* Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du (1765-2015) được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tại Hà Nội, quy tụ khoảng 100 tham luận khoa học. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã phát biểu: “Đại thi hào Nguyễn Du đã được quốc tế vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Các tác phẩm của Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng thể hiện chủ nghĩa nhân văn cao cả, toát lên lòng thương yêu con người, khát vọng vươn lên cái đẹp, cái thiện, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách, văn hóa của con người Việt Nam. Truyện Kiều là di sản văn hóa vô giá, không chỉ của Việt Nam mà còn lan tỏa, được bạn bè trên khắp nơi trên thế giới đón nhận, trở thành tinh hoa văn hóa của nhân loại”. Các học giả từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Séc… đã tham dự và đọc tham luận. GS Triệu Ngọc Lan, Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), người đã dịch Kiều ra thơ chữ Hán hiện đại, nói về Kiều như là sự kết hợp của hai nền văn hóa Trung - Việt và trình bày cách dịch mới của mình sau những bản dịch đã có. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Kawaguchi Kenichi so sánh Truyện Kiều với một tác phẩm khác của Nhật Bản - Kim Ngư truyện, được phỏng theo bản dịch thông tục Kim Kiều truyện của Nishida Korenori: “Độc giả hiện nay thấy nội dung tác phẩm Kim Ngư truyện không sâu sắc như tác phẩm của Nguyễn Du”. Một nghiên cứu sinh người Séc nói về dự án dịch Kiều ra tiếng Séc…
Tham luận của các học giả Việt Nam không có mấy cái thật mới, theo nhận xét của một số người tham dự. GS Trần Đình Sử trình bày bản tham luận “Chữ thân và vấn đề thân phận trong tư tưởng Truyện Kiều”, nhưng xét ra thì nó được trích từ cuốn Thi pháp Truyện Kiều của giáo sư đã được xuất bản cách đây 10 năm. Cuốn Truyện Kiều bản mới của Hội Kiều học được tặng cho mỗi người dự, lại là bản Kiều gây tranh cãi (xin xem trên báo Thể Thao-Văn Hóa, Tuổi Trẻ, facebook Đoàn Lê Giang…, Hồn Việt cũng có bài trong số này).
Tỉnh Hà Tĩnh, quê của đại thi hào, đưa ra một đoàn văn công biểu diễn các bài hát nổi tiếng về Hà Tĩnh, các làn điệu dân ca sâu lắng và chiêu đãi hội thảo một bữa tiệc rất ấn tượng…
* Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức mừng thọ nhà văn Vũ Hạnh 90 tuổi. Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, đại diện Hội đồng Lý luận-phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương, cùng nhiều nhà văn, nhà báo đến dự. Phát biểu trong buổi lễ, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt, nơi nhà văn Vũ Hạnh cộng tác thân thiết, đã ca ngợi Vũ Hạnh như là một nhân chứng sống của lịch sử. Từ kháng chiến chống Pháp, từ nhà tù Hội An, Vũ Hạnh vượt thoát vào Sài Gòn, hoạt động đơn tuyến dưới sự chỉ đạo của Thành ủy; 5 lần bị tù, viết Bút máu, Chất ngọc, Đọc lại Truyện Kiều…
Ông được mời ra làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ Cộng hòa miền Nam, chưa kịp đi ra vùng giải phóng thì bị bắt… Mất ghế, may lại còn người! Vũ Hạnh bây giờ vẫn... trẻ, đi đâu cũng hát: 60 tuổi mới dậy thì/ 70 là tuổi mới đi vào đời/ 80 là tuổi ăn chơi/ 90 là tuổi biết người biết ta…
Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật.
* Dự án Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng TP.Hồ Chí Minh (1900-2000): 6 tập sách (4 tập về Sân khấu, 2 tập về Điện ảnh - Kịch bản văn học) đã vừa hoàn thành và đưa vào nghiệm thu, nối tiếp 19 tập của phần Văn học. Dự kiến cuốn sách sẽ kịp ra mắt chào mừng Đại hội Đảng TP.HCM vào trước cuối năm nay. Hiện đã bắt đầu in Phần I (trong ba phần) của Văn học.
* Các công trình Nguyễn Du toàn tập, Thơ chữ Hán Nguyễn Đề (anh ruột Nguyễn Du), Thơ chữ Hán Nguyễn Hành (cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột), Gia phả và niên biểu Nguyễn Du, Thư mục nghiên cứu Nguyễn Du, Kiều học tinh hoa, Tố Như và Đoạn trường tân thanh của GS Trần Ngọc Ninh (California, Mỹ) đang được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học gấp rút hoàn thành và sẽ ra mắt bạn đọc từ nay đến cuối năm để phục vụ cho Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du.
* Ngày 21-8-2015, tại 81 Trần Quốc Thảo ra mắt cuốn tiểu luận - bút ký Cảm nghĩ miên man của nhà văn Thu Tứ, một nhà văn đã sống 40 năm ở Mỹ, viết về văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam. Nhân dịp này, nhà văn trao đổi thêm với báo chí và bạn đọc về cuốn sách và các vấn đề văn hóa.
* Ngày 15-9-2015, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh của nhà yêu nước vĩ đại, nhà văn hóa lớn Nguyễn An Ninh (15-9-1900 - 15-9-2015). Dự kiến sẽ có các tham luận của GS sử học Phạm Xuân Xanh (ĐHQG Hà Nội), GS Trần Thanh Đạm, GS Mai Quốc Liên, TS Phan Văn Hoàng, nhà văn Vũ Hạnh, học giả Nguyễn Trọng Xuất, học giả Nguyễn Minh Hoàng, nghiên cứu viên Phạm Thị Hoài Thương, bà Nguyễn Thị Minh và ông Nguyễn Sơn (con gái và con rể Nguyễn An Ninh). Sau đó sẽ là phần thảo luận.
* Theo ông Nguyễn Huy Hoàng (Hội Việt kiều ở Nga) chia sẻ trong Hội thảo quốc tế Nguyễn Du: ở Nga khi kỷ niệm 200 năm ngày sinh Puskin, các đồng hồ đều quay ngược dẫn đến ngày sinh của thi hào. Các đài truyền hình, phát thanh mỗi ngày đọc một bài thơ Puskin. Các em học sinh trung học đóng vai các nhân vật của Puskin như Ônhêghin, Tachiana… khi đến trường. Một không khí Puskin rộn rịp, sôi nổi, toàn dân trong toàn quốc. Nhờ thế lễ kỷ niệm là dịp huy động được sức mạnh Nga, truyền thông Nga… Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du ở ta lẽ ra cũng nên làm thế, hơn thế. Một dịp 50 năm mới có, để nâng cao tinh thần, bản sắc dân tộc…, ta để vuột qua! Cũng như dịp 700 năm năm sinh đại anh hùng dân tộc, nhà đại văn hóa Trần Nhân Tông (1285-1306) ta đã để vuột qua.
* Đầu tháng 7-2015, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tiếp nhận quà do họa sĩ, nhà báo Phạm Thanh Tâm gửi tặng bộ đội Hải quân. Đó là những tập sách tranh, sách truyện và ký của ông được phát hành vào những dịp kỷ niệm lớn của nước ta: 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…
Số sách gồm 50 quyển. Có những quyển bìa cứng dày hàng trăm trang khổ lớn, in tranh màu rất đẹp, như Tiến về Sài Gòn, Trang sử vàng Điện Biên Phủ, Tranh, ký họa kháng chiến chống thực dân Pháp…
Đây là lần thứ hai Phạm Thanh Tâm tặng quà sách cho chiến sĩ Hải quân. Lần thứ nhất vào tháng 12-2012, ông đã tặng 17 bộ sách tranh.
Với một họa sĩ, nhà báo đã ngoài 80 tuổi lại mang bệnh nan y, thì những tác phẩm này là một ý chí, một sự cố gắng bền bỉ phi thường. Qua những bức tranh, ký họa, những bài báo, truyện ký của Phạm Thanh Tâm, có thể thấy rõ: ông đã dành tất cả tuổi trẻ, cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân ta.