Chắc chắn đó là một trong những con người trụ cột đã làm nên lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng ở đây tôi chỉ nói lên một số ấn tượng về một con người.
Thường Cụ Tô lắng nghe nhiều hơn và nói ít, "nói vừa đủ nghe thôi, nói làm gì nhiều", Cụ bảo thế. Ở gần Cụ, mình thấy không ngại ngần, phải giữ khoảng cách. Mình có thể nói hết ý nghĩ của mình, không ngại Cụ "đánh giá". Mình cảm thấy tin yêu và được tin yêu. Cụ cũng nói hết ý nghĩ của Cụ cho mình nghe, không chừa lại để giữ khoảng cách. Lắm lúc mình phải ngạc nhiên là sao Cụ lại "dám" đem chuyện "động trời" như thế ra nói với mình? Mình chú ý lắng nghe, ít khi hỏi lại – bởi vì sợ Cụ buột mồm mà nói ra, mình hỏi lại, Cụ lại cho mình là tò mò, có ý... Nhưng mà không, Cụ nói rất thoải mái. Như với một người con, một người cháu, tin yêu tuyệt đối, không gợi mảy may ngờ vực gì.
Có lẽ anh chị em văn nghệ quý Cụ Tô, yêu Cụ Tô nữa. Vì sự tin yêu đó của Cụ đối với anh em. Cụ hiểu rõ, hiểu sâu sắc giá trị của văn nghệ, và từ đó mà quý những người làm ra nó. Một lần, nhân nói về Hội Nhà văn, về tầm quan trọng của nó, Cụ bảo: "Nó quan trọng vì một câu thơ hay là thuộc về vĩnh cửu". Ít có một vị Thủ tướng nào trên thế giới có tầm văn hóa như Cụ Tô: đọc nhiều, hiểu sâu, và đam mê văn hóa. Cũng tức là đam mê con người, sự nghiệp, đất nước, nhân dân... Văn của Cụ có một phong cách rõ nét: hùng hồn, nhưng tình cảm, nhiều câu hay như một câu thơ. Có người nói Cụ Tô không làm thơ mà "nhà thơ" hơn người làm thơ. Cụ có ý thức về văn, về tiếng Việt. Cụ viết văn, là nhà văn chính luận của thế kỷ. Chính vì vậy mà Cụ thân thiết với "cộng đồng" cầm bút. Những năm cuối đời, mắt kém, Cụ nhờ anh Năng (Bí thư riêng) ghi lại, rồi gởi đi nhờ góp ý. Nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Anh Đức, tôi, anh Trần Thanh Đạm... thường được mời góp ý thoải mái, từng câu, từng chữ, với tất cả sự chân tình, tin yêu. Cụ rất cám ơn, không phải tri thức, mà cái tình ấy của chúng tôi, những người đồng hương miền Nam của Cụ. Tuy ở xa nhưng ra Hà Nội là thăm Cụ, nói chuyện gần chuyện xa hàng buổi, rồi Cụ vào Nam thì gặp nhiều anh chị em lên thăm Cụ, trong đó nữ diễn viên Trà Giang được Cụ thương quý nhiều. Ra Bắc, dù Trà Giang không kịp nhắn, tôi cũng thưa với Cụ là Trà Giang gởi lời thăm, Trà Giang vẫn khỏe. Tiếc thay lúc Trà Giang mất anh Bích Ngọc, thì cũng là lúc Cụ đã hôn mê. Trà Giang rủ tôi khi nào Cụ trăm tuổi thì ra Hà Nội viếng Cụ... Cái lần Cụ xúc động nhất là lần Cụ đến Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học ở 81 Trần Quốc Thảo, Thành phố Hồ Chí Minh. Bữa đó anh chị em văn nghệ hết lòng yêu thương kính trọng đối với Cụ. Anh Nguyễn Đình Thi, anh Anh Đức, Bảo Định Giang, Diệp Minh Châu, Trần Hữu Nghiệp, và nhiều nhà văn hóa miền Nam... đã nói lên nhân có cuốn Văn hóa và đổi mới của Cụ hàng loạt những lo lắng, suy nghĩ, đồng cảm với những vấn đề văn hóa mà Cụ đặt ra. Hôm đó Cụ vui và xúc động nhiều.
10 giờ sáng ngày 3-8-1999, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động nghe tiếng nói của Cụ qua điện thoại từ Tam Đảo, nơi Cụ đang nghỉ. Cụ giục anh em văn nghệ trong này lên tiếng về một số vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Giọng Cụ sang sảng: "Các anh phải hành động, nếu không thì sẽ rất là tệ hại, còn tệ hại hơn cái chết. Nếu không hành động thì không còn mặt mũi nào... Cái chính là đừng có sợ cái gì hết. Còn cái gì mà sợ? Bọn tham nhũng mà có chức có quyền nó sẽ cản trở. Nhưng đừng sợ, khác nhau ý kiến không ngại. Cũng đừng bảo thủ"... Dạo đó, Cụ vừa viết xong một bài báo trung thực, nảy lửa về Đảng, về vận mệnh công cuộc cách mạng. Lại một lần nữa Cụ tin yêu anh em văn hóa văn nghệ nhưng chúng tôi biết sức mình có hạn. Thế rồi không lâu sau đó Cụ lâm trọng bệnh và hôn mê. Anh em chúng tôi lo lắng, tiếc xót, đến thăm Cụ trong bệnh viện, nhìn lại gương mặt thân yêu ấy lần cuối.