Đến ngày 3/9/2011, Ban tiếng Việt Đài Phát thanh “Tiếng nói nước Nga” vừa tròn 60 tuổi (3/9/1951 – 3/9/2011). Trong 6 thập kỷ qua, tiếng nói của nước Nga, đất nước của những người bạn truyền thống của nhân dân ta, được truyền bằng tiếng Việt qua làn sóng điện đến với những thính giả ở đất nước Việt Nam xa xôi và nhiều nước trên thế giới.
Tiếng nói của đài đã đem đến cho nhân dân ta những tình cảm chân tình của nhân dân Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, những người đã hết lòng, hết sức ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta vì độc lập tự do của Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Ban tiếng Việt của Đài Phát thanh Mát-xcơ-va cũng đã giới thiệu với nhân dân ta về đất nước Nga và nhân dân Nga anh em, tình hình của nước Nga trong hoàn cảnh mới đang dần đi vào ổn định và phát triển.
Trong những năm làm việc tại Mát-xcơ-va, khoảng 2002-2003, tôi đã có dịp làm quen với nhà báo Nga A-lếch-xây Xi-un-nhê-béc, Trưởng ban tiếng Việt của Đài “Tiếng nói nước Nga”. Anh nói tiếng Việt rất thạo. Anh chính là Len-xốp, cái tên tôi đã từng nghe và trở nên quen thuộc từ rất lâu qua những buổi phát thanh bằng tiếng Việt của Đài “Tiếng nói nước Nga”. Len-xốp là bút danh của A-lếch-xây.
Anh A-lếch-xây đón tôi ở cổng vào, rồi đưa tôi lên phòng làm việc của ban. Ở đây, tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương: đang chuẩn bị tin để phát sang Việt Nam.
Chính ở đây, giữa tôi và A-lếch-xây có cuộc trò chuyện thân mật về nhiều vấn đề. Xin ghi lại đây một đoạn liên quan đến việc tìm hiểu xem nhà báo A-lếch-xây đó học tiếng Việt như thế nào.

Anh A-Lếch-Xây (trái) và tác giả.
- A-lếch-xây, động cơ nào thúc đẩy anh đến với tiếng Việt? Và anh đã bắt đầu học tiếng Việt như thế nào?
- Tôi tốt nghiệp phổ thông vào năm 1962. Cũng năm ấy tôi vào đại học. Tôi nộp đơn xin thi vào trường các ngôn ngữ phương Đông thuộc MGU (trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp), bây giờ gọi là Học viện các nước Á-Phi. Tôi quyết định thi vào học trường này không phải từ sau khi tôi tốt nghiệp phổ thông, mà là trước đó vài ba năm. Những ngành khoa học kỹ thuật tôi không mấy thích thú. Tôi nghĩ nhiều về các khoa học nhân văn. Và khi tôi biết rằng ở Mát-xcơ-va có một trường đại học dạy các ngôn ngữ phương Đông với những môn văn học, lịch sử, văn hóa của nó, tôi liền tìm hiểu và tự học các môn đó với quyết tâm thi vào cho bằng được. Phải thi nhiều môn lắm.
Quy chế hồi đó cho phép trường được tự phân phối sinh viên vào các khoa. Tôi đạt tổng điểm số là 23 điểm (điểm cao nhất là 25), do đó được phân vào khoa tiếng Việt. Số thí sinh đậu được phân vào ba lớp: lớp tiếng A Rập, lớp tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và lớp tiếng Việt. Tôi được xếp vào lớp tiếng Việt, điều đó làm cho tôi hết sức sung sướng. Khó giải thích là tại sao tôi lại cảm thấy sung sướng. Có lẽ có ba lý do khiến tôi chú ý đến Việt Nam.
Dạo ấy, tôi có thói quen thường đến các hiệu sách ngoại văn tìm mua sách mới nói về các nước trên thế giới. Một lần, tôi trông thấy trên giá sách có một quyển sách nhỏ, 40-50 trang gì đó, giới thiệu về Việt Nam bằng tiếng Nga. Tôi liền mua quyển sách đó. Lần đầu tiên tôi biết về Việt Nam. Quyển sách có tên là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy tên quyển sách là như vậy, nhưng qua nó, lần đầu tiên tôi biết rằng ở Việt Nam có hai chế độ chính trị: chế độ dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và chế độ Sài Gòn ở miền Nam. Tôi đã đọc nó một cách thích thú.
Một hôm, bố tôi đi làm trên Bộ về nói rằng có một đoàn đại biểu từ Việt Nam mới sang để hội đàm về những vấn đề đường sắt. Bố tôi có tham gia những cuộc hội đàm đó. Ông kể về những người Việt Nam mà lần đầu tiên ông được gặp. Bố tôi biết nhiều thứ tiếng nước ngoài: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng La Tinh... Lần đầu tiên ông được nghe một thứ tiếng rất lạ - tiếng Việt.
Cũng trong thời gian đó, mẹ tôi đem về nhà một cái thìa bằng bạc có chạm nổi phong cảnh Việt Nam, người Việt Nam đội nón dân tộc, người dân đánh cá. Tất cả những hình khắc chạm ấy đã được một bàn tay nào đó khéo léo và tinh tế làm nên. Hiện nay tôi vẫn còn giữ rất cẩn thận cái thìa ấy, cố gắng không làm mòn những bức tranh chạm nổi trên đó. Đó là những kỷ vật đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trong nhà tôi.
Những lý do kể trên đã góp phần tạo hứng thú cho tôi học tiếng Việt, mặc dù tôi không có tai nhạc. Nhiều người bảo rằng ngữ âm của tiếng Việt rất khó học, bởi vì tiếng Việt là một thứ tiếng giàu tính âm nhạc, vậy mà tai nhạc thì tôi không có. Cùng một âm tiết mà phát âm với giọng cao, giọng thấp khác nhau, thì ý nghĩa khác nhau, chẳng hạn, ma, mà, má, mạ, mả, mã. Thật dễ sợ! Do đó nửa năm đầu tôi học phát âm rất vất vả, nhưng sau đó một thời gian thì tôi cảm thấy rằng đã nắm được cách phát âm tiếng Việt. Tôi cố gắng sử dụng ngôn ngữ này hầu như là hằng ngày trong thời gian làm việc, cũng như khi tiếp xúc với bạn bè người Việt Nam.
- Những thầy giáo dạy tiếng Việt cho anh là những ai?
- Người thầy đầu tiên dạy tôi tiếng Việt là bà Ba-ri-nô-va Xít-nhi-cô-va An-tô-nhi-na Nhi-cô-lai-ép-na. Bà là tác giả sách giáo khoa tiếng Việt mà chúng tôi sử dụng để học.
- Bà Xít-nhi-cô-va là đồng nghiệp với tôi những năm công tác ở Ban các ngôn ngữ phương Đông và Đông Nam Á thuộc Viện Ngôn ngữ học Viện Hàn lâm khoa học Nga. Rất tiếc, bà đã qua đời. Chúng tôi vô cùng thương tiếc bà, một nhà Việt ngữ học xuất sắc, một trong những người đặt nền móng cho bộ Đại từ điển Việt-Nga mà chúng tôi và các đồng nghiệp Nga đang biên soạn.
- Người thầy thứ hai là một đồng chí Việt Nam tên là Lê Hiền. Đó là những người đã dạy chúng tôi ở hai năm đầu: năm thứ nhất và năm thứ hai. Sau năm thứ hai, ông Lê Hiền về nước. Sau đó thì không có giáo viên Việt Nam nữa, vì đó là thời kỳ bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, và các bạn Việt Nam không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện gửi người sang dạy tiếng Việt ở MGU.
Những năm sau, người Nga dạy tiếng Việt cho chúng tôi là bà An-la Pê-trốp-na Shưn-tô-va.
- Tôi có biết chị Shưn-tô-va. Đó là bạn cũ của tôi. Năm 1960, chị với tôi cùng dạy một lớp tiếng Nga năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị nói tiếng Việt rất hay, tôi rất phục.
- Ông Nhi-cô-lai I-va-nô-vít Nhi-cu-lin, Giáo sư Tiến sĩ, dạy văn học Việt Nam. Ông sang Việt Nam nhiều lần, viết nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam.
Đó là những thầy cô giáo đã giúp chúng tôi nắm được tiếng Việt.
- Các mặt của tiếng Việt: ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, mặt nào làm cho anh thấy hứng thú hơn cả khi anh nghiên cứu tiếng Việt?
- Khó nói là mặt nào gây hứng thú hơn cả. Cái chính đối với tôi là làm sao để nắm được tiếng Việt và thực hành được. Vì vậy tôi chú ý nhiều đến những mặt nào khó đối với tôi. Chẳng hạn như mặt phát âm với sáu thanh điệu uyển chuyển như hát. Cái này quả là quá khó. Một gam nhạc có bảy nốt mà tiếng Việt đã chiếm hết sáu nốt rồi. Nghe các cô gái Hà Nội nói chuyện với nhau, tôi cứ ngỡ mình đang nghe một hợp xướng. Khi tôi đã qua được giai đoạn phát âm này, thì cái khó tiếp theo là cách đặt câu Việt. Khó lắm vì khác với cách đặt câu tiếng Nga, nhất là trật tự từ. Hai từ đảo qua đảo lại là đã mang nghĩa khác nhau rồi, đại loại như: mẹ con – con mẹ, yêu em – em yêu.
Sau nữa là cách dùng những đại từ, loại này trong tiếng Việt rất biểu cảm. Cùng một đại từ ngôi thứ nhất mà có hàng chục cách diễn đạt khác nhau với những sắc thái biểu cảm khác nhau: tôi, ta, tao, anh, em, chị, cha, mẹ, ông, bà..., điều này xa lạ với người Nga. Xin kể một chuyện vui. Một nhóm cán bộ Việt Nam được các chuyên gia Liên Xô mời dự tiệc. Ăn uống xong rồi, một đại diện phía Liên Xô đứng lên nói điều gì đó, phiên dịch là một người Nga, anh ta dịch rằng “Bây giờ chúng tôi ra sân chụp ảnh”. Các chuyên gia Liên Xô đứng dậy đi ra sân, còn các cán bộ Việt Nam vẫn ngồi yên tại chỗ. Phía Liên Xô rất thắc mắc, không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tại sao các cán bộ Việt Nam không cùng họ ra sân chụp ảnh? Cuối cùng phát hiện ra rằng, người phiên dịch đó dịch sai, thay vì phải dùng chữ “chúng ta”, anh ta lại dùng chữ “chúng tôi”.
Người lính khi xung trận cần phải có vũ khí. Tôi đã chọn cho mình một thứ vũ khí đặc biệt: tiếng Việt. Tôi không những không ân hận chút nào, mà ngược lại cảm thấy hạnh phúc, vì sự lựa chọn đúng đắn đó đã làm cho cuộc đời tôi có ý nghĩa. |
Cái phức tạp cho đến nay đối với tôi vẫn là các phương ngữ ở các tỉnh của Việt Nam. Khi tôi vào các tỉnh khu Bốn, tôi đâm hoảng vì không hiểu người ta nói gì. Rõ ràng là tôi không hiểu họ muốn nói gì. Tôi nhìn cầu cứu các bạn Việt Nam người Hà Nội, và tôi vô cùng sung sướng vì hóa ra chính các bạn ấy cũng chẳng hiểu gì. Cuối cùng chúng tôi phải đề nghị các bạn khu Bốn viết ra giấy, các bạn Hà Nội dịch ra tiếng Hà Nội, lúc bấy giờ tôi mới hiểu được. Có lẽ tiếng khu Bốn là khó nhất.
Cần phải nói thêm rằng, những lớp sinh viên trước tôi và sau tôi, họ có được cái hạnh phúc là sang Việt Nam thực tập cả một năm học. Họ được sống và học tập cùng chung với sinh viên Việt Nam, được hằng ngày giao tiếp với người Việt Nam trong môi trường sống thực. Điều đó tất nhiên đã giúp họ rất nhiều trong việc hoàn thiện trình độ tiếng Việt của họ. Lớp chúng tôi không có cái diễm phúc đó, bởi vì khi đến cái thời kỳ mà chúng tôi đáng lẽ có thể sang Việt Nam thực tập, thì đó là lúc ở Việt Nam cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược đang rất ác liệt. Lãnh đạo của Việt Nam cho hay rằng, họ không thể bảo đảm an ninh cho sinh viên Liên Xô, nên họ đã từ chối việc tiếp nhận sinh viên Liên Xô sang thực tập ở Việt Nam.
Điều đó dĩ nhiên có ảnh hưởng không tốt đến sự hiểu biết tiếng Việt của tôi. Vì thế tôi vẫn thường nói với các bạn của tôi rằng, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh chống Việt Nam, chúng đã phạm tội ác không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn là tội ác đối với riêng tôi nữa. Dĩ nhiên đây chỉ là nói đùa cho vui thôi, nhưng thực tế cũng một phần nào đúng như vậy. Vì chúng nên tôi không được sang Việt Nam học tập. Vì chúng ném bom Việt Nam nên tôi không được sang Việt Nam. Vậy là tôi có mối thù riêng phải thanh toán đối với chúng.
Tôi nghĩ, muốn học tốt một ngoại ngữ nào đó, rất cần được giao tiếp với người bản ngữ đó. Môi trường ngôn ngữ đối với người học ngoại ngữ giống như nước đối với cá. Con người, đất nước, nền văn minh, ngay cả không khí, nhiệt độ, tất cả những gì người bản ngữ hít thở, sinh sống tạo thành bản sắc của thứ ngôn ngữ ta đang học.
- Quyển sách tiếng Việt nào lần đầu tiên anh đã đọc? Của tác giả nào?
- Câu hỏi đó quả là khó trả lời. Tôi không nhớ lắm. Hình như đó là quyển sách có tên gọi là Truyện cổ tích nước Nam. Cũ lắm. Có lẽ xuất bản vào đầu những năm 60. Tôi e rằng ngay cả tên sách tôi cũng không nhớ chính xác. Đó là những chuyện cổ tích và thần thoại Việt Nam.
- Anh không ân hận là đã chọn học tiếng Việt chứ?
- Người lính khi xung trận cần phải có vũ khí. Tôi đã chọn cho mình một thứ vũ khí đặc biệt: tiếng Việt. Tôi không những không ân hận chút nào, mà ngược lại cảm thấy hạnh phúc, vì sự lựa chọn đúng đắn đó đã làm cho cuộc đời tôi có ý nghĩa.

Đài Tiếng nói Việt Nam và Tiếng nói nước Nga ký thỏa thuận hợp tác.
Ảnh: tnvn.gov.vn
- Xin anh cho biết thêm, anh được phân công làm việc tại Đài Phát thanh “Tiếng nói nước Nga” ngay sau khi tốt nghiệp đại học hay sau này?
- Ngay trong thời kỳ còn học đại học, lúc đó tôi đang học năm thứ năm, mà thời gian học theo chương trình lúc đó là sáu năm.
Ở năm thứ năm, tôi bỗng trở thành người sinh viên duy nhất của khoa tiếng Việt. Lúc đầu chúng tôi có ba người, sau đó một người trong số chúng tôi, anh ta tên là An-đrây Lê-vin, sang Hà Nội làm phiên dịch cho các cố vấn quân sự, người bạn thứ hai của tôi cũng sang Hà Nội làm phiên dịch ở bộ phận hợp tác ngoại thương. Đó là A-lếch-xan-đơ A-rê-phi-ép. Sau đó anh chuyển sang Campuchia làm việc ở Đại sứ quán.
Như tôi đã nói ở trên, năm 1966, sau khi hai bạn ấy đi khỏi trường, tôi còn lại một mình, và học tiếp hai năm chỉ có một mình. Tôi đề nghị với nhà trường cho tôi được học chương trình hai năm trong một năm. Thử tưởng tượng xem các giáo sư thay phiên nhau đến đọc bài giảng cho một mình tôi trong giảng đường rộng mênh mông! Cần phải tiết kiệm thời gian và sức lực cũng như trí lực của các giáo sư. Nhà trường đồng ý để tôi thanh toán chương trình hai năm trong một năm.
Đồng thời nếu chỉ ngồi ăn mỗi học bổng thôi, thì quả là khá cực khổ, mặc dù học bổng lúc đó nhiều hơn bây giờ. Tôi quyết định xin vào làm ở Đài Phát thanh “Tiếng nói nước Nga”.
Một hôm, tôi đến đài phát thanh gặp người lãnh đạo, lúc đó là anh Lê-ô-nhít Xéc-ghê-ê-vít Kri-sép-xki, hiện nay anh vẫn làm ở đài. Tôi trình bày nguyện vọng được làm việc ở đài, anh đồng ý ngay.
Sau khi tôi vào làm việc ở Ban phát thanh cho Việt Nam, thì anh Lê-ô-nhít sang Việt Nam làm phóng viên trong thời kỳ Việt Nam chống Mỹ. Anh thường gọi điện thoại về ban, chuyển tin và tài liệu, nhiều khi anh đọc tin qua điện thoại như đọc chính tả, chúng tôi ghi lại trên máy ghi âm, thỉnh thoảng nghe thấy trong máy tiếng nổ rền vang và giọng nói của Lê-ô-nhít: “Xin lỗi, tạm ngừng vì máy bay Mỹ đang ném bom”. Chừng một tiếng đồng hồ sau, lại nghe thấy tiếng của Lê-ô-nhít: “Trận ném bom đã kết thúc”, và anh lại đọc tin qua điện thoại cho chúng tôi ghi.
Tôi đã vào làm việc ở Đài Phát thanh “Tiếng nói nước Nga” như thế đấy.
- A-lếch-xây, chuyến đi đầu tiên của anh sang Việt Nam là vào năm nào?
Có lẽ tôi có duyên với Việt Nam, một đất nước đã đi vào tâm khảm của tôi như một phần của máu thịt trong tôi... Có một bài dân ca Việt Nam mà tôi rất thích: Người ơi, người ở đừng về, trong đó có một câu tôi để nằm lòng: “Yêu em, xin anh đừng có đứng ngồi với ai...” Tôi yêu Việt Nam, yêu con người Việt Nam, yêu tiếng Việt và tôi sẽ không bao giờ “đứng ngồi” với ai khác! |
- Lần đầu tiên tôi sang Việt Nam là vào năm 1969 với tư cách vừa là phóng viên của Đài “Tiếng nói nước Nga” vừa là phiên dịch cho đoàn Đại biểu Công đoàn Liên Xô sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Đến thời điểm ấy tôi đã tốt nghiệp đại học, đã bảy năm nghiên cứu tiếng Việt, đọc nhiều tài liệu, sách báo về Việt Nam, nhưng chưa một lần được sang Việt Nam. Vì vậy khi được tin sẽ đi Việt Nam, đương nhiên là tôi rất vui mừng và phấn khởi. Cả gia đình tôi, bố mẹ và vợ tôi đều vui mừng vì tôi sẽ được đến cái nước mà tôi đã quyết định dành cả cuộc đời để nghiên cứu về nó.
Tôi bay sang Việt Nam bằng máy bay IL-18 mất 24 giờ đồng hồ. Trên máy bay có 20 người. Ngày nay đương nhiên loại máy bay này không còn dùng để vận chuyển theo tuyến Mát-xcơ-va - Hà Nội nữa. Năm người trong đoàn chúng tôi và mấy đoàn đại biểu nữa. Hồi đó không như bây giờ, không có những đoàn tư nhân, du lịch sang Việt Nam thì không ai đi, các cá nhân đi buôn cũng không có. Tóm lại, những người trong máy bay này toàn là đi công cán nhà nước.
Khi máy bay dừng ở Ta-xken để tiếp nhiên liệu, tôi hỏi một người trong phi hành đoàn tại sao khách bay ít thế, máy bay còn rất rộng chỗ, người phi công trả lời rằng trong khoang máy bay có chở tên lửa. Không biết anh ta có nói thật hay không. Nhưng theo tôi biết, dạo ấy việc chở tên lửa bằng máy bay sang cho các bạn Việt Nam nói chung là có thật. Chắc vì vậy nên máy bay không thể chở được nhiều người.
Máy bay hạ cánh xuống một sân bay trống trải. Tôi không nhớ đó là sân bay gì. Nếu Nội Bài là sân bay sau này mới có, thì đó chắc là sân bay Gia Lâm. Chúng tôi đến Hà Nội và thấy ngay quang cảnh thời chiến. Dọc đường từ sân bay vào thành phố có rất nhiều hầm trú ẩn cá nhân.
Chúng tôi được bố trí ở khách sạn Mê-trô-pôn. Cái biển hiệu đầu tiên tôi nhìn thấy treo ngay trước khách sạn có vẽ cái mũi tên chỉ xuống dưới với dòng chữ: “Hầm trú ẩn”, nghĩa là nếu máy bay Mỹ đến ném bom, thì mọi người hãy chạy xuống đấy.
Hà Nội thật nghiêm trang trong dáng vẻ thời chiến. Có phần trầm lắng. Người đi trên đường ăn mặc theo kiểu quân sự. Nét mặt đăm chiêu. Tuy thế họ chào đón chúng tôi rất niềm nở. Những người chúng tôi gặp và nói chuyện đều nói đến những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra, nói đến quyết tâm chiến thắng. Ai cũng tỏ những tình cảm tốt đẹp đối với Nhà nước Liên Xô, với nhân dân Liên Xô. Việt Nam qua cái nhìn đầu tiên của tôi là như thế.
- Đã có lúc nào anh nghĩ rằng anh sẽ từ bỏ con đường đã chọn, chuyển sang một công việc gì đấy thoải mái hơn mà kiếm được nhiều tiền hơn?
- Không, ý nghĩ đó không bao giờ nảy sinh trong tôi. Tôi không ân hận gì khi chọn công việc ở Đài Phát thanh. Tôi sẽ chẳng bao giờ rời vị trí này. Tôi đã từng là phóng viên, người bình luận thời sự, Phó ban phát thanh cho Việt Nam, và hơn mười năm nay tôi làm Trưởng ban tiếng Việt của Đài Phát thanh “Tiếng nói nước Nga”.
Tôi làm việc với một niềm hứng thú kỳ lạ. Có lẽ tôi có duyên với Việt Nam, một đất nước đã đi vào tâm khảm của tôi như một phần của máu thịt trong tôi...
Có một bài dân ca Việt Nam mà tôi rất thích: Người ơi, người ở đừng về, trong đó có một câu tôi để nằm lòng: “Yêu em, xin anh đừng có đứng ngồi với ai...”
Tôi yêu Việt Nam, yêu con người Việt Nam, yêu tiếng Việt, và tôi sẽ không bao giờ “đứng ngồi” với ai khác!