“Tôi nghe tôi hát”(*) Tiếng hát kiên trung của một thế hệ…

Tôi không thể nào quên được hình ảnh của chị, người nữ tù xinh đẹp ngồi trên chếc xe lăn ngày nào. Tôi còn nhớ rất rõ, giữa những gương mặt khắc khổ hằn lên quá nhiều nỗi đau của những người nữ tù lớn tuổi mà tôi tiếp xúc để hoàn thành kịch bản cho bộ phim tài liệu Giữa ngàn thác lũ, chị xuất hiện như một thiên thần. Tôi nhớ mãi đôi mắt to đen lay láy của chị sáng rỡ, dịu dàng nhìn tôi và kể lại câu chuyện của đời chị…

Hình ảnh chị đã bước vào phim, dù chỉ là một nét điểm xuyết trong vô vàn nỗi đau bi tráng của những người phụ nữ đã sống kiên trung trong tù ngục. Mỗi buổi làm việc cùng các chị, các mẹ, tôi như người đang mở từng trang đời thấm máu mà vẫn ngời ngời ánh thép. Những roi đòn tra tấn với đủ loại cực hình kinh khiếp như thời Trung cổ, những lần bị hãm hiếp tập thể… được kể lại trong giọt nước mắt nức nghẹn ấy đã đọng vào tâm hồn tôi như một vết thương… Tôi đã khóc theo các chị, vừa viết vừa khóc như chính mình đã từng nếm trải từng ấy nỗi đau đó… Bây giờ sau 20 năm, tôi mới gặp lại chị, Trần Duy Phương (tên trong tù là Trần Thị Mai), người nữ tù trên chiếc xe lăn ngày nào, với quyển sách chị ký tặng Tôi nghe tôi hát.

 

 Chị Phương thời nữ sinh

Câu chuyện về cuộc đời chị tôi đã từng được nghe, nhưng đọc cuốn tự truyện này tôi mới hiểu hết về chị, hiểu hết tất cả những gì chị đã trải qua và thực sự kính phục trước sức sống mãnh liệt đến diệu kỳ trong con người chị. Quê ở Gò Nổi, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cha là cậu ấm trong một gia đình giàu có, nhưng ông đã theo cách mạng từ rất sớm và hy sinh ở Côn Đảo. Mẹ chị cũng thuộc gia đình cách mạng truyền thống, hai người cậu của chị là con rể của nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cháu rể của Tổng đốc Hoàng Diệu. Duy Phương là nữ sinh trường Trần Quý Cáp (Hội An), nhưng sau trận lụt dữ dội năm 1964 và sau trận càn của địch, cô bé 15 tuổi đã thoát ly theo cách mạng. Duy Phương hát hay lại xinh đẹp, nhưng cô nhất định không chịu nhận phân công về đoàn Văn công tỉnh Quảng Nam. Cô làm mọi việc, từ dạy học đến kế toán, rồi đi tăng gia sản xuất, công tác Đoàn..., ở đâu cô cũng hát, tiếng hát của cô véo von khắp chốn. Là nữ sinh, tất cô không thể không bị dán cái mác tiểu tư sản. Dù công tác tích cực, nhưng chỉ một kiểu ngồi bắt tréo chân cũng bị phê: “Còn nhỏ mà có kiểu ngồi như bà địa chủ”. Nhưng Phương cũng cố gắng vượt qua hết. Năm 1968, sau một trận càn của địch, cả cơ quan hy sinh hết, Phương bị bắn trọng thương ở cột sống và bị liệt hai chân. Lọt vào tay địch, nhiều lần cô đã định tự sát, nhưng không thành. Câu trả lời của cô chỉ ngắn gọn đầy quyết liệt: “Các người hãy bắn tôi đi, đừng hỏi nhiều vô ích. Tôi sẽ không trả lời đâu”. Liệt cả hai chân ở tuổi 18, cô coi như cuộc đời mình đã đặt dấu chấm hết từ đây. Cô cũng đã từng muốn tìm cái chết, đã từng tuyệt vọng đến cùng cực khi biết rõ về thương tật của mình: “Trong tận cùng của sự đau đớn, tôi mong cái chết sớm đến với tôi từng giây từng phút”… Và cô đã không còn biết sợ khi phải hứng chịu đòn thù của kẻ địch. Nhưng khi địch đưa cô về với đồng đội, cô đã hòa vào cùng một khối với những nữ tù bất khuất của những trại giam cô đã đi qua. Trại tù binh Non Nước - Đà Nẵng, trại Phú Tài - Quy Nhơn, Trại tù binh Cần Thơ…, nơi đâu cô cũng ở trong nhóm tù kiên trung nhất: chống chào cờ, chống ly khai, chống đàn áp. Dù bệnh tật nhưng các đồng chí tuyệt thực đấu tranh tới đâu cô cũng theo tới đó. Bọn cai ngục biết Phương là sức sống của cả trại, bởi vì dù đôi chân cô không còn đi được, nhưng cô quá xinh đẹp, quá kiên cường và tiếng hát vang lên khắp chốn của cô có sức mạnh cổ vũ tinh thần rất lớn đối với cả trại: “Tiếng hát của tôi đã đến được với các anh thương binh cùng cảnh ngộ, đến với những người lính Cộng hòa. Nào là Quảng Bình quê ta ơi, Tiếng đàn Ta-lư, Đảng đã cho ta một mùa xuân, Biết ơn chị Võ Thị Sáu… Tôi hát như say, hát để quên đi đau đớn, hát để lấy lại tinh thần, hát để tự động viên mình và động viên đồng đội. Bên ngoài hàng rào lúc nào cũng có lính đứng tụm năm tụm ba nghe tôi hát”(tr.97). Một người tù trước khi chết đã cố hát theo cô và yêu cầu cô hát cho anh nghe lần cuối cùng bài Bài ca hy vọng.

Có lẽ đối với bọn cai ngục, Phương là một trường hợp đặc biệt. Cô có học, có nhan sắc, đứng trước kẻ thù cô không khuất phục, nhưng cô biết dùng lý lẽ để thuyết phục và đấu tranh: “Nhan sắc đối với tôi trong hoàn cảnh này là con dao hai lưỡi. Địch chú ý đến tôi nhiều hơn những chị em khác. Bên ngoài phòng giam của tôi luôn bị an ninh mật theo dõi…” (tr.89). Chính nhan sắc và tiếng hát ấy đã từng lung lạc được những tên cai tù, chúng gượng nhẹ hơn với cô. Đó là trường hợp của chỉ huy trưởng trại giam Non Nước Trần Văn Suyền. Suyền đã liên hệ để đưa cô sang Mỹ điều trị vết thương, với điều kiện là cô phải ký giấy xin được phóng thích, nhưng như thế tức là một hình thức chiêu hồi. Cô đã trả lời thẳng thừng: “Tôi là tù binh, tôi chỉ ra tù khi nào chiến tranh kết thúc, đôi bên trao trả tù binh…”. Phương đã từ chối cơ hội để được điều trị thương tật bởi vì: “Tôi đã chọn đường đi cho mình và chỉ có một mà thôi”. Bọn cai ngục trại nào nhìn thấy cô cũng tỏ vẻ tiếc ngọc thương hoa, hết tên Suyền ở trại Non Nước, đến tên Hòa ở trại Phú Tài: “Hắn nhìn xoáy vào tôi và nói trống không: ‘Xinh đẹp thế mà theo Việt Cộng làm gì để tàn phế. Thật uổng đời!’”(tr.117).