Như chúng ta biết, trung tâm thu hút của Kinh Thánh đó là sự kiện Phục sinh của Đức Jesus và khả năng cứu chuộc loài người. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Cám dỗ cuối cùng của Chúa(1) chính Jesus lại phủ nhận điều đó. Rằng, sự kiện này là do thánh Saint Paul tự dựng nên, còn Jesus, ông vẫn sống bằng xương bằng thịt ở cõi trần tục. Thông qua thủ pháp đối thoại triết học giữa hai cặp phạm trù: sự thật và giả dối, nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis đã mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau về Kinh Thánh.
Trong tác phẩm Cám dỗ cuối cùng của Chúa, tác giả luôn đặt Paul trong mối quan hệ với Jesus để soi sáng các mệnh đề triết học. Đây là một cuộc đối thoại lớn về sự tồn tại của kinh Phúc âm. Huyền thoại Jesus phục sinh cần nhìn nhận từ góc độ nào mới có thể mang lại ý nghĩa nhân sinh? Đó chính là vấn đề cần đặt ra, trong khung cảnh tiếp nhận tôn giáo hiện nay.
Chân dung của thánh Saint Paul
Thánh Paul là một học giả nổi tiếng, uyên thâm về văn chương, triết học và thần học. Ông được đào tạo ở những nơi nổi tiếng như Tarsus, Jérusalem, và trên hết thấm nhuần tinh thần của đạo Kitô. Thánh Paul có tên gốc là Saul, sinh vào thập niên đầu Công nguyên, tại Tarsus, xứ Cilicia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ông là người Do Thái, thuộc dòng Benjamin. Lúc đầu, thánh Paul theo đạo Do Thái truyền thống của người Israel, chống lại Kitô giáo. Theo ký thuật của sách Công vụ Tông Đồ, do Paul tự thuật, ông đã từng bức hại các tín đồ Kitô hữu(2).
Vì sao thánh Paul đã làm vậy? Về phương diện tôn giáo, Paul là một tín đồ Do Thái giáo, tôn thờ một đấng Messiah duy nhất. Trong lúc đó, đạo Kitô lại xem Jesus là đấng cứu thế, họ coi thường luật Mose, và xem thường đền thờ của người Do Thái. Về phương diện chính trị, phái Kitô hữu chấp nhận người ngoại đạo, tức là người La Mã - kẻ đang thống trị dân tộc Do Thái. Nói như vậy, xét vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, hành động của Paul xuất phát từ tinh thần dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo truyền thống.
Tuy nhiên, sau sự kiện Jesus mặc khải, cuộc đời Paul rẽ sang một hướng khác: sống hết mình vì đạo Kitô. Paul đã có cuộc hành trình khắp nơi và chịu đựng đau đớn, khổ ải, dưới mọi hình thức tù đày, nhục hình, đói khát, khinh rẻ để truyền bá kinh Phúc âm(3). Thánh Paul đã từng vấp phải sự phản đối kịch liệt của người Do Thái. Tại Jérusalem, Paul bị bắt giữ và hành hung trước đền thờ. Thánh Paul đã bị đưa ra Thượng hội đồng Jérusalem xét xử. Bằng trí thông minh và quyền công dân của La Mã, Paul đã kháng cáo và yêu cầu xét xử tại Roma như một công dân của đất nước này. Lời thỉnh cầu của ông đã được chấp thuận. Tại Roma, Paul bị quản thúc, nhưng vẫn có điều kiện truyền bá Phúc âm.
Cái chết của Paul vẫn chưa được tường minh. Các nhà nghiên cứu đoán định rằng, thánh Paul bị chém đầu vào thời kỳ trị vì của Hoàng đế Néro tại Roma, khoảng thập niên 50, 60. Đến thời hoàng đế Constantine - người cổ xúy đạo Kitô, mộ ông được xây dựng thành đền thờ Thánh Paul, rất uy nghiêm.
Thánh Paul ảnh hưởng đến đạo Kitô ở tầm vóc vĩ mô. Xét về phương diện tôn giáo, tư tưởng thần học của ông đã đặt nền móng căn bản cho đạo Kitô. Xét về phương diện hoạt động xã hội, ông là nhà thần học phê phán triệt để tư tưởng chủ nghĩa dân tộc độc tôn, rất cực đoan của người Do Thái. Loại bỏ những mặt cực đoan, tính nhân loại phổ quát tiềm ẩn trong học thuyết của ông đã đưa con người trên hành tinh này xích lại gần nhau hơn. Có lẽ, ý nghĩa tích cực trong lý thuyết thần học của Paul, theo chúng tôi, chính là ở hai điều vừa nêu.
Sự kiện Phục sinh theo quan điểm của Nikos Kazantzakis
Trong Cám dỗ cuối cùng của Chúa, thánh Paul chỉ xuất hiện với số lượng hạn hẹp, nhưng lại chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về Kinh Thánh và sự tồn tại của loài người. Về cơ bản, Nikos Kazantzakis đã “phục dựng” lại chân dung Paul trong Tân ước. Tuy nhiên, có hai sự kiện liên quan đến Paul được tác giả xây dựng hoàn toàn khác: Jesus chưa từng mặc khải Paul và cũng chưa từng Phục sinh. Việc truyền bá đạo Kitô hoàn toàn là mục đích của Paul, chứ không phải là ý đồ của Jesus.
Cuộc đối thoại giữa Paul và Jesus sau đây đã mở ra nhiều giả thiết về huyền thoại Phục sinh trong Kinh Thánh. Ở chương 30, Paul đã gặp Jesus, với mục đích ban đầu là rao giảng Tin mừng cho ông chủ Lazarus, mà không hề biết rằng, đó chính là Jesus (lúc này, Jesus đã lấy vợ và sinh con đàn cháu đống). Khi Jesus lộ rõ danh tính, và phản đối kịch liệt về mục đích rao giảng đức tin, Paul vẫn “tuyên chiến” với Jesus về tham vọng truyền đạo của mình. Những đối thoại về các luận đề tôn giáo và triết học dưới đây đã cho thấy tư tưởng hoài nghi của Nikos Kazantzakis. Tuy nhiên, lồng vào đó còn là những mệnh đề suy nghiệm về sự thật và giả dối, về tình thương và sự cứu rỗi của loài người. Bằng thủ pháp đối thoại song hành, dưới dạng thức diễn ngôn trực tiếp, Nikos Kazantzakis đã để cho chính Jesus - nhân vật trung tâm của Kinh Thánh - “cải chính” huyền thoại về bản thân:
“Jesus hét: - Ngươi có thấy Jesus xứ Nazareth phục sinh không? Ngươi có thấy tận mắt không? Ngài giống cái gì?
- Như một tia chớp - một tia chớp biết nói.
- Láo!... Đồ nói láo! Nói láo! Ta là Jesus xứ Nazareth và ta không hề bị đóng đinh, không hề sống lại. Ta là Con Trai của Mary và Joseph, người Thợ Mộc ở Nazareth. Ta không phải là con của Chúa. Ta là con của con người, như tất cả mọi người. Ngươi nói toàn chuyện bông phèng! Chuyện vô nghĩa! Chuyện láo toét! Phải chăng với những chuyện láo lếu như vậy, mà người dám đi cứu thế gian?”(1, tr.582-583).
Sự phản ứng của Jesus đối với Paul cũng đã đặt ra một giả thiết: Jesus chưa từng phục sinh. Trong văn bản, kết thúc, tác giả cũng không kể tiếp chuyện phục sinh. Phục sinh là do Paul và loài người sau này tự tạo dựng.
“Phải, phải. Ta sẽ kể hết mọi chuyện. Ta phải được thanh thản. Điều gì ta chịu đớn đau lúc thức sẽ không phải chịu trong giấc ngủ. Ta phải được thoát ra. Ta đến làng nầy dưới một tên khác và thân xác khác. Ở đây ta sống cuộc đời của một con người: ta ăn, uống, làm việc và có con. Ngọn lửa lớn đã dịu xuống, ta thành một ngọn lửa bình yên; ta có người trước lò sưởi, vợ ta nấu ăn cho con ta. Ta ra khơi chinh phục thế giới nhưng bỏ neo trong lõm nhỏ gia đình nầy. Và nó là như vậy. Ta không phàn nàn. Ta là con của con người. Không phải là con của Chúa… Đừng có đi khắp thế giới mà kể chuyện láo. Ta sẽ đứng lên và tuyên bố sự thật!” (1, tr.584-585).
Nikos Kazantzakis đã đề cập đến một vấn đề hết sức nhạy cảm: Kinh Phúc âm của thánh Paul cần được nhìn nhận như thế nào? Lý tưởng truyền đạo của thánh Paul là sự tiếp tục tinh thần tình thương và cứu chuộc mà Jesus đã mặc khải, hay chính là tham vọng của chính thánh Paul?
Vậy, cần nhìn nhận sự kiện Phục sinh như thế nào?
Nikos Kazantzakis đã mở ra nhiều hướng khác nhau và luận giải theo tính nước đôi. Bằng lối lập luận triết học, tác giả buộc người đọc phải đối diện với lằn ranh của phạm trù: sự thật và giả dối. Nếu sự thật trần trụi mà không cứu rỗi được thế giới, thì sự thật đó sẽ trở nên một sự thật vô nghĩa. Nếu sự giả dối mà mang lại sự cứu rỗi linh hồn cho con người, thì nó là một chân lý cần được thừa nhận.
Không thể chối cãi rằng, quan niệm này của Paul đã có phần hợp lý, ít ra, trong hoàn cảnh của người dân Israel lúc bấy giờ: “Trong cái thế giới ruỗng nát, bất công, nghèo đói nầy, thì chuyện Jesus bị đóng đinh và phục sinh là một niềm an ủi cho kẻ lương thiện, kẻ bị xử oan. Thật hay giả - Ta cần đếch gì! Chỉ cần thế giới được cứu rỗi là đủ… Cái gì là Sự thật? Cái gì là Giả tạo”? Bất cứ gì chắp cánh cho con người, bất cứ gì tạo ra tác phẩm lớn, linh hồn lớn, nâng tầm cao của ta lên khỏi mặt đất, thì đó là sự thật” (1, tr.585).
Như vậy, sự kiện đóng đinh và Phục sinh của Jesus dù thật hay giả, không còn quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ: sự kiện đó có làm cho nhân loại theo xu hướng tốt hơn, hay tồi tệ thêm? Đó chính là lập luận của Paul và cũng là lý do kinh Phúc âm tồn tại: “Tôi tạo ra sự thật, tạo ra bằng sự kiên trì, mong ước, và niềm tin. Tôi không cố tìm ra sự thật, mà tôi xây dựng sự thật. Tôi xây dựng nó cao hơn con người và như thế làm con người lớn lên. Nếu thế giới phải được cứu rỗi thì cần thiết - tuyệt đối cần thiết - là ông phải bị đóng đinh, và tôi sẽ đóng đinh ông, dù ông muốn hay không” (1, tr.585).
Nikos Kazantzakis đã để cho Paul tự nói lên mục đích/ hay là tham vọng về việc tạo ra huyền thoại Phục sinh của Jesus: “Toàn bộ công việc bây giờ đã thành một bộ phận của guồng máy cứu rỗi - mọi thứ đều cần. Và ở mỗi góc trần gian vô số cặp mắt sẽ nhìn lên ông, thấy ông trong không khí - bị đóng đinh. Họ sẽ khóc, và nước mắt rửa sạch tâm hồn họ, mọi tội lỗi. Nhưng vào ngày thứ ba tôi sẽ dựng ông dậy, vì không có sự cứu rỗi nào không có phục sinh. Kẻ thù cuối cùng, nguy hiểm nhất, là sự chết. Tôi sẽ xóa bỏ sự chết. Bằng cách nào? Bằng cách phục sinh ông như là Jesus con của Chúa - Kẻ Cứu Rỗi”(1, tr.585-586).
Có thể nói, Cám dỗ cuối cùng của Chúa đã đặt ra nhiều vấn đề giữa mối quan hệ Kinh Thánh và xã hội loài người. Câu chuyện Phục sinh của Jesus có thể chỉ là một huyền thoại, nhưng học thuyết tình thương sẽ mang đến niềm tin thánh thiện của loài người. Theo Nikos Kazantzakis, sự can thiệp thô bạo của chính trị vào tôn giáo, đó mới là vấn đề cần phê phán. Còn thuyết tình thương - cứu chuộc sẽ trở nên bền vững, nếu đó là một cứu cánh hữu ích của tâm hồn con người.
______
Tài liệu tham khảo:
1) Nikos Kazantzakis, La Dernière tentation du Christ, Éditions Pocket, 1988. Bản tiếng Việt Cám dỗ cuối cùng của Chúa, Bích Phượng dịch từ bản tiếng Anh, NXB Đồng Nai, 1988.
2) Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước), Dẫn nhập và chú thích của Bernad Hurault và Louis Hurault, NXB Hà Nội, 2006. Sự kiện mặc khải được thánh Paul nhắc đến trong phần Công vụ Tông đồ: “Đang khi tôi đi trên đường và đến gần Đamát, thì vào một khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trên trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ ta? Tôi đáp, Thưa ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ… Tôi nói, lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: Hãy đứng dậy, đi vào Đamát, ở đó, người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm” (tr.1919-1920).
3) Vie et voyages de Saint Paul apôtre, http://www.cursillos.ca/action/st-paul
4) Réflexions sur “La dernière tentation”, par Jean Kontaxopoulos, Article paru dans Le Regard crétois, n°22 - décembre 2000, http://kazantzaki.free.fr