Tôi đi tìm "Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân"

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, đạt những thành tựu nổi bật ở cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, được giới nghiên cứu và giới sáng tác đánh giá cao.

Ông có vai trò như một “hòn đá tảng” trong “cái nền còn mới mẻ của văn xuôi tiếng Việt ta” (*) , đặc biệt ở thể tùy bút sở trường độc đáo của ông, nghiên cứu tùy bút Nguyễn Tuân có thể đưa tới những đóng góp bổ ích cho việc sáng tác và nghiên cứu thể loại này. Ông còn là một trong chín nhà văn được chọn học trong chương trình phổ thông với tư cách tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Tuân

Các tác phẩm tùy bút của Nguyễn Tuân mà chuyên luận khảo sát bao gồm toàn bộ tác phẩm Nguyễn Tuân, ngoại trừ Vang bóng một thời, hai thiên phóng sự Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc và 14 truyện ngắn giai đoạn trước Cách mạng, cùng 3 tập truyện giai đoạn sau (Thắng càn, Chú Giao làng Seo, Truyện một cái thuyền đất); tất cả 564 trang (trên tổng số 4718 trang Toàn tập) – chưa đầy 12% số trang viết của nhà văn.

Nghiên cứu những tùy bút nói trên, khái niệm Đặc trưng trong chuyên luận này được hiểu như những nét nổi bật, có tính hệ thống, ít nhiều có liên quan hữu cơ với nhau trong sáng tác. Chúng bao gồm những đặc sắc về cả nội dung và hình thức; có thể coi như những nét đậm của phong cách, những thế mạnh sở trường và đôi khi cả một số sở đoản đậm nét của nhà văn – những dấu hiệu liên hợp lại, sẽ giúp ta phân biệt với kí của các tác giả khác.

Đặc trưng ở đây không nhất thiết có nghĩa là đối lập, tương phản, khác hẳn; mà thường là cùng dạng, nhưng khác về sắc thái, mức độ. Chẳng hạn, về ngôn từ, kí Thép Mới cũng rất đặc sắc, nhưng mật độ, dáng vẻ và kiểu kết cấu của chúng khác với Nguyễn Tuân. Hoặc như về vai trò cái tôi, trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng rất đậm; nhưng mang khí sắc, thiên hướng không giống với cái tôi trong những Một chuyến đi hay Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Sắc độ riêng biệt này thường thể hiện rõ ở ngôn ngữ, bút pháp, hình tượng và nhân vật, và nhất là ở cảm hứng – hiểu như một chủ đề trung tâm xuyên suốt, một thiên hướng chủ đạo trong cái tôi của nghệ sĩ.

Những đặc trưng này thường có cơ sở từ tính cách, từ cái “tạng”, cái “máu” (Nguyễn Tuân có lần nói: phải có “máu Hà Nội” để viết về Hà Nội), góc nhìn, cách cảm của một cái tôi – thông qua một chủ thể trữ tình, một hay nhiều nhân vật, hình tượng hóa thân của nó.

Thông qua công trình này, chúng tôi cố gắng nhận ra âm điệu chủ đạo, thông điệp tâm huyết nhất, tư tưởng nghệ thuật định hướng cho tùy bút Nguyễn Tuân; nói cách khác, là cảm hứng quán xuyến trong toàn bộ tùy bút của Nguyễn Tuân. Sợi chỉ đỏ này sẽ là đặc trưng nội dung quan trọng, then chốt; đồng thời cũng chi phối đáng kể đến các đặc trưng khác trong tùy bút của nhà văn.

Công việc thứ hai của chúng tôi là tìm đến nguồn gốc tạo nên nghệ thuật bậc thầy, phong vị độc đáo trong tùy bút Nguyễn Tuân – không chỉ đơn thuần là chuyện kĩ xảo tay nghề; mà toàn bộ bút pháp, giọng điệu, ngôn từ độc đáo của Nguyễn Tuân cần và có thể lí giải từ mối liên quan hữu cơ với nhân cách tác giả, thuộc nhu cầu bản thể của cái tôi nhà văn, đã được kết tinh trong cảm hứng nói trên.

Để tạo tiền đề cho yêu cầu đóng góp đã nêu ở trên, chúng tôi còn ghi nhận về tình hình cái tôi nói chung ở Việt Nam, cũng như đặc điểm cái tôi độc đáo của Nguyễn Tuân. Cuối cùng, hệ quả những đóng góp trên được khái quát lại thành luận điểm, sẽ tạo nên mục tiêu chính của công trình: xác định và lí giải những đặc trưng cả về nội dung lẫn hình thức của tùy bút Nguyễn Tuân, với những giá trị đáng kể nhất cũng như những hạn chế của nó. Đồng thời, trong quá trình xác định, diễn giải những đặc trưng này, sẽ kết hợp đối thoại với một số ý kiến phê phán, nhận định mâu thuẫn nhau về tùy bút Nguyễn Tuân.

Để đáp ứng những yêu cầu trên, cần trước hết điểm lại những mốc chính suốt dọc quá trình thể loại kí – tùy bút ở Việt Nam qua những tác giả tiêu biểu từ bước khởi đầu đến giai đoạn đồng thời với Nguyễn Tuân; rồi tiến trình tùy bút Nguyễn Tuân, cũng như quan niệm nghệ thuật của nhà văn đã tự ý thức về văn nghiệp của mình. Trên lát cắt bổ dọc ấy, mới có thể đánh giá được đúng mức vai trò của tùy bút Nguyễn Tuân – đã có những phát triển mới mẻ, những dấu ấn riêng biệt ra sao.

Sau đó, cần tìm hiểu về cái tôi Nguyễn Tuân – cơ sở không thể thiếu để lí giải những đặc trưng nói trên của tùy bút Nguyễn Tuân. Và cuối cùng là trình bày, lí giải chính những đặc trưng này – phần chiếm khối lượng lớn nhất.

Vì vậy, công trình này sẽ được triển khai trong bốn chương:

1. Tùy bút trong văn nghiệp Nguyễn Tuân.

2. Cảm hứng văn hóa trong tùy bút Nguyễn Tuân (đặc trưng nội dung chủ đạo).

3. Bút pháp đa dạng trong tùy bút Nguyễn Tuân (đặc trưng hình thức I).

4. Ngôn từ độc đáo trong tùy bút Nguyễn Tuân (đặc trưng hình thức II).

Với chuyên luận này, chúng tôi hi vọng góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu, phục dựng chân dung một nhà văn lớn, nhà tùy bút số một của văn học hiện đại Việt Nam. Dù đã cố gắng, chắc chắn chuyên luận không tránh khỏi những thiếu sót, bất cập, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2010

Trích Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, Nguyễn Thị Hồng Hà, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, 2010, trang 8 - 12.


(*)

Nguyễn Đình Thi.

TS Nguyễn Thị Hồng Hà