Tôi đi tìm Nguyễn Du

Theo dự định, tháng 11 năm 2013, UNESCO sẽ thông qua nghị quyết tôn vinh Nguyễn Du là Danh nhân Văn hóa Thế giới. Đến năm 2015 là chẵn 250 năm năm sinh Nguyễn Du (1765 - 2015). Hồn Việt số này dành đăng một số bài viết về Nguyễn Du.


Kiều có câu: “Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”, cũng là cách nhìn của Nguyễn Du đối với thân phận làm quan. “Bình sinh bất đái công hầu cốt” (thơ chữ Hán): Tôi bình sinh không mang cốt tướng công hầu! Sinh trong gia đình Tể tướng - Đại tư đồ mà không mang cốt cách công hầu - không có tướng làm quan ư? Là chán, là từ khước đó thôi.


Cho nên phát hiện của tác giả Nguyễn Thế Quang hé mở cho ta đi vào tâm sự “thiên tuế trường ưu” (nỗi lo dài nghìn năm) của Nguyễn Du.


H.V.

Là một người xứ Nghệ mê văn chương được làm công việc giảng dạy văn học ở trường phổ thông, tôi say sưa giảng cho học trò Truyện Kiều và một số bài thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du. Càng dạy, càng đọc, càng tìm hiểu về người tôi càng kính phục cốt cách và tài năng của tiên sinh và càng muốn viết một cuốn sách về người. Vì thế năm 2003 nghỉ hưu, tôi bắt tay vào thực hiện ý định viết tiểu thuyết Nguyễn Du. Tôi hăm hở sang Nghi Xuân, ra Thăng Long, về Thái Bình, vào Huế… tìm hiểu những vùng mà Nguyễn đã từng sống, vùi đầu vào nghiên cứu lịch sử đương thời, đọc đi đọc lại Thơ chữ Hán của Nguyễn… mong tìm được cốt cách chủ yếu nhà thơ lớn đã viết nên Truyện Kiều bất hủ. Chân dung Nguyễn dần dần hiện rõ… Thế nhưng càng đi, càng tìm hiểu tôi càng cảm thấy mình chưa hiểu Nguyễn được bao nhiêu! Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong tôi: đâu là cốt cách chủ yếu của con người Nguyễn Du? Vì thế tôi tiếp tục đi… Giữa năm 2004 tôi đến Quảng Bình, mảnh đất mà Nguyễn làm Cai bạ – đứng đầu quan lại của tỉnh này từ năm 1809 đến 1813, để tìm hiểu văn hóa nơi đây và mong được biết rõ hơn chân dung của người.