Tiếng xuân ở thủ đô gió ngàn

Hội xuân mời anh đến Thái Nguyên
Gái trai thắm duyên qua trái còn…

Chúng tôi đã bắt gặp giai điệu Then lưu luyến ấy trên các nẻo đường An toàn khu kháng chiến Định Hóa - Thủ đô gió ngàn năm xưa. Lời ca dìu dặt cất lên từ những nếp nhà sàn ẩn giữa rừng cọ. Tiếng hát ngọt ngào trong vắt hòa quyện với giai điệu đàn tính trầm trầm và tiếng lục lạc khoan nhặt như níu bước chân du khách.


Nghệ nhân hát Then, đàn tính truyền dạy nghề cho lớp trẻ.
Ảnh: Lựu Thị Bạch Liễu.

Mùa xuân là mùa của hội hè, mùa xuân có lễ hội Lồng Tồng người xa kẻ gần đều tìm tới. Những trai giỏi nhất, những gái tài nhất sẽ khẳng định mình qua các màn hát giao duyên, qua sân còn ngày hội.

Hầu hết các xóm bản trong huyện đều có thanh niên biết hát dân ca. Ông Lý Quang Hợp - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca các dân tộc huyện Định Hóa tự hào bảo: “Tuy là giữ cái hay cái đẹp, cũng không phải dễ dàng gì. Nhờ sự nhiệt thành của các nghệ nhân mà phong trào hát dân ca được duy trì và lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều tài năng được phát hiện, nhiều điệu dân ca cổ được lưu giữ”.

Toàn huyện Định Hóa - nơi tập trung hơn 40 ngàn người dân tộc Tày Thái Nguyên, đông hơn cả so với các địa phương khác trong khu vực, có 6 nghệ nhân hát Then, đàn tính.

Nghệ nhân Lưu Xuân Lai cho biết vào mỗi dịp đầu xuân, các gia đình người Tày, Nùng ở các bản làng thường tổ chức các cuộc hát Then. Bắt cầu, nối số dành cho người già và trẻ ốm đau. Cắt rạng cho người kém duyên, giải hạn cho năm cũ, kỳ yên cho năm mới. Mỗi cuộc Then thâu đêm suốt sáng, có những cuộc kéo dài liền mấy ngày đêm.

Đây là dịp để họ tộc, bạn bè, làng xóm tập trung đông đủ. Người già, người trẻ, cả những đứa bé cũng không muốn đi ngủ, ngồi quây quần quanh chiếu, lắng nghe lời hát của Then.

Những người làm nghề cúng, hát Then được gọi là Then (nghĩa là Thiên, người của Trời), chỉ người nào “đứng đầu đứng số” tức được trời giao phó sứ mệnh mới được truyền nghề.

Then luôn là linh hồn của buổi cúng Then. Người nghệ nhân dân gian ấy phải hát hay, đàn giỏi, phải thuộc rất nhiều chương đoạn của từng loại Then, phải biết múa chầu, đi ngựa theo tiếng nhạc xóc. Và quan trọng, nghệ nhân phải có sức khoẻ đặc biệt để trình diễn hàng đêm.

Người ta tin rằng, Then có thể điều khiển đội quân Then gồm hàng vạn “âm binh âm tướng” đến tận Mường Trời để gặp gỡ các vị thần linh, nhờ các vị thần linh cứu giúp.

Mỗi bộ Then gồm nhiều bài, mỗi bài có thể dài đến vài nghìn câu. Các bộ Then, bài Then là những tích truyện, kể về hành trình gian khổ của đội quân Then, theo lệnh Then, đến được Thượng giới mang những điều tốt lành về cho gia chủ. Có những bài Then kể ơn công lao của cha mẹ, dạy con người cách đối nhân xử thế…. Bộ Then “Tứ Bách” thường được hát trong các lễ cầu mùa là bộ Then rất được yêu thích.

Mọi người không chỉ thích xem hát Then, nghe hát Then trong những dịp vui, lúc gia đình có chuyện buồn, có người ốm đau, người ta càng cần đến Then, như là liều thuốc tinh thần. Then sai “âm binh âm tướng” đến tận Mường Trời để mượn cây gậy thần về cứu người bệnh. Trong đêm thanh vắng, tiếng đàn tính trầm trầm, tiếng nhạc xóc rộn ràng càng làm cho giọng hát của Then có uy quyền đặc biệt. Cả người hát, người nghe, đều bị lời bài hát dẫn đi.

Trước đây, các nghệ nhân hoạt động riêng biệt theo từng địa bàn cho tới tận năm 2005, tỉnh Thái Nguyên đăng cai Liên hoan hát Then, đàn tính toàn quốc lần thứ I, họ mới có dịp hội tụ, cùng trao đổi kinh nghiệm và trau dồi tài năng. Sau khi kết thúc liên hoan, các nghệ nhân thống nhất thành lập Câu lạc bộ Then nhằm duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi nghề và truyền dạy nghề cho những người yêu thích môn nghệ thuật dân tộc này.

Đầu năm 2007, Câu lạc bộ Dân ca các dân tộc huyện Định Hóa được thành lập trên cơ sở nhóm nghệ nhân Then. Rất đông người xin vào Câu lạc bộ, qua tuyển lựa đã kết nạp 42 hội viên của 4 dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Kinh…

Các hội viên của Câu lạc bộ hầu hết là nông dân, họ tranh thủ lúc nông nhàn để học đàn hát các bài ca đã quen thuộc từ khi còn trong bụng mẹ. Nhưng không phải lúc nào muốn học là học ngay được, vì cũng như họ, người dạy - các nghệ nhân Then đàn tính cũng là những nông dân. Họ phải sắp xếp việc nhà ổn thỏa rồi mới đắm đuối được với các làn điệu dân ca.

Mấy năm vừa qua, nghệ nhân Lưu Xuân Lai đã đào tạo được tốp 4 thanh nữ đàn hát thành thục, trở thành hạt nhân văn nghệ quần chúng của huyện.

Ông Lai kể, đầu tiên là phải cuốn hút con cháu trong làng cho chúng thích nghe hát dân ca. Sau đó chọn ra các cháu có chất giọng tốt, kiên trì thuyết phục gia đình và chính bản thân các cháu theo học đàn, hát. Các buổi học tranh thủ vào lúc nhàn rỗi, đầu tiên dạy đánh đàn, biết lên dây, vừa đàn vừa hát.

Nói đến Then nhất thiết phải nhắc đến cây đàn tính. Nghệ nhân Then cũng đồng thời là nghệ nhân chế tác đàn tính. Âm điệu của Then buồn, do âm hưởng bài hát và do sự góp phần của cây đàn (còn gọi là đàn Then).

Đàn tính vốn được làm bằng quả bầu khô đường kính khoảng 20cm. Cán bằng gỗ sến, gỗ cây khế, hoặc cây thành ngạnh, dài đúng 7 nắm tay nếu người sử dụng là nam, nhưng thông thường cán đàn dài 9 nắm. Không biết bởi “9 vía” hay “9 tháng”, chỉ biết rằng con số 9 là con số tâm linh của dân tộc Tày. Đàn có 2 hoặc 3 dây tùy thuộc từng vùng, hoặc bằng tơ tằm hoặc bằng cước.

Người học thông minh sẽ có thể thành thục một làn điệu cơ bản sau khoảng hai tháng tập luyện miệt mài, sau đó tự họ có thể mở rộng sang các làn điệu khác. Khá nhiều hội viên CLB biết đặt lời mới trên nền nhạc cổ để biểu diễn.

Chuyện “cát xê ngược” có lẽ cũng chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc. Trước đây, các Then hành nghề đều được tiếp đãi trọng vọng, nay các nghệ nhân muốn có cơ hội thể hiện tài nghệ của mình đều phải đóng kinh phí hoạt động.


Quang cảnh lễ hội Lồng Tồng huyện Định Hóa.
Ảnh: Lựu Thị Bạch Liễu.

Ông Lý Xuân Hợp cho biết, mỗi hội viên phải đóng “quỹ chân” 50 ngàn đồng/năm; hội phí 4 ngàn đồng/người/tháng. Mỗi dịp biểu diễn phục vụ các buổi lễ hoặc giao lưu với các địa phương đều phải đóng kinh phí đi lại, ăn ở. Vậy nhưng ai cũng say mê, sự say mê còn lan tỏa đến người thân và cộng đồng.

Anh Nguyễn Minh Sơn, 48 tuổi, giáo viên trường Tiểu học xã Bộc Nhiêu viết lời cho vợ là cô giáo Nguyễn Thị Bích Phượng tập hát, tiết mục Then lời mới của vợ chồng thầy giáo Sơn được đồng nghiệp và học sinh rất yêu thích. Nhiều em học sinh đã đến tìm hiểu và xin tham gia vào các hoạt động của CLB. Gần 100 em đã được đào tạo tại các lớp hát Then, đàn tính do Phòng Văn hóa - Thông tin của huyện tổ chức.

Trầm ấm và luyến láy, các bài dân ca đặc sắc như Hội Xuân quê Noọng, Thái Nguyên quê Noọng luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe. Cứ mỗi độ xuân về, nhiều người không khỏi hướng về “Miền đất trung du / Núi trập trùng nhiều sông lắm suối / Xuân về hoa khoe sắc đưa hương…” và luôn bị thôi thúc bởi cuộc hành trình đến với “Hội Lồng Tồng đón bạn bốn phương / Thắm tình nghĩa quê hương núi rừng”.

LƯU THỊ BẠCH LIỄU