1. Văn nghệ không bao giờ đứng ngoài mà nằm trong xã hội, kinh tế, chính trị; lý luận văn nghệ bện chặt với bao nhiêu biến cố đã và đang diễn ra trên thế giới, bện chặt với tình hình đất nước. Nhưng dù tình hình diễn biến ra sao, chúng ta càng kiên trì, kiên định, "dĩ bất biến ứng vạn biến", tuân theo lời dạy của Hồ Chí Minh. Phương chỉ, tình hình đất nước ta bên cạnh những mặt nghịch đáng lo, thì mặt thuận vẫn là chính. Không một chút nào chủ quan, ảo tưởng, thỏa mãn, nhưng rõ ràng thế và lực nước ta đang lên, đất nước chưa bao giờ được thống nhất, thái bình, phát triển như bây giờ. Dù vậy, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã vạch ra, trong đó có nguy cơ diễn biến hòa bình có phần nằm trong vấn đề văn nghệ – tư tưởng mà ta đang quan tâm, là có thật và vẫn đang tồn tại, diễn biến gay gắt, phức tạp từng ngày. Làm lý luận, làm văn nghệ..., chúng ta thể nghiệm, đối diện, suy nghĩ, bàn luận.
Thế giới đang biến đổi. Nhưng dù biến đổi ra sao, nếu chúng ta kiên trì những chân lý cơ bản của dân tộc, của nhân loại, đồng thời tiếp nhận những "hạt nhân hợp lý" những tinh hoa của người khác, không giống ta, thậm chí đối nghịch với ta về cách nhìn cách nghĩ... ta vẫn có thể giành được một chỗ đứng dưới mặt trời, vẫn tồn tại và phát triển. Trước hết, ta phải xuất phát từ thực tiễn đất nước, thực tiễn văn nghệ của ta, dù đã nói đến lý luận thì ta vẫn nghĩ nó là chân lý của cả thế giới. Nhưng một đất nước như đất nước ta có bao nhiêu đặc thù, đặc điểm sâu sắc của truyền thống, của hiện đại và tương lai cần tính đến. Một nền lý luận hiện đại mang đặc thù của Việt Nam, đó là điều chúng ta nghiền ngẫm và thực hiện. Càng gắn vào dân tộc, vào thực tiễn bao nhiêu, càng vận dụng các nguyên lý cơ bản nhuần nhị bao nhiêu, chúng ta càng có khả năng thuyết phục nhiều hơn bấy nhiêu. Lý luận không phải chỉ là sách vở, là chuyện mấy cuốn sách – xưa kia Trang Tử đã từng cho sách vở là "cám bã" và Mạnh Tử khuyên ta nếu "tin cả vào sách thì thà không có sách còn hơn" – dù mặt khác, ta biết rõ nếu không có sách thì cũng không có tri thức, không có lý luận. Hiện nay, có một vài người đang "lòe nạt" thiên hạ bằng một vài cuốn sách, họ không hiểu rằng lý luận trước hết là tổng thể văn hóa, là tầm nhìn sức nghĩ chứ không phải là một vài mệnh đề, một vài luận điểm cực đoan được dựng thành thuyết này, thuyết nọ.
2. Trên nét lớn thì ngày nay ai cũng dễ dàng đồng tình là chúng ta làm lý luận văn nghệ là kế thừa những tinh hoa của di sản nhân loại, của dân tộc, của Cách mạng đã tích lũy được trong thế kỷ vừa qua; đồng thời làm một cuộc tổng hợp mới, thu hút những tinh hoa, những mặt mạnh trong kho tàng lý luận văn nghệ của chủ nghĩa Mác, của Cách mạng... mà trước đây, vì nhiều lẽ, chưa thu hút được đầy đủ, tích cực. Chúng ta cần khắc phục những sai lầm ấu trĩ xuất phát từ chủ quan một số người, cũng là xuất phát từ tình hình đấu tranh chính trị cụ thể lúc đó. Đó là những sai lầm về "điển quy" quá vội vã và khiên cưỡng một số quy luật sáng tạo văn nghệ; chưa thực sự tạo ra những "khoảng không gian rộng lớn" cho sáng tạo văn nghệ, chỉ nhấn mạnh mặt nội dung xã hội – chính trị mà ít chú ý đến các mặt hình thức sinh động, năng động; hình thức này đến lượt nó làm nên nội dung bởi vì trong văn nghệ hình thức và nội dung tồn tại cho nhau, trong một thực thể, ta chỉ có thể tách rời nó trong khi phân tích do động thái "trừu xuất" trong khoa học. Nói đến những khuyết điểm, nhược điểm như thế trong tiến trình lý luận mác-xít thì cũng có nhiều vấn đề phải bàn. Tuy nhiên ta phải nhận rằng, mặc dù trên thế giới ngày nay, lý luận (phê bình) văn học mác-xít chính thống bị tấn công, phục thù, trả đũa, bị dồn ép và thu hẹp(1)...; ở ta, do chủ yếu những năm đó ta tiến hành cuộc chiến tranh yêu nước, giải phóng, văn nghệ đã nghe theo tiếng nói lương tâm nghệ sĩ của mình, tiếng gọi của nhân dân, Tổ quốc... mà sáng tác bằng nhiệt hứng lớn, nên những phần lý luận có phần cứng nhắc, giáo điều, ấu trĩ... cũng không tác động đến văn nghệ nhiều, tuy cũng có kìm hãm, gây oi ngạt không cần thiết. Cần nói rằng từ ngày đổi mới đến nay, tự chúng ta đã khắc phục, đã vượt qua rất nhiều những hạn chế này.
Vấn đề khó khăn đối với chúng ta hiện nay là ở chỗ: làm sao duy trì được, bảo vệ được, phát triển được chủ nghĩa Mác – Lênin (tất nhiên trong cái phần tinh hoa của nó, và vượt qua những cái đã bị lịch sử vượt qua), hòa quyện với tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, tỉnh táo học tập, nghiền ngẫm, tiếp biến như là một yếu tố tích cực của toàn bộ hệ thống lý luận của chúng ta, những cái mà các nhà lý luận ở phương Tây đã tìm ra trong mấy chục năm qua. Bên cạnh phương Tây thì phương Đông, cái phương Đông lâu đời, tưởng chừng bí ẩn – mà khi xưa khi còn trẻ, Nguyễn Ái Quốc đã có lần phát biểu rằng chủ nghĩa Mác chưa thâu tóm được phương Đông – và dân tộc là mặt mạnh của chúng ta. Nếu đi được vừa Tây vừa Đông, lại bám chặt được vào dân tộc thì lý luận của chúng ta khả thủ, thì "tên lửa" của chúng ta có hai tầng lực đẩy.
Điều này ngày nay ai cũng thấy và cũng dễ nhất trí với nhau. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Khó nhất là thiếu người cùng một lúc thông tỏ và tận dụng được cả Đông – Tây như kiểu viện sĩ Kônrát của nước Nga trước đây; hay là có thì chẳng may cũng đã quá lớn tuổi, quá mệt mỏi rồi, khó còn khả năng làm được. Một số trẻ hơn một ít, thì chỉ có khả năng "nhập nội" một số sách vở, lý thuyết của phương Tây – như thế cũng đã là quý; nếu không tính đến cái phần cực đoan, đòi phủ nhận tất cả, làm lại tất cả vì cho là lý thuyết của chúng ta đã sai lầm từ đầu, từ gốc và thành quả văn học của Cách mạng, chủ nghĩa hiện thực XHCN là số không, là "đại bại". Thiết tưởng, văn hóa có tính độc lập tương đối của nó. "Triều đại" có thể thay đổi, những tư tưởng mà nó tin tưởng và phụng sự có thể tạm thời thoái trào; nhưng tác phẩm với trái tim tin yêu và sáng tạo sẽ còn mãi: "Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt – Sở vương đài tạ không sơn khâu" (Từ phú Khuất Nguyên treo cao cùng mặt trời, mặt trăng. Lâu đài vua Sở thành gò thành núi đồi – Lý Bạch). Đi theo các lý luận gia cực đoan phương Tây và cả "Nga thời cải tổ, thời hậu Xô Viết" một số người còn phủ định sạch trơn cả chủ nghĩa hiện thực, cho chủ nghĩa hiện thực đã cạn kiệt và lỗi thời. Chủ nghĩa hiện thực có số phận lịch sử của nó, có tiến trình của nó và dĩ nhiên nó phải biến cải, nhưng đó là con đường lớn mà nhiều nhà văn lớn của nhân loại và cả ở Việt Nam đã đi. Đó cũng là một kiểu suy nghĩ cực đoan mà ngay ở Nga, như lời GS N.I. Niculin, những phần tử cực hữu cũng không nói thế! Đó là sự sao chép, bắt chước dù "thông thái" cũng không thích hợp với ta và cần thảo luận.
Tuy nhiên, cũng cần tránh một cực đoan khác, mà chủ yếu ở vào giai đoạn lịch sử trước đây, khi còn "chiến tranh lạnh", là cũng phủ định, gạt bỏ, lên án gay gắt bất cứ trào lưu nào của văn học – văn hóa – lý luận phương Tây; cho nó là biểu hiện của sự khủng hoảng hệ tư tưởng và cuộc sống tư sản, là "ma bùn", "nấm độc", đáng ghê tởm mà không thấy rằng, bên cạnh cái phần "cặn bã" cũng có, có khi có nhiều, nhưng nếu biết "đập xương hút tủy", gạt phần siêu hình lấy phần biện chứng, tóm lại là nói như Lênin: lấy và lấy không hạn chế những nhân tố dân chủ và CNXH, những nhân tố tiến bộ về mặt nhân văn trong các triết thuyết đó. Là bởi vì các thuyết "tiền phong chủ nghĩa" đó, nhiều khi tự nó quảng cáo cực đoan, vỗ ngực ầm ĩ, phách lối cho là mình nhất trần đời, vượt tất cả cái cũ kỹ của quá khứ, của truyền thống... thì cũng là bởi vì nó phải tồn tại và muốn ngoi lên làm "bá chủ". Một mặt ta cần phải thấy là có nhiều cái cũng là sự phản ứng lại đối với xã hội tư sản, dĩ nhiên là bao giờ cũng phản ứng từ phía hữu. Từ đó mà nhìn, thì chủ nghĩa hiện sinh tuy chủ trương tồn tại của con người là sự tồn tại của cái tôi cực đoan đứng trước hư vô, nên phải "buồn nôn" và "phi lý", nó cũng không phải không có chỗ đáng thông cảm. Giáo sư Trần Đức Thảo mà còn cho phân tâm học của S. Freud là tư tưởng của giai cấp tư sản mại bản. Nếu xét về mặt triết học thì phân tâm học là sự tách con người sinh học ra khỏi con người xã hội. Nhưng về mặt tâm lý, về mặt y học, việc phát hiện ra các tầng "vô thức", "tiềm thức"... là những phát hiện làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn về con người, là những cống hiến lớn cho khoa học về con người, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn học nghệ thuật vì văn học là nhân học. Thế thì việc gạt bỏ cái thế giới quan sai lầm để tiếp nhận hai phần dưới (tâm lý, y học) có gì là không thỏa đáng?
Đến như chủ nghĩa cấu trúc, một thời một số người cho nó là đem bỏ văn học vào "hộp đen", lên án nó gay gắt. Quả thực là, nhìn vào một mặt, thì chủ nghĩa cấu trúc độc tôn văn bản, tách văn bản ra khỏi chiều lịch đại, tách văn bản khỏi xã hội, con người... và đó lại là một sự cực đoan khác. Nhưng ta có thể hiểu đó cũng chỉ là cách làm – một thao tác khoa học muốn cô lập văn bản để chưng cất riêng nó mà tìm ra cho được những đặc thù chính hiệu. Jakovson với bài phát biểu kinh điển "Ngữ học và thi học" (Linguistique et poétique) đã đề xướng nhiều luận điểm, ý tưởng quan trọng, độc đáo... làm cho hiểu những liên hệ bên trong tinh vi, sâu xa của văn bản. Thơ ca không tách rời ngữ nghĩa, âm điệu: bài thơ, theo P. Valéry là "sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa" (le poème, hésitation prolongée entre le son et le sens). Đó là một mệnh đề hay; đồng thời Jakovson khám phá tầng nghĩa cho đến đơn vị cuối cùng của ngôn ngữ là hình vị (morphème). Tuy sơ đồ của ông về sự đồ chiếu của trục đối vị và trục tiếp nối để giải thích chức năng thi ca và sự ứng dụng phân tích của ông vào một số bài thơ của Baudelaire, Pasternak... là không thành công; thì lý luận của ông và sau đó của hàng loạt nhà cấu trúc khác vẫn còn có chỗ cho ta tiếp thu vận dụng(2). Nói về những phát hiện chiều sâu của hình thức ngôn từ, ta không quên là trong lý luận văn học thời Xô viết, những học giả lừng danh như Tomasevski, Vinogradov, Girmunski... cũng có những khám phá rất giá trị. M. Bakhtin là một ví dụ khác, rất thông thái và gần với chủ nghĩa Mác, khi ông chú ý đến hiện thực lịch sử – thế giới quan – tư tưởng, văn hóa... trong khi vẫn chú ý đến nhân vật, phong cách...
Nêu lên một vài lệ chứng, vì ở đây không phải là diễn đàn học thuật thuần túy, tôi muốn nói rằng trên cơ sở phép biện chứng mác-xít, chúng ta có thể tiếp nhận những phát hiện khoa học của hầu như tất cả lý luận phương Tây thế kỷ vừa qua. Đối với các trào lưu, các chủ nghĩa khác nó là sự tìm tòi đơn độc của một số nghệ sĩ tài năng, thể hiện khát vọng của họ muốn tìm tòi, đổi mới, dù có chỗ ta thấy chưa thích hợp với hiện thực của ta, ta vẫn nhớ tiếng kêu thống thiết của Apollinaire về cuộc "tranh chấp lâu dài giữa truyền thống và sáng tạo, giữa trật tự và phiêu lưu" (longue querelle de la tradition et de l’inventions, de l’ordre et de l’ aventure): "Hãy thương lấy chúng tôi – những người chiến sĩ trên biên thùy của Vô hạn và Tương lai. Hãy thương những lầm lỗi chúng tôi, những tội lỗi chúng tôi" (Pitié pour nos erreurs. Pitié pour nos péchés)(3). Nghệ sĩ đích thực thì bao giờ cũng tìm tòi, khao khát cái mới; không phải bao giờ anh ta cũng tìm ra, hoặc giải đúng đáp số bài toán, nhưng người đời vẫn trân trọng cái phần cố gắng của anh ta. Chính vì lẽ đó, mà chúng ta mở rộng về lý luận lẫn thực tiễn cho sự tiếp nhận, thực hành các trường phái, coi như một thử nghiệm, bên cạnh việc giữ chặt cái gốc nhân văn, xã hội, cuộc đời, con người với những khát vọng lý tưởng của nó.
3. Như thế, hệ thống lý luận văn nghệ của chúng ta là một hệ thống mở, mà cơ sở của nó vẫn là những nguyên lý vĩnh hằng về mối quan hệ giữa văn nghệ với cuộc đời, với con người, thể hiện chủ nghĩa nhân văn của thế kỷ mới, thể hiện khát vọng của Chân Thiện Mỹ. Dù khoa học kỹ thuật tiến như vũ bão, dù văn nghệ đang hết sức đa dạng, phồn tạp, và đang đối chọi với những nguy cơ đe dọa sự phát triển của mình, con đường lớn, cảm hứng lớn của văn nghệ vẫn là cảm hứng về cuộc đấu tranh bi tráng lâu dài của con người cho hạnh phúc lâu dài của chính mình và văn nghệ là sự giúp khám phá ra con người với tất cả chiều sâu vô tận và nhiều khi bí ẩn của nó. Không thể nào có cái gì cao hơn con người, cao hơn cuộc sống của bản thân con người, không thể nhân danh văn bản, ký hiệu, hình thức... dù những cái đó có ý nghĩa rõ ràng và quan trọng, để đặt nó lên trên con người, cảm hứng vì con người. Chủ nghĩa nhân văn không chết, không thể chết. Chủ nghĩa nhân văn của thể kỷ mới vẫn là đích đến của văn nghệ. Nó cần được khơi sâu, bổ sung, điều chỉnh, nâng cao, chống tha hóa để đáp ứng đòi hỏi của con người và văn nghệ. Một số trường phái lý luận hiện đại phương Tây có khuynh hướng tách con người ra khỏi xã hội, lịch sử, con người...; đề xuất một số hướng nghiên cứu thuần túy hình thức; cô lập hình thức ra khỏi nội dung, tuyệt đối hóa hình thức nghệ thuật; tuy có đạt một số thành tựu, có đưa ra một số thao tác mới...; rõ ràng là không tránh khỏi sự thu hẹp chân trời lý luận và văn nghệ. Không dựa trên một cảm hứng lớn và mới, không thể nào đạt được những giá trị nghệ thuật mới có giá trị. Đó là điều mà chúng ta luôn luôn khẳng định. Văn học nghệ thuật đã tồn tại và phát triển cùng với loài người từ xưa đến nay. Từ thời cổ đại, những nhà triết học – mỹ học lớn như Aristote, Khổng Tử... đã thấy ý nghĩa của thể loại, của ngôn từ: sự hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật là một đòi hỏi đúng. Có lẽ chưa ai trong thời xa xưa thấy được vai trò của hình thức nghệ thuật như Lưu Hiệp: "Con hổ con báo không có vằn thì da nó giống chó dê" (vằn tức là văn, là hình thức). Đỗ Phủ, Nguyễn Du... những thiên tài nhân loại cũng nói rất hay về sự "kinh nhân", sự "tuyệt diệu" của ngôn từ. Nhưng đồng thời, các vị ấy cũng đã xem văn nghệ là cuộc đời: từ "những điều trông thấy", về cuộc đời "mà đau đớn lòng". Văn nghệ là nỗi đau, nỗi lo về cuộc đời – nhân dân: "Cùng niên ưu lê nguyên" (suốt năm lo cho dân – Đỗ Phủ)... chứ không ai chỉ vụ câu chữ, hình thức dù họ là bậc thầy muôn thuở của ngôn từ, của nghệ thuật. Cho nên, một thời một số người coi nhẹ hình thức là sai; ngày nay một số người cực đoan chỉ nghiên cứu hình thức lại càng sai.
Tất cả những trào lưu "tiên phong chủ nghĩa" của thế kỷ 20 rồi cũng đã lùi vào quá khứ. Ngày nay là thời kỳ của chủ nghĩa hậu hiện đại. "Hậu hiện đại" tiếp nối "hiện đại", chủ trương chống "đại tự sự" (grand récits) trong đó chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa Mác cũng được xem là đại tự sự (trừ "đại tự sự" hậu hiện đại), vì cho rằng thời đại ngày nay không có một khái niệm, quan niệm nào đáng được xem là vĩnh hằng, phổ biến chi phối và giải thích được cái đa dạng, phồn tạp của thế giới. Vì thế, hậu hiện đại chủ trương "tiểu tự sự". Chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa tân hình thức ngày nay đang "ế khách" và tàn lụi dần ở phương Tây, theo một bài báo của một Giáo sư Mỹ thì hàng năm mới có một người mua các sách này ở hiệu sách. Các phim, tiểu thuyết nổi tiếng vẫn làm theo chủ nghĩa hiện thực, đôi khi có phần quá cổ điển là khác, như Titanic. Còn ở ta nó là một món hàng mới, nhưng không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta. Chúng ta không thể đồng ý với nguyên tắc này. Một vài cây bút phê bình nước ngoài, đề nghị dùng "hậu hiện đại" để mô tả chiến tranh Việt Nam, không phân biệt chính nghĩa, phi nghĩa. GS Nguyễn Trọng Văn, một cây bút chính luận ở Sài Gòn cũ, đã bài bác rất hay luận điểm này. Chúng ta cho rằng, mặc dù Liên Xô – Đông Âu tan rã, các thế lực chống cộng trên thế giới đang "hạnh tại lạc họa", phỉ nhổ độc ác vào mọi thứ dính liền với chủ nghĩa xã hội, trong đó có chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, và những thành tựu văn nghệ cách mạng – kháng chiến ở Việt Nam những thành tựu đã trở thành những giá trị văn nghệ cổ điển của dân tộc; chúng ta tin rằng việc "nâng các nấc thang khác nhau của sự phản bội lên thành giá trị" này theo lời nhà văn Nga Rasputin, không thể là chân lý. Từ trong nhà trường, nhất là ở bậc Đại học và Sau Đại học, từ trên sách báo hàng ngày, từ trong các cuộc hội thảo, các diễn đàn... chúng ta kiên định giữ vững ngọn cờ, "không chịu lùi một phân", đồng thời biết chủ động đổi mới, linh hoạt, thông minh... sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, làm một cuộc tổng hợp văn hóa và lý luận mới, thích hợp với thời đại.
Lý luận văn học là một khoa học khó. Ta đang chậm, đang thiếu chuyên gia, thiếu phương tiện, thiếu thông tin và nhất là thiếu tổ chức. Chỉ hội thảo không, rõ ràng là chưa đủ. Cần hành động khẩn trương, hiệu quả. Biên soạn một bộ giáo trình Lý luận văn học như mong ước của chúng ta, ai làm và bao giờ làm, bao giờ xong, các phương tiện, chuyên gia? Dịch các công trình lý luận văn học của các trường phái phương Tây, phương Đông, dân tộc một cách có hệ thống cho đào tạo Sau Đại học, cho nghiên cứu sinh tham khảo. Dịch như thế ít nhất có hai cái lợi: tăng tiến trong tích lũy kiến thức, cập nhật hóa thông tin và để thấy cả những ưu, những nhược của các trường phái ấy mà vận dụng hay phê phán... Có thể nói có mênh mang công việc, công việc nào cũng cần người, cần thời gian, phương tiện.
Mặt khác, bàn về lý luận mà tách rời thực tế, tách rời tình hình sẽ là thứ lý luận suông, sách vở, kinh viện. Thứ lý luận như thế mất tính chiến đấu, tính sáng tạo, mà là giáo điều, sách vở, "ăn theo nói leo" nhạt nhẽo. Cho nên, quan tâm đến tính chính trị của vấn đề, quan tâm đến hiệu quả thực tiễn của vấn đề, quan tâm đến tổ chức, quan tâm đến sự vận động của lý luận trong đời sống hàng ngày, trong thực tiễn văn nghệ, tổng kết nó, lý giải nó, điều chỉnh nó... là việc không thể thoái thác, không thể không làm. Lý luận phải luôn luôn đi đôi với thực hành, và từ thực hành mà tổng kết và củng cố, phát huy lý luận. Vì vậy, có thể mở hết cỡ các cửa, đồng thời phải chặt, phải kiên quyết, phải cảnh giác trong khi mở. Vì văn nghệ văn hóa là mặt trận, nhiều khi là mặt trận tuyến đầu, phức tạp, căng thẳng.
Chúng ta dốc sức vượt qua mọi lực cản, để xây dựng một nền lý luận văn nghệ lành mạnh, trong sáng, dân tộc và nhân văn; hiện đại và khoa học.
----------
(1) Không kể không ít người tự xưng là Mác – học (Marxologue) chỉ tiếp nhận lý thuyết này ở một vài phương diện không phải là "bản thể luận" và nhiều khi thực chất là thay đổi, biến dạng nó.
(2) Roman Jakovson: "Linguistique et poétique" – Essais de linguistique générale. Les éditions de minuit, Paris, 1963.
(3) Guillaume Apollinaire – "La Jolie Rousse" – Calligrammes, Paris, Gallimard, 2000.