Thì ra người Viêng Chăn bước đi thong thả hơn người Hà Nội, người Sài Gòn chúng ta. Đến công sở, đi chợ, đi chơi đều thong thả, không hấp tấp vội vàng.
Tôi ở Viêng Chăn bốn ngày, ở Luông Pha Băng ba ngày, mới đầu cứ ngờ ngợ như lạc vào chốn vắng vẻ nào đó, vì yên ả quá, tuyệt nhiên cả đêm lẫn ngày không có tiếng còi xe ô tô, xe máy, tiếng người huyên náo, hò hét.
Người và ô tô, xe máy như chảy trên đường, nhưng không ùn tắc, không chen lấn, gặp đèn đỏ, gặp đường ưu tiên thì dừng lại nhường đường, tuyệt nhiên không bấm còi, không cố sức nhoi lên bằng mọi giá như vẫn thường gặp ở ngã ba, ngã tư ở thành phố của ta.
Sống thong thả, vì thế người Lào rất cẩn trọng và kỹ càng, không xô bồ, bừa phứa, mạnh ai nấy được.
Không chỉ ở thủ đô Viêng Chăn, cố đô Luông Pha Băng, mà dọc 400 cây số đường núi, qua nhiều thị trấn và chợ búa, nơi nào cũng bà con các bộ tộc Lào sống gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, không bắt gặp những túi ni-lông, vỏ trái cây, giấy gói bánh kẹo vứt bừa bãi ra đường.
Ở chợ và các khu du lịch cũng vậy, sạch tinh tươm, người đến chợ mua bán tấp nập nhưng không tiếng ồn không hò hét, chợ như là đi xem triển lãm vậy.
Trên đường đi Luông Pha Băng, ở đoạn đường đang lên dốc, từ cửa xe du lịch đi trước có ai đó ném ra đường một túm vỏ trái cây. Cậu lái xe nói với chúng tôi, xe phía trước không phải chở người Lào, vì người Lào không ném rác ra đường như thế, dù là đường núi.
Đến chỗ dừng nghỉ chúng tôi mới kiểm chứng, thì ra cậu lái xe nói không sai. Thong thả ăn, vội gì mà ném vỏ trái cây, giấy gói bánh kẹo ra đường! Cái lý sự cậu lái xe là vậy, nghe có vẻ đơn giản nhưng là một cách sống, nếp sống con người tôn trọng nhau, và cùng gìn giữ môi trường sống mà mình là thành viên trong đó.
Khỏi nói chuyện to tát, chỉ nhìn vào các bờ tường, hàng rào, quảng trường, thắng tích ở thủ đô Viêng Chăn và cả ở thị trấn, thị xã, không đâu bị bôi bẩn bởi nhưng khoan bê tông và vẽ bậy, viết bậy, hoa trái, đồ lễ của ai đặt đâu thì mãi ở đó, không bị mất cắp. Không cả người đeo bám bán hàng làm phiền lòng khách.
Cứ nhìn cách sống của người Viêng Chăng nói riêng và người Lào nói chung, trộm nghĩ, chúng ta cần bao nhiêu năm nữa để có một thành phố không chen lấn, không tiếng còi xe, có những bức tường không bị bôi bẩn, có những con đường sạch sẽ, tinh tươm và đến chỗ đông người không lo mất cắp.
Bước thong thả, sống thong thả không chỉ là phong cách, mà là lối sống, cách ứng xử thân thiện và có trách nhiệm với cộng đồng, với tự nhiên và sự kỹ càng tiếp nhận văn hóa của người Lào.
Ở cố đô Luông Pha Băng, chúng tôi được ông Chủ tịch kiêm Bí thư tỉnh chiêu đãi một đêm nghệ thuật. Các điệu múa cung đình và dân gian được đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của cố đô trình diễn hết sức điêu luyện, trong khi các điệu nhảy kiểu hip hop mà các bạn trẻ ở ta vẫn nhảy trên tivi thì chỉ do các bạn trẻ của một làng ven thành phố trình diễn.
Ta thì tiếp nhận văn hóa ngoại thường đến với thành phố rồi lan tỏa ra nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bạn thì ngược lại. Bạn nói, cái gì cũng phải từ gốc. Nếu văn hóa "ngoại nhập" bám vào gốc mà phát triển lên được thì có nghĩa được người Lào chấp nhận, nó sẽ lan tỏa, vươn cành, vươn nhánh xanh tươi. Còn cho văn hóa ngoại bám vào gốc mà không lan tỏa được, nó sẽ tự chết. Xem ra cách tiếp nhận này cẩn trọng, kỹ càng, không gây những cú vấp văn hóa đáng tiếc, như ta thường gặp.
Thong thả bước xem ra là một lối sống hiện đại trong một thế giới mà con người càng ngày càng sống vội vã.