Kết luận lại, tôi chỉ nói một điều đơn giản thôi: Ông NHC tự cho rằng việc ông "tìm ra thơ văn của nhà sư uyên bác, đồng thời là võ tướng có nhiều công lao dẹp giặc này là một cống hiến vô cùng quý giá" (Thơ văn Lý – Trần, t.I, tr. 113). Tôi hoàn toàn đồng ý, với một chú thích nhỏ: Từ năm 1969 ở Sài Gòn, Trúc Thiên tìm ra, đã dịch và công bố Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục (Đại học Vạn Hạnh xuất bản 1969, in lại 1974) tức là phát hiện và dịch trước ông NHC khoảng mười năm, còn về văn bản chữ Hán của tác phẩm này thì ít ra từ đời Chính Hòa thứ 4 (1683) đến đời Thành Thái (1903), Phật giáo Việt Nam vẫn in lại.
Cho nên cái "cống hiến vô cùng quý giá" đó mà ông NHC nhận về mình cũng rất nên phải xem lại.
Bây giờ nói đến chuyện luận án Tiến sĩ "Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong văn học Duy Tân yêu nước đầu thế kỷ XX" của Trần Hải Yến (Viện Văn học – 2002) và bài "Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát" của ông NHC in trên Tạp chí Thời Đại Mới (Tạp chí nghiên cứu và thảo luận – một tạp chí mạng ở Hoa Kỳ, số 9, 11/2006). Bà Trần Hải Yến, như trong thư mục tham khảo của luận án cho thấy, biết 4 ngoại ngữ: Hoa, Nhật, Anh, Pháp. Đây là một luận án do PGS-TS Phạm Tú Châu hướng dẫn và đã bảo vệ thành công xuất sắc. Đọc luận án thì thấy không có cái gì dính líu đến Giai nhân... mà không được đề cập thấu đáo, sâu sắc, kĩ lưỡng, kể cả vấn đề thể loại "Truyện thơ lục bát". Thế thì bà Trần Hải Yến còn lép cái nỗi gì để ông NHC rút ruột cái luận án ấy mà viết bài báo trên, rồi sau khi bị phản ứng, phải gỡ xuống và từ đó đến nay không thấy công bố ở trong nước, ngoài nước. Bà Trần Hải Yến cũng như bất cứ một nghiên cứu sinh nào khác phải đề ở đầu luận án câu này: "Xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các nhận định và kết luận của luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nào khác" và ký tên. Ông NHC có dám viết câu này khi viết bài báo nói trên không? Thế là cái bài báo ấy nó là "của em" chứ không phải "của anh".
Chữ Hán có thành ngữ: "Đoạt thai, hoán cốt", nói về việc "rút ruột" và ém nhẹm, phi tang. Vì thế có hai câu tóm tắt chương này:
Tiểu xảo, "đoạt thai" Trần Hải Yến
Đại ngôn, "hoán cốt" Nguyễn Thiền Sư
***
Bây giờ, xin qua chuyện chữ Tây của ông NHC để "giải lao" – thư giãn. Tôi không phải là chuyên gia tiếng Pháp nên lẽ ra không nên nói chuyện này. Theo lời một bà bạn ở Viện Văn học ngày xưa, thì ông NHC làm "văn hóa Phần Lan" để tỏ ra mình giỏi tiếng Pháp (Đường vào văn hóa Phần Lan – 1996) và ông cũng hay xài tiếng Tây trong các bài viết, hoặc thư từ.
Nhưng trong tập sách biên soạn Truyện ngắn Nam Phong (Nxb. KHXH, H., 1989), trang 131, NHC chú "tàu xúp-lê" là "tiếng Pháp: Souffler: thổi còi". Chú giải như vậy là sai. Siffler mới là thổi còi, còn Souffler chỉ có nghĩa là thổi, như gió thổi (le vent souffle), thổi tắt ngọn nến (souffler la bougie). Souffler còn nhiều nghĩa nữa. Vậy hai chữ khác nhau chỉ chữ i và u. Chúng tôi xin đưa hai lệ chứng về chữ xíp-lê như sau:
"Nghe xíp-lê một chút rồi ngó thấy xe lửa rần rần chạy tới. Bé Hậu mừng rỡ nên đứng vỗ tay om sòm" (Đoạn tình – Hồ Biểu Chánh).
"Tàu xíp-lê, kéo neo, xịch xịch chạy. Hai giờ đêm đến bến Hà Thành. Đèn điện sáng trưng, cô thông nom cũng choáng mắt" (Con người Sở Khanh – Phạm Duy Tốn). Ai muốn hiểu sao thì hiểu cái tiếng Tây của ông NHC!
Ông NHC hầu như không làm công trình riêng. Ông chuyên đi "chủ biên" lấy bài nhiều người khác in, viết Lời giới thiệu rồi đề mình chủ biên (trường hợp cuốn sách Hoàng Ngọc Phách – đường đời và đường văn (chuyên khảo, sưu tầm, tuyển chọn, 1996) sao lại đề là tác phẩm chính, in riêng của mình? (xem "Nhà văn hiện đại", H., 2007, tr.150). Cuốn này chủ yếu là tác phẩm của cụ Hoàng Ngọc Phách, vậy phải đề tác giả là Hoàng Ngọc Phách, NHC sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu... mới phải.
Kể ra cũng lợi. Ngay cả cuốn "Từ điển văn học" khởi đầu do GS Đỗ Đức Hiểu chủ biên; GS Đỗ mất, ông đem ra thêm bớt, in lại (dịp khác ta sẽ bàn), các ông Đặng Tiến, Nguyễn Hữu Sơn và nhiều người khác đã có bài nhận xét sơ bộ, nhưng chưa thấy ai nói rõ điều này: ông đem cả nhà ông vào Từ điển, bất chấp họ có là nhân vật văn học hay không (có thể họ là sử, giáo dục, đạo đức học..., chứ quá ít dính đến văn), và ông thích ai thì đưa vào, không thích ai thì gạt (chẳng hạn, tại sao ông lại gạt GS Hoàng Trinh vốn là người lãnh đạo của Viện mà lại đưa nhiều người có ít công trình hơn GS Trinh – vì "tư thù, tư oán" gì chăng? Ưng Quả, Bửu Kế, Nguyễn Khoa Vy... ở Huế sao không được đưa vào từ điển. Tại sao từ điển lại dừng ở những năm 60 của thế kỷ trước và thiếu không biết bao nhiêu người? Ông đã bộc lộ chủ tâm là ông muốn đưa vào cả những nhân vật văn học không hề đáng đưa một tí nào, nhưng không lọt. Ông "dương" người này, "ức" người kia. Làm từ điển phải có chuẩn, phải khoa học, vô tư, khách quan. Cuốn này còn cần phải thảo luận nhiều.
Lời Tạm Kết
Ông NHC đã dồn tôi vào thế phải lên tiếng, làm tôi mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu tôi phải "thất lễ" với ông, thì ông nên trách mình và nên thông cảm với người. Thật lòng tôi rất chán phải nói những chuyện u ám này. Đời thiếu gì trời xanh, hoa tươi, người tốt... mà phải chui vào cái cõi u minh và vạch cái tối tăm của người này, người kia, nói tắt là phải đi "dọn rác". Không phải tôi muốn "hạ" ông NHC, để mình "cao" lên. Không, tôi vẫn chỉ là tôi thôi, "người là thế ấy, ta là thế thôi!" Ngô khởi hiếu biện tai! Ngô bất đắc dĩ dã (Mạnh Tử). Tôi cố ý tránh tranh biện với ông NHC từ mấy chục năm rồi. Một là, rất không rảnh. Hai là, nhớ lời dạy của cụ Hoài Thanh khi ở Viện: "Việc lớn xem là nhỏ, việc nhỏ coi như không có", và lời của anh Nguyễn Đình Thi, thủ trưởng một thời của tôi: "Đối xử tốt ngay cả với người xử xấu với mình". Trong đời, phải "lòng chợt từ bi bất ngờ", phải có "một tấm lòng" như lời ca Trịnh Công Sơn. Ông NHC đối xử với tôi ra sao, hẳn ông là người biết rõ nhất. Nhiều bạn bè Hà Nội nói lại với tôi và còn "phê" tôi: "Tại sao ông NHC nói xấu ông như thế, còn ông lại đi nói tốt cho ông ấy?". Tôi chỉ cười: "NHC là người làm việc, làm được nhiều việc. Người như thế hiện không có nhiều. Còn chuyện cá nhân thì bỏ qua đi, cho nó nhẹ người". Tôi và nhiều bạn vẫn đánh giá tốt ông NHC ở những bài, những chỗ mà ông chính là ông, không cần "bành trướng", nâng lên: "Quân Tào có 30 vạn nói thặng lên thành 100 vạn". Ông không cần phải lên gân, ráng sức quá sức mình, nguy hiểm cho sức khỏe.
Nhưng nay thì ông đã đi quá xa về chính trị và học thuật, và ông chủ động tấn công, nên buộc lòng tôi phải lên tiếng tự vệ. Tôi xin tạm kết đôi điều:
Về mặt chính trị: ông NHC muốn giương cờ làm "nhà dân chủ" ở Việt Nam, đó là sự chọn lựa của ông. Ông NHC cũng đã từng có kinh nghiệm ở hoạt động này nhiều năm: Kinh nghiệm Nội Bài, kinh nghiệm viết bài trên các mạng nước ngoài; gần đây lại dẫn đầu một đoàn quỳ lạy trước quan tài "nhà dân chủ" Hoàng Minh Chính, cũng như dẫn đầu đưa đơn về vụ Thơ Trần Dần... Đó là chuyện của ông. Nhưng ông không nên vu cáo, chửi bới những người khác – khác chính kiến, khác cách làm, khác lộ trình... "Dân chủ" mà như thế sao được? Dân chủ trước hết phải tôn trọng những người khác ý mình, chứ đâu lại thô lỗ thế. Theo tôi, ông không phải là người "dân chủ". Ông đã từng tham vọng học thuật một cách "bá đạo", nay nhảy sang làm chính trị lúc cuối đời. Tôi mong ông hãy suy nghĩ lại cho kỹ, đừng quá nóng giận mà mất khôn. Làm chính trị chẳng dễ hơn làm nghiên cứu đâu, ông NHC ơi! Còn về văn học thì chúng ta có lạ gì nhau. Dẫu sao xưa kia cùng từng là người cùng một tổ chuyên môn của một Viện, người cùng lớp Đại học Hán học, bây giờ tuy cư trú hai miền nhưng có lúc còn gặp mặt nhau, trong một Hội đồng chấm luận án tiến sĩ hay cuộc họp này, họp kia, vậy vui vẻ là hơn anh NHC ạ. Đời ngắn lắm, anh đã "xưa nay hiếm" rồi đấy nhỉ, vậy thì "còn gặp nhau thì hãy cứ dzui" như một câu thơ dễ thương của bà Tôn Nữ Hỷ Khương mà anh chị em hay nhắc, việc gì mà thù hằn nhau, sân si nhau sâu sắc thế! Đời rộng dài, biển học bao la, sức ta có hạn, lo tập trung mà làm việc, may ra còn được chút đỉnh lợi ích cho đời:
Ta chợt biết rằng vì sao ta sống
Vì đất nước cần một trái tim
(Trịnh Công Sơn)
Miễn trái tim ấy là một trái tim nhân hậu, chứ không phải "nhất thế tử tâm hoài đại độc" như Nguyễn Du nói.
***
Có lão học giả nghe chuyện ông vu cáo tôi, có thơ vịnh rằng:
Đâu ngờ xử thế chẳng ra chi!
Vu cáo người ta phỏng ích gì?
"Dân chủ" lập trường còn khuất tất,
Văn chương, chữ nghĩa đáng hoài nghi.
"Thiệp phiên" đâu phải là "qua bến"
"Súp – lế" tuy vầy vẫn viết "i"
Chữ nghĩa Tây Tàu đều rắc rối,
Già đời đừng để bị khinh khi
Tôi xin phụng họa, tấp tểnh "nối điêu" bài "xướng" trên như sau:
Hóng hớt, thâm thù có ích chi!
Nói năng hỗn ẩu có ra gì?
Giáo sư nên biết đường ăn nói,
Học thuật phải cần tránh khả nghi
"Phên dậu" ngàn năm chưa hóa bến,
"Síp – lê" vạn thủa vẫn nguyên i.
Nhớ lời Phật dạy, sân si dứt
"Bất kị bất cầu"(1), phúc có khi.
---------
(1) Kinh Thi: "Bất kị bất cầu, hà dụng bất tang" (Không ghen ghét cũng không cầu cạnh thì việc gì mà chẳng tốt lành).