Trong Hội thảo quốc tế về Con người – văn hóa – nguồn nhân lực ở Hà Nội do Viện Nghiên cứu con người tổ chức vừa qua (11-2003), tham luận về Những giá trị châu Á của một giáo sư Hàn Quốc được chú ý đặc biệt. Khẳng định tính ưu việt những giá trị châu Á, tràn đầy lòng tin và tự hào về những bước tiến của châu Á trong thế kỷ mới, tham luận khoa học này là một cánh én báo hiệu cho mùa Xuân mới của châu Á đã có mấy ngàn năm lịch sử.
Việc các nhà khảo cổ Việt Nam khai quật và phát hiện hàng triệu hiện vật của kinh thành Thăng Long từ thời Lý, Trần, Lê... trong đó có những hiện vật còn nguyên vẹn, làm chúng ta thấy tận mắt bản sắc độc đáo của nền văn minh Thăng Long – nền văn minh của nước Đại Việt văn hiến xưa. Ta hiểu vì sao có thời đại văn hóa – văn học Lý Trần Lê, có chiến thắng chống Tống, chống Nguyên, chống Minh, chống Thanh. Và không chỉ có chiến công. Mà còn có cả bề dày truyền thống nhân ái, nghĩa nước, tình làng, sự tương hợp giữa cá nhân và cộng đồng, sự trung hậu của cư dân trồng lúa nước, bên cạnh cái đẹp tuyệt vời của những nghệ nhân Thăng Long và tứ trấn. Lòng chúng ta như đi suốt nghìn năm thăng trầm của lịch sử để thấm thía tận lòng cái giá trị nhân văn, cái giá trị trí huệ của người xưa. Nhà thơ Huy Cận, "chàng Huy Cận" thuở Lửa thiêng, nay đã 85 tuổi, đầu bạc phới, nhưng giọng nói đĩnh đạc, sáng rõ, trong lễ kỉ niệm 50 năm thành lập Viện Văn học (1953-2003) đã nói một điều sâu sắc: "Ông cha ta thông minh lắm. Trong hát chèo có tiếng đế, trong hát tuồng có trống chầu. Đó là sự tham gia của cuộc đời, của công chúng vào tác phẩm nghệ thuật, giống như dàn đồng ca (choeur)trong bi kịch cổ Hy Lạp. Ta phải nghiên cứu để hiểu thêm ông cha ta, vì ta chưa hiểu hết ông cha ta đâu". Tưởng cũng nên nói thêm rằng Huy Cận là cố vấn của mấy đời Tổng thống Pháp từ Mitterrand đến Chirac về Francophone, tức là một người văn hóa Pháp, văn hóa Tây mà lại thấu hiểu về văn hóa phương Đông, văn hóa Việt.
Tôi nhớ, đó cũng là ý của Tổng bí thư Lê Duẩn, khi ở đỉnh cao của cuộc chiến đấu, người kiến trúc sư của cuộc chiến đấu này đã nói: "Ta là người Việt Nam, nhưng ta chưa hiểu con người Việt Nam lắm đâu". "Ôi Việt Nam yêu suốt một đời" – Việt Nam đáng cho chúng ta ngàn lần yêu thương, nhưng còn hiểu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thì không phải chuyện một ngày.
Vừa qua, tôi có đi Thái Bình, thăm quê hương của Lê Quý Đôn, thăm nơi Nguyễn Du mười năm ẩn cư quê vợ, nhìn vầng trăng trên biển mà than cho bước đường cùng, thăm nơi Nguyễn Công Trứ đinh điền mở đất... Các nhà nghiên cứu của Thái Bình có biếu cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học một số tài liệu về thi Hương, thi Hội, thi Đình. Người thi, trong một ngày trước sân rồng, theo những câu hỏi do chính vua ra mà luận bàn về sách lược trị nước, an dân. Nguyễn Trực, người đỗ Trạng nguyên kỳ thi Đình năm 1442 đời Lê (Nguyễn Trãi làm quan sơ khảo kỳ thi này, đã lấy Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên nhưng sau đó ông lãnh án tru di tam tộc vì họa Trại Vải), đã có bài thơ Bính Tuất ngẫu thành tổng kết cuộc đời mình:
Đại đình tằng đối tam thiên tự
Phù thế hư kinh ngũ thập niên,
Bất thị vô tâm lai cấm sảnh,
Chỉ duyên đa bệnh ức viên điền.
Tạm dịch:
Sân rồng đối sách ba ngàn chữ,
Phù thế kinh hoàng năm chục niên
Phải đâu lòng chẳng ham quyền chức
Chỉ vì nhiều bệnh nhớ điền viên.
Nhưng vua không cho về. Ta chú ý khi nhìn lại đời mình, ông tự hào nhất là đã làm bài văn đỗ Trạng 3.000 chữ. Còn cuộc đời, còn quyền chức chỉ là chuyện "hư kinh" (trống rỗng và kinh sợ). Nhưng Lê Quý Đôn đã làm bài văn đến 10.000 chữ. Mười nghìn chữ viết trong một ngày, vừa nghĩ vừa viết để trả lời đến 40 vấn đề vua hỏi về quốc sách; 10.000 chữ vuông, giá có bản viết sẵn, bảo chép lại, bảo vi tính trong một ngày cũng không thể xong, mà thi thì phải viết chữ chân phương, phải không được phạm húy. Giá trị một bài văn không cứ dài ngắn nhưng sức cường ký của Lê Quý Đôn thật đáng sợ. Bùi Huy Bích ca ngợi thầy mình: "Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách, soạn ra văn chương đủ dạy đời và lưu truyền về sau, nước ta trong vài trăm năm nay mới có một người như thầy", là đúng lắm. Thế nhưng cái trí tuệ của bài văn lỗi lạc lạ lùng đó không phải ở chỗ Lê Quý Đôn làu thông kinh sử, ứng đối nhanh mà ở tầm vóc của ông khi đứng trước thời đại, đứng trước muôn dân và triều đình. Ta hãy nghe ông tâu bày lên nhà vua:
"Chỉ có theo đạo trung chính làm trung tâm, lấy sự công bằng làm phép tắc, mới có thể ngăn ngừa cửa ngõ của sự cong queo, mở ra con đường thẳng ngay cho mọi người vậy (...). Bởi lẽ hình ngay thì bóng mới thẳng. Bên trên là nguồn nước, bên dưới là dòng chảy vậy. Nguồn trong thì nước sạch. Bậc tiên nho Phạm Trọng Yêm từng phát biểu như vậy, quả là một định luật không thay đổi được (...). Quét sạch thói tệ cũ, cần nghiêm túc chấn chỉnh kỷ cương. Đình chỉ bổ nhiệm những kẻ tham lam tiền của. Giám sát những vị quan to tàng chứa của cải, phanh phui những điều cấm kỵ dựa vào thế lực bên trong, nhằm ngăn chặn con đường tắt của lệ chạy chọt, bôn xu. Coi trọng sự tuyển chọn quan lại, thận trọng, đường hoàng nhằm chặn đứng con đường hãnh tiến đang lan tràn...".
Đọc những dòng như vậy, ta thấy gần cha ông, gần với những ưu tư về thời cuộc – cũng vẫn những chuyện lo nghĩ của muôn đời... Con người Việt Nam xưa nay không tầm thường. Vấn đề là biết phát huy nó trong thời đại mới.
Khi viết những dòng này là lúc trận bóng đá Việt Nam – Malaysia vừa kết thúc và tôi nghe tiếng hò reo của hàng vạn người đang đổ ra xa lộ Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh ngay trước nhà tôi. Những ngày này, đôi lúc chúng ta ứa nước mắt chứng kiến nỗi khát khao chiến thắng, khát khao được vươn lên ngang tầm dân tộc mình, khát khao khẳng định những giá trị của đất nước và của chính mình, của hàng triệu hàng triệu người. Không phải chỉ là bóng đá, là điền kinh, là thể thao... mà sâu xa bên trong là con người và khát vọng, là đất nước và tương lai đất nước...
Một cô nhà văn người Anh xinh đẹp, Virginia Morris, sau khi đi khảo sát đường Hồ Chí Minh và gặp các tướng Đồng Sĩ Nguyên, Phạm Hồng Cư, Nguyễn Văn An, Phan Khắc Hy và Võ Nguyên Giáp để tiếp cận sự thật, đang viết cuốn sách về con đường ấy ở Luân Đôn, vừa viết cho chúng tôi một bức thư dài kể lại những cuộc gặp gỡ cảm động, bất ngờ... để cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học. Cuối thư đã lại có "lời chúc tốt đẹp nhất nhân 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ"... Trả lời thư cô, tôi nói rằng, tôi là người Việt Nam nhưng tôi luôn ngạc nhiên đến lạ lùng về cái thời Việt Nam xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Có gì liên hệ giữa cha ông ta xưa với những ngày oanh liệt ấy và với cả ngày nay? Tôi yêu nhiều câu thơ của Chế Lan Viên, trong đó có câu:
"Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử
Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây".
Lịch sử đang đi đến những ngày mai của một Việt Nam với những giá trị của một Việt Nam quá khứ trăm năm, nghìn năm. Lịch sử là một dòng sông tiếp nối. Nhưng làm thế nào cho "con hơn cha", cho hiện tại cao hơn tầm quá khứ, đó luôn luôn là mong ước của chúng ta.