Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Lời tựa tập thơ Thiên đường quá khứ của Michal Cerník

Đại danh y và nhà thơ lớn thế kỷ XVIII của chúng tôi – Lê Hữu Trác, khi bàn về thơ, có nói một ý mà tôi nhớ mãi: "Thơ cốt ở ý, ý có sâu xa, thơ mới hay". Thơ phương Đông, thơ Việt Nam kiệm lời, trọng ý, chuộng cái dư vang, dư vị, "ý tại ngôn ngoại". Tôi đọc thơ của Michal Cerník, qua bản dịch của Dương Tất Từ, thấy thơ ông rất gần gũi với những tâm hồn Việt Nam yêu thơ ca dân tộc và nhân loại. Thơ ông là những suy tư độc đáo, sâu sắc về nhân thế, về thời đại mà mình đang sống. Thơ ông chắt lọc những ngẫm nghĩ, những triết lý qua một trái tim độ lượng, nhân ái. Có thể nói bài thơ nào của ông cũng có những tứ thơ lạ, bất ngờ nhưng lại là bình dị. Đó là những giá đỡ nâng bài thơ lên tầm cao của tư tưởng và nghệ thuật. Có thể xếp thơ ông vào loại thơ trữ tình – triết lý, một loại thơ mà những nhà thơ Việt cổ kim rất ưa thích.

Triết lý Cỏ Cây và nhiều bài thơ khác là những bài thơ khổ nhỏ thôi, nhưng cái tứ thơ thì thật sâu:

Những ngọn cỏ dù bao lần bị giẫm đạp

Chúng bao giờ cũng gượng lại như xưa

Dù bao lần người ta cắt xén, sang sửa

Cỏ lại mọc lên những mầm non xanh tươi.

 

Cỏ cây và nhân loại

Luôn phục sinh sau cái chết liên hồi.

Có lẽ dân tộc Tiệp và dân tộc Việt Nam đã từng chịu đựng những bi kịch đắng cay của lịch sử, nên từ đắng cay đó mà nghĩ đến phận mình. Nói về cỏ thì như thế, nói về hoa thì thật tuyệt vời:

Hoa không chuyên tâm về đạo lý

Bằng vẻ đẹp và hương thơm diệu kỳ

Hoa phô sắc và chào mời tất cả

Hoa không quan tâm đến cái ác

Chiến tranh không làm hoa kinh ngạc

Hoa muốn mọi người có cuộc sống hoan lạc

Một chức năng thuộc về tạo hóa

Như một lẽ tự nhiên.

(Chức năng tuyệt vời)

Quả là chưa có một bài thơ nào nói về hoa một cách sâu sắc đến như vậy, mặc dù ở phương Đông chúng ta hay ở phương Tây cũng thế thôi, thi sĩ nào mà không ca tụng hoa. Và ca ngợi tình yêu. Cơ thể ái ân là một bài thơ tình hồn nhiên, bình dị nhưng viết được thế thật là tài năng:

Đôi bàn tay em?

Tôi đang vuốt ve âu yếm.

Còn đôi bàn tay tôi?

Chúng đang mãn nguyện với thân hình em

Thân thể của em?

Tôi đang đắm mình trong đó

Trên trái đất này

Tôi không thấy nơi nào đẹp hơn...

Nơi em...

Nói về chiến tranh, về nỗi cô đơn, về niềm thông cảm với người khác, về tuyết, về quyền lực... ông đều có những ý thơ làm ta thú vị. Ông tâm sự về nghề cầm bút: "Tôi muốn cùng chia sẻ tất cả những gì làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và tôi tin rằng – điều đó nằm trong quyền lực của ngôn từ". Thật giản dị, thuyết phục và rất dễ chia sẻ.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến những quan niệm về thơ, về văn hóa dân tộc trong bài trả lời phỏng vấn của ông đối với nhà văn – dịch giả Dương Tất Từ. Đó là những suy nghĩ lọc ra từ những thử thách, những va đập mạnh mẽ của văn hóa Tiệp trong bối cảnh mới. Đó là những bài học và những gợi ý tốt đẹp cho chúng ta, những người làm văn hóa Việt đang đứng trước cơn bão táp của cái gọi là "thị trường" – nơi mà đồng tiền chèn ép văn hóa thực, "Lợi ích kinh tế đóng vai trò quyết định đến mức nó làm biến dạng hệ thống chính trị của chúng tôi". "Sự thiếu vắng những lý tưởng xã hội, sự thiếu vắng hệ thống giá trị đích thực đã trở thành một vấn đề của chúng tôi hôm nay... Thơ hiện nay đã khước từ nội dung – chính đây là một trong những nguyên nhân tại sao thơ không còn là sức mạnh của xã hội và trở thành mong manh...". "Một dân tộc nghèo nàn về tinh thần, dân tộc đó thật sự sẽ tiêu vong, bởi vì cái được gọi là vượt trội về chính trị và kinh tế sẽ không mang lại gì cho việc phục hưng tinh thần của dân tộc, hoặc ngược lại, đã từ bỏ tầm vóc tinh thần của dân tộc. Và cứ thế, người ta sẽ làm mất tương lai của dân tộc...". Ta còn có thể tìm thấy hàng chục ý kiến trung thực, mãnh liệt như thế nữa của một nhà thơ đứng đầu Hội Nhà văn Tiệp.

Tôi xin dành vài dòng để nói về việc dịch của Dương Tất Từ, bạn tôi. Tôi có một tình bạn lâu năm với Dương Tất Từ, gần 50 năm rồi. Tôi đọc, theo dõi công việc của bạn tôi, những công việc của một tầm cao văn hóa, trong đó có việc dịch thơ của anh.

Thơ anh dịch cho ta cái chất thơ, cái mềm mại, cái duyên dáng, cái sâu sắc... Mặc dù không đọc nguyên tác, nhưng đọc thơ dịch ta thấy được cái tâm hồn, tài năng, tầm cao tư tưởng của nguyên tác. Anh có một tâm hồn dễ cảm thông, dễ đồng điệu, bên cạnh một vốn văn hóa, vốn ngôn từ phong phú dễ diễn đạt. Anh đã làm cho chúng ta yêu biết bao những nhà văn, nhà thơ của nước Tiệp như Komensky, Kafka, Capêk, Hasêk, Fucik, Nezval, Seifert..., những nhà thơ và những nhà văn ấy đã đến Việt Nam và ở lại với chúng ta qua các bản dịch chân thực và sành điệu mà Dương Tất Từ đã miệt mài và lặng lẽ theo đuổi từ hơn nửa thế kỷ nay.
Tôi chưa một lần đến Tiệp để được ngắm nhìn thành phố Praha soi mình trên sông Voltava, ngắm nhìn cuộc sống và các lâu đài cổ kính, chưa được gặp và nắm bàn tay trung thực của những con người mà tôi yêu mến như Michal Cerník, nhưng nhờ bản dịch của Dương Tất Từ, tôi cảm thấy thân yêu và cảm kích vô hạn với con người – văn hóa và đất nước Tiệp.

Mai Quốc Liên