Thắng cảnh Hồ Gươm

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Hà Nội với cảnh cũ người xưa thì rất nhiều, nhưng đẹp nhất về phong cảnh vẫn là Hồ Gươm ở ngay trung tâm thành phố, và thường là đề tài cho mọi người ca ngợi như bốn câu sau đây của Á Nam Trần Tuấn Khải:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài nghiên, tháp bút chưa mòn,
Hỏi ai xây dựng nên non nước này?

Câu hỏi ấy thật vô cùng ý nghĩa vì Hồ Gươm xưa là một khúc sông Nhị rất lớn vào thời Lý - Trần còn gọi là hồ Lục Thủy, mặt nước soi bóng tháp chùa Báo Thiên, 12 tầng, cao vài mươi trượng. Thời đầu Lê gọi là hồ Thủy Quân, dùng làm nơi duyệt thủy binh, tập trận và đua thuyền.

Theo lời truyền, xưa anh hùng Lê Lợi, người Lam Sơn (Thanh Hóa) bắt được một thanh bảo kiếm mới quyết chí chiêu binh tập mã để cứu cho đất nước thoát khỏi vòng đô hộ của quân nhà Minh. Ông khởi nghĩa từ năm 1418 đến năm 1427 mới khôi phục được đất nước rồi lên ngôi vua, đóng đô ở Thăng Long.

Chuyện kể, một hôm nhà vua ngự thuyền dạo chơi trên hồ Thủy Quân thì bỗng thấy một con rùa to bơi lại gần. Nhà vua cầm thanh bảo kiếm chĩa vào nó thì nó đớp lấy rồi lặn đi mất. Nhà vua ra lệnh tát cạn hồ để tìm con rùa và thanh bảo kiếm.


Toàn cảnh đền Ngọc Sơn.

Để thực hiện lệnh ấy, có thể vì lẽ đó, người ta đã đắp con đê ngăn đôi hồ ra để tiện cho việc tát nước nhưng không tìm thấy. Cho rằng Thần đã giúp cho thanh gươm để đuổi giặc, nay việc lớn đã thành, Thần lấy lại nên nhà vua mới đổi tên hồ Thủy Quân là hồ Hoàn Kiếm mà ngày nay ta quen gọi là hồ Gươm vì thế ở trong đền có đôi câu đối:

萬 金 寳 劍 藏 秋 水
一 片 冰 心 在 玉 壺

Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy,
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ.

Kiếm quý ngàn vàng tàng nước biếc,
Lòng băng một tấm chứa bầu linh.

Thời Lê mạt, cửa thông của hồ ra sông Nhị bị lấp và một cái bờ ngang đã được đắp ngăn hồ Thủy Quân thành hai hồ: Tả Vọng và Hữu Vọng.

Hồ Hữu Vọng xưa đã bị lấp nay gồm trong giới hạn các khu phố Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Hàng Chuối và phố Vọng Đức.

Hồ Tả Vọng nay là hồ Gươm, nơi có Tả Vọng đình, chúa Trịnh cho xây làm nơi nghỉ mát trên khuôn đất nổi lên ở trong hồ. Cuối thế kỷ thứ XIX, Tả Vọng đình bị đổ nát và vào năm 1884 đã được thay thế bằng ngôi Tháp Rùa.

Cái bờ đắp ngăn hai hồ nay là phố Hàng Khay và phố Tràng Tiền.

Kể từ đời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI) về sau, các vua Lê chúa Trịnh mới cho chỉnh trang lại hồ này. Đời Vĩnh Hựu, chúa Trịnh Giang cho lập cung Khánh Thụy ở trên hòn đảo Ngọc làm nơi nghỉ mát. Tới năm 1786, khi Nguyễn Huệ diệt được họ Trịnh thì vua Lê Chiêu Thống đã cho đốt cháy cung Khánh Thụy.

Mãi tới gần giữa thế kỷ thứ XIX một ngôi chùa mới được dựng lên trên nền cũ của cung Khánh Thụy. Theo tấm bia Ngọc Sơn đế quân từ ký khắc năm 1843 do Vũ Tông Phan soạn thì: Trước đây ông Tín Trai làng Nhị Khê nhân có đền Quan Đế tại đây bèn mở rộng sửa thêm gọi là chùa Ngọc Sơn. Ngày gần đây, hội Hướng Thiện… sửa lại đền Quan Đế, cải thành đền Văn Xương. Bắt đầu khởi công từ năm Tân Sửu (1841) đến năm Nhâm Dần (1842) thì hoàn thành.

Năm 1864, khi thấy đền bị hư hỏng nhiều, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã cùng với Án sát Hà Nội Đặng Huy Tá đứng ra trùng tu lại cảnh đền. Cổng chính vào đền có bốn cột xây bằng gạch và hai bức tường lửng. Ở mỗi cột đều có câu đối bằng chữ Hán như hai câu sau đây:

臨 水 登 山 一 路 漸 入 佳 境
尋 源 訪 古 此 中 無 限 風 光

Lâm thủy đăng sơn nhất lộ tiệm nhập (*) giai cảnh,
Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang.

Men bờ nước trèo lên non một lối dẫn vào giai cảnh,
Tìm cội nguồn tòng học cổ vào trong biết mấy phong quang.

Ở hai bên tường lửng có viết hai chữ 福 PHÚC và 祿 LỘC thật lớn, sơn màu đỏ.

Phía bên trái, ông đã cho xây một cái tháp đá 5 tầng cao 28 mét ở trên đỉnh có hình một ngọn bút lông, phía dưới có tạc ba chữ 寫 青 天 (tả thanh thiên = viết lên trời xanh). Đó là Tháp Bút 塔 筆.

Có đôi câu đối:

潑 島 墨 痕 湖 水 滿
擎 天 筆 勢 石 峯 高

Bát đảo mặc ngân hồ thủy mãn,
Kình thiên bút thế thạch phong cao.

Quanh đảo nước trào đầy ngấn mực
Ngất trời bút vẫy vượt non cao.

Qua Tháp Bút là tới cổng thứ hai, có hai cột trụ, ở hai bên có hai cửa nách. Mặt trước cổng có đắp hình nổi: một bên là con rồng uốn khúc đón đàn cá đang thi nhau vượt sóng, bên trên có hai chữ LONG MÔN 龍 門, một bên là con hổ trắng như đang bước ra phía trước, bên trên có hai chữ HỔ BẢNG 虎 榜. Đây là những biểu tượng khuyến học của Nho giáo.

Cổng thứ ba cũng có tường cao, có mái và cửa cuốn. Trên mái có đặt cái nghiên hình nửa quả đào dài 0,97 m, ngang 0,80 m, cao 0,3 centimet có ba con thiềm thừ (con cóc) đội lên gọi là Nghiễn đài 硯 臺. Giữa cửa phía trên có bức cuốn thư ghi lại bài minh khắc ở lòng nghiên, viết bằng chữ thảo thật đẹp.


Cầu Thê Húc bằng gỗ những năm cuối thế kỉ XIX.

Qua cổng thứ ba là tới một cái cầu cong, sơn màu đỏ nổi bật trên làn nước biếc cây xanh (xưa kia bằng gỗ, nay đã làm lại bằng xi-măng cốt thép) gọi là cầu Thê Húc (棲 旭 = thê là đậu, húc là ánh nắng ban mai). Cầu này dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn xây hai tầng: tầng trên có cửa sổ tròn gọi là Đắc Nguyệt lâu (得 月 樓 nghĩa là Lầu được ánh trăng). Cảnh đẹp ấy đã được ghi lại trong đôi câu đối:

橋 引 長 虹 棲 島 岸
楼 當 明 月 坐 湖 心

Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn,
Lâu đương minh nguyệt tọa hồ tâm.

Cầu bắc vòng cung sang ngọc đảo,
Lầu soi trăng sáng tỏa lòng hồ.

Ở hai bên cửa, trên mặt tường lửng, có đắp hình: một bên là bức 龍 馬 河 圖 Long mã hà đồ (hình con ngựa đầu rồng trên lưng có đeo bát quái) và một bên là bức 神 龜 落 書 Thần qui lạc thư (hình con rùa trên mai có một cây kiếm và một hộp sách). Hà đồLạc thư đã hình thành nên bộ Kinh Dịch.

Qua cổng dưới lầu Đãi nguyệt, rẽ phía bên trái đến ba nếp nhà: nếp thứ nhất là nhà tiền tế, nếp thứ hai thờ Quan Vũ và Văn Xương đế quân, nếp thứ ba là hậu cung thờ đức thánh Trần Hưng Đạo.

Trong hậu cung có nhiều hoành phi câu đối ca ngợi công đức vị anh hùng dân tộc. Đáng kể là hai cặp câu đối, một bằng chữ Nôm:

Vũ lược luyện hùng binh Lục Thủy nghìn thu ghi sử Việt;
Văn tài mưu thượng tướng Bạch Đằng một trận thắng quân Nguyên.

và một bằng chữ Hán:

為 國 為 人 民 文 武 聖 神 留 顯 號
在 上 在 左 右 聰 明 正 直 贊 玄 機

Vị quốc vị nhân dân văn vũ thánh thần lưu hiển hiệu;
Tại thượng tại tả hữu thông minh chính trực tán huyền cơ.

Vì nước vì nhân dân, văn võ thánh thần lưu tiếng tốt;
Ngự trên ngự trái phải, thông minh chính trực ngợi cơ trời.

Trước mặt nhà bái đường là Trấn Ba Đình (鎮 波 亭, đình chắn sóng).

Trên cột đình có khắc đôi câu đối:

劍 有 餘 靈 光 若 水
文 從 大 塊 壽 如 山

Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy,
Văn tòng đại khối thọ như sơn.

Kiếm sót khí thiêng ngời tựa nước,
Văn cùng trời đất thọ như non.

Đứng ở Trấn Ba Đình nhìn ra xa thấy ngọn Tháp Rùa. Tháp này hình chữ nhật, xây trên nền móng cao 0,80 m, chiều dài 6,28 m, chiều rộng 4,54 m, cao ba tầng, từ nền đất lên tới đỉnh là 8,80 m.

Tháp này do Bá hộ Nguyễn Hữu Kim đứng ra xây cất, tuy không có giá trị lịch sử gì nhưng đến nay đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội. Hình ảnh của nó cũng rất đẹp và rất thơ mộng qua bốn mùa: xuân có liễu xanh, hạ có phượng đỏ, thu có lá vàng và đông có sương mù mờ ảo. Vào những ngày trời trong gió lặng, mặt hồ in bóng tháp trông thật kỳ ảo.

Ngắm cảnh hồ xong, vào xem phòng triển lãm, ở đây có trưng bày một tiêu bản rùa hồ Gươm từ năm 1968. Rùa lúc còn sống cân nặng 250 kg, bề dọc 2,10 m, bề ngang 1,20 m. Hiện trong hồ không biết còn mấy con rùa nhưng thỉnh thoảng có một Cụ Rùa lại nổi lên. Từ năm 1991 đến nay Cụ Rùa nổi lên tới khoảng 200 lần và lần gần đây nhất là vào ngày 7/11/2009: 3 lần trong một ngày lúc 8 giờ 15, lúc 10 giờ 25 và lúc 15 giờ 30 tại chỗ đối diện với tượng vua Lý Thái Tổ, cách bờ có 15 mét.


Hồ Lục Thủy khi còn thông ra sông Nhị. (Bản đồ đời Hồng Đức)

Hồ Hoàn Kiếm còn dư linh như vậy và đáng kể là một danh thắng của Thủ đô, chỉ tiếc cho hai ngôi chùa nổi tiếng ở bên hồ: chùa Báo Thiên đã bị Thực dân Pháp phá đi để lấy đất xây Nhà Thờ Lớn Hà Nội năm 1883 và chùa Báo Ân (tức chùa Quan Thượng) đã bị phá đi để xây nhà Bưu điện năm 1889, nay chỉ còn cái tháp Hòa Phong ở bên đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh hồ.

Trước cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của Hồ Gươm, nhà thơ Hy Lạp Lu-đê-mít đã ví cảnh hồ với “lẵng hoa trong lòng thành phố”. Điều này cũng đúng nên Hồ Gươm đã là đề tài cho nhiều bài thơ kim cổ như:

Bóng tháp lô nhô lớp sóng cồn,
Nhịp cầu nho nhỏ ghếch sườn non.
Nước trong chưa vẩn tăm thần kiếm,
Đường rộng còn trơ dấu pháp môn.
Kim cổ treo chung tranh thủy mặc,
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn.
Nghìn năm suy thịnh gương còn đó,
Coi thử vầng trăng khuyết lại tròn.

(Khuyết danh)

Hồ Gươm đã trải qua bao thời đại, đã chứng kiến bao cuộc hưng vong của đất nước, nay càng ngày càng được tô điểm cho đẹp thêm:

Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ,
Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay.
Bây giờ đây lại là đây,
Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ.

(Tố Hữu)

Để kết thúc cho bài viết này, chúng tôi xin có một bài hát nói để ca tụng cảnh đẹp của Hồ Hoàn Kiếm:

Ngàn năm kim cổ,
Cảnh hồ Gươm bao thuở vẫn còn đây.
Ngọn Tháp Rùa ai khéo dựng xây,
Cây thần kiếm đến nay đà thẳm hút.

天 上 硯 臺 輝 彩 筆
人 間 得 月 映 新 粧

Thiên thượng Nghiễn Đài huy thái bút,
Nhân gian Đắc Nguyệt ánh tân trang.

Xung quanh hồ hoa cỏ đẹp huy hoàng,
Mọi du khách tham quan đều mến cảnh.
Vẻ đẹp ấy, hỏi nơi nào dễ sánh?
Ai ngắm nhìn cũng thấy chạnh lòng thơ.

Rùa thiêng còn đó ai ngờ,
Dấu xưa hoàn kiếm bây giờ còn linh.

Đẹp thay phong cảnh hữu tình.

NGUYỄN QUẢNG TUÂN


(*)

Chữ 入 NHẬP thuộc thanh trắc thì không đúng phép đối với chữ 限 HẠN cũng thuộc thanh trắc ở vế dưới. Có thể đó là chữ 侵 XÂM (tiến vào), chữ 瞻 CHIÊM (xem) hoặc chữ 觀 QUAN (xem) thuộc thanh bằng chăng?

Bài liên quan: