thưa Trần Tiến sĩ!

Tôi không trích lại đoạn nhận xét của Dương Trọng Dật về Ba người khác. Đó là một nhận xét xác đáng, đích đáng, sắc sảo. Chỉ nói thế này: Ba anh Đội ấy, sau cùng, anh thì chiêu hồi đầu hàng, anh thì giả mạo. Chỉ có một anh thực sự là đảng viên thì lại không tưởng. Tô Hoài là một Đảng viên lâu năm có công với cách mạng, từ thời hoạt động Ái hữu thợ dệt Hà Đông, đến Văn hoá cứu quốc, đến hết đời... Sao lại có thể viết như thế. Tinh vi lắm, thâm thuý lắm nhưng đã dao động, đã mất niềm tin vào con đường mình đã đi. Không dám sám hối nhưng ý tứ lắm! sâu sắc thâm thuý lắm. Cái vô cùng của Ba người khác là ở chỗ ấy đấy!

- Bạn Đặng Thân tỏ ra có thiên tư ngụy biện và ác khẩu.

* - Về sự nghiệp của Đà Linh: Những lời phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh là bày tỏ tình cảm với Đà Linh tiếc thương người quá cố. Chẳng lẽ lại bảo sinh thời Đà Linh tật này thói nọ. Phép viết điếu văn, phúng viếng, nói lời phân ưu là phải thế. Đâu phải là khẳng định sự nghiệp. Sự nghiệp người ta phải kể đến công trình, đến giá trị khoa học và xã hội của nó, dĩ nhiên không quên kể ra chức danh chức vụ...

* - Về Tô Hoài và Ba người khác: Tôi không tin đoạn dẫn phỏng vấn Tô Hoài của Nguyễn Đức Tùng. Nếu có thực như thế, Nguyễn Đức Tùng công khai băng ghi âm cuộc phỏng vấn, phát hành dăm bảy triệu bản trăm triệu bản có khi cũng hết.

Và nếu có thế thật, thì hại cho Tô Hoài quá. Mong anh linh ông bỏ quá. Ông thân với Nguyên Hồng, sao chẳng nói được một câu: Đời tao chỉ có Ba người khác. Chúng mày muốn làm gì cũng được. Tao đéo chơi với chúng mày nữa (Nguyên Hồng). Tao về Yên Thế Cầu Đen làm vườn đọc sách v.v.... Vì bản thảo Ba người khác được đánh máy từ 1992. Thời đó đánh máy cơ trên giấy Pơ-luya. Hơn mười năm trời... mà đám sĩ phu Bắc Hà không biết! Thua kém Đà Linh đến thế! 

* Về Trần Dần - Thơ: Tôi kính trọng  tuổi tác Trần Dần nhưng thơ như Jờ Joặc, Thằng Thịt, Truồng A, Truồng B... thì không chỉ Bích Châu mà Lê Tú Lệ  (Tp HCM) cũng không chịu nổi. Nếu quả đúng Trần Dần từng giải thích: "Tất cả mọi giá trị chân thiện mĩ đều là khó hiểu" thì xin Trần Dần cứ viết cho mình, cho bạn bè đồng thanh đồng khí nhưng đừng phiền trách công chúng bạn đọc là không hiểu được thơ ông. Dĩ nhiên Trần Dần - Thơ không chỉ có như phần trích dẫn của Bích Châu. Cũng lắm cái hay! Phần tôi, vẫn kính trọng ông nhưng Kính nhi viễn chi văn chương của ông vì có mấy lẽ sau:

- Có người bảo ông đã viết: Thương những chân trời không có cánh bay. Càng thương những cánh bay không có chân trời. Hay đấy. Thương chứ. Chân trời trống vắng không có sự sống, tự do... hay không dám bay, hay cánh còn non yếu...

- Có người rất khâm phục bài thơ của Trần Dần:


VỢ CHỒNG
Xong!

(Chu Giang đóng khung cho nó trang trọng)

(Bạn Văn. Nguyễn Quang Lập. NXB Trẻ. 2011. Trang 23)

Ới chị em ơi... chồng con là cái nợ nần/ chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm... Nón không quai cũng khổ! Thuyền không lái cũng khổ! Mà cổ không đeo gông cũng khổ... ới chị em ơi!

Tài chưa! Nhân văn chưa! Ui chầu chầu...

- ... anh Quán nói thằng Lập phản động lắm anh. Anh nói sao, anh Quán nói: Nó bảo pháo chèn Tô Vĩnh Diện chứ không phải Tô Vĩnh Diện chèn pháo. Anh ngồi yên hồi lâu rồi hơ hơ, ngừng vài giây sau lại hơ hơ, vài giây sau nữa mới hơ hơ hơ thành một tràng vỗ tay đánh đốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh! (Sđd. Trang 24-25)

Nghĩa trang Điện Biên còn mộ anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Chỗ này thì Tô Hoài với Trần Dần ngang tài.

Mình cảm ơn những người đã phát minh sáng tạo ra máy vi tính, thật kỳ diệu. Nên dù gì thì gì cũng không nên dùng nó mà nói tục chửi bậy. Văn chương học thuật cũng như đường cái quan. Đường rộng đường dài ai tài... xin nhường. Nhưng mà phải nhớ: Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu! Nếu một bài báo khác ý mình mà gọi Tổng biên tập báo và tác giả là dốt nát, hỗn hào là ác thản nhiên làm người ác, công nghệ làm người ác... Vậy in tới Ba cuốn sách có nội dung xấu thì nguyên Tổng biên tập NXB Đà Nẵng có kỹ nghệ làm người ác cao siêu dường nào. Đà Linh ơi, bạn ở thế giới bên kia, khen chê của thế giới bên này là vô nghĩa. Nếu có, là cho những người "dùng" bạn từ lúc sống cho đến tận giỗ đầu. Đứng sau bạn đâu chỉ có vợ con, mà ở văn bút, người ta biết chứ.  Nếu có linh thiêng bạn thứ lỗi cho mình. Thượng hưởng!

Hà Nội, 25/11/2014

NGUYỄN VĂN LƯU

Theo báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh