Tiếng Việt

LINH NGA NIÊ KDAM

Tiếng Việt, đối với người nước ngoài quả là một sự khó khăn, bởi quá nhiều dấu, giọng. Đã từng có ai đó nói ngâm thơ của Việt Nam là “hát thơ”, bởi giai điệu ngân nga trong lối ngâm ngợi rất độc đáo của thơ Việt.

Tiếng Việt cũng là một “ngoại ngữ” đối với học sinh người dân tộc thiểu số, bởi khác xa với tiếng mẹ đẻ. Nhưng tiếng Việt đối với người Việt, nhất là với người xa xứ, là âm thanh diệu kỳ làm sống lại bao nhiêu kỷ niệm thiết tha về quê hương. Tôi cũng đã có lần ngẩn ngơ như thế, bởi giữa phố Tây tráng lệ của thành phố Thượng Hải, bất chợt nghe tiếng Việt từ một nhóm khách du lịch qua đường.

Sinh thời, Bác Hồ luôn nhắc nhở “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Bác cũng nhắc các phóng viên viết báo sao cho người đọc phổ thông dễ đọc, dễ hiểu. Tôi có người bạn viết, anh luôn luôn cân nhắc từng chữ, từng câu, có lần tôi chứng kiến chỉ một từ trong bài bút ký thôi, mà anh mất ngủ suốt cả tuần.

Đấy là chưa kể lúc anh làm thơ, còn vất vả tìm ngôn từ đến đâu? Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh cười nhỏ nhẹ “tính mình nó thế”. Có lẽ ở thế kỷ 21 này, người làm văn, làm báo kỹ tính khi đặt bút viết như anh hơi khó. Thực ra trong thâm tâm tôi rất cảm phục anh, bởi làm được như lời Bác Hồ dạy, “viết cho nhiều người đọc”, ngay từ ý thức của mình thôi, bây giờ cũng khó nữa là.

Ngẫm lại, không biết có phải vì ngày ấy, dân trí người Việt chúng ta còn chưa cao, nên có dịp được đọc lại các bài báo của Bác Hồ, càng thấy sự trong sáng và dễ hiểu toát lên trong từng câu chữ.


Học sinh dân tộc ít người ở vùng cao trước giờ vào lớp.

Là một người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng Tây Nguyên, dẫu cho là thành phố đi nữa, thì tôi cũng tin không phải mọi người đều hiểu hết được ngôn ngữ các phóng viên trẻ sử dụng trên những phương tiện thông tin đại chúng.

Ngay cả Đài Truyền hình, luôn được coi là phổ thông đại chúng nhất (trong dự thảo nghị quyết Đại hội X của Đảng mà đã có hồi đưa ra cho đông đảo công chúng góp ý, đã có câu “truyền hình là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng nhất” là gì ?), cũng đầy rẫy những tiếng nước ngoài, nào là “Game show, Live show, Talk Việt Nam…” khiến đông đảo bà con các dân tộc thiểu số lẫn nông dân cả nước vất vả mà vẫn không định nghĩa được nó là gì?

70-80% dân Việt Nam là nông dân, mà nông dân thì làm sao hiểu hết được tiếng nước ngoài đang được nhà đài dùng tràn lan thế chứ? Trên báo viết lại càng gay cấn hơn. Không ít phóng viên dùng lẫn cả tiếng Anh trong bài viết, báo hại bà con đọc báo mà ngẩn ngơ. Tác giả nào “thương người”, chịu khó kèm thêm hai dấu ngoặc đơn tiếng Việt, người đọc ngõ hầu còn hiểu được.

Tôi nhớ, ngày Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên chuẩn bị lên sóng tiếng dân tộc Sê Đăng, chỉ vì cô phát thanh viên đọc ngược một từ “Đây là Đài nói tiếng Việt Nam – thay vì Đài Tiếng nói Việt Nam”, mà giữa mùa mưa, xe chúng tôi trầy trật mãi hàng tiếng đồng hồ, mới vào được làng Kon Hring, để đón cô ấy ra thành phố Buôn Ma Thuột đọc lại cho đúng.

Ấy thế mà có khi cứ nên để “Đài nói tiếng Việt Nam” cho chính xác cũng nên. Bởi may quá, trong rừng rừng các hãng thông tấn báo chí hiện nay, vẫn còn Đài TNVN là chưa dùng xen kẽ tiếng nước ngoài trong các văn bản mà thôi.


Thăm đồng.

Đó là trong báo chí. Ngoài xã hội bà con các dân tộc chúng tôi còn khổ sở vì tiếng Tây hơn. Đi đâu cũng gặp biển hiệu, tên cơ sở hoàn toàn bằng những thứ tiếng lạ hoắc. Có lần may mắn được đi tham quan hồ Tây Hà Nội, tôi cứ ngỡ ngàng bởi có một tấm bia đá đen rất lớn bằng tiếng nước ngoài đặt ở ven đường, mà cho đến bây giờ, vài năm rồi, tôi vẫn không hiểu họ viết về cái gì? Đặt ở đó để làm gì?

Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ chắc chắn có nhiều điều, nhiều việc, nhưng chúng tôi chỉ mong học được ở Người một ít, là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Camera