Tôi lưỡng lự khi cầm lên Tạp chí Thơ số 10/2014. Nội dung của Tạp chí số này, cảm nhận đến đâu thì cứ thành thực trao đổi. Các anh trong ban biên tập đều là những người đứng đắn. Tình cảm riêng là tình cảm riêng. Học thuật là học thuật. Cũng không nên sân giận mê chấp. Nếu Đặng Huy Giang có lời lẽ hung bạo vô lối như thế, phải nên thương, một người cùng Hội, trong lúc sân giận, đã buông lời thô ác thì rõ là thân - khẩu - ý đều không làm chủ được. Giận kẻ cố tình. Ai chấp người đang sân hận. Tôi tin như thế vì nhà thơ Đặng Huy Giang đương kim Uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Uỷ viên một Hội đồng danh giá như thế, dù có lúc điều này tiếng nọ, thì cũng nên khuôn nó lại. Chứ "xấu chàng hổ ai". Nên tạm gác chuyện khác lại. Giờ đọc chùm thơ của Đặng Huy Giang. Trong số Tạp chí này, Đặng Huy Giang có 7 bài: Chân trời, Mặt nạ, Tức khắc, Độc dược, Berlin nhâm nhi, Ngoài ta và trong ta, Những kẻ lạc rừng. Giọng thơ của ĐHG ở đây không có gì ẩn chứa sâu sa nhất thanh đa nghĩa mà huỵch toẹt ra một thứ khẩu khí cánh diều hàm thiếc... khi tác giả tự nhận thân phận cá nhỏ quyết sống chết với cá to:
Mày không nuốt được tao, tao vẫn là tao
...
Mày nuốt tao, mày sẽ chết như tao
Bởi với mày, tao là độc dược
(Độc dược)
Nhưng mà cá nhỏ ở đây cũng to lắm đấy. Và không phải chỉ một mình, một đàn. Chắc là không ít. Có phải vì thế Ban biên tập mới nhân đàn ra cho nó đông thêm?
Nhưng ở Những kẻ lạc rừng mới bộc lộ tâm trạng của ĐHG:
Chúng ta đang ở cây số mờ mịt
trong hành trình sai
trên con đường lầm lạc
đã bao nhiêu năm rồi.
... Chúng ta lừa dối chúng ta
... những kẻ vào rừng không có lối ra.
Nói thế nhưng không phải thế. ĐHG có lối ra đấy:
Chúng ta đi về phía chân trời
Chân trời không ở đấy
Nhưng vẫn phải đi, đi mãi không thôi
Vì tin, chân trời khác vẫn còn ở đấy.
Đấy là Đặng Huy Giang, trong số tạp chí Thơ tháng Mười này (2014). Được cái dễ hiểu. Đọc vài câu đã cảm được cái giọng thơ khí thơ, tâm trạng tâm tưởng tâm thiên tâm địa cứ lồ lộ ra. Hay ở chỗ dễ đọc đỡ mệt. Mà có phải liên tưởng, thì cũng ra ngay, như "những kẻ vào rừng không có lối ra".
Trên trang mạng (đã dẫn ở bài trước VN.Tp.HCM số 330) ĐHG có dẫn mấy câu của Mai Quỳnh Nam. ĐHG cũng ca ngợi Mai Quỳnh Nam lắm. Nên phải tìm đọc Mai Quỳnh Nam tập Không thiên vị. NXB Hội Nhà văn. 2014. Nhiều rác quá. Tràn ngập:
Rác trên ti vi
rác đang chuyển động
rác phát tán ở qui mô đại chúng
và có cái bi quan tuyệt vọng:
Chúng ta đang trong quá trình
phân hoá và tan rã...
là dấu hiệu rõ rành rành sang hồi kết.
Tâm trạng Mai Quỳnh Nam rất hạp với ĐHG, như nói trên, nên hết lời khen nhau là phải lẽ.
Tôi thông cảm với tâm trạng của Mai Quỳnh Nam. Sức khoẻ của anh không bình thường, nên tâm trạng Thị Nở đau chân, đòi “quyền được chết” ở anh cũng là dễ hiểu.
Có điều. Cá nhân anh rồi sẽ tan rã, về với cát bụi, và ai mà chẳng thế. Nhưng cuộc sống thì không thế. Tre già măng mọc, sự sống không bao giờ chán nản và không thể chán nản. Bởi có chán nản, cũng vẫn phải sống. Thì sao không tìm cách vượt qua nó. Điều này, nói thật, nhà tu hành họ cao hơn nhà thơ. Họ bình thản chấp nhận và vượt thoát ra mọi tham cầu trói buộc, để đến được bến giác. Trong khi MQN thì cảm thấy đang phân hoá và tan rã. Còn ĐHG thì thấy bao nhiêu năm bị lừa rối, đi trên con đường sai lạc như kẻ lạc rừng không có lối ra. Thế mà ĐHG ca ngợi MQN hết mức “câu thơ nào cũng là châm ngôn”, thực ra là một thứ phê bình cánh hẩu, tùy tiện, loạn chuẩn, làm rối văn chương
Hẳn là tâm trạng này của ĐHG rất tương đắc với Đặng Thân và một số người khác vinh danh Đà Linh lên hàng trí thức dấn thân. Dấn thân về đâu, thân dấn về đâu, không có gì khó hiểu: Vì tin, chân trời khác vẫn còn ở đấy. Đây là một tâm trạng hay một quan điểm, một tư tưởng tương hợp tình cờ hay được liên kết, từ Nguyên Ngọc, Dương Thu Hương, Nguyễn Đăng Mạnh và những người khác, như xung quanh Luận văn của Đỗ Thị Thoan vừa rồi. Và họ đã bắt được tần sóng này ở Đà Linh, hay Đà Linh được chào mời vẫy gọi. Và họ đã ầm ĩ tung hô Ba người khác như Châu Diên, xem "Ba người khác" nói về sự tha hoá. Có cảm hứng lịch sử nhưng không phải là tiểu thuyết lịch sử. Nổi lên là sự tàn phá của con người từ đâu đến phá vỡ cấu trúc lịch sử, phá vỡ truyền thống và không gian văn hoá quen thuộc. Là cuốn sách đáng kể nhất về cải cách ruộng đất.
Còn Nguyên Ngọc cũng hết lời: "... vừa hiện đại, vừa thực vừa tưởng tuợng, tưởng tượng cười cợt. Phải khâm phục Tô Hoài đứng hàng đầu của sự phát triển văn xuôi."
Lại Nguyên Ân nêu lên hai đặc điểm của tác phẩm: Chủ nghĩa đồ vật và tính chất quỉ sứ...
Nhưng Tô Hoài lại tự nhận: Tôi viết Ba người khác cũng như các quyển khác thôi... Tôi viết bằng thực tế cộng một chút mơ màng. Tôi viết Ba người khác với vốn hiểu biết thực tế...
Đây là chỗ hé mở của Tô Hoài để tìm hiểu Ba người khác: Những nhân vật trung tâm của Cải cách ruộng đất lấy từ cải cách Nông Cống (Thanh Hoá), Hải Dương, hầu như tên và hoạt động có thật... Tôi đi cải cách phụ trách toà án không giết ai... Hay quá! Nếu một câu mà thâu tóm được phong cách Tô Hoài thì là thế này: Tô Hoài là người viết rất hồn nhiên về cái rất không hồn nhiên của mình! Quá giỏi chỉ trong 11 từ (Tôi đi cải cách phụ trách toà án không giết ai). Toà án chỉ làm án thôi. Còn giết ai là mấy người thi hành án chứ đâu phải tôi! Quá hồn nhiên! Quá giỏi!
(Hội thảo về Ba người khác do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại Viện Văn học ngày 21-12-2006, Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chủ trì. Xem Tài năng và danh phận. Bút ký của Hà Minh Đức. NXB Chính trị Quốc gia. H. 2014, trang 168, 169)
Hay thế. Tác phẩm văn học quả là một quá trình nhà văn sáng tạo ra tác phẩm. Nhà nghiên cứu phê bình lại sáng tạo trên tác phẩm đó mà đưa đến bạn đọc. Như Ba người khác thì, với nhận xét của Châu Diên, đúng là bà già... trẻ nhỏ gặp nhau. Không sâu cũng bảo là sâu mới là.. Nhưng Châu Diên đã bưng tai bịt mắt dẫm đạp lên thực tế lịch sử và đời sống để bốc thơm Ba người khác. Thưa Châu Diên văn sĩ, những người đến phá vỡ cấu trúc lịch sử, truyền thống và không gian văn hoá quen thuộc... đến từ Nông Cống (Thanh Hoá), từ Hải Dương đấy ạ! "từ đâu đến" à? Người đọc thừa biết cái "từ đâu đến"... của Châu Diên. Nhưng mà thế cũng là khéo nói. Kín đáo mà cứ lồ lộ ra. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã nhận sai lầm về CCRĐ trước nhân dân. Cụ Hồ đã nhận. Ông Trường Chinh Tổng Bí thư Đảng đã từ chức và đã kịp thời sửa sai. Rất đau xót. Nhưng đã vượt qua, đã khắc phục, tuy chưa hết cả, nhưng về cơ bản. Nếu không, làm sao mà qua được cuộc trường kỳ kháng chiến lần thứ hai. Cứ suy bụng ta ra bụng người như Châu Diên thì CCRĐ mới là thủ phạm tàn phá cấu trúc lịch sử, truyền thống và không gian văn hoá ở đất nước này. Còn tố cộng diệt cộng Luật 10-59; B52 và chất độc da cam... hẳn là... không đáng kể. Mà Châu Diên văn sĩ không thấy "Văn minh vật chất của bốn nghìn năm tiền công nghiệp đã tan biến chỉ trong bốn mươi năm manh nha phát triển công nghiệp... những giá trị tinh thần cũ tan biến như thế nào ta chưa ý thức được." (Phan Cẩm Thượng. Văn minh vật chất của người Việt. NXB Trí thức. H. 2011. Trang 609). Nguyên Ngọc khen lắm đấy!
Cái văn hoá côcacôla, văn hoá của qui luật thị trường lợi nhuận chỉ mươi năm nay nó tàn phá truyền thống văn hoá Việt khủng khiếp dường nào... Là tại CCRĐ cả sao? Người ta muốn lật lại vụ CCRĐ để truy tìm, kết tội thủ phạm lấy đó làm bàn đạp, bệ phóng để đi đến chân trời mới, đến mĩ học của cái khác chăng?
Thôi, nói chung lại thế này: Tâm trạng riêng là quyền con người. Nhưng không được mạo nhận chúng ta. Đấy cũng là quyền con người của rất nhiều người. Cái chất chính trị nó lồ lộ ra như thế mà cứ bảo không quan hệ gì với nhau. Nguỵ biện giỏi thế.
Các bạn rất khéo vinh danh Đà Linh là hết lòng vì người viết và người đọc. Đây là chỗ hay lắm. Then chốt mấu chốt của vấn đề. Xuất bản là đòn bẩy của văn hoá (Marx). Nếu đối với người viết thì viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào (Hồ Chí Minh) là nguyên tắc hàng đầu. Đối với hoạt động xuất bản - Trung gian, trung chuyển giữa người viết và người đọc - còn thêm một nữa: Ai viết? Hết lòng với người viết nào? Hết lòng với người đọc nào? Người viết ấy viết cái gì, viết như thế nào? ... Các bạn tôn vinh cho Đà Linh thừa biết, nhưng khôn thế, chỉ khéo ỡm ờ. Và những người có trách nhiệm ở NXB Đà Nẵng, với NXB Đà Nẵng đã nhận ra vấn đề để thoát khỏi tình cảnh tự mình rán mình... mà từ một chân trời khác, người ta sẽ rất vui mừng, phen này thì lấy nó rán nó. Khoẻ re!
Nói thế cũng đủ cho tất cả.
Tôi muốn nói tới hai nhận xét bản thảo Trần Dần - Thơ. Một của Bằng Việt, dẫn liệu do Trần Tuấn đăng tải trên trang mạng http:.//www.tienphong.vn/van-nghe/up-mu-len-tran-dan-tho-783830.tpo. từ Văn nghệ 06:36 ngày 16 tháng 11 năm 2014.
Quả là Nhà nước đã không uổng công đưa Bằng Việt sang Liên Xô (cũ) học về Luật. Lời nhận xét khôn khéo lắm. Không bên nào trách cứ được. Muốn bốc lên cũng có lý. Mà để đấy cũng có lý: ... Thực sự tập tuyển này cho ta một chân dung tinh thần khá đầy đủ mà lâu nay vẫn còn ẩn kín của nhà thơ Trần Dần. Thế thôi. Còn cụ thể nó ra sao, tự tìm lấy nhé. Luật gia có khác.
Và của Hoàng Ngọc Hiến.
Tôi rất tán thành với Hoàng Ngọc Hiến về sự "... tiếp tục tranh cãi với Trần Dần, về Trần Dần, về những vấn đề hết sức cập nhật của Nghệ thuật hiện đại được ông nêu lên bức xúc, ráo riết và ở một bình diện lý thuyết khá cao: Chữ và nghĩa, thơ và đạo, Bên này và Bên kia...
Không thể tranh cãi với Trần Dần được vì ông đã sang thế giới khác. Mà là những người ở thế giới bên này phải tranh cãi với nhau về tư tưởng nghệ thuật của Trần Dần qua tác phẩm của ông. Khi viết những dòng này thì Hoàng tiến sĩ cũng đang ở chỗ Trần Dần rồi. Nên chúng tôi - ở thế giới bên này - lại tiếp tục tranh cãi với nhau về các ông.
Trong bài trước tôi có viết: Nếu Trần Dần quan niệm "Làm thơ là làm con chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa. Cái biết rồi là nghĩa. Cái chưa biết là chữ..." thì đấy là ý tưởng... không có gì mới. Mà ông chỉ ngắt ra một đoạn. Mạn phép với trường phái Tran Dan-ism một sơ đồ thế này: Thực tiễn à tư duy à ngôn ngữ (văn tự, lời nói) à nghĩa, tư tưởng à thực tiễn à tư duy ngôn ngữ văn tự ... cứ thể đến vô cùng, theo hướng nhiều lên phong phú giầu có, cao hơn lên... Tran Dan-ism bắt đầu từ chữ, tức là chen ngang, không chịu xếp hàng đó thôi. Láu lỉnh láu cá thì thích thế. Nhưng khoa học, là không được. Con chữ (văn tự) nó từ đâu mà ra? Mấu chốt là ở đó. Đâu phải bà Nữ Oa ban cho con cháu cuốn Tự điển Tiếng Việt!
Cái "bình diện lý thuyết khá cao..." đó là từ vị thế của người đọc và người viết đã có một vốn từ vốn sống nhất định. Nhưng trong toàn bộ quá trình sáng tạo, nếu như thế là lộn ngược qui luật của tư duy. Nói gọn nó thế này: có bột mới gột nên hồ, nên tư tưởng, nên nghĩa, nên chữ. Lô gíc của Trần Dần là có đấy, nhưng nó chỉ từ phòng đọc phòng viết, từ tháp ngà lô cốt chữ mà ra nghĩa này nghĩa kia. Nó ngược. Ngược với quy luật tư duy - ngôn ngữ - sáng tạo. Nó ngược với kinh nghiệm của Tư Mã Thiên, của Bồ Tùng Linh, của Trần Bích San, của Chế Lan Viên... cho nên nó sáng tạo ra cái Jờ Joạcx... Hãy xem chữ giao cấu với jao cấu, đồ đạc với đồ đax... nó sinh ra nghĩa gì?
Từ đây mà tranh cãi với nhau thì vui lắm đây. Thôi để khi khác. Vì bài đã dài mà trang báo có hạn. Năm sắp hết. Tết sắp đến rồi.
Xin tạm dừng bút.
Hà Nội 12/12/2014