Tiếng “qua” không riêng của xứ Quảng?

NGUYỄN HẢI PHÚ
(164/1A Thời Tây 2, Tân Hiệp, Hóc Môn, TP. HCM)

Đọc bài “Tản mạn về Tiếng Việt” của tác giả Lê Tự Hỷ (Hồn Việt tháng 5/2010), tôi có hai ý kiến nhỏ:

1. Tình hình “lai căng” trong tiếng Việt hiện nay quả thật đáng báo động, thể hiện trên báo viết, báo nói, báo hình, trong phim, tại các diễn đàn; bên cạnh đó, các phát thanh viên, biên tập viên, người dẫn chương trình đã “tự do” đưa tiếng Anh xen với tiếng Việt hoặc lấy tiếng Anh thay tiếng Việt khá phổ biến, làm không ít người nghe rất bực bội.

Ai là người Việt có lòng tự trọng, tự hào dân tộc đều hoan nghênh ý kiến bài viết đã đăng trên các báo có nội dung như bài của ông Lê Tự Hỷ. Chúng ta cần có nhiều tiếng nói góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - để sau này con cháu không bị “mất gốc”, “thui chột” về chữ nghĩa do cha ông để lại. Mong những người có trách nhiệm hãy làm điều cần thiết để bảo vệ ngôn ngữ dân tộc, đừng để bị hòa tan với ngôn từ nước khác.


Lớp học Tiếng Việt dành cho học sinh Việt Nam
tại trường PT 282 (Matxcơva).

2. Xin thưa với ông Lê Tự Hỷ và bạn đọc về chữ “qua”. Tôi sinh ra ở Phú Yên - cùng khu 5 với ông Hỷ, nhưng vào sống ở Sài Gòn từ năm 1956, lúc 16 tuổi.

Thời Trung học, cuối những năm 50 đầu 60, tôi rất ham đọc văn của cụ Hồ Biểu Chánh, tôi nhớ có một cuốn tiểu thuyết cụ đã dùng câu văn ông Hỷ nêu trong bài viết: “Hôm qua, qua nói qua qua, mà qua không qua. Hôm nay, qua nói qua không qua, mà qua qua”. Câu này tôi từng được nghe thầy giáo dạy văn đưa ra phân tích cách dùng từ năm Đệ lục (lớp bảy ngày nay), có đến 11 chữ qua, trong đó 4 từ chỉ qua lại, 1 chữ chỉ quá khứ về thời gian, 6 chữ là Đại từ danh xưng - thay cho chữ tôi (ta, tao, anh, chú bác…), một điển hình về câu văn điệp từ có dụng ý…

Khi vào chiến khu công tác, có lần một anh lớn tuổi quê ở Củ Chi góp ý phê bình riêng cho tôi đã xưng “qua” với tôi. Tiếng “qua” được dùng từ người anh đối với người em (so tuổi tác), cùng đơn vị, không ruột thịt, rất thân mật, bình dân và rất Nam Bộ. Không biết tiếng “qua” có là ngôn ngữ gốc từ xứ Quảng do người di dân mang vào Nam hay không? Nhưng tôi chắc rằng từ nửa đầu thế kỉ trước, tiếng “qua” đã rất thông dụng ở miền Nam.


Bài liên quan: