Tôi vẽ tranh khỏa thân

Nay cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XXI thì hình ảnh khỏa thân ê hề khắp phố, khắp chợ… từ phim ảnh màu tươi tắn quyến rũ, tượng phiên bản đổ hàng loạt phơi bày bằng thạch cao, cho tới bằng… da thịt thật… nhiều đến nhàm chán. Nhưng nghệ thuật thì khác: vẫn là quý hiếm. Ở nước ta chưa có họa sỹ nhà điêu khắc nào chuyên về khỏa thân. Bởi nghệ thuật này, tưởng phóng túng dễ dàng mà rất khó.

Khỏa thân với tâm lý xã hội

Với họa sỹ, nhà điêu khắc thì vẽ khỏa thân là một trong những môn học cơ bản, phải nghiên cứu để diễn tả cơ thể con người trong mọi hoạt động giữa tự nhiên, giữa cộng đồng xã hội. Vượt lên trên sự nghiên cứu, khi đã thành tác phẩm tranh, tượng thì tranh khỏa thân là một đối tượng về cái đẹp, thẩm mỹ - dẫu chỉ đạt một nội dung về cái đẹp thôi cũng đã góp phần nâng cao tình cảm, yêu đời, yêu người và yêu nhau.


Tranh Giữa hạ (Trung Quốc).

Ở nước ta, tôi được biết từ giữa thế kỷ XX, do hoàn cảnh chiến tranh, họa sỹ ta vẽ loại tranh khỏa thân không nhiều. Công chúng chưa có thói quen thưởng thức nên về tâm lý xã hội, về tư tưởng còn nhiều dè dặt…

Tôi có ông bạn là trung tá thủ trưởng một cơ quan văn hóa thể thao, ông này tính thật thà, cởi mở rất có uy tín. Một lần làm trưởng đoàn dẫn đội thể công đi đấu giao hữu, tham quan nước ngoài về, ông vồ vập mời tôi sang chơi, hẹn vào lúc 9h sáng. Cả nhà đi vắng hết.

Rất quan trọng, ông ta nói: Cậu là họa sỹ, tớ phải mời cậu tới xem cái này… Ông bắc ghế chèo với lên nóc tủ, sát tường, rất trịnh trọng nhấc một vật có chiều cao sáu tấc bọc nhiều lớp giấy báo kỹ càng, ông rỡ ra rồi gượng dẹ đặt xuống mặt tủ ly: - Đây là… bên Tây nó tặng mình…

Thì ra một pho tượng Vénus Milo bằng thạch cao trắng muốt! Đẹp nổi tiếng thế giới thế mà ông không dám trưng bày trong nhà. Kể cả vợ ông cũng không khoe… chỉ vì nó trần truồng tới cả nửa người! Tôi đã phải mất công giải thích lai lịch pho tượng mà bản gốc quý báu của nó đang ngự tại bảo tàng Louvre đầy danh dự để ông có thể “công khai hóa” nàng Vệ nữ Milo.

Tôi vẽ tranh khỏa thân

Đó là năm cuối thập kỷ 50, họa sỹ Trần Văn Cẩn đang là giám đốc, hiệu trưởng trường Mỹ thuật V.N. Hà Nội. Tôi chưa vào học nhưng hay tới thăm. Ông ở và làm việc trên căn gác đẹp trong trường, có cầu thang gỗ rộng đi lên. Được quen ông từ khi tôi ở Điện Biên về nhận giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tuổi mới ngoài đôi mươi. Không nhận thầy – trò, nhưng ông niềm nở, luôn sẵn sàng chỉ bảo cho tôi nhiều kiến thức ngành nghề.

Nghe cánh sinh viên nói ông chọn người mẫu, sắp vẽ, tôi rụt rè tỏ ý muốn xin ông cho vẽ cùng để được tập luyện chất liệu sơn dầu. Ông đồng ý và cho tôi mượn cái giá vẽ Le Franc tháo gấp mà ông thường mang đi vẽ ngoài trời. Ông vẫn dùng giá vẽ cố định.

Tôi khấp khởi mang tới một khung toile cỡ 45x60 sẵn để dành chưa đụng tới. Bộ đồ vẽ của tôi được phòng Văn nghệ quân đội trang bị cho từ sau ngày giải phóng Hà Nội, cả những ống sơn màu hàng Paris còn mới chưa bóc tem, tôi mang theo như một học sinh thịnh soạn cho ngày khai trường.

Đúng 8 giờ, người mẫu tới. Nghe tiếng guốc lạch cạch cầu thang thì biết ngay. Đó là cô N. mà tôi đã quan sát qua những lần vào thăm lớp của sinh viên. Cô ngồi mẫu từ hơn năm trước, khi hết tuổi khăn quàng đỏ. Gần đây, khi đã thật quen rồi mới chịu ngồi cho vẽ hở nửa trên. Nhan sắc trung bình, nhưng tuổi mới lớn luôn toát ra cho người vẽ một cảm quan thật mát mẻ. Cô thường gọi các thầy bằng bác và xưng em với tất cả sinh viên.

Ngày đầu, thầy Cẩn bảo N. cứ ngồi tự nhiên, ông phác nhanh bằng màu nước (aquarelle) trên giấy, tôi cũng vẽ thử bằng chì. Rồi ông cất công chọn mấy kiểu áo có sẵn cho N mặc để thử điều chỉnh màu nền (fond) sau mẫu – lúc thêm mảnh lụa đào, lúc họa màu hoa lý.

Hôm sau, ông bảo N. ngồi như mẫu ở lớp: khỏa thân nửa trên, nửa dưới mặc quần lót. Ông bắt đầu lên sơn dầu cỡ một mét chiều cao. Tôi làm theo nhưng chưa vẽ ngay, vì tập trung chú ý xem thầy mở đầu, cách thức thế nào.

Mai Văn Hiến đã từng kể về thầy Tô Ngọc Vân. Bảng pal-ette của ông luôn sạch vì không bóp màu lộn xộn. Ông vẽ rất từ tốn, hòa sắc trong trẻo. Còn sinh viên như chúng tôi thường săm săm hăm hở trước mọi màu tươi nguyên chất; dùng doa vẽ, dùng bút thiếu cân nhắc, pha trộn màu xả láng như múa rối. Cho nên hay bị xỉn màu, sắc độ hay quá mức, phải cạo, xóa hoặc trát sơn dày cộm tràn lan trên khung vải.

Phải thú thực rằng tôi chưa thể vẽ được ngay, chính vì phải chế ngự cái cảm xúc bàng hoàng của mình trước mênh mông làn da nõn nà của cô gái… Thầy thường nhắc tôi khi vẽ: phải nhìn vào tổng thể (ensemble), đừng sa vào chi tiết ngay từ đầu. Sự im lặng cần mẫn bao trùm phòng vẽ.

Khi tôi đang lên được mấy mảng chính cho bố cục (composition) thì bỗng nhiên như có phần bức xúc vướng víu về bút pháp. Thầy Cẩn với giọng như gắt, như ra lệnh: Thôi, cháu vào cởi nốt ra đi! N. ngập ngừng, đắn đo. Tình thế buộc cô phải có quyết định. Và cô đã đứng dậy quay vào phòng nhỏ.

Một lát. Rồi cô rẽ tấm rèm thưa, lập cập bước nhanh ra. Tấm áo choàng trùm toàn thân cho tới lúc ngồi xuống, cô mới từ từ buông thả… Ôi chao! Eva là đấy! Vénus là đây! “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” – Tuyệt quá! Bức chân dung khỏa thân mà cụ Nguyễn Du ngày xưa đã viết nên Kiều!

Toàn thân cô sáng rỡ màu tái gam lạnh. Riêng gò má phơn phớt sắc hồng. Tôi tin rằng, đối với cô gái, đây là lần đầu tiên phô toàn vẹn thân mình trưng ra trong ánh sáng.

Thầy Cẩn đã không để ý mấy tới một chàng trai trẻ như tôi, lần đầu tiên được nhìn rõ tất cả những gì quý báu bí mật của người con gái! Vì tuổi ông gần bằng tuổi bố tôi; vì ông đã từng lâu năm nghề nghiệp. Ông chẳng còn để ý gì hơn ngoài cái đẹp, giữa mẫu đẹp và tranh đẹp. Rất kiệm lời, ông mê mải vẽ.

Còn tôi: choáng ngợp, rạo rực, xốn xang và ngẩn ngơ. Tôi mài miệt ngắm hơn là vẽ. Tôi như lạc vào “mê hồn trận” đầy bí hiểm ngóc ngách, quanh co, đang lúng túng kiếm đường ra. Cô mẫu ngồi dáng hơi khép nép, khiến trí tưởng tượng của tôi lại mở ra nhiều phát hiện.

Tôi cứ mải tò mò tọc mạch, thưởng thức và triết lý quẩn quanh trên tấm thân đầy đặn, khối hình tròn trịa những đường cong mà chẳng phải triết lý gì cao siêu đâu. Chỉ là dấu hiệu “stress” xuất hiện gây rối, như nảy nở một nhu cầu “chiếm đoạt” theo bản năng nam tính.

Rồi ba ngày sau, tôi cũng xong tranh. Nhưng vẽ không đạt, không đẹp; vẽ như một bài tập loại trung bình kém.

Tranh của thầy Cẩn thì quá đẹp. Khi xem ông lồng tranh vào khung xong, tôi ngắm không chán mắt. Và tôi có thể quên ngay người mẫu. Hiện thực thứ hai này mới thật hấp dẫn người xem lâu dài.

Sau này, cảm giác, cảm xúc cùng với bản lĩnh của người sáng tác giúp cho tôi luôn sôi nổi mà bình thản; giúp tôi hiểu biết về mối quan hệ giữa mộng và thực, giữa đời và nghệ thuật. Mới hiểu rằng tại sao tôi thất bại bức tranh này: chính sự bối rối thực dụng đã lấn át tư duy sáng tạo nghệ thuật.

Giá trị nhân văn trong kho tàng văn hóa nhân loại

Với quan niệm đẹp thời nay, nếu tới Vienve để ngắm tượng Vénus de Wilendorf thì ai cũng phải lạ: sao tả phụ nữ xấu thế? Một thân hình thấp lùn, chỉ nổi cộm lên ba khối: đôi vú và âm vật. Vì thế, từ thời cổ đại, trong chế độ mẫu hệ, chức năng sinh lý để sinh sôi của giống cái được coi là quan trọng nhất.

Trong các bộ lạc thì người đàn bà chiếm vị trí thống trị. Chẳng quan tâm tới nhan sắc nên cái đầu, cái mặt chỉ là một cục đất biểu trưng thôi. Tượng khỏa thân ấy thật quý vô giá vì đã in dấu cội nguồn một thời lịch sử loài người.

Không kể những “Vénus Milo”, “Adam” va “Éva”, những tượng “Người suy nghĩ”, “Người ném đĩa”, “Mùa xuân vĩnh cửu”… mà sách báo thường giới thiệu, còn rất nhiều tác phẩm chưa mấy ai được chiêm ngưỡng, say mê như những tác phẩm khỏa thân của thế giới các vị thần: thần Jupiter, thần Trí tuệ, thần Ánh sáng, thần Thétio mẹ của Achille, thần N’eus, thần Tình yêu…

Rất nhiều tác phẩm từ thời Trung cổ, Phục hưng, Cổ điển… cho tới thế kỷ XX sau này cũng cho ta thấy từng bước đi sáng tạo qua các thời kỳ (époque) của nghệ thuật toàn thế giới mà các vị đại diện như Michel Ange, Raphael, Vérnèse, Titien, Goya, Manet, Renoir, Braque Picasso… Tưởng đâu thân thể con người chỉ có thế, nhưng nghệ thuật vẽ tranh khỏa thân đã vượt qua cái đẹp thông thường, nâng cao tâm hồn, trình độ thẩm mỹ; đã làm giàu có vô tận cho con người trên cái đẹp!


Tượng thần Vệ Nữ (Venus) ở Viện bảo tàng Louvre (Pháp).

Ở Việt Nam ta do thói quen phong tục, thường tìm cách tế nhị, ẩn ý để diễn đạt đề tài, hình ảnh mà định kiến lâu đời vẫn quen cho là thô tục. Vậy, khi nghe chuyện kể về Bành Tổ, bà Nữ Oa, chuyện Tiên Dung Chử Đồng Tử ta chẳng đã mường tượng ra hai vị trong tư thế khỏa thân đó sao?

Ở châu Âu có những tượng ngoài trời, trai hay gái khỏa thân đứng, chỉ che “chỗ ấy” bằng một cái lá nho có tính chất trang trí thôi mà vẫn thuận mắt. Ở Bỉ, tượng bé trai cởi truồng đứng “tè” suốt ngày đêm giữa công viên. Ai qua lại cũng phải mỉm cười hồn hậu.

Có người hỏi vì sao tôi không vẽ nhiều tranh khỏa thân, có phải vì khó sử dụng? Không phải, cách đây vài năm tôi đã từng gửi Gallery Hồng Hạc ba bức khỏa thân vẽ bằng sơn dầu bán được ngay. Triển lãm của Hội Mỹ thuật, tôi cũng đã bày tranh khỏa thân.

Nay cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XXI thì hình ảnh khỏa thân ê hề khắp phố, khắp chợ… từ phim ảnh màu tươi tắn quyến rũ, tượng phiên bản đổ hàng loạt phơi bày bằng thạch cao, cho tới bằng… da thịt thật… nhiều đến nhàm chán. Nhưng nghệ thuật thì khác: vẫn là quý hiếm. Ở nước ta chưa có họa sỹ nhà điêu khắc nào chuyên về khỏa thân. Bởi nghệ thuật này, tưởng phóng túng dễ dàng mà rất khó.

PHẠM THANH TÂM