Trên thế giới có vô số người biết thưởng thức văn chương hay âm nhạc, hội họa hay kịch nghệ... Và cũng hằng hà sa số người sành điệu về hoa kiểng, về trà, rượu hay nước hoa… Nhưng nếu thử thống kê được số người biết thưởng thức chồng (hay vợ) của họ thì không biết con số ấy đáng lạc quan đến đâu…
Chuyện hiếm?
Quang Dương ngoài tuổi 30, được xem là mẫu thanh niên tiêu biểu của “thế hệ @”, khá thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện đại, phóng khoáng ở mức có phần phóng túng, từng sống chung với vài cô gái như vợ chồng nhưng không muốn kết hôn, thậm chí còn nghĩ đến việc có con mà không cần có …vợ. Thế nhưng, anh ta đã thay đổi quan niệm khi quen với D. Hương, đến nhà cô bạn họa sĩ này chơi nhiều lần, được mời ăn cơm tối, rồi trò chuyện với ba mẹ của cô, anh bỗng khao khát trở thành một thành viên của gia đình ấy.
Quang Dương không thể tưởng tượng rằng sau hơn 30 năm sống chung, đôi vợ chồng già là những nhà giáo về hưu ấy vẫn không ngừng thưởng thức nhau, nhìn thấy được những điểm tốt của nhau với ánh mắt ngưỡng mộ. Ông khoe ngôi nhà mới sửa có cái giếng trời mát rượi hoa lá ấy là do bà thiết kế còn bà không chỉ tự hào về mấy hòn non bộ ông tự làm mà còn vì suốt đời ông là một nhà giáo trơn, không chức vụ nhưng luôn được học trò nhớ đến… Tới đây, Dương thấy thật dễ chịu và phát hiện thêm một điều, là đôi khi không quá giàu có người ta vẫn rất hạnh phúc.

Nhưng cũng không ít cặp vợ chồng dường như lắm điểm tốt, điều hay của nhau bị biến thành cái dở…
Bụt nhà không thiêng…
Có những người, đàn ông lẫn đàn bà, ở đâu họ cũng được hâm mộ. Từ nơi làm việc cho đến họ hàng, láng giềng đến nơi vui chơi, trừ lúc họ ở nhà.
Ông T. H. là giám đốc một cơ quan nhà nước, cả cơ quan nể ông không hẳn vì địa vị mà còn vì ông là người tận tụy với công việc, chu đáo với mọi người, rất tình cảm. Vì thế, ai cũng nghĩ hẳn người phụ nữ làm vợ ông sẽ rất hạnh phúc, tự hào về ông. Thế nhưng khi đến nhà ông thăm hỏi vào những dịp lễ tết… họ mới té ngửa vì bà vợ không chút kỉnh nể chồng. Bà kể về ông như một người háo danh, không biết lo cho gia đình và chán ông đến tận cổ!
Còn anh Toàn, làm việc trong lĩnh vực khoa học, tính tình phóng khoáng, yêu văn nghệ, anh đàn giỏi, hát hay lại rất phong độ, đầy nam tính… Nam giới khoái anh vì anh hết lòng với bạn bè, phái nữ mê vì anh đẹp trai, hài hước và quyến rũ, ở đâu có anh là có tiếng cười. Tuy Toàn đã ngoài 50 nhưng các cô gái trẻ cũng dễ “chết” vì anh.
Nhiều cô tò mò thử tìm cách tiếp cận với vợ anh thì mới hay rằng vợ anh mệt mỏi ra sao khi có một ông chồng…“tài sắc” như vậy. Mệt vì ghen, mỏi vì luôn phải “để mắt” đến chồng, vì sợ bị “kẻ địch” chung quanh cuỗm mất. Ngay cả tài văn nghệ của anh cũng biến thành cái…tội, dù ngày xưa chị mê anh chính vì điều ấy. Chị bày tỏ: “mình chán ba cái thứ văn nghệ văn gừng ấy lắm, có người chồng biết quan tâm tới mình vẫn hơn!”. Chán chồng như chán…cơm nếp nát nhưng chắc rằng chị không dám bỏ. Vì biết bỏ đi là có người khác… cuỗm ngay!
“Thân phận” phụ nữ có lẽ còn tệ hơn. Có những phụ nữ khi ra ngoài được khối đàn ông ngưỡng mộ, ca ngợi vì sự duyên dáng, thông minh hay sự giỏi giang, năng động… Nhưng khi về nhà thì bao nhiêu phẩm chất ấy của họ vẫn rót không đầy mắt đức ông chồng.
Chị M.Q là giảng viên một trường đại học lớn, ngoài 40 nhưng dáng chị vẫn mượt mà, nét mặt tinh anh. Vì công việc chị phải học lên cao, trau dồi ngoại ngữ thì chồng chị cho rằng chị háo danh. Chị đi dạy thêm khi có những trường đại học khác mời nhằm tăng thêm thu nhập lo cho gia đình thì chồng chị bảo chị hám tiền!
Vì thế, có những phụ nữ xinh đẹp, đảm đang khiến không ít đàn ông bên ngoài mơ ước thế nhưng chồng họ lại bồ bịch với những phụ nữ kém xa vợ mình về nhan sắc lẫn những phương diện khác.
Có những cặp vợ chồng mà cả hai trong con mắt người chung quanh đều là những người đáng trân trọng, đáng yêu, đáng hạnh phúc, thế nhưng trong con mắt bạn đời của họ thì toàn thói hư tật xấu, mà họ cũng lấy nhau vì tình yêu chứ có ai ép uổng đâu.
Mỗi người là một tác phẩm…
Hẳn là như vậy rồi, mỗi người là một tác phẩm và cũng không hiếm những “kiệt tác”. “Tác phẩm” ấy không trùng lặp, luôn cá biệt, mỗi người mỗi vẻ, có nhiều điều hay cũng không ít điểm hạn chế, có người thích có người không … Thế nhưng, không gì đáng buồn bằng một “tác phẩm” mà không có ai biết thưởng thức. Và cũng không gì hạnh phúc bằng khi ít nhất họ có được một người biết thưởng thức mình, dù chỉ là một phương diện. Người đó không ai khác hơn là người bạn đời. Lắm lúc chỉ cần người ấy thôi là đủ cho một người vững tin vào cuộc sống, hân hoan bước đi trên đường đời dù có lắm gian nan.

Và cũng không gì đau xót hơn khi có những người tuyệt vời, được mọi người chung quanh yêu mến hay cả một cộng đồng ngưỡng mộ, thế nhưng họ lại bị người bạn đời…sổ toẹt. Đọc tiểu sử của một số vĩ nhân hay những người nổi tiếng lại luôn bị vợ chê bai.
Hào hiệp với người ngoài
Trong thực tế có nhiều người rất hào hiệp ban phát sự tri âm, tri kỷ cho người ngoài nhưng lại “keo kiệt” thậm chí khắc nghiệt khi phán xét người bạn đời. Trong xã hội ta, hãy để ý xem, mọi người có vẻ rất hào phóng dành sự biết ơn, ngưỡng mộ khá nồng nhiệt cho người ngoài, ngay cả những mối quan hệ hời hợt thoáng qua, trong khi họ lại phủ nhận, khắc khe với những ưu khuyết điểm của vợ hoặc chồng mình.
Có người thích “vạch lá tìm sâu” hơn là “chín bỏ làm mười”, nhìn nhau qua lăng kính màu xám. Cũng không có gì khó hiểu, khi người bạn đời không biết thưởng thức mình, người ta hay tìm điều đó ở người ngoài… Có người biện hộ rằng, đã là của nhau rồi, không cần màu mè. “Màu mè” thì không cần nhưng có cái nhìn công tâm, rộng lượng, biết chia sẻ cảm thông ngay cả khi họ thất bại, xấu xí đi. Còn thấy được mặt tốt của nhau là một liều “thuốc bổ” cho cả hai người, suốt cả cuộc đời.