1. Tiểu thuyết tư liệu là trào lưu thời thượng trên thế giới ngày nay. Trong văn chương, việc xếp một tác phẩm vào loại này loại kia chẳng có ý nghĩa gì đối với giá trị đích thực của nó, nhưng tại thương trường, bất cứ cái gì góp phần làm nên thương hiệu, giúp cho việc quảng bá cuốn sách làm ra được các thượng đế độc giả quan tâm hơn thì các nhà xuất bản, phát hành không bỏ lỡ cơ hội. Đến một NXB sách văn học lâu năm như Gallimard (Pháp) cũng nhạy bén với thương vụ. Hiện họ đang quảng cáo rầm rộ một cuốn sách mới ra mấy tháng nay, dịch từ nguyên tác tiếng Croatia, đề sách là một thành phố ở vùng biên giới Ý - Slovenia chắc chẳng mấy người trong chúng ta từng nghe nói đến: Sonnenschein, còn danh tính nữ tác gia thì tôi thú thật không biết đọc cách nào theo âm tiếng Việt: Dasa Drndic - một từ với 5 phụ âm và 1 nguyên âm.
Chuyện kể về một cô gái người Do Thái theo đạo Thiên Chúa yêu một sĩ quan Đức quốc xã, có với y một đứa con. Sau chiến tranh, trở thành giáo sư toán học, người phụ nữ đứng tuổi muốn tìm lại giọt máu của mình và cũng muốn hiểu thực tế những gì đã xảy ra trong thế chiến tại một vùng bị các nhà sử học hoàn toàn quên lãng. Tác giả để cho nhân vật kể lại cuộc sống riêng song song với việc trình bày tư liệu lịch sử. NXB Gallimard giới thiệu: “Tác phẩm không mang đến cho chúng ta các đấng anh hùng hay sự cứu rỗi, mà chỉ là con số cộng nhiều đến kinh hoàng những câu chuyện nhỏ liên quan đến số phận biết bao con người bị chà nát bởi sự đớn hèn của số đông im lặng cũng như sự tàn bạo của những kẻ sát nhân. Tác giả Dasa Drndic(1) đã thực hiện thành công một tiểu thuyết lớn về những hệ quả của cái ác”.
Cuốn sách hiện đang được bày bán tại nhiều nước châu Âu và cả Canada. Nó lớn hay nhỏ, thành công đến mức độ nào, hẳn còn phải chờ sự thẩm định của công chúng và tác động của thời gian, nhưng giá đắt thì quá hiển nhiên.
2. Tiểu thuyết tư liệu, còn gọi là tiểu thuyết không hư cấu, hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai. Những bí mật về chiến tranh, diễn biến các chiến dịch lớn quyết định thắng bại, số phận các điệp viên huyền thoại, các đài phát thanh bí mật... Tư liệu kín, hồ sơ mật sớm muộn rồi cũng được giải mã, tuy nhiên nhà văn nhà báo cứ bê nguyên như thế mà bày ra trang giấy thì quá khô khan, hơn nữa hàng ngàn hàng vạn nhân chứng còn kia, sao không đoái hoài đến họ. Chiến dịch, hành quân, điệp báo, thành công, tan nát... rốt cuộc đều gắn với số phận con người. Vậy là rộ lên một loạt tác phẩm có thể gọi “xuyên quốc gia” bởi ăn khách và sớm được dịch sang nhiều thứ tiếng khác. Tại Pháp, NXB Flammarion phát hành một Tủ sách sáng tác có dịch thuật, mang tiêu đề chung chung nhưng thời thượng hồi bấy giờ: Leur aventure (Cuộc phiêu lưu của họ)(2).
Thoạt đầu tiểu thuyết tư liệu được coi như tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết trinh thám. Năm 1950, một cuốn sách mới phát hành ở Anh làm xôn xao dư luận nước ấy. Lời xác nhận của ngoại trưởng Anh “thực tế có một người hầu phòng ở Ankara đã từng dùng máy ảnh chụp được nhiều tài liệu tuyệt mật rồi mang bán cuộn phim cho bọn Đức”, làm cho cuốn sách dịch từ nguyên bản tiếng Đức, tác giả là một cựu tùy viên Đại sứ quán Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ tên L.C. Moyzish, ngay lập tức “cháy hàng” trên thị trường sách. Nó được dịch tiếp sang nhiều thứ tiếng khác, trong đó có tiếng Pháp. Có ngần ngại một chút nhưng rồi các nhà làm sách vẫn tới tấp cho ra mắt bạn đọc, bởi theo lời NXB Julliard, “câu chuyện này, không có gì còn phải nghi ngờ, là vụ gián điệp giật gân nhất trong chiến tranh chống phát xít, nó hé ra cho chúng ta thấy lắm điều kỳ lạ về hoạt động của các điệp viên trong cuộc chiến đấu ngầm của họ”.
3. Tường thuật là nghề nghiệp báo chí. Nói văn học là nói tưởng tượng. Làm sao kết nối cái thực trên đời và cái thực trong đầu tác giả, bằng cách nào trần thuật cái hiện hữu, những sự kiện làm rúng động hoàn cầu qua nỗi đau thường nhật của những người không tên tuổi với những nỗi đau tang tóc, lưu đày chẳng ai biết được ngoài người trong cuộc? Vậy là mở ra thêm một lãnh địa nữa cho báo chí, văn học giao thoa. Tiểu thuyết tư liệu đàng hoàng tự khẳng định chỉ sau một thời gian ngắn. Nhiều cuốn truyện hút khách, mang lại lợi nhuận cao cho nhà làm sách và tên tuổi, tiền bạc cho tác giả. Nửa thế kỷ qua, không ít tác phẩm thuộc thể loại này nếu chưa hẳn là tuyệt tác, là phi thời gian thì ít nhất cũng đã để lại dấu ấn trong văn học - báo chí đương đại.
Nói tiểu thuyết là nói con người. Ở tiểu thuyết trinh thám thông thường diễn biến sự kiện (từng có thật hoặc được hư cấu) là chính, con người làm vai trò dẫn dắt câu chuyện, trong khi tiểu thuyết tư liệu chú trọng nhiều hơn đến cuộc sống nội tâm của nhân vật, và tư liệu dùng thì nhất thiết phải xác thực, đã từng có thực trên đời. Truyện trinh thám người ta đọc lúc đợi tàu xe hay thời gian chuyển dịch trên đường, lưu trú nơi đất khách, chúng góp vui trong chốc lát, đọc xong có thể quên luôn, trong khi những cuộc sống nội tâm và diễn biến sự kiện tại một tiểu thuyết tư liệu hay sẽ còn đeo bám độc giả dài lâu.

| | 
|
Nhà văn Truman Capote | | Tác phẩm Máu lạnh |
Cuốn tiểu thuyết tư liệu nổi tiếng nhất thế giới trong nửa thế kỷ lại đây là In Cold Blood (tạm dịch Máu lạnh) của nhà văn Mỹ Truman Capote (1924-1984) do NXB Randon House ấn hành lần đầu năm 1966. Nó đã mang lại cho tác giả vầng hào quang chói lọi, tiếng tăm lừng lẫy toàn cầu với 8 bản in lần đầu cùng 6 triệu đôla tiền nhuận bút (giá trị đôla 50 năm về trước). Khởi nguồn từ một tin vặt 300 từ đăng trên nhật báo The New York Times ngày 16-11-1959 về vụ một gia đình nông dân gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ bị hai người lạ mặt sát hại vô cớ xảy ra tại một làng quê hẻo lánh bang Kansas, Hoa Kỳ, tác giả Truman Capote lúc này đã nổi tiếng với hơn hai chục tác phẩm ra mắt bạn đọc, đã cùng một người bạn về tận nơi quan sát hiện trường, tìm hiểu bối cảnh, phỏng vấn dân địa phương, cảnh sát hình sự..., và sau khi hai tên sát nhân bị bắt giam chờ xét xử, nhà văn được phép vào trại giam hỏi chuyện nhiều lần đến nỗi người làm văn và hai hung thủ gần như trở thành bạn. Hóa ra những con người có lý trí, thường nhật biết điều lại có thể làm những chuyện tồi tệ nhất. Phải đợi sau khi hai thủ phạm bị tòa án địa phương bắt đền tội, những gì Truman Capote thu thập và viết ra mới được phép công bố. Trước sau mất bốn năm thu thập tư liệu để làm nên cuốn tiểu thuyết và tiếp đó dựng thành bộ phim cũng hốt bạc tỉ(3). In Cold Blood thoạt tiên in nhiều kỳ trên báo The New Yorker, cơ quan tài trợ tác giả, sau mới xuất bản thành sách. Tên tác phẩm ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. “Máu lạnh” ở hai tên giết người hay là “máu lạnh” của cả cái xã hội Mỹ thờ ơ với tội ác? Gần 40 năm sau khi In Cold Blood trình làng, báo London Sunday Times (Anh) vẫn khẳng định, cho đến lúc bấy giờ thế giới chưa có ai tạo nên được một tác phẩm không hư cấu nào qua mặt Truman Capote về chất lượng và mức độ thành công. Nhà văn Mỹ Norman Mailer (1923-2007) nhận xét: “Ông là nhà văn hoàn hảo nhất thế hệ chúng tôi. Ông viết những câu văn hay nhất, mỗi từ ngữ mỗi tiết tấu đều được ông cân nhắc thật kỹ càng”.
Truman Capote ghi chú tại bìa sách: “Tiểu thuyết không hư cấu” (non fiction novel)(4), vì vậy ông tự cho mình là nhà văn khởi xướng và thành công trong thể loại tiểu thuyết sử dụng tư liệu và thủ pháp báo chí lần đầu tiên trong lịch sử văn chương thế giới. Trong khi đó, Bách khoa toàn thư danh tiếng của Anh Encyclopedia Britanica lại lặng lẽ xếp vào thể loại này tác phẩm của nhiều nhà văn lớn tuổi hơn Truman Capote và ra mắt bạn đọc sớm hơn In Cold Blood nhiều, như Chúa Cứu thế dừng chân tại Eboli của Carlo Levi, người Ý (1902-1975), từng được dịch sang 37 ngôn ngữ khác, hay Một ngày của Ivan Denissovich (1952), Quần đảo Gulag (viết 1958-1968)… của nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyne (1918-2008) v.v...
Học giả Pháp Philippe Dulac còn đi xa hơn. Qua Bách khoa toàn thư Encyclopedia Universalis, ông ngược lên tới Bí mật thành Paris của Eugène Sue (1804-1857), cuốn truyện khởi đăng feuilleton(5) trên báo Le Journal des Débats từ 19-7-1842 đến 15-10-1843 và đã gây nên một cơn sốt chưa từng có trong văn chương Pháp cho đến lúc bấy giờ. Philippe Dulac quả quyết Eugène Sue mới đích thực là thủy tổ của thể loại tiểu thuyết tư liệu, bởi tác phẩm của ông “dành ưu tiên cho thông tin trước cách viết” – cách nhìn này khác hẳn quan niệm của Truman Capote, Gabriel Marquez và nhiều tác giả khác. Philippe Dulac thậm chí còn cho Bí mật thành Paris là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử tạo nên hiện tượng nay gọi là “tương tác”, tức giao lưu trực tuyến giữa tác giả và người đọc. Ông dẫn chứng, nhiều độc giả hồi bấy giờ bị tác phẩm hút hồn, nôn nao chờ đợi kết cục câu chuyện, đã kiến nghị với tác giả Bí mật thành Paris nên kết thúc cuốn tiểu thuyết theo “kịch bản” do chính họ nghĩ ra.
Xem ra người ta đang tranh nhau làm căn cước cho tiểu thuyết tư liệu. Cứ đà này, chắc chắn Trung Quốc sẽ vào cuộc, giành ngôi đầu bảng cho bộ Đông Chu liệt quốc 108 chương hồi của họ kể chuyện thời Xuân Thu, Chiến Quốc, cách chúng ta hai ngàn mấy trăm năm.
4. Một cuốn tiểu thuyết tư liệu thành công vài chục năm lại đây là của văn hào người Colombia Gabriel Marquez, Giải thưởng Nobel văn học 1982. Tác phẩm Nhật ký một cuộc bắt cóc nguyên tác tiếng Tây Ban Nha in lần đầu năm 1996, dịch sang tiếng Pháp cùng năm, tiếng Anh năm 1997 v.v...