Nhicolai Ivanovich Nikulin là một cái tên gần gũi và thân yêu đối với giới văn học Việt Nam. Giáo sư đã có một thâm niên nghiên cứu văn học Việt Nam hơn 50 năm. Ngay sau hòa bình được lập lại ở miền Bắc Việt Nam 1954, N.I. Nikulin đã có mặt tại Hà Nội. Ngày 4-11-1954, ông vinh hạnh được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh mời đến dự buổi chiêu đãi nhân dịp Đại sứ Liên Xô A.A. Laep nhậm chức. Lúc ấy, ông mới ngoài 20 tuổi. Bác Hồ khen: "Cháu trẻ quá!". Đây là lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên của N.I. Nikulin. Sau đó, khi đã bảo vệ xong luận án Phó Tiến sĩ khoa học với đề tài "Văn học Việt Nam (sơ khảo)" năm 1970 và tiếp đó là luận án Tiến sĩ khoa học "Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX" năm 1976, N.I. Nikulin đã dành trọn đời mình cho việc nghiên cứu, khám phá văn học – văn hóa – con người Việt Nam. Ông liên tục sang Việt Nam trong thời gian chiến tranh, sống, đi lại, tiếp xúc, tìm kiếm tư liệu... để viết gần 200 công trình nghiên cứu và bài báo nghiên cứu. Các công trình ấy thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của ông về văn học – văn hóa Việt Nam từ ngọn nguồn sinh thành của nó, từ những truyền thuyết nổi tiếng, từ nền văn hóa dân gian... và 10 thế kỷ văn học Hán – Nôm, cho đến văn học hiện đại Việt Nam, từ những hiện tượng văn học lớn – cho đến những đại biểu trẻ. GS luôn có những quan hệ thân hữu bền chặt với họ, gặp gỡ trao đổi để từ "người" hiểu thêm tác phẩm. Và bao giờ ông cũng đọc rất kỹ để tìm ra những cái riêng của mỗi tác phẩm, tác gia... trên cái nền chung của văn học Việt Nam, phương Đông và thế giới. Cuốn sách mới nhất của GS là Phật giáo và văn học (Moskva, 2003) mà GS có nhã ý gởi tặng chúng tôi, do GS chủ biên và viết 3 bài. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm, tầm nhìn sâu rộng của GS đến nhữngvấn đề cốt yếu của văn học Việt Nam.
GS Nikulin đã sang thăm Thành phố Hồ Chí Minh vài lần. Lần cuối cùng là vào năm 2000, lúc đó chúng tôi đón tiếp ông thật nồng nhiệt, với sự có mặt của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu quen biết ông. GS đã trao đổi, trò chuyện rất thân tình về tình hình Nga, về văn học và nghiên cứu văn học Nga. Nỗi đau về Liên Xô sụp đổ, kéo theo bao thảm họa trong đó có việc tư nhân hóa ào ạt bằng cách tước đoạt tài sản của toàn dân trị giá hàng chục ngàn tỉ USD đã đánh đòn chí tử không những vào lý tưởng XHCN mà trực tiếp đánh vào bát cơm manh áo người lao động. Lương một GS như N.I. Nikulin giờ đây là 4.800 rúp (2 triệu đồng Việt Nam) mà giá cả ở Nga cao gấp mấy lần Việt Nam. Gia cảnh đang khó khăn nhưng ông không buông bút, không rời công việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Khi biết Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học có dự định dịch và in tám tập sách Lịch sử văn học thế giới (khoảng 8.000 trang khổ lớn tiếngNga) của Viện Văn học Thế giới Gorki, Viện Hàn Lâm khoa học Nga, nơi ông là Trưởng ban văn hóa Á – Phi, một công trình tiêu biểu, kết tinh trí tuệ Nga, GS đã vui lòng liên lạc với lãnh đạo Viện để cho chúng tôi tác quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thực hiện công việc có ý nghĩa đó. GS. N.I. Nikulin đã mất vào cuối năm 2005 vì đột quỵ tim. Đó là một cái tang đau đớn cho giới văn hóa – văn học Việt Nam... Lòng tôi khôn xiết bùi ngùi tiếc thương người thầy, người anh, người gắn bó cùng chúng ta suốt một thời hào hùng, máu lửa, người mang theo qua cõi vĩnh hằng tâm hồn Nga quyện chặt với tâm hồn Việt!