Khi Trịnh Công Sơn viết và hát:
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim
(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)
thì đó chính là sự phản ánh tình yêu nước, tình yêu đời trong tâm hồn anh.
Khi Tố Hữu viết:
Ôi Việt Nam yêu suốt cuộc đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!
Năm 1975 giải phóng, và sau đó hơn 10 năm, lại viết:
Tham nhũng leo thang bậc cửa quyền
thì đó chính là phản ánh tình cảm, tâm trạng, tình hình ở hai thời điểm khác nhau của lịch sử.
Khi Chế Lan Viên viết:
Tổ quốc ta bao giờ đẹp thế này chăng
Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn...
Sau đó hơn 20 năm, lại viết:
Quá nhiều bất công
Tội ác trùng trùng
Chả hiệp sĩ nào buồn xách gươm lên ngựa
Gươm muốn làm lành cùng cối xay.
Bảo là nó không xay người,
Mà chỉ là xay gió!
Đuynxinê khuyên chàng thúc thủ.
Đừng ăn cơm nhà, đi làm chuyện vô công...
thì đó là phản ánh con người – cuộc đời chứ là gì nhỉ?
Và tôi, xin phép quý vị, với tư cách một người làm thơ nghiệp dư, tập tễnh chòng ghẹo nàng Thơ, không phải là dám láo lếu xếp hàng ăn theo các nhà thơ đã thành cổ điển nói trên kia, mà là để cho tham luận có sắc thái cá nhân và để cho dân chủ, tôi xin trích chính mình để "mua vui" quý vị:
Thôi quên đi giận lẫy với hờn ghen,
Mặt trời lặn Hồ Tây chiều ráng đỏ
Giọt mưa nào mong manh bay trong gió,
Giọt men tình say khướt dậy thì xuân.
Khi tôi viết thế, tức là tôi phản ánh cái lòng yêu Hà Nội – Thăng Long của tôi, dù chẳng có ai để yêu ở đó cả, dù là "tưởng tượng" cũng như tôi đã tưởng tượng một người yêu cũ ở Paris khi tôi viết "Paris chiều mưa bay".
Thế nghĩa là thế nào nhỉ? Vật chất và con người đều mang trong nó thuộc tính phản ánh; có điều sự phản ánh ấy ở con người nhất là ở Văn nghệ, diễn ra một cách vô cùng tinh vi và phức tạp. Có thế thôi, chứ không thể gạt bỏ được thuộc tính phản ánh của nó.
"Vật chất di chuyển vào đầu óc của con người và được cải tạo lại ở trong ấy". Lenin đã trích lại câu này của K. Marx. Văn nghệ, sản phẩm kỳ diệu của con người, và con người đến lượt mình là "sản phẩm của tổng hòa các quan hệ xã hội, con người là con người xã hội – chính trị – đạo đức và tình cảm, tâm tư, vô thức, tiềm thức...".
Không có sản phẩm văn nghệ nào vượt qua sự phản ánh đó, dù nó theo trường phái nào, cách nhìn nào, điểm nhìn nào, thủ pháp nào. Nói như thế để cải chính cái luận đề "văn nghệ không phản ánh hiện thực mà nghiền ngẫm hiện thực". Phản ánh là một khái niệm triết học, đôi khi nhiều người hiểu một cách thông tục, tầm thường, biến nó thành một sự sao chép hiện thực của các tài năng tầm thường, lười biếng; chứ phản ánh nào mà chẳng bao gồm nghiền ngẫm, bao gồm tư tưởng, cách nhìn, cách đánh giá của chủ thể sáng tạo. Lờ đi chủ thể sáng tạo, đánh giá thấp nó, không hiểu hết cái phức điệu của nó là sai lầm một thời. Nhưng để khắc phục sai lầm này, lại chạy qua cực khác, một chiều đề cao tuyệt đối chủ thể, tuyệt đối hóa nó thì cũng sai. Tư duy chúng ta nên cân bằng.
Trong nghệ thuật, trí tưởng tượng đóng một vai trò quyết định, nếu không có trí tưởng tượng, sắp xếp, trình bày, chưng lọc... sẽ không có tác phẩm. Nhưng trí tưởng tượng chỉ riêng mình nó, sẽ đẻ ra những quái vật như hiền triết cổ đại Socrate nói.
Từ Khổng Tử ở phương Đông, Socrate, Aristote ở phương Tây, đều nhấn mạnh mối liên hệ của văn nghệ với cuộc sống hiện thực. "Bất học Thi vô dĩ ngôn": Không học Kinh Thi thì lấy (kiến thức cuộc sống) đâu mà nói? Kinh Thi là một bách khoa toàn thư về cuộc sống, tình yêu, quan hệ con người thời cổ đại...
Vấn đề này tưởng đã quá cũ, không đáng đem bàn lại. Nhưng, vì gần đây cái vấn đề bản thể luận đó của triết học, mỹ học, lý luận phê bình văn nghệ... bỗng bị đặt thành vấn đề, khi ta du nhập một số mệnh đề lý thuyết cực đoan. Không cần biết "cái được biểu đạt", chỉ cần "cái biểu đạt", không cần biết tác phẩm liên quan đến cuộc sống, đến lịch sử, con người... như thế nào, chỉ cần biết "nó được viết ra như thế nào", không cần ngoại quan, chỉ cần nội quan... Không phải các lý thuyết ấy đều không cần nghiên cứu, tiếp nhận, nó có cái cực đoan nhưng cũng có cái hay, bổ sung cho những cái nhìn nhất phiến và cũng cực đoan khác. Nhưng nó có khuynh hướng một chiều phủ nhận cuộc sống, hiện thực, con người... có chiều chống lại, từ bỏ mỹ học cổ điển, nên nó rất dễ mở ra con đường tắc tị, hình thức, phủ định, con người... Người đại diện cho nó là Tzvetan Todorov trong cuốn La littérature en péril (Văn chương lâm nguy – bản dịch của Trần Huyền Sâm và Đan Thanh) cho rằng: "Đó là một quan niệm hẹp hòi về văn học đã chia cắt văn chương ra khỏi thế giới mà chúng ta đang sống, và chúng ta đã áp đặt lên việc giảng dạy, phê bình văn học, ngay cả những nhà sáng tác. Độc giả, chính họ sẽ tìm thấy trong tác phẩm văn học một ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Và độc giả, chính họ là người có lý".
Còn Antoine Compagnon, trong "Con quỉ của lý thuyết" (Le Démon de la théorie), trong khi phê phán cái mà R. Barthes cho văn học là "ảo tưởng qui chiếu" đã viết: "Barthes tự giới hạn ở một lý thuyết rất giản lược và cực đoan về qui chiếu nhằm chỉ ra sự thất bại của nó, nhưng vin cớ là khi ta nói về các sự vật, ta không nhìn thấy chúng, ta không hoang tưởng chúng, ta không ảo giác chúng để phủ định mọi chức năng qui chiếu ngôn ngữ và phủ định mọi thực tại của các đối tượng tri giác ở bên ngoài ký hiệu sản sinh ra chúng, thì điều này quá dễ dãi". (Bản dịch của Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, tr.172, NXB ĐHSP).
Đó là những sự phê bình và tự phê bình của các bậc thầy lý thuyết phương Tây rất đáng chú ý và đáng nghiên cứu, thảo luận.
Ta cần điều chỉnh lý thuyết của sự phản ánh theo hướng cân bằng cổ điển – mác xít và cái mới (bổ sung cái mới của các trường phái lý thuyết có một cái "hạt nhân hợp lý" khác), cân bằng Việt Nam – thế giới, cân bằng Đông – Tây; kế tục tư tưởng văn nghệ xã hội chủ nghĩa mặc dù có những khuyết điểm chạy theo mô hình Xô Viết, giáo điều, ấu trĩ, thời chiến hẹp hòi...). Trong hệ thống lý thuyết đó, cái bản thể của văn nghệ phải được nhấn mạnh. Còn những cái làm rõ, làm sâu sắc cái bản thể, rất phong phú, rất cần được coi trọng, nghiên cứu sâu, học tập nghiêm túc... chứ không một chiều vứt bỏ phê phán. Chủ nghĩa Mác trong văn học – nghệ thuật phải được đổi mới, phát triển, sáng tạo. Không phải chỉ đứng yên, nhất thành bất biến, thủ cựu... mà là đổi mới, sáng tạo, suy nghĩ hết mình để tìm cho ra chân lý đủ sức thuyết phục lòng người. Truyền thống và hiện đại phải đi đôi với nhau, không phải đối chọi nhau, triệt tiêu nhau mà là những điều kiện cho nhau hợp thành một thực thể sinh động, hiện đại. Không dựa trên cái nền của truyền thống thì là hư vô, nhưng truyền thống mà không đi cùng hiện đại, thời đại, thời sự, hôm nay... thì là thủ cựu. Khi Nguyễn Trãi, một bậc đại hiền Nho giáo, yêu nước yêu dân viết các câu thơ:
"Con đòi trốn, dường ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn"
hay:
"Áo quan gởi bè rau muống"
là đi từ mỹ học quan phương Hán học văn ngôn đến mỹ học bình dân, dân tộc, mỹ học của cái hàng ngày để mở ra cả một chân trời đổi mới sáng tạo lớn cho tiếng Việt, tiếng Nôm, để có Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm diễm lệ sau đó.
***
Một vấn đề lớn, trực tiếp đặt ra cho suy nghĩ của chúng ta là, trước khi nói đến cái vấn đề phản ánh – sáng tạo, phản ánh như thế nào... trong văn học – nghệ thuật, ta phải đặt ra vấn đề: nhận thức của chúng ta về hiện thực đất nước ta hiện nay là thế nào? Có nhận thức đúng mới phản ánh đúng và sáng tạo.
Đây là vấn đề không đơn giản trong diễn biến tình hình hiện nay.
Chúng ta đã vượt qua một chặng đường lịch sử vĩ đại, từ tay không, từ máu lửa ngục tù giành lấy chính quyền và tiến hành cuộc chiến tranh 30 năm kinh thiên động địa, chấn động địa cầu để xây dựng, giữ vững chính quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi vĩ đại đó đã không ngăn nổi cuộc khủng hoảng sau chiến tranh với nhiều lý do bên ngoài và bên trong như chúng ta đều biết. Từ đó tiến hành công cuộc đổi mới để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, tiến lên để ngày nay có một thế và lực mới to lớn hơn bao giờ hết cho đất nước, tiếp tục giữ vững và ổn định chính quyền, chế độ, tiếp tục tiến lên theo định hướng XHCN... Nếu không làm được như thế, đất nước xã hội đã rối loạn, thậm chí sụp đổ, tiêu vong.
Nhưng giành chính quyền đã khó mà giữ chính quyền càng khó hơn, và bất cứ trong một cuộc cách mạng nào, cái quyết định vẫn là giành và giữ chính quyền. Ngày nay tuy đã thái bình, phát triển..., đất nước chúng ta đang đứng trước bao vấn đề nan giải mà chúng ta ai cũng nhận thấy: áp lực từ bên ngoài về vấn đề chủ quyền đất nước, về vấn đề diễn biến hòa bình để thay đổi chế độ, trong đó vấn đề tự diễn biến là cực kỳ quan trọng. Tham nhũng, tụt hậu, nghèo nàn, phân cực giàu nghèo quá sâu, quá bức xúc, đạo đức – xã hội xuống cấp, văn hóa – giáo dục – khoa học không đáp ứng được yêu cầu xây dựng con người, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, không đáp ứng được sự vươn lên ngang tầm khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội, đạo đức xuống cấp, nguy cơ mất con người của văn hóa dân tộc, cương thường, đạo đức, xả thân vì nước... được xây dựng hàng 4.000 năm, nguy cơ mất con người của cách mạng và kháng chiến được tôi rèn 30 năm trong lửa đỏ chiến tranh cách mạng, nghĩa là tiêu tốn máu xương của một hai thế hệ con người xả thân hi sinh để cuối cùng cái được so với nó là chưa tương xứng. Biết bao nhiêu đau lòng về việc đó...
Đứng trước cái tiến lên, cái thắng lợi và vĩ đại cũng như những thách thức, những khó khăn, hỗn loạn phức tạp của tình hình, cách nhìn cách đánh giá không dễ dàng nhất trí. Cách nhìn của nhà văn – nghệ sĩ lại càng không đơn giản. Nhà văn – nghệ sĩ nhiều khi thiên về cảm tính, cảm xúc, cụ thể, hình tượng, trong sáng tác thường nghiêng về phía tuyệt vọng, bi quan, bi kịch. "Câu thơ hay nhất là câu thơ tuyệt vọng" (P.Verlaine). Một số người trong số đang hoang mang nhìn nhận, lấy đâu ra sự truyền đạt niềm tin, niềm hi vọng cho bạn đọc, cho tương lai?
Năng lượng sáng tạo mà nhà văn – nghệ sĩ tích lũy được qua thời kỳ chiến tranh – cách mạng cơ hồ đã gần hết, một thế hệ đã ra đi như lá rụng trong vườn, và thế hệ sau, người đọc, người xem, cái quyết định của văn nghệ sĩ cũng đã phân hóa và đổi khác sâu sắc; sinh hoạt khác, ăn ở khác, sống khác, nghĩ khác. Hiện nay vẫn còn một số nhà văn – nghệ sĩ trung thành với đề tài kháng chiến – cách mạng, và đó là điều rất đáng khích lệ.
Tình hình đó, cách nhìn đó... đặt ra cho cách thức phản ánh hiện thực của văn nghệ bao nhiêu vấn đề cần suy nghĩ, bàn bạc. Tựu chung, có mấy vấn đề như sau:
1/ Kiên trì con đường quá độ đi lên CNXH hàng trăm năm, giữ vững cho được sự lãnh đạo của Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong nhân dân, dựa vào dân, được lòng dân, tựa vào thế nước và thế quốc tế mà "dĩ bất biến ứng vạn biến", chúng ta sẽ xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta, CNXH không phải như chúng ta đã quan niệm và làm trước đây mà với rất nhiều đổi mới, sáng tạo trên tinh thần Việt Nam, tinh thần Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng tin rằng dù cho CNTB tự điều chỉnh tốt đến mấy và CNTB vẫn là dòng chủ lưu của trào lưu thế giới hiện nay, tương lai của nó sẽ là không bền vững theo quy luật sự thay đổi của các hình thái kinh tế – xã hội... Những nhân tố XHCN được tích lũy trong lòng CNTB ở tất cả các nước và các lục địa, từ nước phát triển đến các nước đang phát triển, chậm phát triển; mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng sản xuất hùng mạnh với sự điều chỉnh bất lực của quan hệ sản xuất, sức mạnh của nhân dân lao động đông đảo bao gồm cả trí thức, trung lưu... sự phân rã chia rẽ trong giới cầm quyền và giữa các nước TBCN... sẽ là cái đà cho một cuộc hồi sinh CNXH chân chính, đích thực, như cái mầm ở các nước Mỹ Latinh hiện nay cho thấy một triển vọng.
Nếu có một cái nhìn dài lâu, tầm lịch sử thì trong sáng tác, trong lý luận phê bình chúng ta sẽ kiên trì những nguyên tắc cơ bản của sáng tạo hiện thực theo định hướng CNXH. Khác trước đây, với những quy định cứng nhắc về chính trị, cách nhìn, quy phạm sáng tác... một cách máy móc, chủ quan, duy ý chí... chúng ta sẽ mở cho khuynh hướng sáng tác này những không gian, những chân trời rộng lớn cho sáng tác. Nó sẽ dựa chủ yếu trên thế giới quan mác-xít, XHCN... được điều chỉnh và sáng tạo, có một cách nhìn hiện thực, tỉnh táo trước các mâu thuẫn, biến động của cuộc đời và xã hội, góp phần nhận thức nó bằng thẩm mỹ – nghệ thuật, và đưa đến cho người đọc một cách nhìn cuộc đời, hy vọng, lạc quan, không mất hướng, không bế tắc...
Sáng tác hiện thực, tất nhiên là nhân văn, nhân văn XHCN theo định hướng XHCN, kế thừa tất cả những ưu điểm của nền văn hóa – văn học, kháng chiến – cách mạng, XHCN trước đây. Đó phải là dòng chủ lưu, là xu thế chính, là âm điệu chủ đạo, là giai điệu chính... của nền văn nghệ chúng ta, một nhánh chủ yếu của nền văn hóa XHCN. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là dứt khoát, và xây dựng nền văn hóa văn học. Xã hội Chủ nghĩa cũng là dứt khoát và Nó phải đi trước một bước để "soi sáng đường cho quốc dân đi" như Hồ Chí Minh quan niệm.
Nhiệm vụ đó rất khó khăn và nặng nề nhưng tin chắc rằng có những nhà văn và nghệ sĩ ưu tú nắm vững và tin chắc ở tinh thần thời đại, sẽ làm được, đạt được như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng... đã làm. Nhiệm vụ của lý luận phê bình dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, của đường lỗi cách mạng Đảng là phải tập trung sức ủng hộ, khích lệ bảo vệ khuynh hướng sáng tác này; nghĩa là lý luận và sáng tác bắt tay nhau cùng một mục tiêu chung. Không nên dao động đề ra lắm thứ chủ nghĩa khác để tùy thời, nhằm xóa bỏ những hướng sáng tác chính. Những chủ nghĩa sáng tác mà có người đề xuất, thậm chí cho "phê bình thi pháp" đã thay thế "phê bình mác-xít" là không đúng. Những chủ nghĩa sáng tác của phương Tây mới được hội nhập đều là sản phẩm của một xã hội Tư bản Chủ nghĩa đầy mâu thuẫn như hiện sinh, phân tâm, hình thức chủ nghĩa, hậu hiện đại, tân hình thức... đều không thể đóng vai trò chủ đạo. Vì Tổ Quốc, vì chủ nghĩa xã hội, tiên tiến (tiên tiến chứ không phải hiện đại), dân tộc (việc quán triệt tinh thần độc lập, tự chủ trong mọi việc là linh hồn của vấn đề dân tộc)... là những vấn đề thiết cốt của phản ánh.
Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta gạt bỏ một cách thô bạo và sống sượng tất cả những hạt nhân hợp lý của một số lý luận, trường phái khác. Có những cái nó mâu thuẫn với thế giới quan của chúng ta, nhưng cũng có những cái nó có thể đi được, đồng nhất với chúng ta. Cách nhìn của nó về sự tan rữa của chế độ tư bản xuất phát từ phía hữu, nhưng cũng là cái nhìn nhiều khi có tính chất phê phán, lên án nó, nói lên sự thối rữa của một xã hội. Cái cô đơn bản thể luận của chủ nghĩa hiện sinh xuất phát từ việc coi người khác là địa ngục, cuộc đời là một bi kịch khi đứng trước hư vô và cá nhân chỉ là hạt cát nhỏ thảm hại, nó cũng nói lên được một nỗi niềm về thân phận con người. Chủ nghĩa hậu hiện đại đả phá tất cả các "đại tự sự", trừ chính nó, nó nhìn cuộc đời sự vật bằng cái nhìn phi trung tâm, rối tung thành mảnh vụn... Cái nhìn ấy trong xã hội tư bản không phải không có lý của nó. Dù sao, thì tất cả những triết thuyết ấy đã qua, sẽ qua, nhường chỗ cho những "mode" mới, cứ tiếp tục khủng hoảng như thế, vừa bế tắc, nhưng cũng không phải không lóe sáng lên một chút gì những suy tư về cuộc sống.
Sáng tác của chúng ta, theo một hướng khác, nhưng trong chi tiết cụ thể, nếu chúng ta lọc được một đôi thoáng tích cực nào đấy, hoặc pha chế thêm vào cho đậm vị cuộc đời, cho đa dạng phong phú cách nhìn đời, chủ yếu vẫn là cách nhìn của chúng ta, biện chứng, tin yêu... thì cũng rất tốt, không có gì quản ngại cả.
***
Trong phạm vi một tham luận ngắn, tôi chỉ xin phép nói những suy nghĩ ban đầu về một vấn đề tổng thể, phong phú, phức tạp, một vấn đề có tính chất nền tảng của nền văn nghệ chúng ta, vấn đề phản ánh cuộc sống hiện thời của chúng ta.
Rất mong được quan tâm, thảo luận. Xin cảm ơn!
Tham luận tại Hội thảo Đà Lạt (12-6-2010)