Tiểu luận và phê bình văn học (tiếp): Vu cáo chính trị, mập mờ học thuật (phần 2)

Một trường hợp dịch khác cũng của ông Nguyễn Huệ Chi. Cũng trong bài tựa trên, Ngô Thì Nhậm có câu khen văn chương một số người như sau:

"Thiệp Trình Chu chi phiên, nhi du khuất Tống chi phiệt, nhập Doãn Đán chi thất nhi siêu Lý Đỗ chi cù".

涉 程 朱 之 藩, 而 踰 屈 宋 之 閥, 入 尹 旦 之 室 而 超 李 杜 之 衢.

Ông Nguyễn Huệ Chi dịch là lội qua bến bờ của họ Trình, họ Chu. Chữ phiên ai cũng biết là cái giậu, cái rào, ông dịch là bến bờ, chắc vì ông đã cho là lội qua (thiệp) thì phải lội qua... nước, do vậy cái bờ rào đương nhiên phải biến thành cái bến nước, trong suy nghĩ giàu trí tưởng tượng của ông Huệ Chi.

Lại nữa, chữ phiệt 閥: cửa (bên trái). Ngày xưa viết công trạng vào giấy hay tấm ván rồi nêu ra ngoài cửa, cửa bên trái gọi là phiệt, cửa bên phải gọi là duyệt, vì thế có từ phiệt duyệt hay thế phiệt... Ông Nguyễn Huệ Chi đọc chữ ấy là quốc và dịch là "vượt lên trên vương quốc của Khuất Nguyên, Tống Ngọc". Vương quốc thì moderne đấy, nhưng sai. Chính ra nghĩa của câu là:

Băng lên hàng rào Trình Hạo, Chu Hy, vượt qua cửa ngõ Khuất Nguyên, Tống Ngọc, vào nhà Y Doãn, Chu Công, rời khỏi con đường Lý Bạch, Đỗ Phủ...

Đây là một hình tượng cổ xưa gắn liền với cái nhà: phiên (bờ rào), phiệt (cửa), thất (cái nhà) và (con đường trước nhà); và văn dùng ẩn dụ, do đó, vượt qua bờ rào lại dùng chữ thiệp có bộ thủy, nghĩa là lội qua, vượt qua như thiệp giang (tên một bài thơ của Khuất Nguyên)...

Người xưa "mười năm đèn sách" mà còn có khi chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ quá: "Tế đổi thành Cao mà chó thế/ Kiện trông ra Tiệp hỡi giời ơi!" (Tú Xương). Huống hồ ông Huệ Chi đã bao năm đèn sách mà đòi phách lối? Mọi người trong lớp Hán học cũng như giới nghiên cứu đều biết rõ điều đó. Vấn đề là nên khiêm tốn một chút, lương thiện một chút, biết mình, biết người, đừng "tham, sân si", đố kỵ... Nhưng từ trình độ chữ Hán của ông Huệ Chi mà xem xét việc làm của ông ở một số công trình khác...


Phiên (bờ rào)


Phiệt (cửa)


Tân (bến)


Quốc (nước)

Từ một trình độ Hán học uyên thâm như thế, ông Nguyễn Huệ Chi (NHC) đi vào làm Thơ văn Lý – Trần. Nói cho đúng, đây là một tập hợp văn bản công phu với công sức của nhiều người, nhưng lại in chữ giản thể. Ở đây không thể nói nhiều chuyện chung quanh cuốn sách này (Chẳng hạn, bản thảo do công lao to lớn của các cụ lão nho: Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình, có cả Nam Trân làm; công lao của "ông đồ Hỉ" (tên gọi thân mật GS Đỗ Văn Hỉ, một nhà Hán Nôm học cự phách) trong việc dịch tất cả những văn bản khó nhất ấy, nhất là các văn bia cổ... Và thật sự thì cụ Nghè Đinh Văn Chấp, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Ngô Tất Tố... đã dịch phân nửa văn bản Lý – Trần rồi. Và chú thích, dịch... nhất là những vấn đề liên quan đến Phật học còn phải bàn. Nhưng đó không phải là chủ đích của bài báo này). Trong cuốn Thơ văn Lý – Trần này, lẽ ra ông NHC chỉ là người biên soạn, biên tập..., nhưng đến tập II, quyển thượng thì ông lên làm chủ biên... Và quyển hạ, tập II, đến nay sau 40 năm từ khi in tập I, vẫn chưa ra. Thật oái oăm! Giờ tôi chỉ xin nói những chuyện "hai năm rõ mười" thôi.

Năm 1969 ở Sài Gòn, Tu thư Đại học Vạn Hạnh in cuốn (Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục) do Trúc Thiên dịch. Khi biên soạn Thơ văn Lý – Trần, ông NHC ghi"trong khi dịch thơ văn Trần Tung (tức Tuệ Trung Thượng sĩ) chúng tôi có tham khảo bản dịch của Trúc Thiên, do Tu thư Đại học Vạn Hạnh ấn hành, 1969" (Thơ văn Lý – Trần, t.II, quyển thượng, H., 1989, tr.225).

Nhưng "tham khảo" như thế nào? Thôi không nói đến phần "tham khảo" văn xuôi, vì phải mất công đối chứng, chỉ nói về thơ thôi. Đối chiếu bản dịch thơ của ông NHC và của Trúc Thiên thì thấy: ngoài việc lấy lại vần, lấy chữ, lấy nguyên si một số câu; ông NHC "xuất nhập" một số ý, "biên tập" lại để thành bài của mình và rồi ký luôn tên mình, xóa mất tên Trúc Thiên vốn là người đầu tiên dịch bài thơ ấy.

Trường hợp của bài Thế thái hư huyễn – Họa huyện lệnh, Thị chúng, Tặng Thuần Nhất pháp sư, Thị đồ, Chí đạo vô nan... đều là như vậy.

Bài Thế thái hư huyễn, hai câu đầu ông NHC lấy nguyên si (chỉ khác Trúc Thiên dịch chữ phógởi, ông để nguyên là phó):

–   Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà

Mơ màng gởi trọn giấc Nam Kha

(Trúc Thiên dịch, Ngữ lục, Sđd, tr.123).

–   Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà

Mơ màng phó trọn giấc Nam Kha.

(NHC dịch, Thơ văn Lý  – Trần, t.II, quyển thượng, tr.250)

Hai câu cuối:

–   Thấy chăng đàn én lầu Vương Tạ

Nay hết vàng son lạc vạn nhà.

(Ngữ lục, Sđd)

–   Hãy xem đàn én lầu Vương Tạ

Nay xuống làm thân với mọi nhà.

(Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr.250)

Theo ý tôi, câu dịch Trúc Thiên sáng tạo hơn, hay hơn, nhất là chữ vàng son, chữ lạc thật đắt, khi nhớ câu thơ Đường về Vương Tạ của Lưu Vũ Tích: Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến/ Phi nhập tầm thường bách tính gia. Dịch thơ không phải là dịch chữ, mà dịch cái hồn chữ. Ông NHC dựa vào câu thơ dịch của Trúc Thiên, sửa vài chữ cho là sát nghĩa; còn 4 câu giữa thì cũng chỉ xoay đi đổi lại mà thôi.

Bài Họa thuyền lệnh, bản dịch của Trúc Thiên mở đầu bằng hai câu:

Đã từng nối gót Tứ Minh Cuồng

Ưng mến Y Vương với Quỉ Vương.

Thì bản NHC như sau:

Từng phen nối gót Tứ Minh Cuồng

Nào phục Y Vương với Quỉ Vương.

Dựa vào vần cũ, bài cũ, "xuất nhập" một hai chữ rồi kí tên mình.

Bài Tặng Thuần Nhất pháp sư, bản dịch của Trúc Thiên mở đầu: Pháp thân tịch diệt sắc thân còn; bài Thị chúng mở đầu: Thôi tìm núi Thiếu với khe Tào, bản NHC cũng hoàn toàn là như vậy (trong khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch vần khác: Thôi tìm Thiếu thất với Tào khê). Bài Đại đạo chí nan, Trúc Thiên dịch: Quay đầu vặn óc luống bần thần, thì ông NHC đảo lại chút đỉnh: "Bần thần, vặn óc với quay đầu", tính ra chỉ khác nhau chữ với và luống.

Thế nào là dịch lại, là tham khảo? Trong việc dịch thơ, tuy cùng nguyên tác, các bản dịch có thể khác nhau xa, tùy từng người dịch trong quá trình chuyển tải vần điệu, chất thơ, ý tại ngôn ngoại... Đằng này là lấy của người, biên tập, chữa một số chỗ chứ đâu phải dịch?

Trường hợp này cũng xảy ra giữa ông NHC và bản dịch Ngục trung nhật ký của Nam Trân (1907-1967). Nam Trân từng dạy ông NHC ở lớp Đại học Hán học (1965-1969) về thơ Đường – Tống, vừa là người lãnh đạo ông (cụ Cao Xuân Huy, Tổ trưởng, ông Nam Trân, Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổ trưởng, ông NHC tổ viên). Lại là bậc tiền bối (Nam Trân sinh 1907, NHC 1938). Nam Trân Nguyễn Học Sĩ đậu Tú tài bản xứ tiếng Pháp thời Tây; nghiên cứu văn học phương Tây (cổ Hy-La); Hán học thì dịch thơ Đường – Tống, Kinh Thi, cổ văn... chữ tốt đến nhân sĩ Trung Quốc cũng vui lòng xin chữ và in thơ chữ Hán của ông trên tờ Thi san của Hội Nhà văn Trung Quốc. Ông lại là tác giả Huế – Đẹp và Thơ mà Hoài Thanh nhận rằng thơ ông "biệt riêng thành một lối" (Thi nhân Việt Nam). Nam Trân mất (1967), hơn chục năm sau, ông NHC đem ra "duyệt" lại bản dịch của thầy và bậc tiền bối đó. Ngoài mấy bản dịch mới hoàn toàn, còn thì, ông đã sửa chữa: 8 bài sửa 1 từ, 4 bài sửa 2 từ, 1 bài sửa 3 từ, 3 bài sửa 4 từ, 1 bài sửa 3 từ, 1 bài sửa 4 từ, 1 bài sửa 5 từ, 15 bài sửa từ 6 từ trong 3 câu trở lên. Chỉ sửa chữ, không sửa vần! Sửa có 1 chữ cũng ký tên mình vào! Thí dụ thì vô khối.

Bài Dạ túc Long Tuyền, 3 câu trên gần như lấy lại nguyên văn, đến câu 4, Nam Trân dịch:

Mừng sáng nghe oanh hót xóm gần

(Cách lân hân thính hiểu oanh đề: Mừng nghe chim oanh bên láng giếng báo sáng) (Nhật kí trong tù, 1960, tr.66).

Ông NHC bèn chữa lại:

Oanh sớm, mừng nghe hót sớm gần

rồi ký tên mình ở bên cạnh. Đúng là "lợn lành chữa thành lợn què"! Câu thơ dịch của Nam Trân đã là tối ưu so với câu thơ nguyên tác, xuôi thuận, đẹp về tiếng Việt. Còn oanh sớm là oanh gì? Có oanh chiều, oanh tối không? Hiểu là sáng sớm, ở đây nó là trạng ngữ của oanh, con chim oanh hót vào buổi sáng sớm, tức là nó báo sáng, chứ oanh sớm thì tiếng Việt chẳng ai nói thế, viết thế cả.

Bài Chúc than (Hàng cháo), ông Nam Trân: quán rượu, ông NHC chữa tiệm rượu, ông Nam Trân: chỉ có cháo hoa..., ông NHC: nào món cháo hoa... thế là đứng tên! Bài thơ tả một quán nghèo, quán cóc trên đường, quán chỉ bán cháo hoa, muối trắng. Vậy cách dịch chỉ có thật đúng cái thần của câu thơ, còn nào món là có ý tán dương món ăn ở quán ư!?

Tệ nhất là có bản chỉ chữa 1 chữ, các vị cũng đề tên mình vào bản dịch cũ. Mà chữa thế nào: Nam Trân: sách xưa – sách mới (cựu quyển – tân thư) nay sửa quyển xưa – sách mới (cho đúng nguyên văn, dịch theo chữ!), rồi hân hạnh đứng tên! (Xem bài "Nạn hữu đích chỉ bị" – Chiếc khăn giấy của người bạn tù. NKTT, NXB Chính trị Quốc gia, tr.139).

Hỡi ôi! Đúng là: "Thế sự người người o ổi tiết bảy. Nhân tình ai ủ cúc mồng mười" (Nguyễn Trãi). Giá như ông Nam Trân còn sống chả biết ông nghĩ sao! Những học trò mà trước khi chết, ông than tiếc: "Đào lý phương viên thắng hủy đa. Tiểu tâm bồi ủng nhị niên qua. Như kim vô lực truyền xuân sắc. Trường hướng thu phong thán nhất ta" (Tạm dịch: Cỏ lạ đào thơm mơn mởn tươi. Đem lòng vun xới mấy năm trời. Đến nay không sức truyền xuân sắc. Nhìn gió thu sang, một thở dài). Những học trò ấy đã vượt qua đầu ông, bất chấp tấm lòngcon chữ mà ông "bồi ủng"!

Kể ra hơi tàn nhẫn và xâm phạm quyền tác giả. Mà không chỉ có Nam Trân. Đến cụ Nguyễn Sĩ Lâm, Viện trưởng Viện Đông Y, một nhà Hán học cự phách, cẩn thận, chắc chắn, sâu rộng, một tâm hồn thơ..., thầy chữ Hán chúng tôi ở lớp Hán – Nôm Sau Đại học (1972-1975) cũng bị NHC đoạt chữ! Cả bài của cụ Nguyễn, 12 câu dịch, ông NHC thực ra chỉ chữa có 2 chữ: Vô ngần thành dữ dằn. Cụ Nguyễn dịch: "Giả bộ ác vô ngần" (Nguyên văn: Giả trang ác ngân ngân, nghĩa là: Lại giả bộ ác hầm hầmNhật ký trong tù, 1991, tr.26). Ông NHC chữa thành: Vờ làm bộ dữ dằn, chắc gì đã diễn đạt đúng nguyên tác: ngân ngân, ý hung ác, tàn nhẫn (Nhật ký trong tù, tr.27). Rõ ràng ác hầm hầmdữ dằn mức độ khác nhau, chất lượng khác nhau. Nhưng thôi, chữa là chuyện của ông, nhưng ông lại ký tên mà là ký trước cụ Nguyễn, như là người dịch chính vào bài của cụ Nguyễn là cớ làm sao?

Nói cho đúng, NHC không chỉ chữa và ký tên chung. Ông cũng có dịch một số bài mới. Thà là như thế! Hay, dở cũng là bản dịch của mình. Văn chương "tự kỷ văn chương, tha nhân thê thiếp" (văn mình, vợ người). Nhân nói đến chuyện ứng xử với người thầy cũ, tưởng cũng nên nhắc qua chuyện ông NHC và cụ Cao Xuân Huy. Ông lôi trong đống giấy tờ cũ ở nhà con rể cụ Cao Xuân Huy, soạn ra cuốn "Chủ toàn và chủ biệthai ngã rẽ của triết học Đông Tây", đem in bên Tây, rồi đem về đổi tên thành "Tư tưởng phương Đônggợi những điểm nhìn tham chiếu" (1995), rồi dựa vào uy tín cụ Cao Xuân Huy, cuốn sách đem về Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Cụ ra, động cơ lại khác. NHC lợi dụng các bài mà cụ Huy chủ yếu viết từ 1956–1957. Cụ Cao Xuân Huy là người thấm nhuần đạo Lão – Trang, biết rằng: "Danh khả danh phi thường danh" (Cái danh có thể gọi được là danh là cái danh không hằng thường – Lão Tử). Cụ đâu có cần "danh", cần giải thưởng! Cái hay cái lớn là không màng giải, không màng danh, lấy điều không tham làm giải: "Bất tham vi vinh". Chứ đi nhận giải, nhận tiền, còn đâu Lão – Trang, còn đâu cụ Huy! Sau khi sách ra, học giới tranh biện, phê phán làm phiền cho cụ khôn xiết, trong đó có ý kiến ông Trần Thanh Đạm, Đông La, Trần Văn Đoàn..., mà NHC đuối lý, không bảo vệ được. Chẳng hạn, xem Đông La: Những điều cần bàn của một công trình triết học – Đọc "Tư tưởng phương Đônggợi những điểm nhìn tham chiếu", sách Biên độ của trí tưởng tượng (NXB Văn học, 2001, tr.191-205). Cũng xin đem bài Đông La về NHC trên mạng... Ông Trần Văn Đoàn trong "Hiện tượng văn học tại Việt Nam" (2004) cho biết "NHC viết là vào năm 1925, cụ Huy ra trường, và trong 2 năm 1925–1927, ông đã đọc rất nhiều sách... của Pazyluski, Maspéro, Coulet, Giaran, Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Khang Dung Hình... Thử hỏi, cụ Huy vào thời gian 1925–1927 làm sao đọc được những sách chưa xuất bản hay xuất bản cả chục năm sau?!" (tr.23).

Cũng tương tự, chuyện đối với thầy Thích Nhất Hạnh, không phải "thầy học", mà là "thầy chùa – thiền sư". Năm 1974, trong Việt Nam Phật giáo sử luận, (T.I, NXB Lá Bối, Sài Gòn), Nguyễn Lang (tức thiền sư Thích Nhất Hạnh), trong chương 9: Tuệ Trung Thượng sĩ (tr.269-298); đã phát hiện ra Tuệ Trung chính là Trần Tung, con Trần Liễu, anh Trần Hưng Đạo (chứ không phải là Trần Quốc Tảng, con trai Trần Hưng Đạo như Bùi Huy Bích viết trong Hoàng Việt thi tuyển). Thiền sư viết:

"Sách Hoàng Việt văn tuyển nói Tuệ Trung Thượng Sĩ là Hùng Ninh Vương Trần Quốc Tảng, con lớn của Trần Hưng Đạo. Sự thực thì tuy Tuệ Trung Thượng sĩ có tước hiệu là Hưng Ninh Vương, nhưng ông không phải tên là Trần Quốc Tảng cũng không phải là con của Trần Hưng Đạo. Ông là anh cả của Trần Hưng Đạo, và tên ông là Trần Quốc Tung. Trần Nhân Tông, người khảo đính sách Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, trong bài Thượng sĩ Hành Trạng in ở cuối sách có nói rõ "Tuệ Trung Thượng sĩ là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương và là anh của Hoàng Thái Hậu Nguyên Khánh Thiên Cảm. Khi Đại Vương mất, hoàng đế Trần Thái Tông cảm nghĩa phong cho Thượng sĩ tước Hưng Ninh Vương".

Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương là tước hiệu vua Trần Thái Tông ban cho Yên Sinh Vương Trần Liễu khi ông này mất. Đó là vào năm 1251. Cũng vào năm ấy Tuệ Trung Thượng Sĩ được 21 tuổi, và được phong tước Hưng Ninh Vương. Hoàng Thái Hậu Nguyên Khánh Thiên cảm là con thứ 5 của Yên Sinh Vương Trần Liễu, tên là Thiều, là vợ của vua Trần Thánh Tông. Trần Hưng Đạo có một người con tên là Trần Quốc Tảng, nhưng tước hiệu là Hưng Nhượng Vương chứ không phải là Hưng Ninh Vương".

Trong phần chú thích, Nguyễn Lang Thích Nhất Hạnh ghi rõ: con cả của An Sinh Vương tên là Tung. Sách Đại Việt sử ký toàn thư trong phần nói về vua Trần Minh Tông, có ghi lời bàn của Ngô Sĩ Liên như sau:
"Vua vốn là người hậu với thân thuộc trong họ, đối với người vai trên mà quý hiển lại càng tôn kính lắm. Phàm kẻ thần hạ người nào cũng có tên trùng với những người ấy đều đổi cho tên khác. Người nào tên là Độ đổi thành tên Sư Mạnh vì Độ trùng với tên của Thường Phụ (Trần Thủ Độ), tên là Tung thì đổi làm Thúc Cao, vì tên Tung trùng với tên của Hưng Ninh Vương con trưởng của An Sinh Vương".

Có những bản in lầm An Sinh Vương thành An Ninh Vương. Ta chưa từng nghe ai có tước hiệu An Ninh Vương bao giờ. Hưng Ninh Vương là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Chữ Sinh trong An Sinh Vương hẳn là đã bị khắc lầm thành chữ Ninh chỉ vì trước đó đã có chữ Ninh trong Hưng Ninh Vương (chú thích là Nguyễn Lang).

Như thế là đã rõ, là rất chi tiết và thuyết phục. Ông NHC trong Thơ văn Lý – Trần (t.I, H., 1977, tr.113-115) cũng "tìm hiểu đích xác Tuệ Trung Thượng sĩ là ai" (tr.114), đã viết lại những phát hiện của thiền sư Thích Nhất Hạnh mà xem như đó là phát hiện của chính mình.

Đến bài viết "Trần Tung, một gương mặt lạ trong làng thơ thiền thời Lý – Trần", Tạp chí Văn Học (số 4 – 1977), ông NHC mới viết ở phần chú thích: "Cũng xin nói thêm là trong quá trình biên soạn bộ sách Thơ văn Lý – Trần, chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề này tương đối sớm, và đã có dịp trình bày sơ lược trong phần khảo luận đầu sách. Gần đây, có đồng chí mách cho biết: trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (Lá Bối; Sài Gòn; 1974), Nguyễn Lang cũng có ý kiến giống chúng tôi về tác giả đích thực của Thượng sĩ ngữ lục. Tuy nhiên tìm đọc kỹ những điều ông Nguyễn Lang đã viết, chúng tôi vẫn thấy cần có một bài báo nói kỹ hơn về những tìm tòi của mình để bạn đọc tham khảo. Vì không những tài liệu và lập luận của chúng tôi có khác mà cách đánh giá của chúng tôi đối với thơ văn Trần Tung cũng không giống Nguyễn Lang. Vả chăng, cho đến nay, mặc dầu đã có ý kiến sơ bộ của ông Nguyễn Lang, dư luận chung vẫn coi Trần Quốc Tảng là tác giả của Thượng sĩ ngữ lục".

Thực là khó tin! Sau khi Nam Bắc đã thống nhất, mà một bộ sách nghiên cứu phổ biến của một nhân vật như vậy và viết bằng tiếng Việt chứ có phải tiếng Tây, tiếng U gì đâu, lại không đến một viện nghiên cứu chuyên ngành, lại đang làm thơ văn Phật giáo! (Còn nhớ, hồi ấy cán bộ Viện trong đó có NHC nườm nượp vào Nam, làm gì một cuốn tài liệu quan thiết đến như vậy mà NHC lại không có, không biết, đến nỗi "gần đây, có đồng chí mách cho biết, trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (Lá Bối, Sài Gòn, 1974) Nguyễn Lang cũng có ý kiến giống chúng tôi về tác giả đích thực của Thượng sĩ ngữ lục". Tư liệu là không khí của nhà nghiên cứu, sao NHC phải đợi có người mách cho một chuyện tày đình như vậy! Dù sao, trong nghiên cứu, có một "luật": ai phát hiện, phát minh ra cái gì, căn cứ vào năm họ đăng ký bằng tác phẩm được công bố. Thí dụ trong trường hợp này: Phát hiện Tuệ Trung là Trần Tung đích xác thuộc về Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh), công bố tại Sài Gòn từ năm 1974; trước NHC (1977) đến ba, bốn năm trời. Lý đơn giản là như vậy. Nhưng thôi, chắc chắn là thiền sư Thích Nhất Hạnh chẳng để ý tranh giành tác quyền gì về chuyện đó, còn chúng ta, thì ai tin NHC cứ tin, cũng không mất gì! Cũng không có gì quan trọng lắm đâu một việc "phát hiện" như thế. Trần Nhân Tông chẳng đã nói rõ ràng trong "Thượng sĩ Hành Trạng": Tuệ Trung là con đầu của Khâm Minh Từ Thiện Đại Vương là tước hiệu của vua Trần Thái Tông ban cho anh ruột là Yên Sinh Vương Trần Liễu khi ông này mất...". Thế thì "phát hiện này là của Trần Nhân Tông (1258-1308) chứ! Đã vậy, cái cách NHC nói về Nguyễn Lang lại thiếu hẳn sự khiêm tốn của một người đi sau. Ông cho rằng "cách đánh giá của chúng tôi đối với thơ văn Trần Tung cũng không giống Nguyễn Lang" (Bđd, tr.116). Không giống như thế nào? Ông NHC bảo là "Thơ thiền của Trần Tung sẽ chỉ có một ý nghĩa nhất định với chúng ta chừng nào nó vẫn còn là thơ, là thơ của thế tục, hoặc là thơ có dính dáng ít nhiều đến thế tục, chứ chưa hoàn toàn là Thiền" (tr.127)...

Ơ hay! Thơ Thiền là Thơ Thiền, còn có dính đến thế tục hay không là chuyện khác. Thế thơ Thiền của Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam (những bài thơ Thiền chân chính, thuần khiết nhất của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông chẳng hạn...) là không còn ý nghĩa ư? Thực ra thì trong bài viết, để cố chứng minh mình độc lập, có được phát hiện này, ông NHC đã tự bộc lộ nhiều cái chưa ngộ Thiền, chưa thông Phật học, chưa quán Tuệ Trung... Ông cho rằng: Tuệ Trung "tồn tại một nhà duy lý, ẩn náu bên trong một con người Thiền", Tuệ Trung "yêu cầu một sự kiểm chứng bằng lý trí"... "một cái nhìn tương đối sáng và tỉnh, một ý thức thường trực làm ‘bản ngã’, một sự lựa chọn dứt khoát chỗ đứng ở cõi trần" (Bđd, Tạp chí Văn Học, 1997), "Trần Tung bẻ gãy và lật ngược lại nhiều mệnh đề Phật giáo xưa nay vốn lưu truyền", "chủ nghĩa tương đối", "tâm lý hư vô", "coi tất cả là phi lý, đánh đồng cái chân và cái giả" (Từ điển văn học, H., NXB Thế giới, 2004, tr.1812).

Những điều đánh giá này, có lẽ vào lúc NHC đang "xin vào Đảng" như ông Đông La nói, nên nó chứng tỏ một lập trường mác-xít giản đơn, thô thiển, áp đặt và đại ngôn! Thực ra Trần Tung là một nhà Thiền học (Thiền chứ không phải là Phật giáo nói chung) muốn siêu việt lên trên tất cả những phạm trù nhị nguyên. Xem cách phân tích của thiền sư Thích Nhất Hạnh, một thiền sư, một học giả, rất dung dị mà hiểu sâu và đúng về Tuệ Trung. Đó là điều chẳng có gì đáng ngờ nhưng đây không phải chỗ để chúng tôi đi sâu phân tích. Cần nói là sau này, ông NHC lại tất tả đi in lại bộ Việt Nam Phật giáo sử luận. Với con người như NHC, đây là một động thái không đơn giản!

Mai Quốc Liên