Tội nghiệp anh Bùi Giáng

Cuộc Tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng được tổ chức vào ngày 14-9-2013 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông, đã gây một số phản ứng trong giới văn nghệ từng sống dưới chế độ cũ và ít nhiều quen biết nhà thơ này.

Nếu chỉ là lễ tưởng niệm, do hội đồng gia tộc người quá cố tổ chức, để mời bà con thân hữu đến dự là chuyện bình thường. Nhưng đây là một “Tọa đàm khoa học” với nhiều nhận định rất… bất bình thường khiến một số người nghi ngại về động cơ của sự tôn vinh Bùi Giáng.

Là người đồng hương với anh Bùi Giáng, từng là đồng nghiệp với anh trong việc dạy học, lại đã nhiều lần gặp nhau trong sự giao tiếp văn nghệ cũng như qua các sinh hoạt ngoài đời, tôi thấy mình có bổn phận nói lên đôi điều mà tôi hiểu rõ về anh để “trả lại cho César những gì thuộc về César”, và khỏi làm anh Bùi Giáng buồn lòng, dầu anh đã về thế giới bên kia, vì lẽ anh là con người rất thật.

Trong khuôn khổ bài báo nhỏ, tôi chỉ xin nêu sơ lược đôi điều như sau:

Theo tờ Thanh Niên ngày 15-9-2013, trong diễn văn khai mạc cuộc tọa đàm, ông Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM có nêu: “Bùi Giáng đã tham gia đời sống giáo dục, văn chương và học thuật của giới trí thức yêu nước tiến bộ ở Sài Gòn”. Thực tế Bùi Giáng không hề tham gia bất cứ một tổ chức nào, một sinh hoạt nào gọi là yêu nước, tiến bộ. Ai cũng biết rằng Bùi Giáng đã mắc phải chứng “điên, khùng” trong cuộc đời mình và sự điên khùng có một bệnh chứng là cứ bám mãi vào một ấn tượng, một thứ cảm nghĩ mà không hiểu rõ thực chất cũng như nguyên do. Vì lẽ ấy mà trong một bài viết về nghệ sĩ Kim Cương – đã đăng trước đây trên tạp chí Hồn Việt – tôi có nhắc lại lời nghệ sĩ là trong những người tình của cô có được mười người mắc bệnh tâm thần và chỉ có mười người này mới là thật sự chung tình! Với trạng thái đó, sau ngày Giải phóng Bùi Giáng ra ngoài đường chửi rủa Cách mạng và lẽ dĩ nhiên công an phải bắt giam anh. Bấy giờ, với tư cách Tổng Thư ký của Hội Văn nghệ thành phố, tôi đến công an để trình bày rằng anh vốn là con bệnh tâm thần, để anh sớm được trả tự do.

Tôi luôn hiểu rằng Bùi Giáng vốn là nạn nhân của chính anh ấy, vì với căn bệnh như thế, anh không được sống như một con người bình thường. Dẫu trong chế độ cũ có kẻ muốn bốc anh lên, xem anh là một “phần tử chống Cộng”, nhưng anh đâu được cái chế độ ấy dung nạp vào tổ chức nào. Anh cũng không có được một nghề nghiệp thực sự vì sự dạy học tưởng như phù hợp với anh, lại không thể nào tồn tại. Tôi còn nhớ ngày dạy văn ở trường Đạt Đức, tôi được cho biết, khi giảng dạy đến Truyện Kiều, Bùi Giáng đã bắt học sinh chép câu mở đầu nói về tác giả như sau: “Em Nguyễn Du sinh ngày…” thì một học sinh đứng lên hỏi liền: “Thưa thầy, sao lại gọi cụ Nguyễn Du bằng em?”, Bùi Giáng nạt lớn: “Thì tao thương thằng cha đó tao mới gọi nó là “em”, chớ ba cái thứ trời đánh như anh, như chú, như bác thì gọi làm chi!”. Hẳn là một ông thầy dạy như vậy phải được nghỉ việc. Và lẽ dĩ nhiên con người bất bình thường ấy không sao có được cuộc sống bình thường, tức là gia đình. Vì với não trạng như thế, văn thơ của anh cũng là khi tỉnh, khi mê, làm sao có được tác phẩm toàn vẹn. Và cũng thực sự là trước nay không mấy ai đề cao, khoái thích thơ văn Bùi Giáng như một vài quý vị bây giờ. Những ngày chưa bị bệnh nặng, Bùi Giáng cũng hăm hở dịch một số triết thuyết nước ngoài như sự vồ vập chào đón những hàng ngoại nhập mới lạ, chứ chưa có đủ khả năng phân biệt đúng sai.

Ngay cái sự kiện mà tờ Thanh Niên trích dẫn từ lời phát biểu của ông hiệu trưởng đại học rằng Bùi Giáng cùng một số trí thức Sài Gòn, vào năm 1965 đã viết gởi 5 nhà văn hóa lớn trên thế giới để kêu gọi hòa bình ở Việt Nam thì nếu đó là sự thật cũng là điều có nhiều cách hiểu khác nhau. Bởi lẽ nếu kêu gọi để Mỹ đừng đổ quân ồ ạt vào miền Nam thì 5 quốc gia cũng không ngăn được cái tham vọng ấy, nói gì đến 5 nhà văn hóa lớn. Huống nữa, từ sau ký kết Hiệp định Genève, Pháp đã phản bội hiệp định để đem giao trọn miền Nam cho Mỹ đặng trừ món nợ mà Mỹ đã giúp cho Pháp để mong tái chiếm Việt Nam. Từ cuối năm 1959 chúng ta buộc phải dồn sức để mà chiến đấu giành lấy độc lập, thống nhất cho đất nước mình, phải dùng bạo lực cách mạng để chiến đấu chống trả một cuộc chiến mà ta bắt buộc phải cầm súng. Trong hoàn cảnh chiến đấu đó, không phân biệt hai bên mà chỉ đòi “hòa bình” suông là mắc mưu Mỹ.

Tôi không bao giờ nghĩ Bùi Giáng là một con người phản động, nhưng với bệnh trạng như thế cuộc sống của anh bị đẩy vào một bi kịch. Anh là con người thông minh, có học, có được năng khiếu văn chương nhưng tất cả những gì anh tạo tác được khi chưa đến độ chín muồi thì đã bị sự rối loạn tâm thần hủy hoại, và bao nhiêu năm trôi qua, những gì người ta thường nhắc về anh chỉ là những bất bình thường trong một cuộc sống bệnh hoạn. Dĩ nhiên, ngoại trừ những điều huyễn hoặc trong cuộc Tọa đàm vừa qua.

Còn nhớ, sau ngày Giải phóng không lâu, nhờ có bà con ở Mỹ gởi tiền tiếp viện cho anh, Bùi Giáng không còn phải đi lang thang mà thường ngồi xe xích lô chạy trên đường phố. Có lần, ngồi trên xích lô anh bảo chạy thẳng vào Hội Văn nghệ, vừa trông thấy tôi, anh đã kêu lên:

- Vũ Hạnh ơi! Cho mình ít tiền để uống cà phê.

Tôi nói:

- Thôi đi bạn ơi! Tiền ở bên Mỹ gởi về còn đầy trong túi mà lại đi xin tiền.

Bùi Giáng có vẻ thẹn thò, rồi cười khà khà và vỗ vào túi, nói lớn:

- Mình nói giỡn đó. Tiền còn đầy túi đây mà.

Rồi anh bảo người xích lô quày xe đi ra.

Một hôm, cô Kim Cương mời tôi đến nhà dùng cơm để cô giới thiệu một người bạn mới là một Việt kiều ở Nhật về thăm. Đang chuẩn bị để dùng bữa thì người nhà cô Kim Cương đi vào và nói có ông Bùi Giáng đến thăm. Cô Kim Cương bảo ra nói rằng cô không có mặt ở nhà.

Lát sau, cô giúp việc cầm mảnh giấy nhỏ trao cho bà chủ. Thì ra, nghe cô Kim Cương vắng mặt, Bùi Giáng đã lấy giấy bút ở trong túi áo, viết rằng:

Ông đi, chi xiết đau buồn,

Một mình ở lại muôn trùng em yêu.

Câu thơ trên đây như lời tiên đoán cho một kết thúc. Mấy ngày sau đó thì Bùi Giáng bị đột quỵ, tôi được biết cô Kim Cương cùng người bạn mới đã đem quà cáp để vào bệnh viện viếng thăm một trong mười người chung tình, trước khi anh ấy từ giã cõi đời.

Vũ Hạnh