Hỏi thăm cô gái mù đi đấu tranh chính trị trực diện trong phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, bà con ấp Hòa Thạnh, xã Lương Hòa nhiệt tình chỉ đường. Người đàn bà mù trạc 70, trong ngôi nhà ẩn dưới vườn dừa hun hút chạy ra đón tôi. Cô tên Huỳnh Thị Bùi, tham gia cách mạng lấy bí danh Xuân Liễu, người địa phương gọi cô là Hai Bùi…
Cô Bùi là con gái út trong một gia đình có truyền thống cách mạng, lại bị tật nguyền nên cha mẹ rất cưng chiều. Cô được học đàn từ nhỏ. Cô Bùi ngậm ngùi kể: “Thầy dạy đàn cho tôi là cậu Năm Di. Cậu là huyện ủy viên Giồng Trôm, bí thư xã này mà tôi đâu có biết. Cậu hiền hậu, đàn hát rất hay, thương tôi mù nên truyền hết ngón nghề. Rồi cậu bị giặc bắt, đưa về bắn ngay tại xã. Ngày cậu hi sinh, cả Lương Hòa khóc tiếc thương cậu!”. Thương người thầy dạy đàn, cô Bùi càng quyết tâm trau chuốt ngón đàn. Có năng khiếu, kiên trì tập luyện, học hỏi, tiếng đàn của cô ngày càng điêu luyện, sắc sảo.

Đội quân tóc dài của tỉnh Bến Tre.
Với nghề đàn hát, cô Bùi lang thang đi khắp nơi phục vụ bà con, vừa bí mật làm giao liên cho “cô Ba Định”. Cô giấu thư từ, tài liệu trong chiếc đàn, có khi trong búi tóc, ôm đàn trong lòng, bình thản đi qua khắp các đồn bót địch. Cô tham gia cách mạng bằng ngón đàn tài hoa, giọng ca thánh thót, hát những bài kháng chiến động viên đồng bào, chiến sĩ.
Có lần tên trưởng đồn quát nạt: “Thời “Quốc Gia” rồi, sao còn hát bài kháng chiến, bộ mày là Việt Cộng hả?!”. Cô Bùi ngưng đàn, bình tĩnh trả lời: “Tôi đâu biết nhạc nào là của Quốc Gia hay Việt Cộng. Nghe người ta hát, tôi hát theo. Mù lòa như tôi mà là Việt Cộng thì ai cũng làm Việt Cộng được”.
Cứ thế, cô gái mù ôm đàn đi khắp hang cùng ngõ tận… Những buổi đàn ca tài tử ấy còn giúp cô phân biệt kẻ tốt, người xấu, ngã theo chiều nào của binh lính để báo cáo cho cách mạng. Từ đó, những cơ sở nội tuyến được cài cắm trong lòng địch, khi có thời cơ, vùng lên chiếm đồn bót trong đồng khởi.
“MẮT TÔI MÙ NHƯNG LÒNG TÔI SÁNG”
Đồng khởi lên, cô gái mù mới biết cô Ba Định là người lãnh đạo, chỉ huy đội quân tóc dài chống lại sức mạnh đàn áp dữ dội của địch. Đội quân đó, hầu hết là phụ nữ, được tổ chức chặt chẽ, có lực lượng tiến công, hậu bị, hậu cần, y tế, cứu thương… Với chiến pháp ba mũi giáp công, đội quân tóc dài hàng ngàn người ở Bến Tre nhân rộng hàng triệu người khắp miền Nam, không có tấc sắt trong tay nhưng có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch. Tiếng tù và, tiếng mõ, tiếng kêu gọi đấu tranh của chị em đã thôi thúc cô Bùi nhập vào đội quân tóc dài. Phong trào Đồng Khởi Bến Tre đã xuất hiện những nữ chiến sĩ tóc dài đấu tranh chính trị xuất sắc, ngoan cường.
Cô Bùi tuy mù nhưng đã tham gia hơn 100 lần đi đấu tranh trực diện. Cô mò mẫm, lần theo đoàn người, cùng hô vang khẩu hiệu tranh đấu, từng hứng chịu những ngón đòn đàn áp của địch. Thấy cô mù, tên lính chế giễu: “Con nhỏ mù này, nhìn thấy gì mà cũng đi đấu tranh”. Cô Bùi đĩnh đạc trả lời: “Tôi mù nhưng tôi biết con đường sáng, còn hơn các người có mắt mà lại đi con đường mù”.
Nhớ lại những ngày đồng khởi, cô Bùi hào hứng: “Đó là những ngày vui hết biết nói. Ngày tôi đi đấu tranh với chị em, đêm về đàn ca động viên tinh thần đồng bào, chiến sĩ. Trận đấu tranh nào thắng lợi, đêm về tôi hát càng hăng, càng mùi”.
Không muốn cô Bùi đàn hát động viên bà con đi đấu tranh, bọn lính càn vào xã, lấy đi hai cây đàn của cô. Cô Bùi lần theo bọn lính, có bà con làm hậu thuẫn, cô nhào vô đồn gào khóc, giành lại hai cây đàn yêu quý. Nhưng không phải lần đi đấu tranh nào cũng thắng lợi. Có cuộc, địch gọi thêm binh sĩ đàn áp bà con.
Cô Bùi bị đánh dữ dội. Những ngón đòn liên tiếp của địch nện vào người, cô Bùi dũng cảm chịu đựng, thầm nghĩ: “Mình mà chạy, không thấy đường, cứ quàng xiên, coi thảm hại lắm, làm mất mặt đoàn đấu tranh!”. Cô tham gia quá nhiều trận đấu tranh, sợ địch phát hiện nên tổ chức cho cô về tuyến sau. Không đi tranh đấu, cô Bùi tham gia đoàn văn công, đàn hát phục vụ bà con.
KHÁT KHAO HẠNH PHÚC
Kẻ thù dùng phương tiện chiến tranh hiện đại, bắn phá, càn quét vùng giải phóng, hết bắt dân vào ấp chiến lược để “tát nước bắt cá” đến chương trình bình định, nhằm triệt hạ các cơ sở cách mạng. Nhiều người dân không chịu nổi phải ly hương, không ít cán bộ cách mạng phải chiêu hồi, khai báo.
Cô Bùi vẫn kiên cường bám đất, lấy cớ mù không biết phải đi đâu. Địch thầm nghĩ một cô gái mù cũng vô hại, thời buổi chiến tranh ác liệt, sáng mắt còn khó sống, huống chi… Nhưng cô gái mù bị địch xem thường ấy lại là đốm sáng trong lòng cán bộ, bộ đội, du kích. Cô mò mẫm bắt từng con cá, hái cau, hái dừa bán, chắt chiu từng đồng mua gạo, thuốc tiếp tế cho cách mạng. Bà con Lương Hòa rất thương cô vì sự tinh tế và thương khó.
Bằng cách của người mù, cô là điểm tựa cho những người sáng mắt bị địch vây bủa. Có một anh du kích bám trụ chiến đấu, rung cảm trước vẻ đẹp thầm lặng của cô gái mù. Cô Bùi cũng không ngăn được lòng mình. Khi cô có mang, người vợ anh du kích vô cùng cay đắng, phẫn nộ. Cô Bùi nuốt nước mắt vào trong, nhẫn nhục, chịu đựng lời chế giễu, gièm pha của người đời.
Trong chiến tranh, tất cả dồn sức cho ngày chiến thắng. Đâu ai biết có những đêm nằm trong hầm tránh pháo, cô gái mù chợt nhận ra sự nhỏ nhoi, mong manh của kiếp người. Cô thèm khát được làm mẹ. Sinh được đứa con trai kháu khỉnh, cô nói với cha đứa bé: “Trước nay tôi với anh hùn vốn. Có được đứa con, thiệt là cảm ơn nhưng giờ huề nghen. Anh còn có vợ con. Tôi không muốn chị ấy buồn”. Nói là làm, cô Bùi kiên quyết chia tay, một mình nuôi con. Cô đặt tên con là Huỳnh Văn Hoàng Mạnh với mong ước con luôn được khỏe mạnh.
Trong ký ức người dân Lương Hòa còn in đậm hình ảnh người mẹ mù cột đứa bé bụ bẫm vào người bằng tấm khăn vuông, tay ôm đàn, mò mẫm trên đường đi đàn ca. Bà con ngưỡng mộ tình mẫu tử của cô Bùi. Họ nói: “Cổ mù mà nuôi con trong bóng. Thằng nhỏ dễ thương hết biết, đụng tới là cười”. Con của cô nay đã lớn khôn, trở thành trụ cột chính của gia đình bên ngoại, là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời cô trong tuổi già xế bóng. Chuyện cô Bùi “hùn vốn” nay đã có quả ngọt. Bà vợ anh du kích thỉnh thoảng ghé thăm mẹ con cô…
LÒNG SÁNG THỜI BÌNH
Hòa bình, cô Bùi như bao bà mẹ quê nghèo khác, vắt kiệt sức mình nuôi nấng con. Đối với người mù, việc mưu sinh càng trần ai, vất vả hơn. Buông tay đàn, cô Bùi lại cắt cỏ, hái rau, bó chổi. Thông minh, nhanh nhẹn, cô quyết tâm học chữ nổi. Đó là một trận chiến không kém phần quyết liệt. Cô vật lộn với trí nhớ, những ký tự chỉ được cảm nhận qua xúc giác. Rồi cô đọc, viết được bằng chữ nổi. Thế giới bỗng nhân ái và rộng mở hơn biết bao đối với cô.

Niềm hạnh phúc của cô Hai Bùi bên con trai Huỳnh Văn Hoàng Mạnh
(ngày 21/9/2009). Ảnh: Trầm Hương.
Bằng sự nhiệt tình, năng nổ, xả thân cho những người cùng cảnh ngộ, cô được bầu làm Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Giồng Trôm. Cơn bão số 9 năm 2006 tàn phá các tỉnh ven biển miền Nam. Những gia đình người mù nghèo đã khó khăn càng lâm vào cảnh thê lương. Nhà sập, con cái nheo nhóc, đói khát. Tiếng khóc bi thương của những người mù hòa lẫn với người lành lặn. Lòng cô Bùi xốn xang. Đôi bàn tay cô sờ soạng trong đống đổ nát của ngôi nhà mình. Chợt một luồng ánh sáng bừng lên sáng ngời trong đầu cô. Cô chợt reo lên mừng rỡ khi nhắc đến chị Mẫn - cháu gái của bà Nguyễn Thị Định giờ đang làm giám đốc một cơ sở từ thiện. Cô tất tả đi tìm từng hộ người mù có nhà bị sập, lập danh sách chính xác.
Nhớ lại chuyện này, cô cười sảng khoái, tự hào: “Bão số 9, người mù ở Giồng Trôm được cứu trợ đầu tiên đó”. Khi rời khỏi vai trò Phó Chủ tịch Hội người mù huyện Giồng Trôm, cô trở về ngôi nhà tình thương bé nhỏ, tường chưa kịp trát. Giọng khàn, tay mỏi, không thể đi đàn ca, cô lại bó chổi, làm nhang kiếm sống qua ngày. Nhưng đôi mắt mù không ngăn được cái tâm của cô đến với những số phận kém may mắn.
Qua cô Bùi, hàng chục ngôi nhà tình thương đã được kết nối, dựng lên cho người mù. Lúc chia tay, cô ôm chặt tôi, quyến luyến, rồi cô lấy ra cây đàn, sửa lại dây, cất giọng bi thương: “Anh nhớ chăng anh…”. Tôi rưng rưng khi nghe cô hát - một bài ca binh vận, lâu lắm rồi, không còn ai hát nữa…