Thấy gì ở ánh đèn sân khấu cả nước?

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 đã trôi qua một tháng. Thời gian ấy đủ để sân khấu cả hai miền Nam – Bắc lắng lại và tìm ra một lời đáp cho chính mình…

Cả nước có 19 đơn vị với 27 vở diễn thì TP. Hồ Chí Minh đã có 8 đơn vị xã hội hóa tham gia 12 vở và đã đoạt hai trong số ba huy chương vàng tổng thể.

Con số ấy đã cho thấy rõ mặt bằng sân khấu xã hội hóa ở phía Nam đang là một vấn đề đáng phải đào sâu phân tích, đáng là một kinh nghiệm cho các sân khấu nhà nước hãy còn loay hoay tìm lối ra hiện nay.

Con số ấy đã xóa được định kiến xưa nay vẫn còn đọng lại trong những đơn vị quốc doanh rằng, chỉ có đồng tiền rót từ ngân sách mới làm nên nghệ thuật, còn với các tư nhân, nghệ thuật chỉ là thứ yếu so với lợi nhuận.

Câu hỏi đặt ra là thực sự hướng đi của một sân khấu đúng nghĩa hiện nay là gì?

SỰ CŨ KỸ CỦA SÂN KHẤU NHÀ NƯỚC…

Qua phần lớn các vở diễn của các sân khấu nhà nước đã cho thấy sự cũ kỹ trong phong cách dàn dựng. Suốt 20 năm nay, cũng vẫn cách diễn ấy, cách dàn dựng ấy, chỉ nội dung là có khác theo trào lưu đổi mới. Nhưng vấn đề mà tác giả nghĩ là đổi mới, là phê phán mạnh vào thói xấu của con người, những tiêu cực của xã hội lại chỉ biết dựa vào lời thoại nhân vật. Nghĩa là nhân vật cứ chửi cho sướng miệng như những bà mất gà ở quê hơn là cái nhìn sâu sắc vào cái gốc của tiêu cực.


Cảnh trong vở Điện thoại di động

Vì thế, vở diễn chỉ có thể bay phớt phớt trên không mà không đào xới được đến tận cùng cái xấu, và sự tha hóa của con người.

Vì thế, những con người trong Điện thoại di động giống như những hình nhân được nhào nặn mà không thực sự có sức sống của người thực trong sự kiện thực, bối cảnh thực.

Ở thập niên 80 của thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ đã làm được điều này vì trong từng vở diễn của anh đều đặt ra cho chúng ta một vấn đề phải suy nghĩ, để khi cánh màn nhung khép lại, nó đã để lại cho người xem những dư âm day dứt khó quên về những vấn đề nóng hổi của xã hội lúc bấy giờ. Đó chính là cái tài của người viết kịch bản.

Bởi ai cũng có thể chửi được khi nhìn thấy những thói đời đen bạc, nhưng làm thế nào để khơi được tận nguồn mạch thói xấu ấy, xoáy thẳng vào tận tâm thức người xem thành một tiếng chuông báo động cho toàn xã hội, đó không phải là điều dễ dàng… Đây là nguyên nhân vì sao hầu hết các vở diễn chống tiêu cực hiện nay không được khán giả đón nhận nồng nhiệt như ngày trước.

Hơn nữa, cái bệnh đi từ cực đoan này bước đến cực đoan khác không phải chỉ có trong văn học mà ở sân khấu vẫn không tránh được. Xã hội không hề toàn màu hồng, nhưng cũng không thể toàn màu đen kịt.

Người xem đã ngán màu hồng tô vẽ, tất nhiên. Nhưng càng ngán hơn khi chỉ được ngắm một màu đen nặng nề trên sàn diễn. Người ta chỉ đón nhận cái gì thuộc về con người với nhiều mặt đa dạng và phong phú với tất cả những nét trái chiều, lạ lẫm đan xen phức tạp của nó. Và đó mới chính là xã hội…

Những vở truyền thống cách mạng Bản hùng ca linh thiêng, Rừng quả đắng có để lại nhiều xúc cảm trong lòng người xem, nhưng thực sự quá nặng nề.

Nếu chú trọng đến tâm lý người xem nhất là với các khán giả trẻ, các tác giả nên đan xen nhiều lớp vui tươi hóm hỉnh hơn, bởi hầu hết nhân vật trong vở đều ở lứa tuổi 20, họ phải sống đúng với lứa tuổi của họ.

Họ vẫn sống, chiến đấu, và biết yêu bằng tất cả sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Vì thế khi họ ngã xuống, dòng máu đỏ thắm và nụ cười rạng rỡ của họ sẽ còn đọng mãi trong trái tim người xem. Phim Ngã ba Đồng Lộc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh thu hút được lớp trẻ chính là ở cái tứ này…

SỨC BẬT CỦA SÂN KHẤU XÃ HỘI HÓA…

Định nghĩa sân khấu xã hội hóa đơn giản là tư nhân bỏ tiền túi làm nghệ thuật. Là sự xoay vòng của đồng vốn để có thể hạch toán toàn bộ chi phí trong ngoài, từ việc dựng vở, thuê rạp, trả lương diễn viên, đạo diễn, nhân viên hậu đài…

Vì thế, bước chập chững đầu tiên của hầu hết các sân khấu xã hội hóa là làm vở phải có người xem. Cho nên sẽ không ngạc nhiên khi một dạo sân khấu của TP. Hồ Chí Minh chỉ “chuyên trị” kịch hài, kịch ma và kinh dị…

Hàng loạt vở kiểu Người vợ ma, Hồn ma báo oán, Quỷ… ra đời vẫn luôn ở hàng đầu ăn khách của thành phố; những vở diễn hài cơ học trên các sân khấu hài thành phố vẫn luôn ăn khách nhưng cũng gánh không ít phê phán của công luận. Nhưng có lẽ hiện tượng ấy chỉ là bề nổi của những tảng băng chìm luôn khát khao được làm nghệ thuật bằng chính đồng tiền túi của nghệ sĩ thành phố.


Cảnh tron vở Mẹ và người tình

Đa dạng đề tài, đa dạng phong cách dàn dựng với những nội dung gần gũi, đời thường chính là hướng đi của các sân khấu xã hội hóa. Người xem đến với sân khấu IDECAF, sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu 5B Võ Văn Tần… hàng đêm là để tìm cho mình những phút thư giãn thực sự, bởi sự gần gũi và đời thường của nó.

Hai huy chương vàng của Nỏ thầnMẹ và người tình là một thành công đáng trân trọng của Sân khấu kịch Phú Nhuận, cũng là sự khẳng định của một lớp đạo diễn trẻ tài năng, một dàn diễn viên trẻ trung, tươi mới, hoàn toàn có thể kế tục thế hệ đi trước đã bắt đầu qua tuổi 40.

Sức hút của Mẹ và người tình không phải chỉ là những chiêu gây cười duyên dáng của các diễn viên trẻ mà chính là ở chiều sâu của một bi kịch gia đình.

Người xem được dẫn dắt nhẹ nhàng đi qua từng tình huống, và tính cách nhân vật dần dần được mở ra vừa bất ngờ vừa tự nhiên để cuối cùng đến vòng xoáy điểm đỉnh chính là bà mẹ, một con người đa nhân cách: vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của chính mình.

Những bi kịch mà bà phải gánh chính là hệ quả sâu xa từ những toan tính thực dụng trong lớp vỏ dịu dàng, nền nã. Để khi bà muốn trở lại sống thực với tình yêu của mình thì chính bà phải gục ngã trước những đứa con: sản phẩm do chính bà ra sức gọt giũa theo ý mình…

Chỉ là một câu chuyện gia đình nhưng đó chính là một góc nhìn xã hội với những toan tính thực dụng, những giả trá đáng sợ vì sức mạnh của đồng tiền. Lời kết án chìm sâu nhưng thấm thía trong từng tình huống kịch…

Đó có phải là cái đích của sân khấu xã hội hóa và sân khấu cả nước hiện nay: Sân khấu phải sáng đèn hàng đêm và thu hút được khán giả bằng chính những vở diễn có tầm, có tâm chứ không phải chỉ là những vở giải trí tầm thường…