Sáng 25/12/2010, hàng ngàn người đã đến tiễn đưa GS Trần Văn Giàu về yên nghỉ ở đất mẹ Long An. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã đọc điếu văn, và trước đó gần như tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến viếng hoặc gửi vòng hoa đến viếng. Đảng và Nhà nước đã tỏ lòng thương tiếc vô hạn và đánh giá cao công lao lịch sử của người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ - Sài Gòn 1945 với cương vị Bí thư Xứ ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.
Một nhân vật lịch sử lớn: sau Khởi Nghĩa Nam Kỳ 1941, ông Giàu đã cùng các đồng chí khác dựng lại phong trào để đến 8/1945, huy động hàng triệu quần chúng, dùng bạo lực chính trị giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật và nổ súng kháng chiến 23/09/1945, mở đầu cuộc trường kỳ 30 năm chiến đấu. Rồi sau đó là người lãnh đạo Đại Học, là nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu. Với hàng chục công trình lớn về sử học, GS đã đưa cho đất nước một cái nhìn sáng rõ, tin yêu về ông cha ta, về thời đại Hồ Chí Minh lịch sử.
GS Trần Văn Giàu là một trong những người viết về Hồ Chí Minh hay nhất, sáng tỏ nhất. Văn viết của GS Giàu mạch lạc, tuôn chảy, hùng biện, đọc văn như thấy người! Về già, sau bao biến thiên, nghịch cảnh, thăng trầm, học giả Trần Văn Giàu được mọi người yêu quí, kính trọng. Ông chưa bao giờ để mất phong thái đàng hoàng, trang trọng, nhưng nhân hậu của một bậc lãnh tụ. Cũng chưa bao giờ ông biết đến khái niệm “thay lòng, đổi dạ” đối với đất nước và nhân dân mình, đối với những người tin yêu và gởi gắm ở mình.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tiễn đưa
GS Trần Văn Giàu về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Việt Dũng.
Trong lịch sử, xưa nay hiếm gì những vĩ nhân phải chịu nghịch cảnh, nhưng họ không bị thất bại, và kiên nhẫn vươn lên đỉnh cao của đạo làm người. Cuối cùng, họ ra đi với tấm lòng thanh thản và tự hào vì đã cống hiến hết mình ở những nhiệm vụ khác nhau. GS Trần Văn Giàu là một người như vậy. Ông đã ra đi nhưng ông còn ở lại mãi mãi với chúng ta, với thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh mà ông gắn bó, với đất nước mà những trang sử thường phải viết bằng máu.
Tôi có may mắn được cùng ở một Viện - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - với GS Giàu 15 năm, và 35 năm nay, luôn được gần gụi, trò chuyện, thỉnh giáo, năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bao giờ cũng là bác Sáu Giàu sang trọng nhân hậu, nhiệt huyết, trung trinh ấy. Bao giờ cũng là cụ Giàu mỗi ngày phải ngồi vào bàn viết mấy trang để để cố “giải mã” lịch sử. Bao giờ cũng là cụ Giàu hùng biện và sáng rõ đến lạ thường. Không phải dễ mà có được con người như thế! Đó là sự hòa quyện truyền thống dân tộc, gia đình, sự nhuần nhuyễn trong việc tiếp nhận tinh hoa thế giới, chủ yếu là qua con đường văn hóa Pháp. Đó còn là sự tiếp nhận ánh sáng và phẩm chất của Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn An Ninh, ánh sáng của lịch sử và văn hóa.
Một con người lỗi lạc, một nhân cách cao thượng.
Bài liên quan: